Saturday, March 29, 2014

Mùa Xuân bỏ lại...Phần II


.                                                                                                                                                                                             


 Mùa Xuân bỏ lại ...

   Ỷ Nguyên      

     Sáng ngày hôm sau chúng tôi đi Phú Lâm tìm gặp ông Mai Văn Tuấn, một nhà điêu khắc và nặn tượng nổi tiếng lúc bấy giờ.  Có thể lời cầu nguyện của tôi cũng linh ứng nên mọi việc đều thuận lợi và tôi đã thỉnh được pho Tôn Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni theo trọng lượng và kích thước cùng toà sen đúc bằng thạch cao trắng mà nhà điêu khắc Mai Văn Tuấn đã hoàn thành đúng hẹn để tôi có đủ thì giờ lo việc chuyên chở về Mỹ. 
     Vào năm đó mối giao thương giữa Mỹ và Việt Nam chưa bình thường như bây giờ.  Mỹ chưa bỏ cấm vận nên việc chuyên chở tượng Phật từ Việt Nam về Mỹ có phần chật vật vì phải đi qua nhiều quốc gia khác.  Cháu Khánh đã nhờ hãng vận chuyển Khải Hoàn giúp đóng thùng tượng Phật, tòa sen cùng hai cặp voi sứ Lái Thiêu mà tôi mua ở một tiệm bán đồ gốm trên đường Tự Do, được gửi tới Mỹ an toàn, trong khoảng một thời gian cũng khá dài là 8 tháng.
    Trên đường về, trời đổ mưa tầm tã nên hai cô cháu phải ghé vào quán nước bên đường trú mưa.  Cơn mưa đã làm dịu hẳn cái nóng bức của Saigon nhưng lại lộ ra cảnh dơ dáy, nhớp nháp của đường phố.  Nước mưa đọng ngập ở các chỗ trũng văng bắn tung tóe mỗi khi có xe hơi chạy qua.  Hơi đất từ mặt lộ xông lên nồng nực khó chịu. Làm sao tôi quên được những trận mưa rào bất chợt của Saigon ngày nào.  Những cơn mưa xối xả làm tôi ướt như chuột lột trên đường đi làm về.  Những trận mưa kéo dài hàng tiếng đồng hồ, níu chân tôi và người yêu tại quán nước bên đường để chờ mưa tạnh.  Tuổi ô mai của thuở mộng mơ xa vời tầm tay, nhưng giờ này đây, dĩ vãng chợt đến trong tôi như một tia chớp thoáng hiện rồi biến đi, khiến thấy mình như nửa tỉnh nửa mơ...   
     Lo xong xuôi việc đúc tượng, tôi thấy khoẻ khoắn trong lòng.  Và thời gian qua đi thực nhanh.  Tối ngày tôi cứ mải lo chuyện đâu đâu, mãi khi chiều tối về đến nhà mới có thì giờ chuyện trò với mẹ.  Cụ biết tính tôi từ hồi nào hay đa đoan chuyện thiên hạ hơn chuyện nhà.  Cụ la rầy nhưng rồi cũng thông cảm cho con gái của cụ. Sau bữa cơm chiều tôi gần gũi bên mẹ để được nghe kể lại những mẩu chuyện của những ngày dĩ vãng xa xưa …Những ngày tản cư vào Thanh Hóa, những ngày hồi cư về Hànội rồi Hải Phòng.  Mẹ còn sáng suốt và nhớ rất kỹ mọi chuyện, kể ra vanh vách.  Nhất là những gì mà mẹ đã trải nghiệm qua suốt 20 năm ở lại, nghe sao xót xa mà thương mẹ đến thế !  Tôi biết mẹ tôi không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại nhưng thuyết phục mẹ sang doàn tụ với gia đình tôi ở bên Mỹ cụ lại một mực từ chối vì sau khi thằng em Khôi qua đời, mẹ không muốn rời xa hai đứa cháu nội Thi, An và cô con con dâu bệnh hoạn quanh năm.  
