Chuyện bên đường…
Lâu lắm em mới về Hanoi
Đi
trên viên gạch tuổi thơ ngây… (TMT)
Bài
viết & Hình Ảnh * Phạm Bá
Đây
là lần thứ ba tôi trở về Hanoi, không còn cảm thấy “lạnh cẳng” như ở mấy lần đầu,
mà lại vẫn nôn nao như muốn ngốn hết ngay lịch trình trong những ngày đầu mới đến…Vâng,
đã hơn nửa vòng quay thế kỷ, ký ức như lại dồn dập hiện về. Tôi quên tên những con
đường xanh lá me bay, nhưng vẫn còn hình dung ra từng góc phố thân quen ngày ngày
cuốc bộ từ Ngọc Hà đến Trường Dũng Lạc. Do đó chương trình chúng tôi lưu lại
Hanoi lần này phải lâu lâu một tí, có lẽ là bốn tuần lễ mới đủ thời gian thăm
viếng họ hàng và nhất là tìm về những con đường của tuổi thơ. Nhìn lại chuyến đi
dài, người viết thấy còn nhiều chuyện hay ho thú vị không thể lãng quên, muốn
được làm cầu nối trong cuộc hành trình từ Bắc vào Nam kẻo người viết đang ở vào
một độ tuổi - tuổi dễ đi vào quên lãng…
Toàn cảnh Hồ Gươm chụp từ cao ốc Nhà Hàng "Hàm Cá Mập" | ^ |
Chuyện xin được
bắt đầu từ Hanoi…
Câu
Lạc Bộ Khiêu Vũ.-
Được một bà chị họ,
nguyên là dược sĩ đã nghỉ hưu, hướng dẫn chúng tôi đến một Câu Lạc Bộ Khiêu Vũ
vào một buổi sáng. Bà nói, “Rảnh rỗi chẳng biết làm gi nên hầu như mỗi sáng, chị
đều đến đây khiêu vũ, trước hết vận động cho khỏe người, sau nữa là cho tiêu thì
giờ…” Thế là ba chúng tôi kéo nhau vào sàn nhẩy. Mới khoảng mười giờ sáng mà cũng
đã có khá đông dân nhót đến, ăn mặc rất chỉnh tề, nhưng hầu hết các bà các cô đều
chỉ đi một mình. Tôi ngạc nhiên hỏi, “Sao họ không có kép hở chị …” Chị vô tư
trả lời, “…C…ó. Cứ vào thì biết”. Mà thật, trong đó đã có sẵn khoảng chục nam vũ
sinh chuyên làm partner cho các bà các cô nào không có kép đi theo. Hỏi ra mới
biết, họ là nhân viên của Câu Lạc Bộ, sẵn sàng nhẩy với các bà các cô, không phân
biệt tuổi tác, vì họ ăn lương của CLB. Và sau đó, tùy theo kỹ thuật dạy, họ còn
được các môn sinh tặng “boa” cho nữa.
Rồi chiều chiều chúng
tôi lang thang quanh bờ hồ Hoàn Kiếm để tìm lại dư hương của những ngày đã mất,
cũng lại thấy một tốp chừng năm sáu cặp đang khiêu vũ ngay tại nền gạch trên bờ
hồ được coi là tụ điểm cuối ngày cho nhóm nhẩy nào đó và dĩ nhiên ai muốn tham
gia, cứ vô tư thoải mái. Họ có mang đến một giàn nhạc CD khá mạnh. Hỏi ra mới
biết, đó là do một ông thầy của một trong nhiều lò luyện nhẩy của Hanoi mang ra
cho các môn sinh thực tập đồng thời để chiêu dụ người muốn học nhẩy. Học phí
60.000$/tháng, ba buổi một tuần. Tôi ngồi xuống ghế đá bên hồ nghe nhạc và xem
họ nhẩy, cũng với cái CD nhạc chúng tôi mới nghe đây, cũng y chang những “bước
nhẩy hoàn vũ”, nhưng nhìn kỹ lại hầu hết
gót hài trên sàn nhẩy của các bà các cô vẫn như còn “vấy đất mùa chiêm” từ đồng
bằng Bắc Bộ…Đối diện với hồ Hoàn Kiếm là công viên Lý Thái Tổ, nơi đây cũng là
một tụ điểm của cư dân Hà Thành thích nhót trong tiếng nhạc rộn ràng kích động
mỗi chiều.
