Dạ Cổ Hoài Lang
-nối dài nỗi nhớ…
Tùy Bút * Phạm
Bá
Không
phải một sự ngẫu nhiên mà người viết có thể viết về chuyện tình của một bài ca
vọng cổ đã đi vào lịch sử “Tài tử đờn ca Nam Bộ”. Cũng chẳng phải là người viết
sinh trưởng từ vùng đất hiền hoà Phương Nam, nắng sớm mưa chiều, nhưng người viết
đã được lớn lên trong cái nôi đồng rộng sông dài, đã khiến một tâm hồn vốn mến
yêu văn nghệ nhất là thú cầm ca, lại một lần lạc vào những âm thanh – nơi những
tấu khúc của Chín Con Rồng đã tạo ra bản giao hưởng Biển Đông, khi Thanh Hương, người nghệ sĩ cải lương hay nhất
của sân khấu cổ nhạc Miền Bắc bây giờ cất tiếng ca khiến bao người phải bùi
ngùi cảm động khi người nghệ sĩ xuống sáu câu vọng cổ nghe ra thật là “mùi”. Từ
phong cách trình diễn, nâng niu từng cung bậc của ca từ đến chất giọng ngọt
ngào phát ra từ một nghệ sĩ có tên tuổi trên sân khấu nhà hát Tiếng Chuông Vàng
Thủ Đô – nguyên là dấu ấn cuối cùng của Đoàn Kim Chung trước năm 1954 để lại, đã
dạt dào xâm lấn tâm hồn tôi. Phần vì trong bài ca có câu “Từ là từ phu tướng, bửu
sắc kiếm phong lên đàng…”, khiến tôi phải suy tư về đề tài của bài viết: “Dạ cổ
hoài lang” (Đêm
xưa nhớ chàng)
Đôi giòng lịch sử …
Tương truyền vào một đêm cuối năm đầu
thế kỷ 20 những âm thanh da diết như lén thoát ra từ những ngón tay vàng qua tiếng
nguyệt cầm điêu luyện của Sáu Lầu. Tâm trạng và hình ảnh người chinh phụ trong
phút giây bịn rịn tiễn đưa chồng ra ngoài quan ải trong Chinh Phụ Ngâm Khúc như
đã vận vào người nghệ sĩ:
Hà-lương chia rẽ đường này
Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi…(câu 43, 44)
Và còn hơn thế nữa, người
nghệ sĩ còn liên tưởng đến sự tích bài thơ “Chức Cẩm Hồi Vân” 1, qua tâm trạng của nàng Tô
Huệ - vợ Vương Thao 2,
khi chồng nàng trấn đóng ngoài quan ải. Nàng năm canh thui thủi một mình ngóng
trông tin chồng như mong tin nhạn. Trong nỗi buồn đơn côi ấy đã khiến nàng làm
một bài thơ theo thể Thất Ngôn Cổ Phong 280 câu thêu lên gấm đem dâng Vua. Vì quá
cảm động khi xem đến bài thơ, thương xót người vợ hiền đêm đêm một mình một bóng,
Vua đã ban chỉ sớm cho vợ chồng xum họp. Rồi đến một ngày, như cố dồn nén tất cả
cảm xúc của mình để đếm từng niềm riêng nỗi nhớ, Cao Văn Lầu đã phải viết ra ca
từ “Dạ Cổ Hoài Lang”:
Từ là từ phu tướng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng
Em luống trông tin nhạn
Ôi ! gan vàng quặn đau
Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Còn đêm luống trông tin nhạn
Ngày mòn mỏi như đá vọng phu
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
Lòng tin chớ phụ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây xum vầy
Duyên sắt cầm đừng lạt phai
Thiếp cũng nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng hai chữ bình an
Mau trở lại gia đình
Cho én nhạn hợp đôi.
Tiếng
nguyệt cầm vừa dứt chính là nỗi niềm ray rứt của kẻ ở người đi giữa Sáu Lầu và
vợ trong nỗi bất hạnh chia lìa của một cặp vợ chồng chưa có con kế tự.