      Thời tiết vào tháng Tết sao mà nóng đến thế. Chiếc quạt máy để bàn mà tôi mua về, hễ vặn lên được một lúc mẹ lại tắt đi, có thể cụ chịu lạnh không  quen, hay cụ sợ tốn điện không chừng, còn tôi nóng nực đến đổ mồ hôi. Tôi mua một cái TV mầu cho Thi và An để hai cháu khỏi phải sang hàng xóm coi cọp.  Tôi sắm cho mợ Khôi chiếc xe đạp đầm mới toanh vì thấy mợ ấy mỗi sáng chở hai đứa nhỏ đi học trên cái xe đạp cũ rích, lỏng lẻo như muốn văng cả bánh xe.  Mẹ tôi gàn đừng sắm sửa tốn tiền, nhưng khi mang đồ về cụ có vẻ vui vui. Thấy mẹ vui tôi cũng vui lây.
      Mẹ tôi ở trong một khu xóm lao động nên từ 5 giờ sáng đã bị đánh thức bởi mùi khói than, khói củi thoát ra từ nhà bếp của mấy bà hàng xóm nấu nướng đồ ăn bán sáng.  Rồi tiếng xe Honda chạy rầm rầm, bóp còi inh ỏi.  Tiếng rao bán quà sáng. Tiếng mèo gọi đực eo eo, tiếng chó sủa oang oang.  Tất cả những âm thanh khuấy động ấy đã như tiếng đồng hồ báo thức, cho dù tôi ngủ say đến mấy cũng phải bừng giấc. 
     Vào tuần lễ kế tiếp mẹ muốn tôi làm một bữa cơm tại nhà để mừng ngày họp mặt cuả cô con gái cưng với tất cả họ hàng hai bên nội ngoại, cùng các bạn bè thân thiết.  Số người dự trù mời quá đông mà nhà cửa lại chật chội nên tôi đề nghị với mẹ để mời họ ra tiệm ăn cho tiện.  Một bữa tiệc thân mật được tôi thiết đãi tại nhà hàng bò bẩy món Duyên Mai, Phú Nhuận cũng không tốn kém là bao.  Phòng ốc rộng rãi, mát mẻ vì có máy điều hoà và món ăn rất ngon miệng.  Mẹ có vẻ hài lòng và hãnh diện về bữa tiệc khiến tôi cũng vui trong lòng.
    Trưa đến, tôi đi loanh quanh trong xóm thăm hỏi mấy người quen, tìm hiểu thêm về đời sống và sinh hoạt của họ ra sao.  Ghé vào căn nhà đầu ngõ thăm chị Oanh. Lúc này chị cũng đã ngoài 70.  Nhìn chị già hơn tuổi. Chị là người bạn hàng xóm láng giềng thân quen với gia đình tôi từ năm 1955.  Chị đã mua lại căn nhà thuê này cũng như mẹ tôi.  Nhà có mặt tiền huớng ra đường chính trong hẻm nên chị lợi dụng địa thế này để bầy một quầy kính nhỏ bán đồ lặt vặt kiếm sống qua ngày.  Nhớ lại hôm trước, khi gặp chị ở đầu ngõ, hai chúng tôi đã ôm nhau nức nở.  Ngày xưa, mỗi chiều Thứ Bẩy, tôi thường ngồi ở đầu hè giặt quần áo và nghe chương trình "Tiếng Tao Đàn" của Đinh Hùng.  Chị cũng thường ngồi bên tôi để cùng thưởng thức chương trình "Thi Nhạc Giao Duyên" của đài Tiếng Nói Quân Đội.  Chẳng hiểu sao lúc đó tôi mê say giọng diễn ngâm của Hồ Điệp đến thế. Đặc biệt là điệu "Ca Trù" và điệu "Cô Đầu". Buổi thiếu thời, tôi thích thơ phú và văn chương vớ vẩn nên thường nghêu ngao suốt ngày.  Đi học thì thôi, về đến nhà là hàng xóm đã nghe tiếng tôi ca hát om xòm.  Lúc đó tôi sống thực hồn nhiên như chim non líu lo trong bình minh, nhìn đời với toàn mầu hồng yêu thương và mầu xanh hy vọng.  Hôm nay gặp lại tôi, chị kể cho nghe bao nhiêu chuyện từ ngày Saigon thay tên đổi chủ.  Tình đời, tình người cứ thế mà đổi thay theo thời gian và nếp sống của xã hội mới.  Từ trắng sang đen, từ tốt thành xấu.  Ôi thôi không sao diễn tả cho hết. 
