Mùa Xuân bỏ lại ...
ý-Nguyên
Gần hai chục năm xa quê nhà, cứ vào dịp lễ hội cuối năm, khi được nghe
những bài hát Giáng Sinh, nước mắt tôi lại rưng rưng, nghẹn ngào...Hình ảnh quê
hương thân yêu bất chợt hiện về trong ký ức, làm sống lại dĩ vãng xa xưa, khiến
người viễn xứ như tôi sao khỏi bồi hồi, xúc động...Đã từ lâu tôi hằng ao ước có
một ngày được trở lại Việt Nam để thăm mẹ già và hưởng một cái Tết thực Việt
Nam trên quê hương thân yêu của mình. Đúng
vào thời gian này tôi nhận được hung tin từ Việt Nam cho hay cậu em út của tôi
vừa qua đời tại Saigon, nên tôi không thể do dự được nữa. Tôi đem chuyện này bàn
với ông xã và được anh đồng ý, dù anh không an tâm để tôi về một mình.
Còn vài ngày nữa tôi lên đường. Ông xã tôi dặn dò từng ly, từng tí, thế này,
thế nọ, chứng tỏ anh ấy quan tâm và lo lắng nhiều. Thường thường, chúng tôi bất đồng ý kiến về
những chuyện lỉnh kỉnh không đâu và đôi khi rất khắc khẩu, vậy mà khi xa nhau lại
thấy thương thấy nhớ lạ lùng. Ngay dù trong thời kỳ chiến tranh ở quê nhà,
chúng tôi cũng chưa từng xa nhau lâu bao giờ, ngoại trừ những đêm anh phải đi
trực hay bị cắm trại. Lần này phải xa
nhau tới một tháng trời ròng rã, chắc hẳn cả hai chúng tôi sẽ cảm nhận như mình
là Ngưu Lang Chức Nữ!
Tôi phác họa một chương trình cho 30 ngày thăm viếng Saigon: một danh
sách những bạn bè thân quen, chùa chiền, mồ mả họ hàng mà tôi sẽ đi thăm cùng địa
chỉ những nơi mà bạn bè ở Mỹ nhờ đem quà về cho gia đình của họ. Ngoài ra, khi
nghe tin tôi về Việt Nam, ban hộ trì Tam Bảo chùa Quang Minh tại thành phố
Abuquerque muốn nhờ tôi thỉnh cho chùa Tôn
Tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì chùa vừa được tu sửa lại ngôi chánh điện cần
có một pho tượng Phật tương xứng. Tôi
hoan hỉ nhận lời thỉnh tượng không một chút do dự. Thiết nghĩ đây là một việc
công đức, chỉ cần thành tâm, thiện ý chắc chắn công tác Phật sự sẽ được viên
thành. Âu cũng là duyên lành của tôi đối
với Hội Phật Giáo VN tại tỉnh Albuquerque, NM.
Tôi rời phi trường Albuquerque sáng thứ
Hai, ngày 4 tháng 1, 1993 để đi Los Angeles qua hãng Delta Air Line số 1511 rồi
sau đó chuyển sang máy bay khác đi Mã Lai trước khi về Việt Nam.
Vậy là tôi đã có mặt tại phi trường Mã Lai lúc 11 giờ sáng ngày Thứ
Tư. Sau hơn 15 tiếng đồng hồ ngồi trên
phi cơ, bây giờ mọi người trong nhóm đồng hành chúng tôi người nào người ấy đều
cảm thấy được thư giãn và khỏe khoắn làm sao!
Một chiếc xe bus cỡ lớn đưa chúng tôi về khách sạn để lấy phòng và cất
hành lý. Chúng tôi phải nghỉ lại ở Mã Lai một tối để sẵn sàng tiếp nối cuộc
hành trình ngắn hơn vào sáng hôm sau.
