Saturday, July 13, 2013

Lá Thư Maryland

                                                                                                                                                                                                 


Mến gửi:
Cô Mộng Tuyền
& Ban Chủ Biên Báo Bút Tre, AZ

 
      Không một lời nào có thể nói lên được hết những ân cần của Mộng Tuyền và Ban Chủ Biên Báo Bút Tre đã dành cho khách phương xa một chiều hạnh ngộ, dù ngắn ngủi sơ giao, nhưng đầy ắp những chân tình của những người đồng điệu vốn đã mang một hoài bão truyền tải cảm xúc phục vụ văn chương & nghệ thuật.
       Dù phải chia tay, trong giây phút... ngập ngừng... nhưng đâu đó, hình như... những bàn tay níu lấy những bàn tay đã được ghi vào dòng ký ức của mọi người vào dịp "The 4th of July 2013" tại Ocean Trail, Talking Stick Resort - AZ.
       Xin ghi nhận nơi đây bằng hai câu Kiều của Nguy
n Du:
                     "Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
                        Nhớ nơi kỳ ngộ vội rời chân đi ..."

Thân ái,

Phạm Bá & Ỷ Nguyên,
Maryland


Thursday, July 4, 2013

SAPA ! Quê Hương & Nỗi nhớ ... Phần II

                                                                                                                                                                                                  

SAPA !
    Gió núi, mưa ngàn...                                                                                                 .                                                         
                                                                            Chùm Ảnh Kỹ Thuật Số: Phạm Bá, MD
     Ỷ Nguyên       

      Cô Sai cho hay các chủ quán hầu hết là người Kinh dưới đồng bằng lên. Sau năm 75 họ lên đây lập nghiệp và chiếm hữu đất đai của đồng bào thượng tại Sapa này.  Họ mở quán bán đồ ăn, làm chủ những sạp hàng bán đồ lưu niệm, mở khách sạn, và cả phòng "Foot & Body Massage - Xông Hơi - Tắm Lá Thuốc" ngay tại trung tâm thành phố hoặc trong các khu chợ rải rác khắp nơi, trên đồi cao hoặc dưới thung lũng nơi nào có dấu chân của du khách thăm viếng, là nơi đó có người Kinh hiện diện. Những lúc chúng tôi dừng chân bên đường như vậy, nhiều trẻ em người thượng, trai có gái có xúm xít vây quanh lấy chúng tôi để gạ bán đồ lưu niệm, hoặc gậy tre thẳng vuốt, cao bằng đầu người để du khách cần đến khi leo núi. Các em tuổi rất nhỏ từ năm tới mười, mặt mày nhem nhuốc nhưng đôi mắt tinh anh, láu lỉnh đang theo dõi đám du khách chúng tôi.  Em nào da dẻ cũng đỏ bừng  vì cháy nắng, áo quần bằng vải thổ cẩm loè loẹt, xốc xếch, đủ mầu. Tôi không muốn mua gì nhưng đổi ít tiền lẻ của bà chủ quán để phân phát đồng đều cho các em, chúng nhao nhao giơ tay đón nhận, thấy mà tội nghiêp. Tôi chợt nhớ tới mấy đứa cháu nội, ngoại của mình ở bên Mỹ, có cuộc sống quá ư là đầy đủ thì biết là mình đã may mắn hạnh phúc hơn nhiều người.  Người dân trong các buôn sống lam lũ, cực nhọc, dầm mưa dãi nắng ngày nọ qua ngày kia, da dẻ nám đen nhưng khoẻ mạnh, rắn chắc.  Hằng ngày các cô gái, các bà mẹ, bà già, trẻ em, từ sáng tinh mơ đi bộ xuống trung tâm thị trấn nơi có nhiều khách sạn, để bán những đồ lưu niệm lặt vặt.  Cô Sai cho tôi hay là đàn ông người Thượng lo việc đồng áng và đôi khi ở nhà giữ con cho vợ. Cô đã có gia đình, và có một đứa con còn nhỏ, nên những khi cô phải đi theo đoàn du lịch như sáng nay thì chồng cô phải thay cô ở nhà trông con. Tình cảnh của người dân thiểu số ở Sapa mà tôi được tiếp xúc từ sáng đến giờ thấy nghèo khổ quá đỗi ! Cuộc đời của họ bất hạnh làm sao!.  Những chia sẻ của chúng tôi với họ ở đây chỉ là tạm bợ, nhất thời.
   
      Dọc đường đồi đi xuống thung lũng vào bản, chúng tôi vào thăm nhiều căn nhà nhỏ, nghèo nàn trống trải. Trong nhà độc nhất chỉ có một chiếc giường gỗ và một cái bếp với chiếc kiềng ba chân đặt chơ vơ trên lớp tro tàn ngay giữa nhà...mà tôi nghĩ, bếp này cũng sẽ được làm lò sưởi về mùa Đông. Mấy đứa trẻ con bu quanh phía trước, áo quần ngắn cũn cỡn, hở rốn hở mông hoặc trần truồng, đứng ngây ngô nhìn chúng tôi đi qua bằng con mắt hiếu kỳ xa lạ. Chủ nhà bầy ít đồ vải vóc, quần áo trang sức phụ nữ ở trước cửa nhà để bán cho du khách. Nhiều nhà còn nuôi thêm gà vịt và lợn con.  Cũng có nhà nuôi dăm ba chú chó con đang nằm ngủ vô tư không màng gì đến người lạ đi qua đi lại, hình như chúng đã quen với cái sinh hoạt hàng ngày như vậy. Tôi không tiện hỏi, nhưng có lẽ họ nuôi chó để làm thịt (?) sau này. Tôi để ý hầu như nhà nào cũng có một cái máng nước chạy qua vườn dùng làm phương tiện dẫn thủy nhập điền để dẫn nước mưa, nước suối từ trên đồi xuống những thửa ruộng bậc thang bên triền núi, xuống tới chân đồi. Họ biết áp dụng phương pháp thăng bằng để khi những máng này đầy nước sẽ tự động thả nước xuống đường mương đào sẵn, dẫn vào các khu ruộng phía dưới. Nhiều nhà còn dùng hệ thống dẫn nước này làm cối giã gạo - được gọi là cối gĩa gạo dân tộc, như kiểu cối giã gạo ở nhà quê ngoài Bắc ngày xưa. Cần cối là một khúc gỗ vuông cạnh, dài chừng bốn mét đặt cố định trên một trục cách đầu cần khoảng hai phần ba, mục đích để cho đầu cần nặng hơn đuôi; đầu cần cối được gắn một chày to, dưới là một cối đá chứa gạo đã xay. Nhịp chày lên xuống do người đứng ở giữa trục bước tới bước lui (có nơi, người giã gạo bước lên bước xuống) bằng một chân. Khi bước lui thì đầu chày cao lên khỏi cối đá, khi bước tới là đầu chày đập xuống cối đầy gạo, chà xiết cho gạo tách rời khỏi cám. Khi còn là một cô bé oắt tỳ ở nhà quê trong thời gian gia đình nhà tôi lánh nạn ở làng Đông Sơn, thuộc Chiến Khu Tư Thanh Hoá, những lúc thấy mấy chị thôn nữ giã gạo, tôi thường xin các chị cho đứng phía trên cần cối để được hưởng cái cảm giác bay bổng lên, rồi hạ xuống theo tiếng chày bì bộp phía dưới ... Các chị vừa giã gạo vừa hát hò hay chuyện trò vui vẻ để quên thời gian cũng như quên đi cái nhọc nhằn của công việc:  ‘‘Nàng về giã gạo ba trăng, để anh gánh nước Cao Bằng về ngâm...’’. Bây giờ nhớ lại hình ảnh ấy, tôi thấy nhớ ơi là nhớ.  Ngày xửa ngày xưa, ai đã từng sống ở nhà quê miền Bắc, có lẽ không xa lạ gì với phương tiện giã gạo này. Ở đây, người đứng giã gạo được thay thế bằng máng nước. Khi nước chẩy vào đầy máng này thì đầu chày từ từ nhấc lên khỏi cối rồi tự động rơi xuống cối đá xiết vào gạo khi máng đã thả hết nước ra; nước lại liên tục đổ xuống làm đầy máng ... Và cứ thế, máng nước lại tự động đầy lên ..., đều đều như nhịp chày “Gạo Trắng Trăng Thanh’’ của H.T.T: “...Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh nhanh. Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà...’’. Phương tiện giã gạo qua hệ thống dẫn thuỷ nhập điền kiểu đòn thăng bằng này cứ thế liên tục hoạt động ngày đêm. Dĩ nhiên khi không giã gạo, máng nước sẽ làm công việc dẫn nước đơn thuần. Thực khôn khéo với những bộ óc không cần kiến thức cao. 
      Chúng tôi đã cuốc bộ mấy ngày trước đây khi đi thăm viếng chùa Bái Đính ở Nình Bình, đã leo lên những bậc thang cao, thực là cao để chiêm bái Tôn Tượng Phật Di Lặc và 500 tôn tượng Phật A La Hán, bây giờ lại tiếp tục leo núi leo đồi ở đây, ban đầu e không còn đủ sức, vậy mà mọi việc đều qua đi với đôi chân dẻo dai đầy kinh nghiệm. 
     