    Thành phố trong thờì bình có khác! Từ sáng sớm đến tối khuya, chỗ nào cũng thấy thiên hạ ăn nhậu thả dàn.  Các phòng trà nhạc sống mọc lên lia chia từ đường phố lớn đến các xóm lao động chật chội.  Cứ chiều đến, khi thành phố vừa lên đèn, người ta bắt đầu nghe âm thanh nhạc trẻ trỗi dậy.  Gọi là phòng trà nhưng thực sự. chỉ gồm dăm ba quán giải khát bình thường có dàn máy Karaoke, vài ba cô gái trẻ hơ hớ măng non, được chủ thuê mướn để tiếp khách, bán la ve.  Vài ba cái bàn nhựa thấp tịt, với dăm cái ghế được bầy lơ chơ, lỏng chỏng ở phía trước nhà, mấy cậu thanh niên ngồi tụm năm túm ba nhậu nhẹt tại đây, cười cợt với  mấy cô chiêu đãi thực nhàn nhã như không có sự gì xẩy ra ở xung quanh. 
     Lúc này Việt Nam đã mở cửa, chính phủ chấp nhận cho người Việt ở hải ngoại hồi hương thăm gia đình, do đó người dân Sàigòn bắt đầu cảm thấy thoải mãi đôi chút, tuy nhiên sự giầu nghèo vẫn chênh lệch trông thấy.  Nghèo vẫn nghèo, còn giầu lại giầu thêm.  Đồng đô la bắt đầu được buôn qua bán lại.  Hầu hết các tiệm buôn bán vàng bạc là đầu não của chỗ đổi tìền đô theo giá chợ đen, nghĩa là cao hơn gía chính thức mà người ta đổi tại các ngân hàng. Một ngày tiền đô la lên xuống 2,3 lần.  Tiền phải đếm bằng máy và đựng vào bao tải.  
     Lúc tôi ở Saigon, tiền giấy 5 ngàn đồng đang được lưu hành.  Sau đó giấy 10 ngàn, 20 ngàn, 100 ngàn, 200 ngàn và rồi 500 ngàn đã được phát hành.  Một trăm đô la đổi được một triệu đồng tiền VN lúc ấy (1993).  Thuốc lá 3 con 5 đều bị giấu kỹ để bán chợ đen.  Mọi thứ hàng xa xỉ, ngoại quốc đều được bán theo giá chợ đen.  Tệ trạng buôn bán chợ đen và lén lút ở thời điểm nào cũng có.  Thực là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.  Người dân nghèo cứ phải chạy chọt đầu nọ đầu kia để kiếm sống từng bữa.  Tại khu chợ trời, (chợ Cũ trước kia) mấy bà buôn bán chợ đen ngụy trang bằng những quầy bán vé số nho nhỏ, nhưng thực sự họ là những người mách mối ăn tiền và bán những vật dụng trái phép như tape nhạc, CD, video của nước ngoài, thành thử nhiều thứ thiên hạ không mua được ở các tiệm sách thông thường, đành phải ghé khu chợ trời.
     Giầu nghèo lẫn lộn trong cùng một cuộc sống thường nhật...Những người già cả, tàn tật; những thương phế binh cụt cẳng, cụt tay; những bà mẹ trẻ bồng con thơ; những người cùi hủi lở loét khắp thân mình lang thang đi xin ăn trên mọi đường phố.  Chỗ nào có nhà hàng, quán ăn là có bóng dáng những người bạc phước này.  Đôi khi thực khách chưa kịp ăn mà 2, 3 người ăn xin đã cầu chực đứng bên chìa tay ra, thử hỏi làm sao không khó chịu cho được.  Đây là tình cảnh bi đát của Saigon lúc đó.  Chính phủ chỉ biết ngó ngơ. Nghề kiếm tiền dễ nhất cho dân nghèo đói ở Saigon lúc bấy giờ là nghề hành khất.