Nhưng chưa hết đâu, vào
một buổi chiều khác, khi chúng tôi từ Tràng Tiền Plaza trở về, cũng vẫn qua lại
các tụ điểm khác ven hồ thì thấy một nhóm khoảng chục qúy bà sồn sồn, đang giao
lưu với nhau qua những khúc dân ca Quan Họ Bắc Ninh, bà xã tôi vốn người Kinh Bắc
cũng còn nhớ chút đỉnh vài bài hát, liền nhập cuộc giao lưu với họ trong một không
gian cởi mở hồ hỡi không chút ngại ngùng. Tôi thoáng nghe một bà nói:”Gớm...”người
lước ngoài” mà cũng biết dân ca quan họ. Hay đấy nhở !”. Bà kia phản pháo liền:”Chuyện…”người
lước ngoài” thì cũng là người “Việt Lam” chúng ta cả, chứ đâu có phải là người
Tây Tầu gì mà không biết ca ?”. Nghe được mẩu đối thoại ngắn ngủi, rất ngọng tất
không phải là gốc người Hanoi, mà phải từ đâu tới đây, chúng tôi cảm nhận được
cái “giọng nói chân quê” của người trong nước…
Quả đã có một buổi chiều
đáng ghi nhớ trong chuyến đi này.
Văn
hóa Ẩm Thực đường phố:
Phở Bò…Phở Gà
Trước đây hẳn đã có nhiều
bài viết về Phở, nên tôi không muốn viết thêm mà chỉ viết về nét đặc trưng của
một tiệm Phở… nổi tiếng ở Hanoi. Xin hiểu cho đây chỉ là cảm nhận cá nhân của một
du khách, mà không hề làm quảng cáo cho ai.
Mấy buổi sáng liền, chúng
tôi sau khi thức dậy là mò thẳng đến quán Phở bò trên đường Bát Đàn, cách khách
sạn chừng mươi phút đi bộ. Nói là tiệm hay nhà hàng thì có hơi quá đáng, mà thực
ra chỉ là cái quán, diện tích chừng 4x5 m, trong kê vài ba chiếc bàn nhôm và
ngay cửa ra vào đã là quầy nấu phở chiếm gần một phần tư quán, nên có thể nói là
không chứa được bao nhiêu khách, khách phải ngồi cả xuống mấy cái bàn nhỏ đặt
trên lề
đường. Vào mỗi sáng, vào tầm đi làm, tiệm rất đông, người ta phải đứng
xếp hàng dọc theo lề đường để chờ lần lượt tới phiên mình bước vào. Trễ một chút
thì không có chỗ ngồi, như lần chúng tôi đến lúc tám giờ sáng, thì phải chờ. Như
đã nói ở trên, ngoài là quầy phở và cũng là quầy thu tiền, khi bước vào nói:
“cho tôi một Phở chín” đồng thời trả tiền ngay lập tức: Phở chín 40,000$, chín
nạm 50000$, Tái 45000$. Rất lẹ, vừa cầm lại
tiền thối là chủ tiệm đã đưa cho mình một tô đầy ắp, nóng hổi. Đúng là vừa thổi
vừa ăn. Mình đàn ông đàn ang bưng tô phở coi rất bình thường, nhưng các bà các
cô là “người nước ngoài”, đâu có biết đứng ăn theo kiểu đó bao giờ. Ấy thế mà sáng
hôm sau, bà xã tôi cũng quen ngay cách tiếp thị đó. Nhất là không thể tìm đâu
ra chỗ ngồi vì bàn ghế rất ư là giới hạn. Chúng tôi cũng đành phải bưng tô phở
nóng bước vào trong, đứng dựa lưng vào tường chờ có ghế trống. Nhưng làm gì có
chỗ nào trống, làm gì có ai nhường chỗ cho mình vì họ cũng phải qua các steps
như mình. Tả oán một tí vậy thôi, chỉ chừng hai, ba phút sau là có người đứng lên,
vì họ phải “tranh thủ” đi làm, mình cứ vô tư thoải mái ngồi vào mà không cần được
chỉ định “to be seated”. Các bà các cô cũng phải theo nếp văn hóa phở như thế. Dĩ
nhiền Phở Hà Thành không có rau hay giá chụm như kiểu phở trong Nam, chỉ có tương
đỏ, chanh và tiêu thôi. Còn cái khổ nữa là không có muỗng sứ hay plastic mà là
muỗng nhôm, nóng cháy cả môi…Nhưng phải chịu vậy, mình không thể đòi hỏi khác
được. Ngày xửa ngày xưa, đứng ăn phở gánh làm gì có muỗng, phải bưng cả tô lên
mà húp còn được cơ mà….Bạn bè tôi chưa được trải nghiệm cảnh này nói, “như thế
mà ham hố cái nỗi gì…” Thực ra cái ham hố ở đây là bầu không khí sao rộn ràng,
thân thiện đến thế ! Khiến chúng tôi cứ muốn quay lại hoài…Nhưng cái đặc trưng
Phở Bắc bây giờ lại ăn cùng với dầu-cháo-quẩy, thứ mà chúng ta chỉ ăn với cháo
lòng. Lúc đầu tôi ngạc nhiên, nhưng sau lần ăn thử, tôi thấy có lý. Ngon thật các
bạn ạ ! Cầm cái quẩy chỉ to và dài hơn ngón tay trỏ, nóng và dòn chấm vào nước
dùng, cắn ráu một cái, mới trải nghiệm được vị ngon của quẩy và nước phở. Cho đến
bây giờ ở Mỹ, mỗi khi nhà nấu Phở, tôi không quên mua thêm mấy cái quẩy. Mấy đứa
cháu tôi, bây giờ ăn quen, mỗi khi bảo chúng lên bà nội ăn phở, chúng nó lại hỏi
là bà có cái twisted không.