Theo chương trình, bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải quay lại khách sạn để dùng cơm chiều và nghỉ ngơi.  Lúc đi ai nấy đều phấn khởi, háo hức, lượt về cũng lại phải leo đồi xuống dốc mà người nào ngưòi nấy đều đã thấm mệt, mặt mày đỏ gay, mồ hôi thấm áo, nhưng cũng phải cố thôi.  Hôm nay chỉ là chuyến đi bộ ngắn năm cây số thôi, sáng mai  sẽ phải đi bộ vào các bản khác xa hơn tới 7, 8 cây số thì mới đáng ngại chứ! Mấy bác chạy xe ôm - bây giờ mới thấy đàn ông xuất hiện - đoán là du khách chúng tôi mệt mỏi vì đi bộ lâu nên cứ rà rà xe Honda sát bên để mời mọc đưa về. Họ biết mấy phụ nữ người Việt chúng tôi mệt mỏi, cần giúp đỡ. Họ không mời du khách người ngoại quốc, có lẽ họ coi thường chúng tôi thiệt đó ...  Đi mãi mà chưa trông thấy bóng dáng khách sạn mình ở đâu, tôi bắt đầu thấy hơi nản và tự hỏi không biết mình có đủ sức để về tới đích không, nhưng vì “tự ái dân tộc’’ nên vẫn ráng lê bước bên cạnh ông xã. Trời bắt đầu mưa nặng hột, đường thì trơn và dốc, mình là đàn bà yếu đuối, tuy không thiếu trọng lượng -  cũng vẫn ráng lên cùng các bạn đồng hành để tỏ ra là mình cũng thuộc loại si-bo đây!  Tôi đã nhiều lần từ chối lời mời của mấy bác xe ôm, nhưng họ cứ lẽo đẽo đi theo và mời chào như năn nỉ không dứt.  Thấy tội nghiệp, tôi quay ra hỏi hai ông đi theo chúng tôi từ nẫy đến giờ: "Nếu phải trả cho một chuyến xe về khách sạn các ông tính bao nhiêu một người?" -  50,000$ (khoảng 2 đô la) - một ông trả lời tôi như thế.  Tôi lấy ra hai tờ 50,000 đồng VN trao tay cho mỗi ông một tờ và vui vẻ nói với họ: "Đây là tiền xe của hai ông.  Cứ coi như chúng tôi đã đi xe của hai ông rồi nhé. Thực tình chúng tôi muốn đi bộ cho khoẻ chứ không phải tiếc tiền. Mong hai ông hiểu cho ..."  Sự kiện bất ngờ này xẩy ra ngay trước cửa trạm gác của công an quận, khiến mấy anh công an ngồi trong hàng hiên chăm chú nhìn chúng tôi với vẻ mặt ngỡ ngàng như chưa bao giờ xẩy ra trước mặt họ...Thông thường tôi hay hành xử như thế khi gặp mấy ông xe ôm, hay xe xích lô lẽo dẽo theo chúng tôi mời chào. Ngay cả khi còn ở Hà Nội hay Saigon trước đây, chúng tôi cũng không dám ngồi xe xích lô vì cảm thấy khó chịu “phải ngồi’’ trên xe để người ta đạp chở mình đi ngoạn cảnh, tôi tự thấy ngượng ngùng làm sao!  Với vóc dáng một ngoại kiều, e nặng ký mà để một ông già ốm yếu, hỳ hục đạp xe chở mình như vậy thực khó coi vô cùng.  Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu mình e ngại không dám lên xe đi giúp họ thì họ sống bằng gì đây? Họ sống bằng sức lao động để đổi lấy đồng tiền mà.  Ôi ! thực phức tạp phải sống trong một xã hội mà giầu nghèo chênh lệch như thế.  Cho nên khi giúp họ ít tiền mà không phải trao đổi, tôi thấy trong lòng vui sướng làm sao.  Giúp kẻ khó trong những hoàn cảnh này, tôi cảm nhận là mình đã làm được một việc thiện.
     Về tới khách sạn vào lúc mặt trời đã ngả bóng. Ai nấy đều mệt và đói bụng nên đổ xô hết xuống phòng ăn.  Nhiếp ảnh gia của tôi mặt mày bị rám nắng vì cả nửa ngày ở ngoài trời, nhưng anh trông khoẻ hẳn ra.  Anh luôn luôn hài lòng về sức khoẻ của mình mặc dù tuổi đã cao. Chúng tôi năm người gồm vợ chồng tôi, cô cháu gái và một cặp du khách từ Canada.  Cặp này còn trẻ, ít tuổi hơn chúng tôi nhiều nên gọi chúng tôi là cô chú và xưng con, nghe rất Việt Nam.  Họ là người gốc miền Nam, nói năng dễ thương và chân thật nên dù mới chỉ gặp nhau vài tiếng đồng hồ mà chúng tôi đã gây được cảm tình với nhau, rất tâm đầu ý hiệp.  Chúng tôi gọi những món ăn quê hương như canh cua đồng mồng tơi, trứng tráng thịt, rau muống sào tỏi tươi, cá rán sốt cà chua.  Đồ ăn tinh khiết, sạch sẽ và vừa miệng khiến tôi không ngại ngùng e dè như khi ăn ở ngoài đường phố nên cảm thấy yên tâm hơn.  Nhân viên phục vụ đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, ân cần và chu đáo, bất kỳ lúc nào chúng tôi có mặt tại phòng ăn này vào sáng, trưa và chiều.  Hình như họ thích phục vụ người Việt mình hơn là người ngoại quốc vì du khách người Việt thường lúc nào cũng cởi mở, rộng rãi và chi tiền típ rất hậu hĩnh.  Về thăm quê hương, tôi thích nhất là được gặp người Việt Nam, nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tiếp xúc với mọi giới, mọi từng lớp, hiểu thêm được nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện tại.  Tương đối tôi rất hài lòng và cảm nhận được một điều mà sau này dù cho có dư tiền dư của, tôi cũng không có cơ hội để thực hiện, đó là vấn đề trắc nghiệm lại sức khoẻ của mình.  Do đó tôi thấy sung sướng và mãn nguyện làm sao khi được sống trong một vùng đất của quê hương với những giây phút ngắn ngủi để tận hưởng tất cả những cái diệu kỳ của thiên nhiên nơi núi rừng Sapa, nhất là tình chân phương mộc mạc của người dân bản thượng.
      Chiều tối, từ cửa sổ của phòng ngủ tại khách sạn Global, một lần nữa tôi lại ngỡ ngàng trước cảnh sắc mờ ảo của đồi núi Sapa ẩn hiện trong làn sương chiều trắng đục, như một bức tranh khổng lồ trải ra trước mắt tôi.  Mưa chiều lất phất bay, gió núi mơn man mát lạnh.  Dưới đường phố vẫn còn thấp thoáng vài thiếu nữ miền sơn cước đi lên đi xuống để mời chào du khách mua đồ.