Tính ra còn có tới cả hơn nửa ngày rảnh rỗi, nên mọi người đề nghị đi
thăm viếng mấy khu phố thương mại của Mã Lai sát bên khách sạn. Sáng hôm đó, thời
tiết tại Mã Lai ấm áp, với nắng vàng dìu dịu, không khí trong lành miền nhiệt đới
làm mọi người phấn khởi, thích thú vô cùng. Thành phố Mã Lai trông đẹp quá! Xe cộ chạy tấp nập, nối đuôi nhau dường như
không bao giờ dứt. Cứ nhìn nếp sống của
họ và phương cách xe cộ di chuyển trên đường lộ ở Mã Lai, người ta có thể biết
rõ được nếp sống văn minh của xứ sở này ra sao.
Chiều đến, chúng tôi dùng cơm tại cafeteria trong khách sạn. Phòng ăn khoáng đãng, sạch sẽ. Những món ăn
thuần tuý Á Đông, có nhiều món ăn tương tự như của người Việt mình rất hợp khẩu
vị như cá cơm rang ròn ăn với cháo hoa, cũng có thịt lợn kho trứng vịt và thịt
bò kho cà rốt ăn với bánh mì v.v… cùng các loại rau trái đủ loại của miền nhiệt
đới làm tôi ăn đến tức cả bụng mà vẫn muốn ăn thêm. Thức ăn tự chọn mà mình thường gọi là all you can eat ở bên Mỹ nên thực khách tha hồ mà lựa theo sở
thích.
Đêm ấy, tôi không sao ngủ yên giấc. Giờ phút mong đợi này mới thực nôn nao
làm sao! Chỉ còn ít tiếng đồng hồ nữa là
tôi sẽ thấy lại quê hương, thấy lại mọi cảnh vật, gặp lại mẹ già, gặp lại người
thân quen. Tôi sẽ được nghe tận tai và
thấy tận mắt những lời đồn đại, để không còn hoang mang nữa. Tôi làm sao mà nhắm
mắt cho được khi bao nhiêu thao thức đợi
chờ dồn dập đến với tôi.
Hôm sau, mới 6 giờ sáng, dùng điểm tâm xong, nhóm đồng hành chúng tôi gồm
10 người đã sẵn sàng hành lý để ra phi trường. Tại khu chờ đợi, chúng tôi trao
đổi những mẩu chuyện vô thưởng vô phạt, những tin tức thâu thập được của mấy
người đồng hương vừa từ VN trở về Mỹ.
Nào là thời tiết Saigon bây giờ ra sao, gía cả mọi vật dụng có mắc mỏ lắm
không. Tiền đô la đổi được bao nhiêu tiền
nội địa. Có phải làm thủ tục "đầu tiên" cho nhân viên quan thuế ở
trường bay không? Ôi thôi, không biết mình đã đặt ra bao nhiêu câu hỏi và họ đã
vui vẻ trả lời cặn kẽ.
Máy
bay từ từ cất cánh. Thành phố huy
hoàng của xứ sở Mã Lai mờ dần trong từng từng, lớp lớp mây trắng đục, quấn quyện
vào nhau khiến lòng tôi bồn chồn nôn nóng. Tiếng chào đón hành khách bằng Việt ngữ của mấy cô chiêu đãi viên hàng không
VN giúp tôi định thần vị trí hiện tại của mình.
Ngắm nhìn các cô đang giúp đỡ du khách sắp xếp hành lý vào các ngăn trống
ở phía trên đầu, tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng thư thái lạ. Cô nào cô nấy trông rất duyên dáng, uyển chuyển
thướt tha qua lại trong bộ y phục VN với chiếc áo dài mầu xanh lơ, quần dài trắng. Tóc bới cao, kiểu cách, gọn ghẽ dễ nhìn. Nước da trắng mỏng ửng hồng. Một vẻ đẹp giản
dị và tự nhiên thực dễ thương. Nhất là mấy
cô gái Bắc, có giọng nói dịu dàng, dí dỏm, khiến mấy cậu thanh niên Việt hồi
hương thờ thẫn như ngây dại. Người Việt
từ nhiều quốc gia trên thế giới đã dồn dập về ăn Tết thực đông đảo. Cả chuyến bay, tôi chỉ thấy thấp thoáng vài
ba người ngoại quốc.
