Thursday, July 4, 2013

SAPA ! Quê Hương & Nỗi nhớ ... Phần I

.                                                                                                                                                                                                                                                             
   SAPA ! Gió núi, mưa ngàn...                                                              


  Bút ký                                                     Chùm Ảnh Kỹ Thuật Số: Phạm Bá, MD                   
                          


Ỷ Nguyên

      Đã lâu, tôi vẫn thầm ao ước được một lần trở lại quê hương miền Bắc, được đặt chân lên  vùng đồi núi Sapa thơ mộng.  Ước mơ cỏn con đó cứ canh cánh bên lòng cho tới bây giờ khi ở vào cái tuổi đang đứng bên kia sườn dốc cuộc đời, còn gì để tôi do dự thực hiện ước mơ này.  Do đó cả hai chúng tôi đã háo hức phác họa một chương trình du lịch khá qui mô cho 6 tuần lễ, từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 6 năm nay.  Thực tình mà nói nếu chỉ hình dung đến chuyến đi không thôi, đã thấy lòng bồi hồi rạo rực...mong cho chóng tới ngày khởi hành.
      Chuyến bay từ Hàn Quốc uể oải đáp xuống trường bay Nội Bài - Hà Nộì vào lúc 10 giờ đêm.  Sau các thủ tục khám xét hành lý, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm vì không bị hạch hỏi hay khai báo lung tung như lời cảnh báo của bạn bè trước ngày chúng tôi lên đường.  Như đã thoả thuận với khách sạn Trống Đồng ở gần Hồ Hoàn Kiếm, họ đã gửi xe van ra tận phi trường đón chúng tôi.  Dù gì, sau hơn 20 giờ ngồi trên máy bay suốt từ Mỹ tới Đại Hàn rồi từ Đại Hàn về Việt Nam đã làm chúng tôi mỏi mệt, chân tay rã rời, nhưng nghĩ tới những giây phút được bước vào phòng điều hòa không khí của khách sạn, thì ai nấy như lên tinh thần, thở phào khoan khoái. 
    Qua mấy ngày nghỉ xả hơi tại khách sạn để điều chỉnh lại đồng hồ sinh học, chúng tôi đặt Tour đi Sapa qua công ty Du Lịch Kim Anh mà anh Tuấn chủ khách sạn đã giới thiệu.  Giá cả cũng phải chăng, cỡ gần 100 đô một người cho chuyến du lịch Sapa hai ngày, ba đêm.  Hai đêm ngủ trên xe lửa và một đêm tại khách sạn ở Sapa.


     Bẩy giờ tối hôm đó, xe van của công ty du lịch đến đón chúng tôi tại khách sạn.  Chú tài xế phải lái lòng vòng đến cả nửa tiếng đồng hồ, len lỏi qua các khu phố cổ nhỏ hẹp của Hà Nội 36 phố phường để đón những du khách tạm trú tại các nhà ngủ (guest house) chen chúc trong khu phố cổ này.  Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới như từ Úc, Canada hoặc Pháp ...  Chúng tôi thoải mãi chuyện trò với họ vì ai nấy đều xử dụng chung một thứ ngôn ngữ: tiếng Anh.  Bẩy giờ rưỡi tối chúng tôi có mặt tại nhà Ga phụ Trần Qúy Cáp, phải ngồi đợi tại đây hơn một tiếng nữa vì mãi đến 9 giờ tối xe lửa mới khởi hành đi Lào Cai, trên tuyến đường dài hơn 400 km và phải mất hơn 8 giờ đồng hồ mới tới nơi.
      Chúng tôi khệ nệ kéo va li lên toa tầu được ghi trên vé. Nghĩ đến đêm đầu tiên được ngủ trên xe lửa hẳn phải có phần nào thao thức, nhưng chắc cũng có nhiều thích thú. Vì có đến cả hơn nửa thế kỷ qua đi từ trước năm 1954, bây giờ chúng tôi mới được hưởng lại cái cảnh đi xe lửa về đêm của ngày nào. Trước giờ tầu chuyển bánh, vài cô tiếp viên trẻ trung, duyên dáng với giọng nói dẻo quẹo, liến láu đến từng phòng (nay gọi là khoang) mời chào khách hàng.  Giọng Bắc kỳ mới nghe hơi khác với giọng người Hà Nội trước năm 54.  Các cô đẩy xe rao bán những món ăn thuần túy miền Bắc như bánh giò, bánh giầy, giò lụa, bánh mì thịt, đậu phọng luộc mà các cô gọi là “nạc nuộc’’, cùng nhiều loại nước uống trong chai, tương đối hợp vệ sinh. Chúng tôi đã dùng cơm chiều trước khi đi, nên chỉ mua giúp các cô vài chai nước lạnh gọi là giao lưu mà thôi.   