      Lúc này, mọi người tách ra đi chơi riêng rẽ.  Riêng hai chúng tôi lững thững đi ra phố chợ không xa khách sạn là mấy. Được tản bộ trong giờ phút này thật không uổng phí. Đây là trung tâm thị trấn nên hàng quán chiếm ngụ hai bên đường khá đông đảo tạo nên một khu buôn bán xầm uất dành cho khách du lịch.  Hầu hết là hàng ăn và tiệm bán đồ lưu niệm.  Ở đây, tôi thấy quán ăn nào cũng đều bán những món ăn giống nhau như thịt rừng nướng, cơm lam của người thượng mà sáng nay ông xã tôi đã ăn thử trên đường đi.  Nghe nói cũng có chùa Phật Giáo ở đâu đó trong thị trấn nhưng chúng tôi không còn đủ thì giờ để đến chiêm bái.  Thành phố đã lên đèn từ hồi nào không hay. Cảnh sắc Sapa về đêm trong ánh đèn vàng yếu ớt làm tăng thêm vẻ lãng mạn của thị trấn mù sương, quyến rũ và lôi cuốn du khách thập phương.  Mưa bụi vẫn nhẹ bay.  Hai chúng tôi tản bước từ con phố này sang con phố khác.  Đã lâu rồi chúng tôi không có dịp đi bên nhau, tay trong tay dưới trời đêm huyền diệu và thơ mộng như thế này.  Thú vị thật ! Trong khoảnh khắc cả hai đứa chúng tôi như sống lại những giây phút “hẹn hò’’ của buổi ban đầu hồi còn đi học ở Saigon..  Giờ đây tuổi đã cao mà "Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy" vẫn bàng bạc vương vấn trong nhau.  Ít ra cũng còn một chút gì để nhớ để thương nên hai chúng tôi như cố níu lại cái giây phút quí báu này.  Có vẻ lãng mạn đấy chứ!
      Đến đây, tôi phải nói thêm một chút kẻo quên đi mất, đó là chợ Tình Sapa. Chợ Tình Sapa là tên của du khách đặt ra. Chợ họp vào ngày Chủ Nhật, nhưng cư dân từ các bản xa xôi, nhiều người phải đi cả ngày trời mới tới, nên từ những ngày xa xưa, họ phải đi từ sáng Thứ Bảy để kịp họp chợ vào Chủ Nhật. Nhân cơ hội này, trai gái người sắc tộc gặp gỡ nhau vào tối Thứ Bảy để hẹn hò, ca hát, nhẩy múa... Từ đó có tên là Chợ Tình. Nhưng từ khi ánh đèn văn minh đô thị và tiếng nhạc Karaoke xâm lấn vào nếp văn hóa cổ truyền của họ, nhất là những cử chỉ sỗ sàng, sàm sỡ của du khách (?), cái ngây thơ của bản sắc văn hóa địa phương đã phải ra đi, nhường chỗ cho những rác rưởi thị thành ... nên bây giờ Chợ Tình Sapa, dù vẫn họp hàng tuần, nhưng vắng người và mang một sắc thái khác...
      Sáng hôm sau, theo lịch trình của đoàn, mọi người phải dậy sớm ăn điểm tâm và chuẩn bị cho chặng đường đi bộ lâu hơn và dài hơn hôm qua - 7 cây số.
      May quá, hôm đó trời lại nắng, dù đêm trước có một trận mưa xối xả đổ xuống thị trấn Sapa, chắc hẳn chuyến leo đồi xuống núi của chúng tôi cùng sẽ khá gay go. Tôi đoán thế ...
      Từ nhiều con dốc xoai xoải kéo xuống chân đồi, chúng tôi có cảm giác như mình đang đi trên mây.. Mọi cảnh sắc thơ mộng và diệu kỳ trên đoạn đường sáng nay trông hơi khác với hôm qua.  Dù vẫn có những áng mây trắng lững lờ trôi bao phủ cả một vùng thung lũng, những mảnh ruộng xinh xinh, xanh ngắt mầu mạ non và thấp thoáng xa xa là những mái nhà sàn lợp tranh nâu xậm.  Đẹp tuyêt !  Làn sương sớm lành lạnh lan toả khắp nơi, dường như làm tôi ngây ngất vì khí trời thoảng nhẹ của miền thượng du Sapa. 
      Cô Sai vẫn là người hướng dẫn chúng tôi sáng hôm đó.  Cô đưa chúng tôi đi qua những đồi núi chập chùng với những di tích lich sử của các buôn khác nhau.  Đường dốc và trơn trượt, mặc dầu đã được cảnh giác trước nhưng vẫn có người té ngã tới hai ba lần làm cả đoàn rú lên cuời.  Một du khách người Úc trượt chân trước tiên, rồi lại ngã ngồi phệt trên mặt đất lần thứ hai và sau đó, anh Úc Kiều trong nhóm tôi, ngã văng cả máy hình, máy ảnh ra ngoài, khiến chúng tôi cũng phải coi chừng và cẩn thận hơn trên những bước đi kế tiếp. Vui thật !  Kinh nghiệm là phải bước ngang bàn chân thay vì đi thẳng, và phải bấm giầy xuống mặt đất cho vững chắc rồi mới dám bước tới.  Hồi sáng, lúc mới khởi hành, có mấy cô sơn nữ người H’Mong theo chúng tôi chuyện trò và mời chào mua đồ lưu niệm, dù bị từ chối nhưng họ vẫn tiếp tục theo sát chúng tôi cả gần hai tiếng đồng hồ rồi.  Đến giờ phút này tôi mới vỡ lẽ ra là kinh nghiệm đã dậy họ sự kiên nhẫn, chịu đựng như thế, vì họ biết thế nào trong toán du khách cũng có người phải cần đến họ để giúp dìu đi qua những khu vực đất đồi trơn uớt.  Và cuối cùng chính tôi và cô cháu gái đều phải nhờ tới những người H’Mong này.  Quả thật, có mấy khúc đường đèo trơn trượt và đá lởm chởm nguy hiểm, nếu không có họ dìu đi thì không biết việc gì sẽ xẩy ra.  Nhiều cây cầu tre, cầu nứa yếu ớt bắc ngang qua những con lạch như đang chờ đợi đôi chân mới của người khách lạ làm ai cũng chùn cẳng ngại ngùng chưa dám bước qua. Thế mới biết người mình nhát gan thiệt, nhìn theo những phụ nữ ngoại quốc bước đi tỉnh bơ và ra chiều thích thú làm chúng tôi thấy quê xệ. Có lẽ họ đã đi hiking nhiều ở nước họ.  Lại một kỷ niệm khó quên!
     Chúng tôi đi theo cô Sai qua những cây cầu ghép bằng những ống nứa cheo leo, bên những thác nước tuôn xuống ầm ầm, tạo ra những lớp bụi mưa mờ ảo. Nhưng quyến rũ nhất không thể không nói tới là Cầu Mây. Cầu Mây (Rattan Bridge) nguyên thủy là một địa điểm du lịch kỳ thú không kém phần hào hứng, dành cho du khách thuộc hàng “to gan lớn mật’’ mới dám bước lên cầu ... Cầu được kiến trúc, nói cho xôm vậy thôi, bằng nhiều sợi mây (rattan). Những ai ở nhà quê đều biết, mây là một giống cây leo có độ dẻo dai bền bỉ và chịu đựng được nắng mưa. Cầu Mây được hình thành như một thứ cầu treo lắt lẻo đong đưa trên một độ khá cao với nhiều dây mây lớn bện chằng chịt theo hai dây cáp dọc hai bên để treo cầu qua dòng suối Tả Ban. Mặt cầu, bề ngang chừng hơn một thước, được ghép bằng những tấm gỗ cách quãng theo từng bước chân. Như thế có nghiã là nếu bước hụt không vào miếng ván, tức là rơi xuống suối dễ như chơi...Nên hầu như du khách Mít như tụi tôi chỉ dám đứng ngắm cho khoái mắt ...Mà cũng chỉ thấy vài du khách thanh niên ngoại quốc thập thò vài bước ở đầu cầu rồi lại thụt lui, phá lên cười với nhau thích thú. Người ta kể lại, nếu đi trên cầu vào buổi sáng tinh sương, thì hẳn như thấy mình đang bước trên mây. Nhưng cũng chẳng sao, ngay bên cạnh cầu này, nay đã có thêm một cây cầu treo khác theo đúng nghiã của nó: cầu được treo bằng dây cáp to, bề ngang cầu rộng chừng hai thước, mặt cầu được lót bằng những tấm gỗ dầy, to, trông rất chắc chắn, xe Honda chạy vô tư ...