Viếng Mộ Cậu Em
     Trước Tết vài ngày, tôi thuê bao một chuyến xe lam cho cả gia đình đi thăm mộ cậu Khôi.  Khi xe vừa tới đầu nghĩa trang, mẹ tôi đã oà lên khóc và kể lể đủ điều ... Mộ mới đắp nhưng đã mọc đầy cỏ dại.  Tôi thuê mấy đứa nhỏ dọn cỏ và tưới hoa đắp đất.  Đứng trước mộ phần cậu em, tôi lâm râm khấn nguyện trong khi mẹ tôi sai hai anh em Thi và An bầy các món ăn, hoa trái lên trên mộ.   Mọi người thắp nhang khấn vái dưới hơi nóng và ánh nắng chói chan của buổi xế trưa. Ngước nhìn khói nhang mờ ảo cuồn cuộn bay lên, tôi hình dung thấy bóng người em trai út của tôi đang nhìn tôi mỉm cười. Tôi ôm ghì lấy mẹ mà lòng thương cảm dâng trào. Tôi hồi tưởng: ... Mấy ngày truớc khi đi di tản - 28 tháng Tư 75, tôi nói với cậu ấy hãy thu xếp để đưa mẹ đi khỏi Việt Nam cùng chúng tôi và nhân viên Toà Đại Sứ Mỹ, nhưng cậu ấy lại tin vào việc ra đi của riêng cậu mà mấy cố vấn Mỹ đã hứa sẽ giúp để rồi cuối cùng cậu bị kẹt lại luôn. Vào đầu năm 1982 tôi làm giấy tờ bảo lãnh cho tất cả mọi người thân, trong đó có gia đình chị Mai gồm 15 người, ba mẹ con cô Tâm, cậu Khôi, vợ con cậu ấy  và mẹ tôi.  Mọi thủ tục coi như đã xong xuôi chỉ còn đợi ngày phỏng vấn của phái đoàn Mỹ.  Nhưng rồi trời chẳng chiều lòng người nên cả cô Tâm lẫn cậu Khôi đã lần lượt rủ nhau ra đi trước khi giấy tờ bảo lãnh được chấp thuận. Riêng vợ chồng chị Mai và cháu Quỳnh đã sang đoàn tụ với gia đình chúng tôi tại thành phố Albuquerque, NM tháng 6 năm 1992.  Ôi, chẳng ai đoán trước được việc gì sẽ xẩy đến!        
     Rời nghĩa trang, chúng tôi ghé chùa Giác Ngạn chiêm bái Phật và viếng cốt bố tôi, anh Kỳ và cô Tâm.  Anh tôi hy sinh ở mặt trận Đồng Xoài, tháng 6 năm 1965 và được mai táng tại nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp, về sau nghĩa trang này bị phá bỏ, mẹ tôi phải bốc mộ và đem thiêu cốt rồi đưa tro về chùa này. Bố tôi đau buồn sau cái chết của anh tôi nên lâm trọng bệnh và ra đi một năm sau đó.  Bây giờ cả ba người thân của tôi đều được gửi nắm tro tàn nơi cửa Phật tại chùa Giác Ngạn. Chắc chắn sau này mẹ tôi cũng sẽ đưa di cốt cậu Khôi về chùa này thôi.      
Viếng Thăm Nhà Cũ 
   Trên đường về, tôi ghé thăm căn nhà cũ ở đường Hùng Vương, Thị Nghè (bây giờ là Xô Viết Nghệ Tĩnh). Vì nhà cửa hai bên đường kiến thiết lại quá nhiều, khó mà nhận diện được căn nhà của mình.  Đi tới, đi lui, hỏi thăm vài người quanh đó và sau rồi cũng tìm được căn nhà thân yêu của vợ chồng tôi ngày nào.  Căn nhà mặt tiền mang số 3XX mà chúng tôi mua của ông bà Phùng, đang ở ngay trước mắt tôi. Ôi, không sao lý giải được những gì đã xẩy ra qua bao năm trường xa vắng. Càng nghĩ càng thấy nhức nhối, càng thấy vô lý.  
     Tôi đang đứng trước căn nhà có cửa kéo bằng sắt, trước kia chúng tôi sơn mầu đen, nay là mầu xanh dương bạc mầu nhợt nhạt, rỉ sét và bụi bậm.  Trước cửa nhà có treo một bảng hiệu "Hợp Tác Xã" do uỷ ban phường chiếm dụng từ sau năm 75 để dùng làm thí điểm bán gạo. Đấy, căn nhà lý tưởng của vợ chồng tôi, với bao công lao đã chắt bóp, dành dụm, tạo dựng lên, để rồi thời cuộc đổi thay, nó đã thuộc về kẻ khác. Nghĩ mà ngậm ngùi luyến tiếc.  Tôi vẫn tưởng như mình đang mơ!  Lòng thẫn thờ, tâm trí miên man....Tôi mường tượng thấy chị Mười, người giúp việc đang đứng trước cửa nhà đút cơm cho bé Phượng, đứa con gái út của chúng tôi.  Ông xã tôi đang rửa chiếc xe Suzuki đen bóng thực sạch sẽ mà ông ấy rất nưng niu, cưng chiều vì nó là phương tiện di chuyển chính yếu của gia đình.  Và kià, Long, con trai tôi, và Ly, con gái tôi đang chạy nhẩy, đùa rỡn với mấy đứa bạn lối xóm.  Bên cạnh đấy, bà nội các cháu đang phe phẩy chiếc quạt giấy trong tay, ngồi nhai trầu bỏm bẻm... Ôi, cũng tại nơi này, mà sao hôm nay tôi lại đứng đây một mình!