Phở Bát Đàn - Đệ Nhất Phở Bò Hànoi |
Hiện nay món phở bò VN đã
nổi đình nổi đám trên khắp thế giới.
Nhưng nếu chỉ ca tụng phở
bò mà không nói đến phở gà thì e có điều thiếu sót lớn…
Ở Saigon trước kia có ít
tiệm bán phở Gà mà chỉ toàn là phở Bò, trái lại bây giờ ở Hanoi, quán phở Gà hình
như phố nào cũng có. Nhưng phở gà ở Hanoi khác
với phở gà Saigon, đó là gà-đi-bộ ăn kèm với lá chanh. Lá chanh được thái rất
nhỏ, nhỏ như sợi tóc, bỏ một dúm nhỏ vào ngay tô phở, lấy thìa húp một chút nước
dùng, tất người ăn sẽ cảm nhận được cái vị “con gà cục tác lá chanh” ngay. Tình
thực mà nói, cả một thời trai trẻ sống trong Nam, tôi chưa hề có lần nào được thưởng
thức món phở Gà có rắc lá chanh, chỉ được ăn thịt gà chấm muối chanh tiêu, nay
được thưởng thức phở Gà kiểu này, thật là ngon hết chỗ nói. Hơn nữa, cũng đừng
quên ăn với dầu-cháo-quẩy.
Tuy nhiên sau khi rời
Hanoi, chúng tôi vào Saigon và được biết tiệm phở Gà ở gần Bitexco chỉ mở cửa bán
từ chiều đến đêm, duy nhất ở đây có bán phở Gà có lá chanh tươi. Chủ nhân không
phải là người ngoài Bắc mà là người từ Huế vào. Thế mới lạ! Phở ngon thật ! Nhất
là gọi thêm một đĩa gà luộc với muối chanh tiêu đi kèm thì quả là trên cả tuyệt
vời. Tôi có mời một vài người bạn trong
Saigon đến đây ăn thử, ai nấy đều hồ hỡi quá trời vì trước đây họ đã không hay
biết tiệm Phở Gà này. Phở Saigon, Phở Bolsa không ăn với quẩỵ. Mà hình như Phở
bây giờ cũng biết phân biệt địa phương đấy chứ !
Miếng
Bánh Đa Kê.
Một buổi sáng, chúng tôi
mới từ khách sạn bước xuống đường thì thoáng nghe đâu đó tiếng rao chào khách:”A…i…bánh
đa kê !”. Giật mình… nhìn ngang ngó dọc, tôi chỉ thấy một cô đang lọc cọc dắt
chiếc xe đạp trên hè phố cổ, phía sau boọc-ba-ga là một chiếc thúng nhỏ được phủ
kín bằng một vỉ cói đan cốt để giữ cho hàng nóng và một chồng bánh đa treo lủng
lẳng trước ghi đông. Mới chỉ nghe đến tên Bánh Đa Kê, mà tôi như bàng hoàng chợt
nhớ tới hình ảnh U tôi, người quê mùa chất phác, chít khăn mỏ qụa, răng đen cánh
kiến, lúc sinh thời, hàng tuần, thường đắt tôi xuống chợ Rộc Vỏ ở Hạ Long ăn quà
khi tôi mới được khoảng năm sáu tuổi. U tôi thường mua cho tôi bánh đa kê hoặc
một đọi (chén nhỏ) rượu nếp của Bà Đồng Phiệt. Tôi chưa thể quên được dù cho đã
sáu bẩy chục năm trôi qua…Tôi nói với cô bé bán hàng, làm cho tôi hai cái.