       Nhớ lại lúc xưa tầu hỏa chạy bằng than đá, nên mỗi lần từ Hải Phòng đi thăm họ hàng ở Hà Nội là mặt mũi người nào người nấy như có bụi than dính đầy. Trông thực buồn cười. Nhưng sau ngày Saigon thay tên đổi chủ thì ngành hoả xa, nay gọi là Cục Đường Sắt cũng đã cải tiến và văn mình hơn.  Xe lửa còn lại từ thời Pháp đã được thay thế toàn diện bằng loại đầu máy chạy bằng Diesel và toa tầu cũng được tân trang khá tiện nghi. Tầu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai được kéo bằng một đầu máy Diesel đồng thời cũng được đẩy bằng một đầu máy khác, nên khá an toàn, khi lên đèo không sợ bị tuột dốc... Tầu có nhiều hạng ghế theo nhu cầu của hành khách: ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm (đệm) và ghế ngồi dọc; toa tầu thì có khoang nằm cứng, khoang nằm mềm... hay toa có máy điều hòa không khí.
      Đúng giờ, còi tầu rúc lên một hồi dài, bánh xe như nghiến trên đường sắt trong cái bồn chồn của du khách phương xa . Qua khung cửa sổ tầu, thành phố Hà Nội bừng lên trong ánh đèn điện vàng loè, đỏ xanh lẫn lộn.  Cây cối như đi giật lùi, rồi khuất dần... khuất dần. Trời bắt đầu chuyển mưa. Sấm chớp ngoằn ngoèo. Gió đập vào hai bên thành tầu nghe thành tiếng.  Ông xã tôi và cô cháu gái, cả ba chúng tôi may mắn được ở riêng một phòng dành cho bốn người, có máy lạnh và giường nệm mà tên gọi bây giờ là "giường mềm", nghe hơi lạ tai ! Nói là tầu đã được cải tiến và văn minh, nhưng khi đặt mình xuống chiếc "giường mềm", tôi thấy cũng ghê ghê vì mùi âm ẩm của khăn giải giường và mùi nồng nồng của chiếc mền, chắc hẳn đã qua không biết bao nhiêu người nằm. Còn cái gối thì chắc chắn là tôi không dám gối đầu lên. Ôi ! sờ sợ làm sao ! ...Hằng bao nhiêu cái đầu lạ đã gối lên chiếc gối này ?; cũng may tôi có đem theo mấy cái khăn lông lớn nên đem ra làm gối và làm chăn đắp. Thế là yên tâm... Nhớ lại, mình rõ là dở và cáy qúa... Cứ nghĩ tới mấy chàng "Tây ba lô" mà phục lăn. Họ là những người ngoại quốc đến từ nhiều quốc gia, độc thân, trẻ tuổi và thích lối sống giang hồ ... Họ thích đến Việt Nam du lịch vì gía sinh hoạt ở đây quá thấp so với mức sống bên xứ sở họ.   Họ không thể trú ngụ tại các khách sạn hạng sang trọng đắt tiền mà chỉ tạm trú ở những căn nhà trọ, giá từ 5 tới 8 đô la một đêm là nhiều. Họ không cần nhiều tiện nghi, miễn sao có nơi tắm rửa, có máy quạt, có chỗ nằm ngủ, dù nằm màn cũng chẳng sao...cứ có chỗ ngủ qua đêm là được rồi.  Ăn uống thì bạ đâu ăn đấy, chẳng e dè vấn đề vệ sinh gì hết. Thế là OK rồi !  Bởi vậy tôi mới phục họ.  Ở Hà Nội hay ở  Saigon, có nhiều khu vực đặc biệt dành cho khách du lịch loại này. Ngoài Hà Nội họ tụ tập tại khu phố cổ (36 phố phường xưa kia). Trong Saigòn thì tại khu Phạm Ngũ Lão.  Hành trang của họ thực là giản dị với chiếc ba lô (backpack) sau lưng, vài chiếc quần soọc, áo thung, đôi săng đan, chiếc mũ lưỡi trai và cặp kính dâm là xong.