                      
Thăm Lại Toà Đại Sứ Mỹ
    Rời đường Hùng Vương, tôi ghé qua toà Đại Sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất cũ (nay là đường Lê Duẩn) nơi tôi đã làm việc ngày xưa.  Con đường này vẫn thênh thang rộng lớn như ngày nào.  Người ta vẫn có thể đứng nhìn thẳng suốt từ đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Sở Thú) tới Dinh Độc Lập qua những hàng cây cao phủ bóng rợp hai bên đường.
     Tôi dừng lại trước tòa nhà trắng 6 tầng lầu để quay phim và chụp hình.  Toà cao ốc này đã có lần mang tên "US Embassy - Toà Đại Sứ Mỹ".  Toà Đại Sứ lúc đó bị bỏ trống và được canh gác cẩn mật.  Nghe nói chính phủ mới sẽ giữ lại cơ sở này cho người Mỹ trở lại trong nay mai.  Bây giờ là Toà Lãnh Sự Mỹ ở Saigon - US Consulate in Saigon. Mọi nơi, mọi chốn, mọi cảnh vật tại đây đã gợi lại trong tôi những kỷ niệm khó mờ phai... Tôi đang đứng trước toà cao ốc đồ sộ mà cách đây hơn 30 năm tôi đã dự buổi lễ đặt viên đá đầu tiên dưới sự hiện diện của Thủ Tướng Phan Huy Quát và đại sứ Mỹ Cabot Lodge.  Tôi làm việc cho Toà Đại Sứ Mỹ tại Saigon cũng khá lâu.  Từ năm 1963 tới ngày mất miền Nam tháng Tư năm 1975. 
     Sau đó tôi viếng thăm công trường Hai Bà Trưng ngay sát bến sông Sài Gòn.  Tượng hai Bà nay đã được thay thế bằng tượng Đức Trần Hưng Đạo ngạo nghễ, oai phong.  Phía bên này bờ sông là một nhà hàng nổi sang trọng của Úc Đại Lợi.   Nhà hàng này hình như dành riêng cho người ngoại quốc hoặc các đại gia vì giá biểu rất cao.  Dân bản xứ hay ngay cả người Việt hồi hương thứ tép riu như tôi cũng chẳng dám bước vào.
     Hôm nay nước sông Sàigòn vẫn phẳng lặng êm trôi, đẩy đưa những chuyến đò ngang như ngày nào từ bên này Saigon sang bến Thủ Thiêm bên kia sông.  Ngay chỗ bến sông này đây, xưa kia ông xã tôi thường chở xe Suzuki đưa bốn mẹ con ra đây hóng gió và ăn khô mực hay khô bò vào những chiều cuối tuần.  Bây giờ hàng quán chiếm gần hết chỗ, khách tản bộ đi hóng mát khó mà tìm được một khoảng trống thoải mãi cho gia đình.  Khách sạn Majestic ngó ra bờ sông Saigon giờ trông vẫn nguy nga ở góc đường Tự Do (Đồng Khởi bây giờ) và bến Bạch Đằng. Dưới lề đường, mấy bác xích lô ngồi chầu chực đợi khách.  Họ bập bẹ ít câu tiếng Anh "bồi" mời chào khách ngoại quốc. Nhìn họ tôi liên tưởng tới câu chuyện được nghe kể lại là đã có nhiều sĩ quan của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà sau khi đi tù về phải sống vào nghề đạp xích lô, vá lốp xe đạp hoặc buôn bán hàng quán bên lề đường để kiếm sống, nếu không có nghề nghiệp gì sẽ bị đưa đi vùng kinh tế mới, nên mới có câu vè thực  mỉa mai:  "Đầu đường đại tá vá xe, cuối đường trung tá bán chè đậu đen".  Cuộc đời đổi trắng thay đen, lên voi xuống chó là vậy.  