Tôi cầm miếng bánh còn nóng đầy ắp kê vàng đậu xanh và đường đứng ngay trên vỉa hè giữa lòng phố Cổ, ngoặm ráu một cái, mùi vôi ăn trầu trong lớp kê thơm phức đưa vào mũi …Chao ôi! Thơm ngon làm sao! Món quà sáng rất là chân quê không cầu kỳ cao sang, nhưng quả thực đã đánh thức được hồn quê trong tôi…
Đơn giản hàng bánh đa kê
chỉ là một rổ kê đã được nấu chin mà trong đó nhất thiết Kê phải được pha nấu với
nước vôi ăn trầu. Kê luôn luôn được ủ nóng. Khi có khách mua, người bán sẽ bẻ
chiếc bánh đa làm hai, he hé rổ kê, lấy một phần kê nóng phết lên một nửa miếng
bánh đa này, cạo một lớp đậu xanh phủ đè lên, rồi rắc một lớp đường cát mỏng lên
trên. Gấp một phần tư miếng bánh lại. Thế là xong ! Đơn giản có thế thôi! Đối với
tôi, đây mới thực sự là hình ảnh của một “chùm khế ngọt”. Ở bên trời đất khách,
nơi tôi đã sống được quá nửa đời người, có bao giờ lại được thưởng thức món quà
này không nhỉ ? Cái hình ảnh thôi thúc trong tôi trong buổi sáng ngày hôm ấy là
niềm hạnh phúc bất chợt được liên tưởng đến hình ảnh U tôi…
Ở nơi tôi đang sống,
người ta cũng có bán kê. Chúng tôi cũng đã đôi lần mua làm thử món bánh đa kê này,
nhưng vẫn không thể tìm được hương vị một loại quà dân dã quê hương…
Buồn thật…
Bia
Cỏ vỉa hè Phố Cổ.-
Khách sạn chúng tôi thuê
toạ lạc ngay trong khu Phố Cổ sát bên bờ Hồ. Giá phòng hợp với túi tiền và nhất
là tiện lợi cho việc ăn uống. Nói chung chung thì hàng ăn quán uống gì ở khu này
cũng rất gần, đi bộ chừng dăm ba phút. Đường phố cổ rất ngắn và hẹp. Trung tâm của
khu phố Tây này là góc đường Lương Ngọc Quyến và Tạ Hiện và chẽ ra vài con đường
khác làm thành khu phố Tây của Bia Cỏ. Đường Tạ Hiện dài chừng hơn 100 mét, lề
đường rất hẹp nhưng chiều tối nào cũng thế, trai gái, nhất là du khách nước ngoài
đến tụ điểm này đông vô số kể. Tối ngày thường còn có lai rai xe Honda lách mình
qua lại nhưng mới đây, vào ba ngày cuối tuần, khu này chỉ dành riêng cho người đi
bộ, do đó càng đông người hơn. Thực ra nơi đây không phải là một khu thương mại
theo đúng nghĩa của nó mà chỉ là tụ điểm bán Bia Cỏ. Giá cả rất mềm. Có quán giá
4000$, có quán giá 5000$ một cốc bia. Bàn ghế có gì đâu, quán nào cũng chỉ có một
số ghế nhựa, cái thấp làm ghế ngồi, cái cao hơn chút đỉnh làm bàn. Chỉ vậy thôi…
Nhưng bia Cỏ là bia gì nhỉ ? Bia Cỏ là
tiếng lóng tên gọi của bia hơi, bia tươi. Sở dĩ cư dân Hanoi thường gọi tếu là
bia cỏ vì là thứ bia do tư nhân tự chế biến, không theo một quy trình sản xuất
nào, không bảo đảm vệ sinh (?) và gía cả lại quá rẻ. Ai cũng biết thế, nhưng uống
một cốc thì nhằm nhò gì …Mặc dù giá bia chai bia lon cũng như mọi nơi. Hỏi ra
thì được biết, theo hiệp hội những nhà sản xuất nước giải khát, thì mỗi ngày cư
dân Hanoi tiêu thụ chừng 50000 lít bia cỏ trên địa bàn Hà Nội.
Khách Tây Đầm, sinh viên
trai gái đến khu Tạ Hiện, tuyệt nhiên rất ít khách cao tuổi, chỉ để uống một cốc
bia, ăn vài hột lạc rang húng lìu. Sang hơn chút nữa là nghêu sò ốc hến luộc.
Nhưng độc đáo nhất và khiêu khích mũi của du khách là món thịt nướng, chim sẻ
nướng. Chúng tôi có ăn thử một xâu. Ngon thật ! Nhưng vẫn nghi ngờ là có phụ
gia của Chú Ba (?) và không biết là chim thật hay là gà, vịt con chết … Nhưng
chắc chắn một điều, anh chàng quạt thịt nướng nói nhỏ với tôi, “nói thật với chú,
chú đi từ đằng xa kia đã nghe thấy mùi thịt nướng, là vì chúng cháu đã quệt chút
xíu mỡ chó vào xiên thịt nên lúc nướng mới có mùi thơm quyến rũ như thế. Người
ngọai quốc họ mê lắm…”. Nhưng tại sao khu phố này lại trở thành một trung tâm hòa
hợp cả hai nếp văn hóa ẩm thực đường phố Tây Ta như thế ? Chúng tôi đã trao đổi
với nhiều bạn trẻ thì tìm được câu trả lời nghe ra rất có lý.