Khung
Trời Kỷ Niệm
Chẳng mấy chốc chiếc máy bay Air Việt Nam đã đưa tôi về vùng trời quê
hương. Và đây, phi trường Tân Sơn Nhất đang thực sự trong tầm mắt. Tôi hiện
đang có mặt tại Việt Nam, đang hít thở không khí của đất mẹ. Tôi lâng lâng không biết mình đang tỉnh hay
mơ...
Tôi theo đoàn người xếp hàng đi vào khu quan thuế, qua các thủ tục khám
xét thông thường và nộp thuế theo tiêu chuẩn.
May mắn là không gặp trở ngại gì, vì tôi đã thi hành "đúng luật"’, nên được nhân viên tại
đây chào đón ân cần phải điệu. Thực ra tôi
đã được cảnh giác ngay khi gặp mấy người Việt Nam ở phi trường mã Lai nên không
còn cảm thấy "lạnh cẳng "nữa.
Tôi dáo dác nhìn quanh rồi lách ra khỏi hàng rào người để tìm mấy đứa
cháu hẹn ra đón. Và kìa mẹ tôi ... Trời
ơi! Mẹ tôi đây sao? Người trông sao ốm yếu, gầy gò đến thế. Mẹ tôi nức nở nghẹn ngào khi thấy tôi. Ôm chầm lấy mẹ. Tôi khóc, khóc thực sự, khóc thực nhiều. Nếu đem thời gian ra để so sánh với sự mừng
vui này, sau gần 20 năm trời xa mẹ, làm sao tôi có thể diễn tả được bằng lời
nói hay bằng nước mắt. Tôi quay sang các
cháu. Cô cháu mừng mừng tủi tủi quấn
quit lấy nhau, ai nấy hai mắt đều đỏ hoe vì xúc động.
Lúc này là khoảng hơn 4 giờ chiều, giờ tan
sở và vào dịp Tết nên đường phố xe cộ quá đông đúc. Qua khung cửa kính của chiếc
xe van 8 chỗ ngồi mà mẹ tôi thuê bao để trịnh trọng đón tôi. Nhìn cảnh huyên náo, nhộn nhịp trên đường phố
làm tôi rạo rực khó tả. Khách bộ hành rầm
rập nối đuôi nhau băng qua các ngã tư.
Xe đạp, xe gắn máy và xe xích lô thi nhau chạy thục mạng, mạnh ai nấy
phóng bất chấp luật lệ. Họ như vô tư và
ngang nhiên vượt qua xe hơi, thấy mà sợ. Họ cứ chạy tà tà trước mũi xe, thản
nhiên như "đường ta, ta cứ đi ". Ngay cả những chiếc xe ô tô nhà nước mang
"bảng đỏ sao vàng" cũng vẫn
phải dè dặt chạy len giữa rừng xe hai bánh.
Nhìn cảnh vô trật tự này, trong đầu óc tôi tự nhiên lại hiện lên một sự
so sánh giữa xứ sở mình và Mã Lai mà tôi mới vừa chứng kiến ngày hôm qua, sao thấy
khác biệt quá chừng. Tim tôi đôi lúc như
muốn tung ra khỏi lồng ngực vì những người lái Honda qua mặt chiếc xe van chở
gia đình chúng tôi. Những giây phút căng
thẳng như vậy tôi nghĩ anh tài xế sẽ bực mình và chửi thề, văng tục, nhưng liếc
nhìn anh, tôi thấy anh vẫn thản nhiên và bình tĩnh đìều khiển chiếc xe một cách
an toàn. Sau vài ngày trở lại Saigon và
chứng kiến cảnh xe cộ di chuyển kiểu này tôi mới thấu hiểu tình trạng giao
thông ở Việt Nam mình lúc đó là như vậy.