      Hôm 28 Tết, tôi rủ mấy cô cháu gái đi thăm viếng chùa Vĩnh Nghiêm ở đầu cầu Trương Minh Giảng.  Mọi người vào trong chánh điện lễ Phật, xin xăm và chiêm ngưỡng cảnh chùa phía ngoài.   Ngôi chùa nổi tiếng của miền Nam một thời, giờ trông vẫn nguy nga và trang nghiêm dưới vòm trời xanh, vậy mà tôi có cảm tưởng như chùa không còn cái sắc thái tôn nghiêm như xưa kia.  Một sự vắng vẻ hiu quạnh bao trùm. Được biết Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm vẫn trụ trì ngôi chùa này nhưng hầu hết các chư tăng an trú tại đây bây giờ đều là các sư trẻ mà người Sàigòn gọi là "Sư Quốc Doanh",  sư thuộc nhà nước.
      Rời chùa Vĩnh Nghiêm, cô cháu chúng tôi đi ra coi chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ.  Mọi người tản bộ len giữa những dẫy chậu hoa đủ loại bầy  la liệt hai bên lối đi.  Dẫy này từng loạt hoa cúc vàng chói, dẫy kia hoa hồng tươi thắm như đang cười đón chúa Xuân.  Từng chậu quất, chậu kiểng được cắt tiả thực khéo léo công phu, bầy bán ở khắp mọi gian hàng.  Trời nắng chói chang, hơi nóng lại được dịp thiêu đốt thiên hạ mà mấy bà người Bắc vẫn phải cầm những cành mai, cành đào tuơi với nhiều nụ hoa he hé, mời chào khách hàng tại các góc đường.  Kẻ bán nhiều hơn người mua.  Thiên hạ dạo chơi chợ Hoa, chụp hình nhiều hơn đi sắm Tết. 
     Từ chợ hoa, chúng tôi đi sang phía rạp cinema Rex, băng qua công viên nhỏ ngay trước Tòa Đô Chánh cũ là thấy vũ trường Queen Bee. Bên kia đường là tòa nhà Quốc Hội của VNCH khi xưa. Dọc theo đường Lê Lợi, mấy cô cháu ghé vào vài tiệm sách mua ít sách Việt ngữ và tự điển.  Tự nhiên lúc này tôi chợt nghĩ gía có ông xã đi cùng để ôn lại với nhau những kỷ niệm của hai đứa khi đang còn yêu yêu, giận giận ngày nào thì vui biết mấy. Những đường phố này ngày xưa rất quen thuộc với tôi.  Hai đứa tôi thường dung dăng dung dẻ trên khắp các đường phố.  Rạp Rex và rạp Eden là hai nơi chúng tôi thường có mặt mỗi chiều thứ Bẩy hay Chủ Nhật cũng như tiệm kem Mai Hương (nay là tiệm kem Bạch Đằng) ở góc đường Pasteur/Lê Lợi, tiệm nước mía Viễn Đông cùng những xe đu đủ khô bò ở góc đường Pasteur sau Bộ Công Chánh là những nơi chúng tôi không thể thiếu xót. Hôm nay nhìn lại dấu tích xưa, kỷ niệm cũ tôi thấy hồn mình tràn lên một niềm luyến nhớ mông lung khó tả.
Đón Xuân Ất Dậu
    Chiều 30 Tết, tôi phụ mẹ và mợ Khôi nấu thức ăn để cúng rước Ông Bà.  Những món ăn thuần túy của người Bắc mà mẹ tôi thường nấu lúc xưa vào những ngày Tết là cá thu kho với chân giò và dưa chua.   Một nồi thịt kho tầu, vài đĩa thịt đông; giò chả, nem chua và bánh chưng phải đi mua ở chợ Dakao. Trước Tết mẹ nén một vại dưa hành thực lớn để dành, ăn hết tháng Giêng vẫn còn. Ngày trước lúc còn ở nhà với mẹ, mỗi chiều 30 Tết, tôi thường giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau chùi và đánh bóng lư đồng, bát nhang, chân đèn rồi sắp xếp hoa trái lên bàn thờ và đợi tới giao thừa cúng vái Tổ Tiên xong đưa mẹ đi lễ Lăng Ông, xin lộc đầu năm.  Sau khi tôi lập gia đình mẹ cũng ít đi lễ đêm mà thường đợi vợ chồng tôi lên chúc tết rồi sau đó đưa cụ đi lễ Lăng Ông và nhiều ngôi chùa khác. Bây giờ mẹ tôi tuổi đã cao nên cụ chỉ nấu xôi chè, mâm cơm chay để cúng các cụ, và một mâm ngũ quả để trưng bầy trên bàn thờ Phật ba ngày Tết.