Đây là cây cầu khá an toàn cho khách bộ hành vì chẳng ai dám xử dụng cây Cầu Mây... lịch sử kia. Dưới cầu, dòng nước đỏ mầu đất núi từ thác Cỏ May phía xa ào ào đổ xuống như mừng đón đám du khách phương xa, nguyên vì hôm qua trời đổ mưa tầm tã, nước cuồn cuộn chẩy theo dòng suối uốn lượn dưới chân cầu. Tôi thấy mình thực bé nhỏ truớc cảnh núi đồi hùng vĩ, bát ngát bao la của tạo hóa.  Trong phút giây tâm hồn lâng lâng đó, tôi cảm thấy như đang bị thôi miên không sao trốn khỏi, như đang sống với một cảm giác thư giãn trong mơ, như được quên đi những ưu tư hối hả của cuộc đời phố thị nơi quê hương mới ...
      Hầu như du khách nào cũng muốn leo lên đỉnh Hàm Rồng là hình con rồng uốn khúc, ở sát ngay thị trấn. Ở khu du lịch Hàm Rồng còn có một Vườn Lan quốc gia với nhiều thứ lan rừng thiên nhiên như để giới thiệu đến những người có thú chơi hoa. Nhưng chưa hết đâu, muốn lên tới núi Hàm Rồng phải qua đường lên Cổng Trời là lối đi giữa hai vách đá cao thẳng đứng với một lối đi nhỏ hẹp, bề ngang chỉ vừa một chiếc Honda chạy. Nơi đây có Sân Mây là vị trí cao nhất, đứng trên đây có thể nhìn thấy hết cả Thị Trấn Mù Sương. Cô hướng dẫn cũng kể cho du khách nghe qua về Thác Bạc trên đường đi Lai Châu, cách Sapa chừng bẩy cây số. Thác cao chừng 100 mét. Về mùa mưa, nước thác trắng xóa lóng lánh như một triền núi được dát bạc. Nhưng về mùa khô, thác chỉ còn là một dòng chẩy nhỏ. Muốn vào tận nơi xem và chụp hình du khách phải leo lên chừng hơn 300 bậc thang; cho dù có thì giờ, chúng tôi chắc cũng khó có thể đi thêm được nữa. Xin hẹn ngày trở lại ...
      Khi đến đoạn đường bằng phẳng và khô, chúng tôi chia tay với các cô gái người H’Mong và đưa tặng họ ít tiền vì họ đã có công dìu chúng tôi qua những khúc đường trơn trượt. Họ rất mừng, nỗi sung sướng, hân hoan hiện rõ trên nét mặt rắn rỏi chất phác.  Số tiền 100 ngàn đồng VN đưa cho họ tuy trị gía chỉ bằng 5 đô la thôi, nhưng với họ là một lợi tức thu nhập lớn trong ngày làm việc..
      Cô Sai luôn luôn đi sát bên chúng tôi cho biết công ty Du Lịch trả công cô 100 ngàn đồng VN cho mỗi buổi cô đi hướng dẫn du khách như thế.  Cho nên hai hôm đi du ngoạn về, tôi đều bo cho cô mỗi hôm 100 ngàn đồng VN.  Tôi cảm thấy thực vui vì nghĩ rằng cô Sai đã xứng đáng được hưởng tiền típ của du khách.
      Hiện giờ chúng tôi đang có mặt tại địa điểm ăn trưa mà công ty Du Lịch đã đặt sẵn tại một bản thượng thuộc bộ lạc Zay.  Thức ăn có ba món, cũng cơm trắng, rau sào thịt bò, canh rau, thịt heo núi kho tiêu. Tôi thì vẫn chỉ một chén cơm trắng với chút xíu nước tương là xong bữa, y như ăn chay !   Nhóm chúng tôi vẫn là năm người Việt Nam đi với nhau và món ăn trưa nay quá ư là nhiều nên khi cả toán vừa bước ra khỏi bàn ăn thì ngay lập tức các em bé thuộc nhiều bộ lạc ùa tới bốc ăn cho bằng hết.  Chúng đói và thèm thuồng. Tội nghiệp ! 
      Sau bữa ăn trưa, nắng lên, ai nấy đều thấm mệt vì đường đi quá dài so với hôm qua. Quanh chúng tôi bấy giờ là các bà mẹ và các em bé thuộc bản Zay với những đồ nữ trang rẻ tiền và khăn quàng cổ bằng vải thổ cẩm đủ mầu... đặc phẩm của miền thượng du trông cũng hấp dẫn, có lẽ mình nên mua giúp cho họ vài món. Mua một chút quà kỷ niệm cho con cháu và bạn bè khi đi xa về thì cũng đáng làm lắm chứ! Và cứ như vậy mọi người trong nhóm đều tới tấp buớc tới chọn lựa, khiến người bán cũng phấn khởi vì đã không uổng công theo chân nhóm du khách quá lâu. Sau đó chúng tôi vẫn phải đi bộ thêm hơn cây số nữa để ra lộ chính có xe van đợi sẵn đưa đoàn du khách trở về khách sạn hầu kịp bữa cơm chiều lúc 5 giờ trước khi xe của công ty Du Lịch đưa chúng tôi ra ga Lao Cai, để ngủ thêm một đêm nữa trên chuyến tầu hoả trở về Tràng An Hà Nội. Quanh tôi ai nấy đều biểu lộ niềm vui dù rằng chuyến đi tour quá ư là ngắn ngủi đã không cho họ có đủ cơ hôi đi thăm viếng nhiều nơi kỳ thú khác của Sapa.
      “Thời gian tựa cánh chim bay. Qua dần những tháng cùng ngày ...’’ (Hoài Cảm của Cung Tiến), tiếng hát của Bằng Kiều như gợi lại trong tôi những nỗi nhớ khôn nguôi. Thắm thoát mà đã hai tháng trôi qua từ ngày chúng tôi trở lại nơi trời cao quê hương mới. Hôm nay ngồi đây bồi hồi ghi lại những dòng hoài niệm một chuyến đi, không khỏi miên man hồi tưởng lại những hình ảnh mến yêu của miền Tây Bắc quê hương. Chúng tôi đã tìm lại được những phút giây hạnh phúc trong chuyến đi này. Phải chăng niềm vui hạnh phúc là thời gian vắng mặt những bôn ba hối hả của cuộc đời, là không gian khuất xa ánh đèn mầu đô thị... Vâng, với tôi, hạnh phúc đơn giản chỉ là thế thôi ...Và tôi vẫn thầm mong một lần nữa được trở lại Thị Trấn Mù Sương để cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên của mình trên một đất nước không còn chiến tranh ...
Tạm biệt Sapa - Gió Núi Mưa Ngàn, không chỉ là một địa danh mà còn là nỗi nhớ ...
Tạm biệt cô gái Thượng duyên dáng của tôi ! 