    


  Mưa nặng hột đập lộp bộp vào cửa kính tầu. Gió rít qua khe cửa khoang. Nằm trong khoang tầu, chúng tôi có thể ngửi thấy mùi đất núi xông lên hòa cùng hơi lạnh của máy điều hoà không khí trong khoang, khiến lòng tôi bồn chồn mong cho chóng qua đêm... Chợt một nhân viên hoả xa, tuổi ngoài 50, mặc đồng phục xanh, đội mũ lưỡi trai, huy hiệu "Security”- ‘Bảo vệ’  gắn trên túi áo sơ mi, đến gõ cửa khoang chào hỏi chúng tôi. Ông ta nói giọng "Hà Nội mới", làm chúng tôi buồn cười mà không dám nhếch môi: "...Cô chú đi “du nịch Nào-Cai Sa Ba’’ hả ? ". Tuy vậy,  biết ông là nhân viên an ninh trên tầu thì chúng tôi cảm thấy an tâm và hy vọng sẽ có một giấc ngủ ngon lành trên xe lửa đêm nay, không còn lo sợ vẩn vơ như tin đồn về những cuộc hành trình qua đêm như thế này.  Tầu đêm lướt trên đường sắt đều đều đưa chúng tôi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay ...
      Năm giờ sáng hôm sau, chúng tôi được nhân viên phục vụ trên tầu đánh thức dậy trước khi tầu đến ga. Ai nấy vội vàng rửa mặt đánh răng sơ sơ trên tầu, rồi lục đục đi xuống để cho kịp với nhóm người cùng đi tour. Thì ra đây là nhà Ga Lào Cai mà mình đã được biết từ những năm còn đi học. Đúng ! không phải là giấc mơ. Hồi xưa học địa lý VN chỉ biết đến Lào Cai trên bản đồ, hôm nay chúng tôi đang đứng giữa sân ga miền núi rừng Tây Bắc, mà thấy lòng bồì hồi lẫn bâng khuâng khó tả...  Từ đây sẽ có xe van Nissan loại 20 chỗ ngồi có máy lạnh của công ty Du Lịch chờ đón và đưa nhóm chúng tôi về khách sạn Global ở Sapa.  Trong xe hầu hết là người ngoại quốc, ngoài ba chúng tôi là Việt Kiều ra, có thêm một cặp vợ chồng người Việt từ Canada, tôi cảm thấy vui vui vì có thêm người đồng hương trong cuộc hành trình hi hữu này.  Những du khách kia là người Pháp, Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Do Thái, Anh Quốc, Đức Quốc. ..
      Đường xe chạy từ Lào Cai lên Sapa khoảng gần 40 cây số. Đường vòng vèo qua nhiều sườn núi thấp một bên là vực, nhưng không gập ghềnh như đường từ Sàigòn lên Đà Lạt vì đường đã được tráng nhựa bằng phẳng, hẹp nhưng ít ổ gà. Trời chưa sáng rõ, thêm vào mưa lất phất nên chú tài xế phải lái cẩn thận hơn.  Chiếc xe chở đầy du khách lầm lũi xuyên qua lớp sương mù, lên dốc xuống đèo giữa hai bên sườn núi cây rừng xanh tươi trong ngày cuối Xuân để đến Thị Trấn Mù Sương.  Đường lộ vắng hoe. Lâu lâu mới thấy một chiếc xe vận tải hoặc xe nhà vượt qua bóp còi inh ỏi.  Chạy được một quãng, xe bỗng có vấn đề vì cạn bình nước giải nhiệt, chú tài phải ngừng lại ở bên đường để xin nước ở nhà dân đổ vào bình. Thế là nhiều người trong xe nhốn nháo, xầm xì....  Nhưng giây phút lo âu rồi cũng sớm qua đi, chú tài nói “sorry’’ với mọi người và lại tiếp tục cuộc hành trình. Tôi hỏi chú tài là xe mới mà sao lại xẩy ra tình trạng này; chú cho hay tuy là xe mới nhưng chuyên chạy đường núi và không đủ nước giải nhiệt Anti-Freeze mà chỉ dùng nước lạnh, cộng thêm vào việc xe xử dụng máy lạnh triền miên, nên trở ngại này xẩy ra thường xuyên. Xin mọi người thông cảm. Lộ trình an toàn được tiếp tục ...Tôi mừng thầm trong bụng là mọi việc  OK.  Thực tình tôi không khó chịu về tình trạng xe hết nước mà chỉ thấp thỏm lo sợ mỗi lần có 2 xe chạy ngược chiều nhau, bóp còi tránh né.  Hai bên tài xế như muốn đâm thẳng xe vào nhau, nhưng khi cách nhau chừng 50 mét, hai xe đều biết cách tránh né, đủ để không bị đụng nhau ...Khiếp thật ! Nhìn lớp sương mai dầy đặc trước mắt và vực sâu ở bên đường, nhiều lúc tôi cũng thót cả ruột gan và mong cho xe chóng tới khách sạn. Cái thứ nhát gan như tôi thì lúc nào cũng nhát như vậy.  Đúng là nhát như thỏ đế !   