     Tôi hồi hộp chờ đón giờ phút thiêng liêng của đêm giao thừa, tiễn đưa năm cũ, đón mừng năm mới. Nhìn quanh trong xóm, nhà nào cũng bầy hoa quả, đèn nhang, xôi chè, bánh mứt để chờ cúng giao thừa. Những tràng pháo dài hằng thước đã được treo sẵn ở trước hiên nhà.  Ngoài đuờng lộ, thưa thớt vài chiếc xe gắn máy phóng nhanh về nhà cho kịp giờ đón giao thừa.  Còn nửa tiếng đồng hồ nữa tới 12 giờ đêm.  Pháo bắt đầu nổ vang khắp mọi nơi.  Lắm lúc tiếng pháo nổ qúa lớn làm tôi liên tưởng ngay đến tiếng súng và tiếng đạn pháo kích trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968.
     Những mùa Xuân xa xưa, người dân đốt pháo mừng Xuân.  Đêm nay, lần đầu sau cuộc chiến, thành phố Saigon lại được chìm trong tiếng pháo, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nơm nớp lo sợ vì hoả hoạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Đã lâu dân chúng Saigon không được đốt pháo (1975-1993), năm nay được đốt pháo thả dàn nên họ cố tận hưởng giây phút này, có lẽ vì sợ rằng những năm kế tiếp chẳng biết họ còn được tự do đốt pháo như vầy nữa không?  Pháo nổ vang trời.  Mùi thuốc pháo nồng nặc như mùi thuốc súng lọt vào nhà qua các khe hở của vách gỗ, làm tôi sặc sụa, ngột ngạt khó chịu. Tôi phải lấy khăn tay nhúng nước lạnh để che phủ lấy mặt.  Nhức đầu vì những tiếng pháo chát chúa liên tục, tôi phải bịt chặt cả hai tai và đứng sát ngay truớc quạt máy để mong hít thở chút ít không khí sạch, không quyện mùi khói pháo.
    Đúng nửa khuya, khi đồng hồ trên tường vừa buông 12 tiếng... chuông Chùa  đâu đó ngân vang , nhà Thờ chuông đổ liên hồi như hoà nhịp cùng dân gian đón mừng Năm Mới. Nhà nhà thắp nhang khấn vái dưói mái hiên.  Pháo lại nổ rền hơn nữa, tưởng chừng như chẳng bao gìờ ngừng.  Báo chí ngoại quốc chỉ trích Việt Nam than nghèo mà tiền pháo tiêu cho Tết năm này lên tới hàng tỉ bạc.  Sự thực là vậy, nếu bạn được chứng kiến cảnh pháo đốt ở Sài Gòn năm Ất Dậu này, bạn cũng sẽ công nhận điều đó qủa không sai. Tiếng pháo vẫn cứ ròn rã liên tục nổ tới 3, 4 giờ sáng.     
     Sáng ngày mồng một Tết, pháo vẫn nổ tưng bừng như để đón mừng Xuân mới. Tại nhà mẹ tôi, các cháu chắt, đầy đủ không thiếu một ai. Cháu Khánh xông đất bằng một bánh pháo dài, nổ ròn rã trước khi mọi người bước vào nhà chúc tuổi bà ngoại, bà cố.  Hôm nay nhà mẹ tôi chật ních con cháu. Mẹ tôi mừng lắm! Nhìn cụ thực vui và hân hoan trong bộ aó dài lụa mầu nâu nhạt điểm những cánh hoa mai trang nhã, vấn tóc trần, chân đi đôi hài cườm nhung, mà tôi nghĩ đã lâu lắm rồi kể từ khi bố tôi qua đời hơn hai chục năm qua, bây giờ mẹ mới có dịp xỏ chân vào.  Vòng vàng xuyến vàng cùng chuỗi ngọc, bông tai mà mẹ cất kỹ từ lâu hôm nay mẹ đem ra đeo vào người hết, tôi thấy mẹ trông sang trọng hẳn lên. Với nước da trắng hồng, hàm răng đen bóng hạt na, cười nói và chúc mừng con cháu vây quanh bà, đã thể hiện nét khoẻ đẹp thanh tao của một lão bà dù cụ đã ở gần tuổi tám mươi.  Ngắm dáng dấp mẹ, tự nhiên lòng tôi bừng lên một niềm vui khôn tả.  Mọi người chuyện trò vui vẻ.  Các cháu tỏ vẻ thích thú vì có cô từ Mỹ về ăn Tết!  Mấy thằng cháu trai đứa nào cũng complet cà vạt đàng hoàng thực chỉnh tề bảnh bao.  Mấy cô cháu gái diện khỏi chê, rất nốp và đúng điệu thời trang. Thực hạnh phúc thấy các cháu tề tựu tại nhà mẹ tôi trong ngày đầu Xuân như vậy.  Tôi không dám nghĩ tới những điều gì khác hơn là tận hưởng những giây phút yên vui thanh thản này bên mẹ già và bên các cháu.