Ỷ Nguyên
Maryland, Aug. 2011                             
(Đã đăng trong TCNS CỎ THƠM

số 57, Mùa Đông 2011)



SAPA ! Quê Hương & Nỗi nhớ ... Phần I

.                                                                                                                                                                                                                                                             
   SAPA ! Gió núi, mưa ngàn...                                                              


  Bút ký                                                     Chùm Ảnh Kỹ Thuật Số: Phạm Bá, MD                   
                          


Ỷ Nguyên

      Đã lâu, tôi vẫn thầm ao ước được một lần trở lại quê hương miền Bắc, được đặt chân lên  vùng đồi núi Sapa thơ mộng.  Ước mơ cỏn con đó cứ canh cánh bên lòng cho tới bây giờ khi ở vào cái tuổi đang đứng bên kia sườn dốc cuộc đời, còn gì để tôi do dự thực hiện ước mơ này.  Do đó cả hai chúng tôi đã háo hức phác họa một chương trình du lịch khá qui mô cho 6 tuần lễ, từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 6 năm nay.  Thực tình mà nói nếu chỉ hình dung đến chuyến đi không thôi, đã thấy lòng bồi hồi rạo rực...mong cho chóng tới ngày khởi hành.
      Chuyến bay từ Hàn Quốc uể oải đáp xuống trường bay Nội Bài - Hà Nộì vào lúc 10 giờ đêm.  Sau các thủ tục khám xét hành lý, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm vì không bị hạch hỏi hay khai báo lung tung như lời cảnh báo của bạn bè trước ngày chúng tôi lên đường.  Như đã thoả thuận với khách sạn Trống Đồng ở gần Hồ Hoàn Kiếm, họ đã gửi xe van ra tận phi trường đón chúng tôi.  Dù gì, sau hơn 20 giờ ngồi trên máy bay suốt từ Mỹ tới Đại Hàn rồi từ Đại Hàn về Việt Nam đã làm chúng tôi mỏi mệt, chân tay rã rời, nhưng nghĩ tới những giây phút được bước vào phòng điều hòa không khí của khách sạn, thì ai nấy như lên tinh thần, thở phào khoan khoái. 
    Qua mấy ngày nghỉ xả hơi tại khách sạn để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, chúng tôi đặt Tour đi Sapa qua công ty Du Lịch Kim Anh mà anh Tuấn chủ khách sạn đã giới thiệu.  Giá cả cũng phải chăng, cỡ gần 100 đô một người cho chuyến du lịch Sapa hai ngày, ba đêm.  Hai đêm ngủ trên xe lửa và một đêm tại khách sạn ở Sapa.


     Bẩy giờ tối hôm đó, xe van của công ty du lịch đến đón chúng tôi tại khách sạn.  Chú tài xế phải lái lòng vòng đến cả nửa tiếng đồng hồ, len lỏi qua các khu phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội 36 phố phường để đón những du khách tạm trú tại các nhà ngủ (guest house) chen chúc trong khu phố cổ này.  Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới như từ Úc, Canada hoặc Pháp ...  Chúng tôi thoải mãi chuyện trò với họ vì ai nấy đều xử dụng chung một thứ ngôn ngữ: tiếng Anh.  Bẩy giờ rưỡi tối chúng tôi có mặt tại nhà Ga phụ Trần Qúy Cáp, phải ngồi đợi tại đây hơn một tiếng nữa vì mãi đến 9 giờ tối xe lửa mới khởi hành đi Lào Cai, trên tuyến đường dài hơn 400 km và phải mất hơn 8 giờ đồng hồ mới tới nơi.
      Chúng tôi khệ nệ kéo va li lên toa tầu được ghi trên vé. Nghĩ đến đêm đầu tiên được ngủ trên xe lửa hẳn phải có phần nào thao thức, nhưng chắc cũng có nhiều thích thú. Vì có đến cả hơn nửa thế kỷ qua đi từ trước năm 1954, bây giờ chúng tôi mới được hưởng lại cái cảnh đi xe lửa về đêm của ngày nào. Trước giờ tầu chuyển bánh, vài cô tiếp viên trẻ trung, duyên dáng với giọng nói dẻo quẹo, liến láu đến từng phòng (nay gọi là khoang) mời chào khách hàng.  Giọng Bắc kỳ mới nghe hơi khác với giọng người Hà Nội trước năm 54.  Các cô đẩy xe rao bán những món ăn thuần túy miền Bắc như bánh giò, bánh giầy, giò lụa, bánh mì thịt, đậu phọng luộc mà các cô gọi là “nạc nuộc’’, cùng nhiều loại nước uống trong chai, tương đối hợp vệ sinh. Chúng tôi đã dùng cơm chiều trước khi đi, nên chỉ mua giúp các cô vài chai nước lạnh gọi là giao lưu mà thôi.   
       Nhớ lại lúc xưa tầu hỏa chạy bằng than đá, nên mỗi lần từ Hải Phòng đi thăm họ hàng ở Hà Nội là mặt mũi người nào người nấy như có bụi than dính đầy. Trông thực buồn cười. Nhưng sau ngày Saigon thay tên đổi chủ thì ngành hoả xa, nay gọi là Cục Đường Sắt cũng đã cải tiến và văn mình hơn.  Xe lửa còn lại từ thời Pháp đã được thay thế toàn diện bằng loại đầu máy chạy bằng Diesel và toa tầu cũng được tân trang khá tiện nghi. Tầu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai được kéo bằng một đầu máy Diesel đồng thời cũng được đẩy bằng một đầu máy khác, nên khá an toàn, khi lên đèo không sợ bị tuột dốc... Tầu có nhiều hạng ghế theo nhu cầu của hành khách: ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm (đệm) và ghế ngồi dọc; toa tầu thì có khoang nằm cứng, khoang nằm mềm... hay toa có máy điều hòa không khí.
      Đúng giờ, còi tầu rúc lên một hồi dài, bánh xe như nghiến trên đường sắt trong cái bồn chồn của du khách phương xa . Qua khung cửa sổ tầu, thành phố Hà Nội bừng lên trong ánh đèn điện vàng loè, đỏ xanh lẫn lộn.  Cây cối như đi giật lùi, rồi khuất dần... khuất dần. Trời bắt đầu chuyển mưa. Sấm chớp ngoằn ngoèo. Gió đập vào hai bên thành tầu nghe thành tiếng.  Ông xã tôi và cô cháu gái, cả ba chúng tôi may mắn được ở riêng một phòng dành cho bốn người, có máy lạnh và giường nệm mà tên gọi bây giờ là "giường mềm", nghe hơi lạ tai ! Nói là tầu đã được cải tiến và văn minh, nhưng khi đặt mình xuống chiếc "giường mềm", tôi thấy cũng ghê ghê vì mùi âm ẩm của khăn giải giường và mùi nồng nồng của chiếc mền, chắc hẳn đã qua không biết bao nhiêu người nằm. Còn cái gối thì chắc chắn là tôi không dám gối đầu lên. Ôi ! sờ sợ làm sao ! ...Hằng bao nhiêu cái đầu lạ đã gối lên chiếc gối này ?; cũng may tôi có đem theo mấy cái khăn lông lớn nên đem ra làm gối và làm chăn đắp. Thế là yên tâm... Nhớ lại, mình rõ là dở và cáy qúa... Cứ nghĩ tới mấy chàng "Tây ba lô" mà phục lăn. Họ là những người ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia, độc thân, trẻ tuổi và thích lối sống giang hồ ... Họ thích đến Việt Nam du lịch vì gía sinh hoạt ở đây quá thấp so với mức sống bên xứ sở họ.   Họ không thể trú ngụ tại các khách sạn hạng sang trọng đắt tiền mà chỉ tạm trú ở những căn nhà trọ, giá từ 5 tới 8 đô la một đêm là nhiều. Họ không cần nhiều tiện nghi, miễn sao có nơi tắm rửa, có máy quạt, có chỗ nằm ngủ, dù nằm màn cũng chẳng sao...cứ có chỗ ngủ qua đêm là được rồi.  Ăn uống thì bạ đâu ăn đấy, chẳng e dè vấn đề vệ sinh gì hết. Thế là OK rồi !  Bởi vậy tôi mới phục họ.  Ở Hà Nội hay ở  Saigon, có nhiều khu vực đặc biệt dành cho khách du lịch loại này. Ngoài Hà Nội họ tụ tập tại khu phố cổ (36 phố phường xưa kia). Trong Saigòn thì tại khu Phạm Ngũ Lão.  Hành trang của họ thực là giản dị với chiếc ba lô (backpack) sau lưng, vài chiếc quần soọc, áo thung, đôi săng đan, chiếc mũ lưỡi trai và cặp kính dâm là xong.
    