Tôi ngơ ngác nhìn thành phố giờ đây đã thay đổi quá nhiều. Các đường phố hầu như không còn mang tên
cũ. Hai bên lề đường, hàng quán bầy bán
la liệt chiếm hết cả lối đi, rác rưởi đầy ngập, vung vãi trông thực dơ dáy, bẩn
thỉu. Không khí ô nhiễm của Sàigòn vì
khói xe hơi và bụi bậm quyện trong cái nóng oi ả của tháng Tết làm người ta cảm
thấy ngột ngạt.
Từ phi trường Tân Sơn Nhất về đến nhà mẹ tôi cũng phải mất nửa giờ xe chạy. Khi xe rẽ sang đường Lê Văn Duyệt, Gia Định,
nay là đường Đinh Tiên Hoàng nối dài, tôi cảm thấy nao nao. Tôi không ngờ sự thực là đây! Vâng, đây đích thực là con đường mà tôi đã đi
đi, về về trong suốt 20 năm trời trước 75. Con đường đã ghi lại trong tôi biết
bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, của tuổi mộng mơ với nhiều đam mê, nhiều
ước muốn viển vông. Tôi đã nằm mơ không
biết bao nhiêu lần đi trên con đường này để về nhà mẹ...Nhưng lúc này không phải
là mơ, mà thực sự tôi đang đi trên "Đường
Xưa Lố Cũ".
Khi xe van chở chúng tôi chạy ngang qua Cầu Bông, mùi bùn hôi ngai ngái
từ dưới lòng sông bốc lên làm tôi cảm thấy thực khó chịu. Thoáng qua giây phút, tôi nhận thức rằng đây
là "mùi bùn đặc biệt " của
con sông mà tôi đã từng hít thở từ bao năm xưa.
Dòng sông này đã tiếp nhận không biết bao nhiêu rác rưởi dư thừa của Sài
Thành, cặn bã của thành phố từ thế hệ này qua thế hệ khác nên tự nó không thể
giữ được cái trong sạch khởi thuỷ...
Chính con người ta đã tạo ra tình trạng ô nhiễm này, rồi cũng chính con
người lại đổ lỗi cho xã hội. Thực không
thể cắt nghĩa nổi... Lại nữa, ngay bên lề
thành cầu, một bác xích lô ngừng xe và ngang nhiên "tưới nước tè tè" xuống sông một cách vô tư, trông mất thẩm mỹ
hết chỗ nói. Cảnh tượng này đã gợi lại
trong tôi những tháng năm xa xưa mỗi lần đi học về qua cầu Bông, tôi đã thường
chứng kiến cảnh phóng uế bừa bãi như thế của mấy ông luống tuổi, đã không thể đợi
về đến nhà để trút bầu tâm sự. Chao ôi,
hằng chục năm trời qua đi, mà người dân mình vẫn giữ được "phong tục tập quán" vốn dĩ...Tôi vội
quay đi để tránh ánh mắt bối rối của chú tài xế xe van nhìn tôi lắc đầu lia lịa.
Rồi căn nhà của mẹ tôi đã thực sự hiện ra. Tôi xuống xe đi vào nhà. Bà con lối xóm theo
sau. Kẻ vào nhà người đứng ở ngưỡng cửa.
Nhiều người chưa hỏi han gì mà nước mắt
đã chạy quanh, sụt sùi. Ai nấy vẫn còn
nhớ đến tôi. Họ vây quanh hỏi thăm rối
rít. Thấy họ thực vồn vã, chân tình làm
tôi rất cảm động.
Tôi đang có mặt tại căn nhà mà tôi đã từng được ấp ủ thương yêu bởi bố mẹ
và anh em. Bố mẹ đã thuê căn nhà này từ
năm 55 khi gia đình chúng tôi mới di cư từ Bắc vào Nam. Sau năm 75, với sự trợ giúp của vợ chồng tôi
nên mẹ đã mua lại và cho sửa sang thêm trông khá khang trang. Nhà được cho lên hai từng lầu suốt. Bàn thờ Phật ở trên lầu. Bàn thờ Gia-Tiên được đặt ở phòng khách dưới
nhà. Có phòng ăn, nhà bếp và buồng tắm gọn
ghẽ, sáng sủa . Mẹ tôi cũng chẳng ao ước
gì hơn và có vẻ mãn nguyện có được căn nhà như vậy để mẹ con, bà cháu có nơi
tránh nắng che mưa. Tuy nhiên, thấy mẹ vẫn
phải đi câu điện và câu nước của hàng xóm, rất ư rầy rà, phiền phức, nên tôi đề nghị giúp cụ gắn
đồng hồ điện và đồng hồ nước cho riêng mình.