     Ngày Tết có khác, các cửa tiệm đều đóng cửa.  Đường phố vắng hoe, ngoại trừ thiên hạ ăn diện đi lễ nhà thờ, lễ chùa xin xăm, hái lộc hay đi chúc Tết họ hàng.  Đây là dịp để mấy xe taxi, xe ôm, xe xich lô đạp kiếm tiền trong 3 ngày Tết; những người ăn mày ăn xin nhận được tiền bố thí khá hơn ngày thường tại các cổng chùa, cổng miểu hay cổng nhà thờ.  Tôi đang thực sự đón nhận một mùa Xuân yên vui nơi quê nhà.  Ngày Xuân với nắng ấm của miền Nam mà tôi đã từng được nuôi dưỡng trong chuỗi ngày thơ ấu giờ như trở lại
khiến tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả.  Tôi nhắm mắt lại để tâm trí mình tận hưởng giây phút thiêng liêng này, vì biết rằng mình sẽ mất nó trong nay mai.

Tạm Biệt Sài Gòn
                                                                                                                          
     Ngày 12 Tết, tôi lên đường trở về Mỹ trong một sáng Xuân còn ngập tràn xác pháo.  Lòng nôn nao với buồn vui lẫn lộn.  Ngày về tôi háo hức bao nhiêu ngày lên đường trở lại Mỹ, tâm tư lại bồn chồn bấy nhiêu.    
     Hôm đó, mẹ tôi và các cháu đều có mặt tại phi trường TSN để tiễn đưa tôi.  Mẹ khóc sướt mướt như lúc đón tôi, làm tôi mủi lòng rơi lệ.  Một tháng trời qua đi quá nhanh, ngày nào tôi hồi hộp thấy lại quê hương mà hôm nay lại sắp phải xa lià mảnh đất thân yêu một lần nữa.  Tôi về mẹ mừng, mẹ vui; hôm nay tôi đi mẹ lại nuôi hy vọng, mong đợi ngày về của tôi...  Mẹ ôm tôi nức nở, dặn dò khuyên nhủ đủ điều như không muốn rời tôi ra trong vòng tay gầy guộc, run rẩy của người. 
 ...Những bàn tay vẫy những bàn tay                                         
 ...Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt                                  
 ...Buồn ở đâu hơn ở chốn này ...                                               
   (Bóng Người Trên Sân Ga -Thơ Nguyễn Bính)
     Bóng dáng mẹ hiền thân yêu khuất dần, khuất dần trong lớp người bÎn rÎn, tiễn đưa.  Tôi lủi thủi bước lên cầu thang ra sân bay.  Tâm trạng bần thần.  Lúc đi tôi mang theo tất cả những mong ước, để rồi trở về trong sự ước mong. 
  
Nguyên
Maryland - Xuân Giáp Ngọ - 2014
(Trích “Từ Một Vùng Ký Ức”)
Đăng trong “Bút Tre”  tháng 2, 2014
& TCNS Cỏ Thơm số tháng 3, 2014
                                                             
        


1 comment:

  1. Chị Luân mến,
    Anh chị có mạnh khỏe không?
    Tôi vừa đoc.bài "Mùa Xuân bỏ lại" của nhà văn Ỷ Nguyên - Chị Luân, đăng trên Báo BÚT TRE tháng 3/2014. Đọc truyện của Chị tôi rất cảm xúc vì tôi cũng mất người thân, cũng gian nan, khổ sở khi gia đình tôi kẹt lại sau 30-4-75.
    Anh chị may mắn được di tản sớm...
    Truyện rất hay nhưng tiếc là chưa hết câu chuyện...Chờ tháng tới, đọc tiếp chuyện của Chị...
    Chúc sức khỏe Anh Chị & gia đình.
    TuyHoa

    (From TUYHOA' s Email: Tuyhoa45@gmail.com - Mar 26, 2014)

    ReplyDelete