  Mưa nặng hột đập lộp bộp vào cửa kính tầu. Gió rít qua khe cửa khoang. Nằm trong khoang tầu, chúng tôi có thể ngửi thấy mùi đất núi xông lên hòa cùng hơi lạnh của máy điều hoà không khí trong khoang, khiến lòng tôi bồn chồn mong cho chóng qua đêm... Chợt một nhân viên hoả xa, tuổi ngoài 50, mặc đồng phục xanh, đội mũ lưỡi trai, huy hiệu "Security”- ‘Bảo vệ’  gắn trên túi áo sơ mi, đến gõ cửa khoang chào hỏi chúng tôi. Ông ta nói giọng "Hà Nội mới", làm chúng tôi buồn cười mà không dám nhếch môi: "...Cô chú đi “du nịch Nào-Cai Sa Ba’’ hả ? ". Tuy vậy,  biết ông là nhân viên an ninh trên tầu thì chúng tôi cảm thấy an tâm và hy vọng sẽ có một giấc ngủ ngon lành trên xe lửa đêm nay, không còn lo sợ vẩn vơ như tin đồn về những cuộc hành trình qua đêm như thế này.  Tầu đêm lướt trên đường sắt đều đều đưa chúng tôi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay ...
      Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi được nhân viên phục vụ trên tầu đánh thức dậy trước khi tầu đến ga. Ai nấy vội vàng rửa mặt đánh răng sơ sơ trên tầu, rồi lục đục đi xuống để cho kịp với nhóm người cùng đi tour. Thì ra đây là nhà Ga Lào Cai mà mình đã được biết từ những năm còn đi học. Đúng ! không phải là giấc mơ. Hồi xưa học địa lý VN chỉ biết đến Lào Cai trên bản đồ, hôm nay chúng tôi đang đứng giữa sân ga miền núi rừng Tây Bắc, mà thấy lòng bồì hồi lẫn bâng khuâng khó tả...  Từ đây sẽ có xe van Nissan loại 20 chỗ ngồi có máy lạnh của công ty Du Lịch chờ đón và đưa nhóm chúng tôi về khách sạn Global ở Sapa.  Trong xe hầu hết là người ngoại quốc, ngoài ba chúng tôi là Việt Kiều ra, có thêm một cặp vợ chồng người Việt từ Canada, tôi cảm thấy vui vui vì có thêm người đồng hương trong cuộc hành trình hi hữu này.  Những du khách kia là người Pháp, Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Do Thái, Anh Quốc, Đức Quốc. ..
      Đường xe chạy từ Lào Cai lên Sapa khoảng gần 40 cây số. Đường vòng vèo qua nhiều sườn núi thấp một bên là vực, nhưng không gập ghềnh như đường từ Sàigòn lên Đà Lạt vì đường đã được tráng nhựa bằng phẳng, hẹp nhưng ít ổ gà. Trời chưa sáng rõ, thêm vào mưa lất phất nên chú tài xế phải lái cẩn thận hơn.  Chiếc xe chở đầy du khách lầm lũi xuyên qua lớp sương mù, lên dốc xuống đèo giữa hai bên sườn núi cây rừng xanh tươi trong ngày cuối Xuân để đến Thị Trấn Mù Sương.  Đường lộ vắng hoe. Lâu lâu mới thấy một chiếc xe vận tải hoặc xe nhà vượt qua bóp còi inh ỏi.  Chạy được một quãng, xe bỗng có vấn đề vì cạn bình nước giải nhiệt, chú tài phải ngừng lại ở bên đường để xin nước ở nhà dân đổ vào bình. Thế là nhiều người trong xe nhốn nháo, xầm xì....  Nhưng giây phút lo âu rồi cũng sớm qua đi, chú tài nói “sorry’’ với mọi người và lại tiếp tục cuộc hành trình. Tôi hỏi chú tài là xe mới mà sao lại xẩy ra tình trạng này; chú cho hay tuy là xe mới nhưng chuyên chạy đường núi và không đủ nước giải nhiệt Anti-Freeze mà chỉ dùng nước lạnh, cộng thêm vào việc xe xử dụng máy lạnh triền miên, nên trở ngại này xẩy ra thường xuyên. Xin mọi người thông cảm. Lộ trình an toàn được tiếp tục ...Tôi mừng thầm trong bụng là mọi việc  OK.  Thực tình tôi không khó chịu về tình trạng xe hết nước mà chỉ thấp thỏm lo sợ mỗi lần có 2 xe chạy ngược chiều nhau, bóp còi tránh né.  Hai bên tài xế như muốn đâm thẳng xe vào nhau, nhưng khi cách nhau chừng 50 mét, hai xe đều biết cách tránh né, đủ để không bị đụng nhau ...Khiếp thật ! Nhìn lớp sương mai dầy đặc trước mắt và vực sâu ở bên đường, nhiều lúc tôi cũng thót cả ruột gan và mong cho xe chóng tới khách sạn. Cái thứ nhát gan như tôi thì lúc nào cũng nhát như vậy.  Đúng là nhát như thỏ đế !   
       Cảnh núi đồi hùng vĩ, bát ngát bao la, rừng cây xanh rì của miền thượng du dần dà dẫn chúng tôi vào thành phố.  Mê mải ngắm núi rừng Sapa, ai ai cũng cảm thấy thời gian trôi qua mau và chẳng mấy lúc, xe van đã đưa đoàn du khách chúng tôi tới trung tâm thành phố. Vài phút sau chúng tôi lại khệ nệ tay kéo vali, vai đeo backpack có mặt tại phòng tiếp tân của khách sạn Global.  Khách sạn này nằm giữa trung tâm thị trấn Sapa, sạch sẽ, sáng sủa, và tiện nghi với máy điều hoà mát mẻ và nước nóng, đúng tiêu chuẩn của khách sạn cỡ 3 sao ở Hà Nội và Saigòn.
      Sau khi nhận phòng, chúng tôi vội vã cất hành lý, tắm rửa, thay quần áo để sửa soạn cho buổi đầu tiên leo đồi núi Sapa sáng nay. 
      Một bữa ăn sáng hợp khẩu vị tại phòng ăn của khách sạn Global đã được chuẩn bị sẵn sàng cho du khách.  Ai nấy ăn uống thoải mái sau một đêm ngủ an lành trên xe lửa.  Nhiều món ăn sáng như trứng gà bản làm ốp-la, bánh mì tây, phở tíu, mì sào... còn có các loại trái cây đang mùa thu hoạch như thanh long, dưa hấu, soài, ổi v.v...;đồ uống có nước ngọt, café sữa đặc, trà nóng, du khách cứ việc tự chọn.  Cũng có những đồ ăn dành cho người nước ngoài như bánh mì sandwich, ham, cheese, bơ và salad.  Ở trong khách sạn miền rừng núi mà được tiếp đãi ăn uống như thế này, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một nhà hàng lớn giữa thủ đô, hơn nữa lại được trò chuyện với các cô cậu chiêu đãi viên của nhà hàng bằng tiếng mẹ đẻ của mình, mới thấy thân thương làm sao !
      Bây giờ mọi người đã sẵn sàng cho cuộc leo núi và thăm viếng các bản Thượng. Ai nấy đều cảm thấy vừa nôn nao vừa hứng khởi. Không khí nơi phòng đợi (lounge) thực vui lúc đó. Nhóm chúng tôi gồm 10 người, trong đó có năm Việt Kiều và năm người kia là người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia.  Chúng tôi chuyện trò vui vẻ với họ, rất tâm đầu ý hợp trong buổi sơ giao.  Nói chuyện với bà Marie là du khách người Úc, bà khoe với tôi là bà đã đi Sapa một vài lần.  Lần này bà dẫn theo cô con gái cưng với bà.  Bà còn cho biết là sau chuyến thăm quan này bà sẽ trở lại đây vào cuối tháng 9 năm nay. Chưa ra khỏi khách sạn mà đã được nghe bà Marie nói thế làm tôi bồn chồn và trộm nghĩ phong cảnh núi đồi Sapa chắc phải hấp dẫn đến nhường nào? Khách sạn giới thiệu người hướng dẫn viên của nhóm chúng tôi là cô Sai, thuộc sắc tộc người H’Mong. Cô khoảng ngoài 20, trông xinh xắn, nước da ngăm ngăm, nhỏ con mà lanh lẹn, cười tươi ráu để lộ hàm răng trắng ngà đều đặn, bước đi vững chắc trong đôi giầy ủng màu xanh lá cây với một túi đeo vai bằng vải thổ cẩm và một tay cầm dù. Cô không đội mũ hay đội khăn như các cô gái thuộc các bản Thượng khác mà để đầu trần, buộc tóc phía sau.  