Họ đến đây sau một ngày tù túng trong văn phòng, hay sau những giờ vật lộn với sách đèn. Một cốc bia hơi quá rẻ, giới nào cũng có thể làm thỏa mãn nhu cầu giải khát của mình nhất là trong giới thanh niên, trong cuộc hẹn hò của đôi trai gái. Nếu trong những ngày hè oi bức của Hà Thành, sung sướng làm sao, khi được cạn một cốc bia lạnh. Và khi gió muà đông bắc tràn về thành phố, ngưòi ta đã tìm được hơi ấm bên nhau trong hương men bia cỏ vỉa hè…như một cảm tác của nhà thơ Ý Anh (USA):
Họ đến đây sau một ngày tù túng trong văn phòng, hay sau những giờ vật lộn với sách đèn. Một cốc bia hơi quá rẻ, giới nào cũng có thể làm thỏa mãn nhu cầu giải khát của mình nhất là trong giới thanh niên, trong cuộc hẹn hò của đôi trai gái. Nếu trong những ngày hè oi bức của Hà Thành, sung sướng làm sao, khi được cạn một cốc bia lạnh. Và khi gió muà đông bắc tràn về thành phố, ngưòi ta đã tìm được hơi ấm bên nhau trong hương men bia cỏ vỉa hè…như một cảm tác của nhà thơ Ý Anh (USA):
Em yêu dấu dáng thu gầy Hà Nội
Chiều mênh mang thoảng chút nắng
Hồ Tây
Tà
áo ấy gió hôn lên khe khẽ
Gợi trong tôi một Hà Nội rất đầy
Chao ôi! Hạnh phúc làm
sao !
Chợ
Đêm Phố Cổ
Đã
nhiều lần tôi trở về Hanoi, nhưng không có nhiều thời gian lưu lại lâu hơn nên
việc đi thăm chợ đêm nghĩ ra chưa cần thiết vì trong tư tưởng của tôi chợ đêm tại
khu phố cổ Hà Nội, tại khu chợ Saigon trong Nam hay ngay chợ đêm khu Phước Lộc
Thọ ở Little Saigon cũng vậy thôi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là hàng nhập cảng
từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, lần thứ ba mới đây vào khoảng đầu tháng 5 năm ngoái, chúng tôi
có nhiều thời gian hơn nên nhất định phải dành ra một tối để đi quan sát sinh
hoat chợ đêm tại nơi đây. Nếu chợ đêm
trong Saigon nhóm họp mỗi tối thì chợ đêm tại khu Phố Cổ Hà Nội chỉ họp vào ba đêm
cuối tuần.
Khách sạn nơi chúng tôi tạm nghỉ chân nằm ngay đầu đường Đinh Liệt với đường
Cầu Gỗ, trong khu phố cổ Hồ Hoàn Kiếm. Từ Khách Sạn Hà Nội chúng tôi có thể tản
bộ ra bờ Hồ không đầy 5 phút và ghé đến khu chợ đêm thì quả là gần.
Vừa chập tối, khi đường phố đã lên đèn, sinh hoạt chợ đêm bắt đầu nhộn
nhịp. Từ phố hàng Đào, hàng Ngang chạy
suốt tới chợ Đồng Xuân, các bục chắn đã được kéo ra ở các góc phố để chặn không
cho xe máy qua lại Thời gian này người
buôn bán hối hả đẩy những xe ba bánh hoặc xe Honda chất đầy hàng hoá vào khu chợ
đêm. Nháy mắt, những sạp bán đã được dựng
thành từng hàng ngay giữa lộ. Các cửa tiệm
buôn nằm hai bên đường phố Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Cót v.v… giờ cũng đã đem
hàng hóa bầy ra trước cửa. Chúng tôi nhận
thấy hầu hết là quần áo phụ nữ, giầy dép, ví sách tay chất lên thành từng đống
cao. Tại một góc phố, một họa sĩ trẻ, đang ngồi vẽ chân dung một cặp trai gái mà
tôi nghĩ họ là người Trung Đông với nước da hơi đậm ngồi làm mẫu. Tôi liếc trộm vào bức tranh mà người họa sĩ gần
hoàn tất…phải nói, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy bức ảnh này giống họ như khuôn. Một bức vẽ như vậy khách phải trả 200 ngàn đồng,
cỡ 10.USD, và thường thường được hoàn tất trong vòng một giờ đồng hồ. Tôi nghĩ quá rẻ so với tay nghề của người hoạ
sĩ. Ban ngày khi đi dạo quanh bờ Hồ tôi
thường thấy có nhiều họa sĩ trẻ tuổi như vậy ngồi vẽ chân dung cho du khách, hầu
hết họ là những sinh viên trường Mỹ Thuật Hanoi.