Sáu Lầu
tên thực là Cao Văn Lầu, sinh năm 1890, là con thứ sáu trong một gia đình nghèo
khó ở đất Long An. Vì hoàn cảnh gia đình bần hàn quẫn bách, cha ông đã quyết định
đưa cả gia đình về Bạc Liêu lập nghiệp. Ông thân sinh ra Sáu Lầu vốn là người
ưa thích nghiệp cầm ca, đã quyết định gửi Sáu Lầu đến thụ giáo tại một lò cổ nhạc.
Vào đầu
thế kỷ 20, phong trào đàn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu hơn hẳn các phong trào
trong vùng Miền Tây và Miền Đông và ông thân sinh đã quyết định gửi ông đến lò
cổ nhạc nổi tiếng nhất của ông Nhạc Khị - Lê Tài Khị, được người đương thời tôn
vinh là người chơi nhạc tài tử giỏi nhất. Từ đó, Sáu Lầu trở thành người học
trò xuất sắc có một không hai của Lò cổ nhạc ông Nhạc Khị.
Càng học,
Sáu Lầu càng tỏ ra là một nhân tài có thể kế nghiệp thầy Nhạc Khị.
Ông được nhạc sư cho điều
khiển ban Nhạc Lễ lớn cùng với các thầy đờn từ Lục Tỉnh kéo về thi thố tài
năng. Có lần thầy Nhạc Khị đã phải thốt lên: “Thằng Lầu xứng đáng thay mặt thầy
đi thi, mà không phải lo lắng gì cả.”
Nếu
cung đàn và tiếng hát của Sáu Lầu đã ngự trị những sân chơi điệu nghệ thì đường
tình ái của ông lại gặp nhiều trắc trở dở dang.
Số là
thầy Nhạc Khị có cô con gái tên là Hai Thân, sắc nước tài cao, đã khiến Sáu Lầu
yêu trộm nhớ thầm. Như một duyên tình từ tiền kiếp đã đưa đẩy đến ông như chuyện
kể của người xưa: “Vũ vô kiềm tỏa năng
lưu khách; Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. 3
Nhưng khốn nỗi, trong cảnh nhà nghèo khó, biết
mộng ước khó thành, Sáu Lầu đành lặng lẽ bỏ đi, lánh xa người mình thương, giã
từ thầy học…
Thời gian sau, Sáu Lầu
lập riêng một ban Nhạc Lễ để phục vụ địa phương lối xóm. Chẳng bao lâu, tiêng
tăm ban nhạc của ông đồn vang khắp miền Lục Tỉnh.
Vào năm 1916, cô Hai
Thân bước lên xe hoa về nhà chồng và cùng lúc Sáu Lầu cũng được gia đình cưới
cô Trần Thị Tấn về làm vợ. Cuộc hôn nhân được làng trên xóm dưới ngợi khen là xứng
đôi vừa lứa. Nhưng lấy nhau được ba năm, vợ chồng vẫn chưa có lấy một mụn con để
nối dõi tông đường, khiến mẹ Sáu Lầu đay nghiến nàng dâu: “Tam niên vô tử bất
thành thê”. Dù vợ chồng thương yêu nhau hết mực, nhưng không thể sống trong cái
cảnh khắc nghiệt mẹ chồng nàng dâu, vợ ông đã bỏ trốn về nhà với cha mẹ đẻ. Ai
cũng tưởng vậy. Nhưng thực sự nàng không về nhà cha mẹ mình mà xin vào làm công
quả cho một ngôi chùa trong vùng. Còn ông cũng bị me mình canh chừng như bị quản
thúc tại gia khiến không dễ gì thoát ra đi tìm vợ được. Rồi một đêm cuối năm,
trong cái cô đơn lạnh lẽo nơi thư phòng, phần thương thân vợ, phần tủi phận
mình, Sáu Lầu đã gửi lòng vào tiếng nguyệt cầm ai oán: “Dạ cổ hoài lang”. Có ngờ
đâu bản Dạ Cổ Hoài Lang ra đời lại vang dội khắp vùng Bạc Liêu thời đó. Nhưng
duyên tình “đôi ta tình nặng nghĩa dày, có xa nhau đi nữa ba vạn chin ngàn ngày
mới xa” (cd). Rồi một ngày, bên “cây đa bến cũ, con đò năm xưa”, vợ chồng lại trùng
phùng hạnh ngộ, vào lúc vợ ông thọ thai sau hạ sanh được một bé trai. Cả tỉnh Bạc
Liêu lại thêm một lần truyền khẩu: “Con thầy đờn có khác…đợi cho tía viết xong
bản nhạc rồi mới chịu ra đời”. Sau đó gia đình lại xum họp an vui và hai người
sau có với nhau 7 mụn con, 5 trai 2 gái.