       Cảnh núi đồi hùng vĩ, bát ngát bao la, rừng cây xanh rì của miền thượng du dần dà dẫn chúng tôi vào thành phố.  Mê mải ngắm núi rừng Sapa, ai ai cũng cảm thấy thời gian trôi qua mau và chẳng mấy lúc, xe van đã đưa đoàn du khách chúng tôi tới trung tâm thành phố. Vài phút sau chúng tôi lại khệ nệ tay kéo vali, vai đeo backpack có mặt tại phòng tiếp tân của khách sạn Global.  Khách sạn này nằm giữa trung tâm thị trấn Sapa, sạch sẽ, sáng sủa, và tiện nghi với máy điều hoà mát mẻ và nước nóng, đúng tiêu chuẩn của khách sạn cỡ 3 sao ở Hà Nội và Saigòn.
      Sau khi nhận phòng, chúng tôi vội vã cất hành lý, tắm rửa, thay quần áo để sửa soạn cho buổi đầu tiên leo đồi núi Sapa sáng nay. 
      Một bữa ăn sáng hợp khẩu vị tại phòng ăn của khách sạn Global đã được chuẩn bị sẵn sàng cho du khách.  Ai nấy ăn uống thoải mái sau một đêm ngủ an lành trên xe lửa.  Nhiều món ăn sáng như trứng gà bản làm ốp-la, bánh mì tây, phở tíu, mì sào... còn có các loại trái cây đang mùa thu hoạch như thanh long, dưa hấu, soài, ổi v.v...;đồ uống có nước ngọt, café sữa đặc, trà nóng, du khách cứ việc tự chọn.  Cũng có những đồ ăn dành cho người nước ngoài như bánh mì sandwich, ham, cheese, bơ và salad.  Ở trong khách sạn miền rừng núi mà được tiếp đãi ăn uống như thế này, tôi cảm thấy như mình đang ở trong một nhà hàng lớn giữa thủ đô, hơn nữa lại được trò chuyện với các cô cậu chiêu đãi viên của nhà hàng bằng tiếng mẹ đẻ của mình, mới thấy thân thương làm sao !