Đặc biệt tại khu chợ đêm này có nhiều lò bán “hot dog Đức” và thịt nướng…
Từng xâu thịt có nhẽ đã đuợc ướp đầy đủ gia vị, đặt trên một vỉ nướng, bên dưới
là những thỏi than hồng cháy xèo xèo mỗi khi mỡ ở những sâu thịt rớt xuống, mùi
thơm toả lên thực hấp dẫn những ai đói bụng khi đi ngang qua chắc thế nào cũng
phải ăn thử. Thơm đến cháy cả mũi. Chúng tôi không ăn nên không hỏi giá cả. Rồi những quầy kính bán bánh mì thịt nguội trông
cũng hấp dẫn đáo để. Người ta vây quanh đợi đến lượt mua, làm chú bán hàng trở
tay không kịp. Bánh mì ở đây so ra có phần ngon hơn ở bên Mỹ, vậy mà tôi cũng
chỉ dám ăn bánh mì không, vì vỏ ròn tan thực khoái khẩu. Thực ra những đồ ăn bán
ở bên hè ít khi chúng tôi dám
chiếu cố. Vậy mà nhìn quanh tôi thấy có
nhiều người ngoại quốc sà vào mua và ăn tỉnh bơ thực ngon lành. Người nước ngoài không mấy dè dặt như chúng tôi
nên các đồ ăn bày bán trong khu chợ đêm như soài xanh, ổi, cóc, v.v… ngâm nước
cam thảo… họ ăn tuốt luốt. Một bà bán kẹo
kéo ngồi phía trước cửa một tiệm vải, đang loáy hoáy với hai cây đũa để kéo kẹo
mạch nha đựng trong một cái khay cho thêm dẻo thêm dai. Tôi sáp vào mua đại một
cây, gía 3 ngàn đồng. Đây là một loại kẹo
kéo làm bằng mạch nha bên trong có lạc rang mà tôi rất thích ngay từ hồi còn bé
mỗi lần theo U tôi đi chợ, U tôi đều mua cho tôi ăn. Kế bên là một gánh hàng bán bắp nếp, và khoai
lang nướng than; mùi thơm của khoai nướng bốc lên sao mà thơm ngon lạ! Chẳng thể bỏ qua, chúng tôi sà vào mua một cái
bắp nướng và một củ khoai lang ăn thử.
Quả là tuyệt vời với món ăn quốc hồn quốc tuý của quê nhà. Những người bán hàng rong vỉa hè trong khu chợ
đêm như thế này được thoải mái mời chào khách không phải chạy trốn công an xua đuổi
như khi họ bán rong ban ngày ở khu ven bờ hồ.
Tôi đã từng chứng kiến cảnh công an bắt họ đưa lên xe đem về ty. Tâm sự với mấy cô bé bán bánh rán (bánh cam) bên
bờ hồ mới biết là nếu bị bắt như vậy, họ sẽ bị phạt và bị tịch thu hết cả đồ bán.
Cuộc sống của họ qủa là khó khăn và chật vật.
Càng về khuya cảnh chợ đêm càng đông và tấp nập. Người ta chen chúc nối đuôi nhau đi mua sắm và
ăn uống. Phần đông là du khách nước ngoài lẫn với dân chúng từ các miền lân cận
đổ về Hà Nội trong dịp ba ngày nghỉ lễ cuối tuần. Vợ chồng, con cái bế bồng nhau lếch thếch, nói
chuyện oang oang một cách rất ư là vô tư.
Chúng tôi ghé ngang qua những sạp bán đồ trang sức, sạp bán các sản phẩm
tiểu công nghệ, đồ chơi trẻ em và còn rất nhiều mặt hàng khác mà thường ngày đuợc
bán tại các khu phố khác hay trong chợ Đồng Xuân. Xem cho biết chứ thiệt tình
chẳng thứ gì mà tôi nghĩ đáng giá để mình mua sắm vì phẩm chất của nó. Tuy nhiên bà xã tôi cũng mua được một cái máy
xấy tóc hiệu Đại Hàn tại khu chợ đêm này với gía cả phải chăng vì khách sạn tôi
ở hơi thiếu tiện nghi.
Chỉ đi xem thiên hạ mua sắm mà mình cũng cảm
thấy mỏi chân và uể oải. Nhưng vẫn cảm nhận được cái thú là được ngắm dòng người
xuôi ngược chợ đêm. Nhưng rồi chúng tôi cũng phải quay về khách sạn để còn chuẩn
bị cho chuyến đi tảo mộ tổ tiên ở Thành Phố Hạ Long sáng hôm sau. Hình ảnh buổi chợ đêm khu Phố Cổ như vẫn còn
vương vấn trong tôi với những khuôn mặt và dáng dấp của các bà bán hàng rong cũng
như các em bé tật nguyền đi ăn xin. Hình
như trên khuôn mặt họ đều lộ vẻ ưu tư vì có thể ai nấy đều lo lắng cho buổi chợ
đêm này không biết lời lãi ra sao…
Tráo
Bài Tây
Vào ngày chúng tôi trở
về Thành Phố Hạ Long để đi tảo mộ tổ tiên, trước đây đi từ Hải Phòng phải qua
Phà Bính, nay chỉ phải qua Phà Rừng – Bạch Đằng Giang. Thời gian phà chạy khoảng 30 phút đến thị xã
Quảng Yên - Tỉnh Quảng Ninh. Khi phà vừa
tách bến, hành khách chưa hẳn ổn định chỗ đứng, tôi trông lại phía đầu phà, thấy
hành khách người thì dắt xe Honda người thì gồng gánh đã nhôn nhao cả lên... Tôi
bỗng thấy một tốp thanh niên đang sà vào bàn bài Tây mà một anh nhà cái đang liên
tục tráo qua sàng laị 3 cây bài, miệng không ngớt rao to:”Đặt tiền đi bà con cô
bác ơi !… Trông tinh thì được, trông lầm thì thua… Hãy nhanh tay lên kẻo phà sắp
tới bến rồi”. Ngay trong giây phút này trong đầu óc tôi chợt lóe lên một hình ảnh
của thời xa xưa…
Vào đầu những năm 1950,
được gia đình gửi lên theo học ở Hà Nội, mỗi lần đi dạo bờ Hồ hay ra chợ Đồng
Xuân, tôi thường mục kích những đám người ngồi tráo Bài Tây (Bài Ba Lá) như thế.