Nếu cô không đeo những đồ trang sức lỉnh kỉnh trên người như bông tai, vòng đeo cổ, vòng xuyến và ăn mặc như các cô gái nơi thành thị thì không ai có thể nói cô là người Mường người Mán được.  Cô trông có vẻ giống như người Alaska hay người Tầu vì cô có đôi mắt một mí rất dễ thương.  Bất chợt, tôi liên tưởng đến cô Sơn Nữ trong nhạc phẩm "Sơn Nữ Ca" của Trần Hoàn mà hồi bé tôi thưòng hát nghêu ngao suốt ngày: "Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích...Ngắm anh lữ khách mà lòng bâng khuâng". Cô Sai nói sõi tiếng Việt và khá thông thạo tiếng Anh nên hướng dẫn nhóm chúng tôi là thích hợp vì nhóm du khách hỗn tạp này cần hai ngôn ngữ đó. Tôi tò mò hỏi cô học tiếng Anh ở đâu, cô nói là học truyền khẩu cuả những du khách ngọai quốc từ hồi còn nhỏ, khi theo họ để bán hàng mỗi ngày...Riết rồi cũng đủ ngôn từ để trao đổi. Thiệt hay !
      Khi chúng tôi còn đứng chờ trong phòng đợi của khách sạn thì ngoài cửa đã có hàng chục cô gái Thượng trong xiêm áo, đủ mầu bao quanh, đầu quấn khăn Mường Mán bằng vải thổ cẩm, vòng bạc trắng đeo khắp nơi trên tai, trên cổ, trên cườm tay và dưới chân cũng leng keng những chiếc vòng lục lạc nặng nề.  Lưng đeo "gù" làm bằng nứa đựng các món đồ lưu niệm để bán cho du khách.  Vài ba cô khác địu con nhỏ xíu ở sau lưng, chẳng nón, chẳng mũ, phơi mặt dưới sương sớm mà vẫn như ngủ ngon lành. Đúng là trời sinh trời dưỡng. Cô nào cũng mang dù hoặc mũ bên mình để phòng mưa to nắng gắt.  Họ cười nói mời chào du khách mua đồ lưu niệm.  Giọng nói tiếng Việt lơ lớ không dấu nghe ngồ ngộ.  Nhóm chúng tôi bị choáng bởi cảnh tượng mới mẻ lạ lùng này.. Hỏi ra mới biết là ở đây có nhiều sắc dân người Thượng:  Người H’Mong, người Dao Đỏ, người Zay , người Tày  và người Phù Lá ... Người H’Mong đông nhất, trang phục của họ là thổ cẩm mầu đen có chút hoa văn, đầu để trần, hoặc đội mũ mầu đen. Người Dao Đỏ cũng ăn mặc như người H’Mong nhưng đầu đội mũ mầu đỏ. Người Zay mặc áo cài khuy chéo một bên. Người Phù Lá với trang phục rất nhiều hoa văn thêu thùa rực rỡ...Chính vì thế mà nhà tôi đã quá bận rộn trong việc bấm máy những cảnh thay đổi đột ngột trước ống kính và tôi thì liên tục phải làm người mẫu biểu diễn thời trang bất đắc dĩ cùng các nàng sơn nữ của miền Sapa. Du khách nào muốn chụp chung hình với họ, đều phải trả tiền. Các cô gái thượng rất tự nhiên hỏi du khách trả tiền chụp hình. Đây cũng là một dịch vụ để họ kiếm tiền sinh sống hằng ngày mà nay đã đương nhiên trở thành một nếp sống của họ. Tôi biết điều này nên vui vẻ tặng cho mỗi người, lúc thì một hai đô la, lúc thì 50 ngàn tiền Việt. Tôi nghĩ là hợp lý rồi.  Âu cũng là một kỷ niệm vui trong chuyến đi.  
      Được cô hướng dẫn viên cho biết là cuộc đi thăm các bản sáng nay sẽ lâu khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ trên một quãng đường lên núi xuống đèo dài trên năm cây số.  Cô khuyên mọi người nên đi giầy thấp hoặc giầy boot cho an toàn vì đường núi dốc và rất trơn vì hôm qua trời mưa.  Tôi an toàn trong đôi bata loại đặc bìệt để leo núi cũng như nhà tôi trong đôi săng đan, coi như yên tâm trên đường đèo.  Vậy là gian hàng bán giầy leo núi ở phía trước khách sạn Global trúng mối bán giầy cho dăm ba người trong đoàn chúng tôi.  Mỗi đôi giá khoảng 300 ngàn đồng tiền Việt, cỡ 15 đô la.  
      Có hai nhóm khác cùng đi với chúng tôi trong đoạn đường ngắn sáng nay.  Mỗi nhóm đều có hướng dẫn viên riêng.  Nhìn mọi người lố nhố bàn tán xôn xao trước cửa khách sạn để sắp sửa lên đường mà thấy phấn khởi trong lòng. Dù không cùng một chủng tộc, khác mầu da và ngôn ngữ, nhưng ai nấy hầu như đều hiểu và thông cảm nhau qua cách trao đổi bằng tiếng Anh. Họ đi sát bên nhau theo từng nhóm, chuyện trò thực vui vẻ vô tư. Chúng tôi cũng bắt chuyện với hai cô sinh viên người Úc vừa tới đây và tối nay lại trở về Hà Nội. Hỏi ra mới biết các cô chọn tour tự túc đi một ngày với hai đêm ngủ trên tầu mà không phải ăn ngủ ở khách sạn. Họ bám theo đoàn chúng tôi...vô tư... Thông minh đấy ...!
      Cô Sai đưa chúng tôi đi qua các khu phố và chợ Sapa trước khi đi vào bản thượng. Chợ là một building to hai tầng trong cũng có nhiều sạp, hầu hết là do người Kinh làm chủ. Mặt trời ló dạng, đôi khi còn sương bụi lất phất bay. Gió núi nhè nhẹ lướt trên da thịt khiến mọi người hầu như quên đi cái oi bức mới đây ở Hànội.  Xa xa, trên triền núi, những cụm mây trắng bay lơ lửng trên thung lũng, bồng bềnh như khói như sương. Ôi, môt cảnh sắc thiên nhiên qúa tuyệt vời! Từ đỉnh cao thoai thoải xuống chân đồi, dẫn vào các bản thượng, nơi nơi cảnh sắc bốn bề tạo nên một bức tranh thủy mạc.  Giây phút này, tôi chợt hiểu tại sao bà Marie thích đến Sapa nhiều lần như vậy. Tâm hồn tôi thấy thanh thoát, lâng lâng hít thở khí trời trong lành mát dịu, khác hẳn với mùi khói xe, bụi bậm, mùi hôi hám từ cống rãnh ô nhiễm của Hà Nội 36 phố phường mà mấy ngày qua chúng tôi đã chịu đựng ngay giữa một thủ đô đã một thời kiêu hãnh.
      Được biết Sapa tiếng Quan thoại gọi là Sa-Pá (bãi cát) là một thị trấn thuộc vùng núi của tỉnh Lào Cai nằm về phía Bắc nước ta, giáp với biên giới Trung Quốc, một vùng núi nghỉ mát của người Pháp mà trước đây khi đi học, được biết đến là Chapa. Sapa lặng lẽ mà ẩn chứa bao điều kỳ lạ của cảnh sắc thiên nhiên.  Phong cảnh tuyệt vời của Sapa đã kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, mầu xanh của cây rừng, mầu hoa đủ sắc tạo thành bức tranh Tầu với nhiều sắc thái hài hoà thơ mộng.  Đã có nhiều ngòi bút ví cảnh sắc của Sapa như nàng thiếu nữ đang xuân, mỹ miều duyên dáng. Với nét đẹp dịu dàng, óng mượt làm mê mẩn lòng người, thực tình mà nói, một khi bạn đã được trông thấy cảnh sắc thiên nhiên này bằng chính đôi mắt của mình thì hẳn bạn sẽ có cùng cảm nghĩ như được đứng trước một cao nguyên thu nhỏ.