      Bây giờ mọi người đã sẵn sàng cho cuộc leo núi và thăm viếng các bản Thượng. Ai nấy đều cảm thấy vừa nôn nao vừa hứng khởi. Không khí nơi phòng đợi (lounge) thực vui lúc đó. Nhóm chúng tôi gồm 10 người, trong đó có năm Việt Kiều và năm người kia là người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia.  Chúng tôi chuyện trò vui vẻ với họ, rất tâm đầu ý hợp trong buổi sơ giao.  Nói chuyện với bà Marie là du khách người Úc, bà khoe với tôi là bà đã đi Sapa một vài lần.  Lần này bà dẫn theo cô con gái cưng với bà.  Bà còn cho biết là sau chuyến thăm quan này bà sẽ trở lại đây vào cuối tháng 9 năm nay. Chưa ra khỏi khách sạn mà đã được nghe bà Marie nói thế làm tôi bồn chồn và trộm nghĩ phong cảnh núi đồi Sapa chắc phải hấp dẫn đến nhường nào? Khách sạn giới thiệu người hướng dẫn viên của nhóm chúng tôi là cô Sai, thuộc sắc tộc người H’Mong. Cô khoảng ngoài 20, trông xinh xắn, nước da ngăm ngăm, nhỏ con mà lanh lẹn, cười tươi ráu để lộ hàm răng trắng ngà đều đặn, bước đi vững chắc trong đôi giầy ủng màu xanh lá cây với một túi đeo vai bằng vải thổ cẩm và một tay cầm dù. Cô không đội mũ hay đội khăn như các cô gái thuộc các bản Thượng khác mà để đầu trần, buộc tóc phía sau.  Nếu cô không đeo những đồ trang sức lỉnh kỉnh trên người như bông tai, vòng đeo cổ, vòng xuyến và ăn mặc như các cô gái nơi thành thị thì không ai có thể nói cô là người Mường người Mán được.  Cô trông có vẻ giống như người Alaska hay người Tầu vì cô có đôi mắt một mí rất dễ thương.  Bất chợt, tôi liên tưởng đến cô Sơn Nữ trong nhạc phẩm "Sơn Nữ Ca" của Trần Hoàn mà hồi bé tôi thưòng hát nghêu ngao suốt ngày: "Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích...Ngắm anh lữ khách mà lòng bâng khuâng". Cô Sai nói sõi tiếng Việt và khá thông thạo tiếng Anh nên hướng dẫn nhóm chúng tôi là thích hợp vì nhóm du khách hỗn tạp này cần hai ngôn ngữ đó. Tôi tò mò hỏi cô học tiếng Anh ở đâu, cô nói là học truyền khẩu cuả những du khách ngọai quốc từ hồi còn nhỏ, khi theo họ để bán hàng mỗi ngày...Riết rồi cũng đủ ngôn từ để trao đổi. Thiệt hay !
      Khi chúng tôi còn đứng chờ trong phòng đợi của khách sạn thì ngoài cửa đã có hàng chục cô gái Thượng trong xiêm áo, đủ mầu bao quanh, đầu quấn khăn Mường Mán bằng vải thổ cẩm, vòng bạc trắng đeo khắp nơi trên tai, trên cổ, trên cườm tay và dưới chân cũng leng keng những chiếc vòng lục lạc nặng nề.  Lưng đeo "gù" làm bằng nứa đựng các món đồ lưu niệm để bán cho du khách.  Vài ba cô khác địu con nhỏ xíu ở sau lưng, chẳng nón, chẳng mũ, phơi mặt dưới sương sớm mà vẫn như ngủ ngon lành. Đúng là trời sinh trời dưỡng. Cô nào cũng mang dù hoặc mũ bên mình để phòng mưa to nắng gắt.  Họ cười nói mời chào du khách mua đồ lưu niệm.  Giọng nói tiếng Việt lơ lớ không dấu nghe ngồ ngộ.  Nhóm chúng tôi bị choáng bởi cảnh tượng mới mẻ lạ lùng này.. Hỏi ra mới biết là ở đây có nhiều sắc dân người Thượng:  Người H’Mong, người Dao Đỏ, người Zay , người Tày  và người Phù Lá ... Người H’Mong đông nhất, trang phục của họ là thổ cẩm mầu đen có chút hoa văn, đầu để trần, hoặc đội mũ mầu đen. Người Dao Đỏ cũng ăn mặc như người H’Mong nhưng đầu đội mũ mầu đỏ. Người Zay mặc áo cài khuy chéo một bên. Người Phù Lá với trang phục rất nhiều hoa văn thêu thùa rực rỡ...Chính vì thế mà nhà tôi đã quá bận rộn trong việc bấm máy những cảnh thay đổi đột ngột trước ống kính và tôi thì liên tục phải làm người mẫu biểu diễn thời trang bất đắc dĩ cùng các nàng sơn nữ của miền Sapa. Du khách nào muốn chụp chung hình với họ, đều phải trả tiền. Các cô gái thượng rất tự nhiên hỏi du khách trả tiền chụp hình. Đây cũng là một dịch vụ để họ kiếm tiền sinh sống hằng ngày mà nay đã đương nhiên trở thành một nếp sống của họ. Tôi biết điều này nên vui vẻ tặng cho mỗi người, lúc thì một hai đô la, lúc thì 50 ngàn tiền Việt. Tôi nghĩ là hợp lý rồi.  Âu cũng là một kỷ niệm vui trong chuyến đi.  