Lại nữa, nhà tôi ở khu Trại Ngọc Hà, Đội Cấn Hà Nội, thường ngày sau bữa cơm
chiều, tôi hay lang thang ra trước rạp Cinema Ngọc Hà nằm trên đường đi đến vườn
Bách Thảo để lén đi hút thuốc lào. Do đó hình ảnh cảnh chơi bài ba lá trước rạp
chiếu bóng chẳng xa lạ gì đối với tôi. Món
cờ bạc bịp này chỉ nhằm gạt gẫm những người quê mùa mới ra tỉnh kiếm công ăn việc
làm hay những người đi làm thuê, làm mướn. Họ bị bịp mà không biết vì chung
quanh họ là một đám cò mồi đặt tiền chỗ nào là trúng chỗ đó…làm lạc hướng người
thích trò đỏ đen.
Nói chung đồ nghề của đám tráo Bài
Tây chỉ có ba cây que nhỏ buộc vào nhau thành một cái gía ba chân, một tấm bìa
cứng làm bàn (đôi khi ngồi xuống đất), và ba quân bài. Quân bài Tây là lá bài
chủ để đặt tiền còn hai lá kia là Ách hay Xì. Anh nhà Cái cầm ngửa ba quân bài
cho mọi người thấy, một tay cầm một quân, còn tay kia cầm hai lá bài, lá bài chủ
và Ách, rồi anh ta lanh tay vất úp một quân xuống bàn, người đứng ngoài không
ai biết chắc là quân nào – quân nằm trên hay quân nằm dưới được vất xuống bàn
trước vì hai quân bài đã được nhà cái sử dụng ngón tay làm “xảo thuật” che mắt
người chơi. Kế tiếp là màn sàng qua sàng lại ba quân bài trên mặt bàn. Đồng thời
nhà cái rao to: “Trông tinh thì được, trông lầm thì thua”. Người chơi tưởng cây
bài vật úp xuống bàn là con bài Chủ, nên đặt tiền và dĩ nhiên …thua…Đơn giản chỉ
có thế thôi.
Trở lại hình ảnh đám tráo
Bài Ba Lá trên chuyến Phà chiều, họ thấy tôi mang theo máy hình, liền nói chận
đầu trước: “Xin bác đừng chụp ảnh, để cho chúng cháu làm ăn …”. Lý do là họ sợ
bị CA theo dõi. Theo tôi tìm hiểu, địa bàn hoạt động của đám này là trên các
chuyến Phà ngang - Hải Phòng - Quảng Ninh, gọi là Phà Rừng. Toán cờ bịch này,
khi Phà cập bến, cũng đi lên như mọi hành khách khác, nhưng dừng lại ở Phòng Chờ
Đợi ở bến Phà. Khi có đủ hành khách đi Phà trở lại phía bên kia, bọn họ lại mua
vé đi lên như khách thường và khi Phà nổ máy rời bến, chúng lại giở mánh bài Ba
Lá ra dụ đám khách mới lên. Tính ra một ngày chúng qua lại hai bến hàng chục lần,
mỗi lần chỉ cần bịp được một người, là bọn họ cũng đã làm ăn khấm khá để chia
chác nhau. Hôm đó chính mắt chúng tôi thấy
một khách qua phà mặt mày
méo xẹo vì đã cúng cho họ cả triệu đồng.
Món cờ gian bạc lận này
hiện đã mất dấu ở Hanoi có lẽ vì đời sống văn minh đô thị, chỉ còn lác đác ở một
vài tỉnh lẻ - nơi bến xe, bến tầu, đầu chợ…và ngay trước cổng Chùa Bái Đính…
Vắn tắt vài dòng kể
chuyện bụi đường cho vui. Ai chưa tin cứ về thăm VN và thử chơi cho biết…Trông thì ngon cơm lắm
đấy nhưng cuối cùng “không chết thì cũng bị thương”.