|
Nhạc sĩ
Sáu Lầu và chính những nhạc sĩ đương thời nói trên là những người tiên phong
làm rạng danh nền cổ nhạc Việt Nam vào những năm 1935-1938 và nhất là sau ngày
chiến tranh chấm dứt, thú đờn ca tài tử vừa cao sang vừa dân dã đã đi vào lòng
dân tộc nay lại được thăng hoa cùng với những tấu khúc của Cửu Long Giang.
Ước mong một ngày nào
đó không xa, người viết được làm một chuyến lãng du về Miền Tây, được đứng bên
bờ sông đỏ ngầu phù sa nước lớn, được lắng nghe tiếng đờn ca ngọt lịm của những
tốp ca tài tử, cùng để được thưởng thức khô mực và men cay đế Gò Đen…
Mong lắm thay !
Phạm
Bá
Tài liệu tham khảo:
- Nam
Bộ Xưa và Nay - Tự Điển
Thành Ngữ Điển Tích
- Nghệ
thuật Sân Khấu VN. - Và một số
tư liệu khác.
- Dệt bài thơ lên gấm dâng Vua, xin cho chồng được trở về.
2.
Có
sách chép là Đậu Thao
3. Đối đáp
văn học đời Nhà Lê giữa thầy đồ Đàm Thuận Huy và trò Nguyễn Giản Thanh
vì Giản Thanh đã say mê con gái lớn của
Thầy Đồ. Một chiều vào giờ tan học, đúng
vào
lúc trời mưa to gió lớn, học trò không ai ra về được, Thầy ra câu đối:
Thầy: Mưa không phải là khoá cửa, mà vẫn lưu được
khách ở lại trong nhà.
Trò : Sắc
đẹp của đàn bà không phải là sóng nước mà vẫn nhận chìm được người ta.
Bay Hoang
ReplyDeleteBay Hoang 3:46am Mar 29
Cám ơn bạn Luân đã viết 1 bài rất cảm động về mối tình của Ông Vua Cải Lương Sáu Lầu ! Là 1 người có Bà Xã là người Gò Công rất gần với xứ sở Bạc Liêu, chúng tôi vẫn thường được thưởng thức những vở tuồng Cải Lương nổi tiếng trước 75 do những Nghệ Sĩ vang bóng 1 Thời như Thanh Nga, Thành Được, Út Trà Ôn, Bạch Tuyết và Hùng Cường ! Tháp tùng Bà Xã đi coi tuồng Cải Lương riết rồi cũng quen dần và tâm hồn cũng thấm những giai điệu Miền Nam lúc nào không hay ! Là dân "Bắc Kỳ" nhưng bạn Luân đã nghiên cứu rất kỹ để viết về Cụ Sáu Lầu nổi tiếng của miền Nam !
Một đoản văn rất hay va truyền cảm, Cũng là một gợi nhớ về quê hương của những kẻ xa nhà, còn một chút gì để nhớ, để thương về quê cũ-
ReplyDeleteĐỗ Lý VN