      Được cô hướng dẫn viên cho biết là cuộc đi thăm các bản sáng nay sẽ lâu khoảng hơn bốn tiếng đồng hồ trên một quãng đường lên núi xuống đèo dài trên năm cây số.  Cô khuyên mọi người nên đi giầy thấp hoặc giầy boot cho an toàn vì đường núi dốc và rất trơn vì hôm qua trời mưa.  Tôi an toàn trong đôi bata loại đặc bìệt để leo núi cũng như nhà tôi trong đôi săng đan, coi như yên tâm trên đường đèo.  Vậy là gian hàng bán giầy leo núi ở phía trước khách sạn Global trúng mối bán giầy cho dăm ba người trong đoàn chúng tôi.  Mỗi đôi giá khoảng 300 ngàn đồng tiền Việt, cỡ 15 đô la.  
      Có hai nhóm khác cùng đi với chúng tôi trong đoạn đường ngắn sáng nay.  Mỗi nhóm đều có hướng dẫn viên riêng.  Nhìn mọi người lố nhố bàn tán xôn xao trước cửa khách sạn để sắp sửa lên đường mà thấy phấn khởi trong lòng. Dù không cùng một chủng tộc, khác mầu da và ngôn ngữ, nhưng ai nấy hầu như đều hiểu và thông cảm nhau qua cách trao đổi bằng tiếng Anh. Họ đi sát bên nhau theo từng nhóm, chuyện trò thực vui vẻ vô tư. Chúng tôi cũng bắt chuyện với hai cô sinh viên người Úc vừa tới đây và tối nay lại trở về Hà Nội. Hỏi ra mới biết các cô chọn tour tự túc đi một ngày với hai đêm ngủ trên tầu mà không phải ăn ngủ ở khách sạn. Họ bám theo đoàn chúng tôi...vô tư... Thông minh đấy ...!
      Cô Sai đưa chúng tôi đi qua các khu phố và chợ Sapa trước khi đi vào bản thượng. Chợ là một building to hai tầng trong cũng có nhiều sạp, hầu hết là do người Kinh làm chủ. Mặt trời ló dạng, đôi khi còn sương bụi lất phất bay. Gió núi nhè nhẹ lướt trên da thịt khiến mọi người hầu như quên đi cái oi bức mới đây ở Hànội.  Xa xa, trên triền núi, những cụm mây trắng bay lơ lửng trên thung lũng, bồng bềnh như khói như sương. Ôi, môt cảnh sắc thiên nhiên qúa tuyệt vời! Từ đỉnh cao thoai thoải xuống chân đồi, dẫn vào các bản thượng, nơi nơi cảnh sắc bốn bề tạo nên một bức tranh thủy mạc.  Giây phút này, tôi chợt hiểu tại sao bà Marie thích đến Sapa nhiều lần như vậy. Tâm hồn tôi thấy thanh thoát, lâng lâng hít thở khí trời trong lành mát dịu, khác hẳn với mùi khói xe, bụi bậm, mùi hôi hám từ cống rãnh ô nhiễm của Hà Nội 36 phố phường mà mấy ngày qua chúng tôi đã chịu đựng ngay giữa một thủ đô đã một thời kiêu hãnh.
      Được biết Sapa tiếng Quan thoại gọi là Sa-Pá (bãi cát) là một thị trấn thuộc vùng núi của tỉnh Lào Cai nằm về phía Bắc nước ta, giáp với biên giới Trung Quốc, một vùng núi nghỉ mát của người Pháp mà trước đây khi đi học, được biết đến là Chapa. Sapa lặng lẽ mà ẩn chứa bao điều kỳ lạ của cảnh sắc thiên nhiên.  Phong cảnh tuyệt vời của Sapa đã kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, mầu xanh của cây rừng, mầu hoa đủ sắc tạo thành bức tranh Tầu với nhiều sắc thái hài hoà thơ mộng.  Đã có nhiều ngòi bút ví cảnh sắc của Sapa như nàng thiếu nữ đang xuân, mỹ miều duyên dáng. Với nét đẹp dịu dàng, óng mượt làm mê mẩn lòng người, thực tình mà nói, một khi bạn đã được trông thấy cảnh sắc thiên nhiên này bằng chính đôi mắt của mình thì hẳn bạn sẽ có cùng cảm nghĩ như được đứng trước một cao nguyên thu nhỏ.