Lúc đầu, mẹ tôi không đồng ý vì sợ tốn kém. Sau tôi cắt nghĩa thiệt hơn,
cụ mới chịu để tôi lo liệu.
Tôi rảo mắt nhìn ra con hẻm trước nhà. Con ngõ này trước kia rộng rãi lắm
thì phải, sao bây giờ hình như nó nhỏ hẹp lại chỉ đủ cho một chiếc xe Honda chạy
lọt vì nhà cửa chiếm ngụ, lấn ra hai bên qúa nhiều làm choán hết cả lối
đi. Ngày xưa mẹ tôi đã từng gắt gỏng mỗi
khi tôi quét dọn rác rưởi trong ngõ mà bà con xả ra một cách vô tội vạ:
- Cô hơi đâu hoài công dọn quét suốt
ngày. Cha chung không ai khóc; chẳng ai
thèm thò tay thu dọn mà cô cứ cong lưng ra làm!
Mẹ tôi luôn luôn phát biểu như vậy đó.
Làm việc cho kẻ khác, thiệt đến mình, cụ khó chịu lắm. Những lúc mẹ la rầy như vậy, tôi chỉ biết lặng
thinh. Mẹ cũng có cái lý của người, còn
riêng tôi, nếu ai cũng chỉ nghĩ về mình thôi tất nhiên đường hẻm này sẽ đầy ngập
rác rưởi, hôi thối mất vệ sinh. Thời kỳ
đó, hầu hết những nhà ở trong xóm nhỏ thường thường là thiếu mọi tiện nghi. Cống
nước chẳng có, cầu tiêu trong nhà cũng không, dân cư phải dùng cầu tiêu nổi
công cộng ở ngoài bờ sông, vậy
nên nước sông Cầu Bông không dơ bẩn và hôi hám làm sao được! ... Cứ thế tôi để
cho tâm tư mình miên man đón nhận những kỷ niệm thân thương của ngày nào!
Trong chuyến về thăm mẹ lần đầu tiên này, tôi
đã may mắn có thằng cháu Khánh con bà chị làm tài xế Honda đưa đi thăm hết chỗ
này đến chỗ khác, vừa thuận tiện vừa an toàn. Lúc này tôi đã bắt đầu được nếm lại cái nóng của
Saigon, nhất là vào lúc trưa, hai mắt tự nhiên cứ nhắm nghiên vào nhau. Hơi nóng
từ dưới đường nhựa bốc lên tạt vào mặt ran rát khó chịu. Vậy mà hai cô cháu tôi
vẫn phoong phoong trên đường phố suốt ngày để lo phân phát cho xong mấy gói qùa
của vài người quen bên Mỹ gửi về cho thân nhân họ. Đến trưa hay chiều tối, chúng tôi thường ghé
vào mấy tiệm ăn ở bên lề đường hay trong các ngõ hẻm. Có bữa ăn món Bắc với cá thu kho, gà mái tơ
luộc vàng óng, chấm nước mắm nguyên chất vắt chanh và ớt tươi, thực ngon miệng.