       Sapa luôn luôn chìm trong làn sương huyền ảo, nên đã được tặng danh hiệu “Thị Trấn Mù Sương  - City in Mist’’, hợp cùng những ngọn núi thấp, vẽ lên một bức tranh tuyệt tác. Sapa ở trên một độ cao hơn 1500m so với mặt nước biển nên khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm trung bình từ trên 15 độ C. Người ta thường nói khí hậu một ngày ở Sapa có đủ bốn mùa. Này nhé, buổi sáng Sapa chìm trong màn sương sớm; buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, Sapa có cái lạnh của mùa Thu đất Bắc. Đến trưa, nắng lên, Sapa rực rỡ như mùa Xuân, một hình ảnh của tình yêu. Tới khi mặt trời ngả bóng, trời quang mây tạnh, Sapa là muà Hè, một biểu tượng của khát vọng. Ban đêm khí lạnh từ các đỉnh núi bốc ra, Sapa có cái lạnh se sắt của mùa Đông. Tuy nhiên mấy năm sau này, khí hậu Sapa đã thay đổi rất nhiều, nên đôi khi có tuyết rơi về muà Đông.. Chính điểm này, Sapa lại là nơi lôi cuốn du khách Tây Phương. Có người nói rằng, Sapa là hình ảnh Đà Lạt ở miền Bắc, vì dáng vẻ trầm mặc, uy nghi pha chút lãng mạn, thơ mộng của cảnh sắc núi rừng miền Thượng Du mà it nơi nào sánh được. Sapa có đỉnh Phan Si Păng cao hơn 3 ngàn mét trên dẫy Hoàng Liên Sơn, ở đó có một loại dược liệu quý hiếm là cây Hoàng Liên, có nhiều loại gỗ quý như thông dầu; chim thú thì có gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và hàng ngàn loại cây làm thuốc.  Khu rừng Hoàng Liên Sơn có nhiều loài chim, loài thú được ghi nhận trong sổ bộ quốc gia.
      Vào những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tìm thấy vẻ quyến rũ của Sapa về phong cảnh, khí hậu và nguồn nước...vì thế du khách có thể chiêm ngưỡng cái đẹp của hơn 200 biệt thự nghỉ mát do người Pháp kiến trúc theo nếp văn hóa của các sắc dân thiểu số tại Sapa. Thị trấn Mù Sương Sa Pa còn có một nhà thờ Thiên Chúa Giáo được xây bằng đá, lâu trên một trăm năm, đứng sừng sững với thời gian và là một dấu ấn còn nguyên vẹn nhất. Nhưng khi đi tới bản Tà Phìn, ai ai cũng phải bùi ngùi khi được chứng kiến một nhà Dòng uy nghi cổ kính ngày xưa, ba tầng lầu kiên cố được kiến trúc bằng đá trên đỉnh một ngọn đồi chung quanh quang đãng, nay chỉ còn trơ lại nền móng cùng bốn bức tường rêu phong phủ kín với vết đinh của cây Thập Tự Giá trên tường Nhà Nguyện. Hỏi ra mới biết đó là một hình ảnh tàn khốc dã man trong cuộc xâm lăng của Trung Cộng năm 1979 dọc theo biên giới Việt Trung. Sau khi Tầu Cộng đã tàn phá các tỉnh dọc theo biên thùy phía Bắc và khi tiến về vùng Tây Bắc của Tổ Quốc, chúng đã thiêu đốt tất cả các rừng thông chung quanh Sapa ...Nhà Dòng và nhiều biệt thự cổ xưa cũng phải chịu chung một nỗi bất hạnh với niềm đau của đất nước...
      Về các sắc dân ở Sapa, nhiều tài liệu cho biết là lúc đầu có một nhóm dân tộc thiểu số người H’Mong và nhóm Dao, rồi sau có người Tày, người Zay và một số nhỏ người Phù Lá, hợp thành 5 sắc tộc chính, chiếm tới 85% dân số người thượng trong vùng, chỉ có một số ít sống tại Sapa.  Hầu hết họ sống rải rác trong các buôn làng nhỏ bé và tại các bản xóm xa xôi, hoặc trên đồi núi khắp quận hạt.  Mỗi sắc dân có một nếp văn hóa riêng với các lễ hội khác biệt, như lễ hội "Róng pọc" của người Zay, lễ hội "Sải Sán" (đạp núi) của người H’Mong, lễ "Tết nhảy" của người Dao Đỏ, tất cả các lễ hội đều diễn ra vào tháng Tết hàng năm.  Ngày nay theo trào lưu tiến hóa để thích nghi với cuộc sống mới, hầu hết những người dân thiểu số này đã biết áp dụng nghề nông, canh tác, trồng trọt lúa gạo, khoai sắn, ngô bắp và rau cỏ trên những miếng ruộng nhỏ thoai thoải như những bậc thang từ cao xuống thấp. Tuy nhiên vì tình trạng thời tiết nên một năm họ chỉ gặt hái được một mùa mà thôi. Họ đã thay đổi phần nào nếp sống cũ với những phương tiện di chuyển mau chóng hơn. Qua các hệ thống truyền hình, truyền thông... họ đã có cơ hội tốt đẹp để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nhóm người này vẫn giữ nếp sống tự lập và duy trì văn hóa và phong tục của rìêng họ.
      Mặt trời ngả bóng mà chúng tôi vẫn hăng say bước thấp bước cao trên đường đồi. Xa xa và đâu đâu cũng thấy những mảnh ruộng nho nhỏ phủ kín một mầu mạ non, lớp lớp kế cận bên nhau, trông như những mảnh nhung xanh mượt mà.  Ôi đẹp tuyệt vời ! Bạn thử tưởng tượng xem còn cảnh sắc nào đẹp bằng hình ảnh của Sapa với nét chấm phá tự nhiên - mầu xanh của lá rừng, của mạ non, mầu đo đỏ của đất đồi, lốm đốm pha trộn với nhiều loại hoa rừng muôn mầu muôn sắc, ẩn hiện trong vuờn những mái nhà sàn lợp tranh mầu nâu sậm. Trước kia chỉ được thấy Sapa qua phim ảnh hay qua bạn bè đi về kể lại, hôm nay trước cảnh sắc sống thực, hùng vĩ bao la của đất trời, của quê hương Việt Nam, tôi thấy lòng mình thẫn thờ, bâng khuâng khó tả.  Chúng tôi lần lần đi bộ xuống phía chân đồi, đường trơn, dốc nên không ai dám đi nhanh.  Dọc đường qua nhiều buôn, có nhà bày nhiều quầy bán đồ lưu niệm, như quần áo may bằng vải thổ cẩm, khăn quàng cổ bằng lụa bằng tơ, vòng xuyến, vòng đeo cổ, lục lạc bông tai bằng bạc trắng, vv..  Quầy bán đồ ăn toàn là thịt rừng, xóc thành từng xâu nướng trên bếp than, có cả cơm lam và bắp nữa. Gió núì quyện theo hương vị thơm ngon của thịt rừng, quả là hấp dẫn.  Thực tình chúng tôi không hiểu là thịt rừng gì, có lẽ là thịt lợn nuôi trong bản. Nhà tôi liều mua thử một xâu thịt nướng chấm với tương ớt. Anh suýt xoa khen ngon, giống như hương vị Dê Núi ở Ninh Bình. Nhưng riêng tôi thì chả dám, vì lúc nào tôi cũng đề phòng cho chắc ăn. Ăn uống “ngoài thực đơn ấn định’’  là không nên vì cuộc hành trình sáu tuần lễ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu.  Thời gian năm tuần lễ nữa còn dài, nếu có làm sao thì hỏng cả cuộc chơi.  Thôi thì cứ cẩn tắc vô áy náy cho yên tâm, nên dù đồ ăn ngon, hấp dẫn thế nào ở bất cứ quán ăn ven đường trong suốt cuộc hành trình, khó mà chinh phục được tôi.  Có lẽ cũng vì thế, thường khi đi nghỉ hè về là tôi luôn luôn xuống ký cũng chỉ vì kiêng cữ quá mức.

                                                                        ...xin đọc tiếp Phần II ...