       Sapa luôn luôn chìm trong làn sương huyền ảo, nên đã được tặng danh hiệu “Thị Trấn Mù Sương  - City in Mist’’, hợp cùng những ngọn núi thấp, vẽ lên một bức tranh tuyệt tác. Sapa ở trên một độ cao hơn 1500m so với mặt nước biển nên khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm trung bình từ trên 15 độ C. Người ta thường nói khí hậu một ngày ở Sapa có đủ bốn mùa. Này nhé, buổi sáng Sapa chìm trong màn sương sớm; buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống, Sapa có cái lạnh của mùa Thu đất Bắc. Đến trưa, nắng lên, Sapa rực rỡ như mùa Xuân, một hình ảnh của tình yêu. Tới khi mặt trời ngả bóng, trời quang mây tạnh, Sapa là muà Hè, một biểu tượng của khát vọng. Ban đêm khí lạnh từ các đỉnh núi bốc ra, Sapa có cái lạnh se sắt của mùa Đông. Tuy nhiên mấy năm sau này, khí hậu Sapa đã thay đổi rất nhiều, nên đôi khi có tuyết rơi về muà Đông.. Chính điểm này, Sapa lại là nơi lôi cuốn du khách Tây Phương. Có người nói rằng, Sapa là hình ảnh Đà Lạt ở miền Bắc, vì dáng vẻ trầm mặc, uy nghi pha chút lãng mạn, thơ mộng của cảnh sắc núi rừng miền Thượng Du mà it nơi nào sánh được. Sapa có đỉnh Phan Si Păng cao hơn 3 ngàn mét trên dẫy Hoàng Liên Sơn, ở đó có một loại dược liệu quý hiếm là cây Hoàng Liên, có nhiều loại gỗ quý như thông dầu; chim thú thì có gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và hàng ngàn loại cây làm thuốc.  Khu rừng Hoàng Liên Sơn có nhiều loài chim, loài thú được ghi nhận trong sổ bộ quốc gia.
      Vào những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tìm thấy vẻ quyến rũ của Sapa về phong cảnh, khí hậu và nguồn nước...vì thế du khách có thể chiêm ngưỡng cái đẹp của hơn 200 biệt thự nghỉ mát do người Pháp kiến trúc theo nếp văn hóa của các sắc dân thiểu số tại Sapa. Thị trấn Mù Sương Sa Pa còn có một nhà thờ Thiên Chúa Giáo được xây bằng đá, lâu trên một trăm năm, đứng sừng sững với thời gian và là một dấu ấn còn nguyên vẹn nhất. Nhưng khi đi tới bản Tà Phìn, ai ai cũng phải bùi ngùi khi được chứng kiến một nhà Dòng uy nghi cổ kính ngày xưa, ba tầng lầu kiên cố được kiến trúc bằng đá trên đỉnh một ngọn đồi chung quanh quang đãng, nay chỉ còn trơ lại nền móng cùng bốn bức tường rêu phong phủ kín với vết đinh của cây Thập Tự Giá trên tường Nhà Nguyện. Hỏi ra mới biết đó là một hình ảnh tàn khốc dã man trong cuộc xâm lăng của Trung Cộng năm 1979 dọc theo biên giới Việt Trung. Sau khi Tầu Cộng đã tàn phá các tỉnh dọc theo biên thùy phía Bắc và khi tiến về vùng Tây Bắc của Tổ Quốc, chúng đã thiêu đốt tất cả các rừng thông chung quanh Sapa ...Nhà Dòng và nhiều biệt thự cổ xưa cũng phải chịu chung một nỗi bất hạnh với niềm đau của đất nước...