Bốn
tuần lễ quanh quẩn ở Hanoi, tính ra chúng tôi đã cuốc bộ mỗi ngày chừng bốn, năm
tiếng đồng hồ. Phần là để nhìn lại những con đường ngày xưa mình hàng ngày đã đi
qua, phần vì không có phương tiện tập thể dục như ở nhà, nên đi bộ là cách tốt
nhất để “luyện cơ bắp”, tôi nghĩ thế. Đo đó khi trở về đến Mỹ, chúng tôi đều tụt
xuống bốn, năm pao. Thế ra đi bộ có kết quả thật! Mà cũng phần vì chúng tôi không
dám ăn uống bừa bãi. Bữa chiều thường ghé vào một tiệm cơm ở khu phố cổ, hôm thì
gọi rau cần xào, hôm thì canh rau ngót nấu với giò sống hoặc cá rô cá
trê chiên dòn chấm mắm chanh gừng…đôi khi gọi đậu phụ rán chấm mắm tôm bắc. Những
món ăn rất dân dã này đã giúp chúng tôi xuống cân. Giá phần ăn cho hai người
khoảng 150,000$ ($7us) trở lại. Cô con gái chủ tiệm hiện là sinh viên trường Dược
(?) tiếp đón khách ngoại kiều chúng tôi rất niềm nở. Có một lần tôi hỏi cô nửa đùa
nửa thật:” Bác hỏi thật cháu, trong các món ăn ở tiệm này, cháu có dùng nhiều
phụ gia của Tầu không ? - Dạ …Xin Bác yên
tâm. Bác cứ nhìn
số thực khách trong phòng sẽ là câu trả lời chính xác nhất của cháu đấy ạ !. Gia
đình cháu phải giữ đúng phẩm chất và hương vị của các món ăn nên cư dân ở đây và
du khách nước ngoài mới chiếu cố đến tiệm đông
như thế ! Nếu làm bậy là tiệm đây bị đưa lên mạng ngay …thưa bác.” Cô gái Hà Thành trả lời khéo léo và ngọt sớt!
Nhưng quả thực, nhiều gia đình đưa cả nhà đến ăn vì tiệm khá sạch sẽ với lối tiếp
đón rất ân cần niềm nở. Khách cần món gì thêm, gọi một tiếng, chỉ một phút sau
có người mang ra ngay.
Nhưng chưa hết …Trong một
buổi chiều đi dạo ở phố Hàng Đào, chúng tôi vừa đến trước cửa một tiệm bán vải,
có hai cô trong độ tuổi ngoài ba mươi đang đứng nói chuyện gì đó với nhau: “Đ’…mẹ
cái thằng hâm ấy, quên nó đi” (hâm=gàn, dở người). Chúng tôi gỉa vờ như không nghe thấy và vẫn
tiếp tục bước đi. Tôi biết, đó là lối đàm thoại thường nhật của người Hà Thành
bây giờ. Cũng như báo chí Hanoi và nhiều người VN từ Hanoi trở về vẫn than phiền
việc “quát tháo, chửi mắng” trong một vài tiệm ăn như Bún Chửi ở ngõ Ngô Sĩ Liên
gần Ga Trần Qúy Cáp, Cháo Quát ở Lý Quốc Sư hay Ốc Lắm Mồm ở Nam Đồng ….Đó là
những sự kiện có thật nhưng không hẳn hoàn toàn đúng như thế…Không phải là chủ
nhân quát hay chửi mắng khách hàng mà là om sòm la lối “lũ con cháu chạy bàn”:
“Thằng kia …mày mù hay sao mà không trông thấy khách đang đợi chanh ớt …” hoặc
“Mày què hay sao mà không biết đến lau sạch
cái bàn cho khách …” Đại khái là những câu ra lệnh như thế. Chẳng qua chủ nhân
quá bận rộn với đôi tay làm món ăn cho khách, phần vì phải điều động nhân viên,
nên phóng ra những lời nói tục tằn quen miệng kiểu ngôn ngữ vỉa hè đưòng phố…
Nghe nói ngay bên California cũng có một chủ nhân tiệm phở gì đó, la hét trong
tiệm chẳng kém gì những “ngôn từ đặc sản văn hóa đường chợ Hà Nội” mà tiệm vẫn tấp
nập khách vào ăn. Được biết, chủ nhân là một cư dân gốc Bắc…
Thôi …chuyện bên đường
kể ra thì biết đến bao giờ mới hết trong chuyến đi dài ngày cuả một người đi xa
trở về muốn cảm nhận được hết sự tận cùng của nỗi nhớ. Xin đành để bụi đường hòa
cùng những bọt bia hơi trên vỉa hè phố cổ…
PHẠM BÁ
PHẠM BÁ
MD 2015
(Đã đăng trong tcns
Cỏ Thơm - Số 70.
Mùa Xuân 2015 USA)
|