Có bữa ăn món Nam, như canh chua, cá kho tộ, dưa giá hoặc hủ hoa nhồi tôm thịt. Đôi khi thèm món ăn miền Trung lại ghé đâu đó
ăn bánh bột lọc, bánh lá, thịt nướng, nem nướng cuốn bánh tráng rau sống hay
bún bò Huế. Thèm phở gà ghé vào đường Hiền
Vương, phở bò ghé tiệm phở Bà Dậu ở trong một ngõ hẻm trên đường Trương Minh Giảng,
một tiệm phở Bắc đặc biệt từ thời Việt Nam Cộng Hòa xưa kia cho tới bây giờ vẫn
còn nổi tiếng. Tiệm này mở cửa từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Có lần chúng tôi
quên giờ giấc nên đến trễ đành phải đem bụng đói đi nơi khác. Tiệm quả là đông khách, ngày nào cũng như
ngày nào, người ta phải xếp hàng nối đuôi nhau để vào ăn vì phẩm chất của phở
Bà Dậu vẫn ngon như bao giờ. Có lần thằng
cháu Khánh đưa tôi đi ăn bánh xèo Đinh Công Tráng, có tiếng từ hồi trước 75,
sau này và bây giờ bà con Việt Kiều về thăm nhà đều tìm đến đây để thưởng thức.
Tuy nhiên những ai không dám ăn rau sống như rau cải xanh, rau thơm đủ loại như
tôi thì hương vị của món bánh xèo này cũng giảm đi rất nhiều. Ăn với dưa leo gọt
vỏ chán chết. Tôi không tin ở cái bụng của mình nên không dám đụng đến một cộng
rau tươi. Tuy nhiên được thưởng thức lại những món ăn này thấy khoái khẩu làm
sao. Trông những quầy bán nước mía ép thực hấp dẫn ở góc phố mà chẳng dám ghé
vào cũng chỉ vì sợ bụi bậm, ruồi nhặng bu quanh. Ngay như nước ngọt trong chai nếu phải uống với
đá cục tôi cũng sợ luôn. Mẹ biết tôi lo xa nên luôn luôn nói mợ Út đun nước sôi
để nguội cho tôi uống. Mẹ thực chu đáo!
Công
Tác Phật Sự
Sang đến ngày thứ ba, hai cô cháu tôi bắt đầu vào việc thỉnh tượng Phật. Đường từ nhà mẹ đến chùa Long Hoa ở Phú Lâm
cũng phải mất cả giờ đồng hồ bằng xe Honda.
Trời nóng nực, oi bức lạ thường.
Tôi phải đội mũ che nắng cho khỏi nhức đầu. Đôi găng tay dài tới nách mua ở chợ Dakao được
sử dụng tối đa cho những cuộc hành trình bằng Honda như vậy. Một chiếc khăn tay làm khẩu trang luôn luôn
che kín miệng để tránh bụi. Nghe thiên hạ
đồn chẳng dám đi đâu vì sợ bị cướp giựt. Tuy nhiên cẩn tắc vô áy náy, tôi luôn
luôn ôm cái xách tay đựng giấy tờ và it tìền lẻ nơi trước bụng và ngồi "chàng hảng", ôm eo ếch thằng cháu
là chắc ăn, là an toàn.
Lúc này dân chúng Saigon đang tưng bừng sửa soạn đón Xuân Ất Dậu. Thiên hạ ai nấy đều lo sắm Tết. Từ sáng sớm đến
khuya tối, lúc nào xe cộ và người ta cũng tràn ngập đường phố. Tôi chợt nghĩ tới những năm trước 75 vào thời
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, người ta ăn Tết háo hức như vậy đó. Saigon thực sự thanh bình rồi sao? Tôi thấy
bộ mặt mới của Sài Thành mà mừng trong lòng.
Tại chùa Long Hoa, sư cụ trụ trì tiếp đón cô cháu tôi rất ân cần, hỏi
thăm qua loa rồi đưa chúng tôi vào trong chánh điện chiêm bái Phật. Đây là ngôi chùa cổ, rộng rãi và khoáng đãng
sạch sẽ. Chùa quá ư vắng vẻ, ngoài sư cụ
và hai chú tiểu, không thấy một phật tử nào lai vãng. Có thể hôm ấy không phải
ngày cuối tuần hoặc ngày lễ nên cảnh chùa vắng lặng là vậy. Tôi ngỏ lời về việc thỉnh Tôn Tượng Phật
Thích Ca để mang về Mỹ và được sư cụ giới thiệu đến mấy nhà điêu khắc chuyên
môn tại miền Phú Lâm, Chợ Lớn.