      Về các sắc dân ở Sapa, nhiều tài liệu cho biết là lúc đầu có một nhóm dân tộc thiểu số người H’Mong và nhóm Dao, rồi sau có người Tày, người Zay và một số nhỏ người Phù Lá, hợp thành 5 sắc tộc chính, chiếm tới 85% dân số người thượng trong vùng, chỉ có một số ít sống tại Sapa.  Hầu hết họ sống rải rác trong các buôn làng nhỏ bé và tại các bản xóm xa xôi, hoặc trên đồi núi khắp quận hạt.  Mỗi sắc dân có một nếp văn hóa riêng với các lễ hội khác biệt, như lễ hội "Róng pọc" của người Zay, lễ hội "Sải Sán" (đạp núi) của người H’Mong, lễ "Tết nhảy" của người Dao Đỏ, tất cả các lễ hội đều diễn ra vào tháng Tết hàng năm.  Ngày nay theo trào lưu tiến hóa để thích nghi với cuộc sống mới, hầu hết những người dân thiểu số này đã biết áp dụng nghề nông, canh tác, trồng trọt lúa gạo, khoai sắn, ngô bắp và rau cỏ trên những miếng ruộng nhỏ thoai thoải như những bậc thang từ cao xuống thấp. Tuy nhiên vì tình trạng thời tiết nên một năm họ chỉ gặt hái được một mùa mà thôi. Họ đã thay đổi phần nào nếp sống cũ với những phương tiện di chuyển mau chóng hơn. Qua các hệ thống truyền hình, truyền thông... họ đã có cơ hội tốt đẹp để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nhóm người này vẫn giữ nếp sống tự lập và duy trì văn hóa và phong tục của rìêng họ.
      Mặt trời ngả bóng mà chúng tôi vẫn hăng say bước thấp bước cao trên đường đồi. Xa xa và đâu đâu cũng thấy những mảnh ruộng nho nhỏ phủ kín một mầu mạ non, lớp lớp kế cận bên nhau, trông như những mảnh nhung xanh mượt mà.  Ôi đẹp tuyệt vời ! Bạn thử tưởng tượng xem còn cảnh sắc nào đẹp bằng hình ảnh của Sapa với nét chấm phá tự nhiên - mầu xanh của lá rừng, của mạ non, mầu đo đỏ của đất đồi, lốm đốm pha trộn với nhiều loại hoa rừng muôn mầu muôn sắc, ẩn hiện trong vuờn những mái nhà sàn lợp tranh mầu nâu sậm. Trước kia chỉ được thấy Sapa qua phim ảnh hay qua bạn bè đi về kể lại, hôm nay trước cảnh sắc sống thực, hùng vĩ bao la của đất trời, của quê hương Việt Nam, tôi thấy lòng mình thẫn thờ, bâng khuâng khó tả.  Chúng tôi lần lần đi bộ xuống phía chân đồi, đường trơn, dốc nên không ai dám đi nhanh.  Dọc đường qua nhiều buôn, có nhà bày nhiều quầy bán đồ lưu niệm, như quần áo may bằng vải thổ cẩm, khăn quàng cổ bằng lụa bằng tơ, vòng xuyến, vòng đeo cổ, lục lạc bông tai bằng bạc trắng, vv..  Quầy bán đồ ăn toàn là thịt rừng, xóc thành từng xâu nướng trên bếp than, có cả cơm lam và bắp nữa. Gió núì quyện theo hương vị thơm ngon của thịt rừng, quả là hấp dẫn.  Thực tình chúng tôi không hiểu là thịt rừng gì, có lẽ là thịt lợn nuôi trong bản. Nhà tôi liều mua thử một xâu thịt nướng chấm với tương ớt. Anh suýt xoa khen ngon, giống như hương vị Dê Núi ở Ninh Bình. Nhưng riêng tôi thì chả dám, vì lúc nào tôi cũng đề phòng cho chắc ăn. Ăn uống “ngoài thực đơn ấn định’’  là không nên vì cuộc hành trình sáu tuần lễ của chúng tôi mới chỉ bắt đầu.  Thời gian năm tuần lễ nữa còn dài, nếu có làm sao thì hỏng cả cuộc chơi.  Thôi thì cứ cẩn tắc vô áy náy cho yên tâm, nên dù đồ ăn ngon, hấp dẫn thế nào ở bất cứ quán ăn ven đường trong suốt cuộc hành trình, khó mà chinh phục được tôi.  Có lẽ cũng vì thế, thường khi đi nghỉ hè về là tôi luôn luôn xuống ký cũng chỉ vì kiêng cữ quá mức.

                                                                        ...xin đọc tiếp Phần II ...

No comments:

Post a Comment