SAPA !
Chùm Ảnh Kỹ Thuật Số: Phạm Bá, MD
Ỷ Nguyên
Cô Sai cho hay các chủ quán hầu hết là
người Kinh dưới đồng bằng lên. Sau năm 75 họ lên đây lập nghiệp và chiếm hữu đất
đai của đồng bào thượng tại Sapa này. Họ
mở quán bán đồ ăn, làm chủ những sạp hàng bán đồ lưu niệm, mở khách sạn, và cả
phòng "Foot & Body Massage - Xông Hơi - Tắm Lá Thuốc" ngay tại
trung tâm thành phố hoặc trong các khu chợ rải rác khắp nơi, trên đồi cao hoặc
dưới thung lũng nơi nào có dấu chân của du khách thăm viếng, là nơi đó có người
Kinh hiện diện. Những lúc chúng tôi dừng chân bên đường như vậy, nhiều trẻ em
người thượng, trai có gái có xúm xít vây quanh lấy chúng tôi để gạ bán đồ lưu
niệm, hoặc gậy tre thẳng vuốt, cao bằng đầu người để du khách cần đến khi leo
núi. Các em tuổi rất nhỏ từ năm tới mười, mặt mày nhem nhuốc nhưng đôi mắt tinh
anh, láu lỉnh đang theo dõi đám du khách chúng tôi. Em nào da dẻ cũng đỏ bừng vì cháy nắng, áo quần bằng vải thổ cẩm loè loẹt,
xốc xếch, đủ mầu. Tôi không muốn mua gì nhưng đổi ít tiền lẻ của bà chủ quán để
phân phát đồng đều cho các em, chúng nhao nhao giơ tay đón nhận, thấy mà tội
nghiêp. Tôi chợt nhớ tới mấy đứa cháu nội, ngoại của mình ở bên Mỹ, có cuộc sống
quá ư là đầy đủ thì biết là mình đã may mắn hạnh phúc hơn nhiều người. Người dân trong các buôn sống lam lũ, cực nhọc,
dầm mưa dãi nắng ngày nọ qua ngày kia, da dẻ nám đen nhưng khoẻ mạnh, rắn chắc. Hằng ngày các cô gái, các bà mẹ, bà già, trẻ
em, từ sáng tinh mơ đi bộ xuống trung tâm thị trấn nơi có nhiều khách sạn, để
bán những đồ lưu niệm lặt vặt. Cô Sai
cho tôi hay là đàn ông người Thượng lo việc đồng áng và đôi khi ở nhà giữ con
cho vợ. Cô đã có gia đình, và có một đứa con còn nhỏ, nên những khi cô phải đi
theo đoàn du lịch như sáng nay thì chồng cô phải thay cô ở nhà trông con. Tình
cảnh của người dân thiểu số ở Sapa mà tôi được tiếp xúc từ sáng đến giờ thấy
nghèo khổ quá đỗi ! Cuộc đời của họ bất hạnh làm sao!. Những chia sẻ của chúng tôi với họ ở đây chỉ
là tạm bợ, nhất thời.
Dọc đường đồi đi xuống thung lũng vào bản,
chúng tôi vào thăm nhiều căn nhà nhỏ, nghèo nàn trống trải. Trong nhà độc nhất
chỉ có một chiếc giường gỗ và một cái bếp với chiếc kiềng ba chân đặt chơ vơ
trên lớp tro tàn ngay giữa nhà...mà tôi nghĩ, bếp này cũng sẽ được làm lò sưởi
về mùa Đông. Mấy đứa trẻ con bu quanh phía trước, áo quần ngắn cũn cỡn, hở rốn
hở mông hoặc trần truồng, đứng ngây ngô nhìn chúng tôi đi qua bằng con mắt hiếu
kỳ xa lạ. Chủ nhà bầy ít đồ vải vóc, quần áo trang sức phụ nữ ở trước cửa nhà để
bán cho du khách. Nhiều nhà còn nuôi thêm gà vịt và lợn con. Cũng có nhà nuôi dăm ba chú chó con đang nằm
ngủ vô tư không màng gì đến người lạ đi qua đi lại, hình như chúng đã quen với
cái sinh hoạt hàng ngày như vậy. Tôi không tiện hỏi, nhưng có lẽ họ nuôi chó để
làm thịt (?) sau này. Tôi để ý hầu như nhà nào cũng có một cái máng nước chạy
qua vườn dùng làm phương tiện dẫn thủy nhập điền để dẫn nước mưa, nước suối từ
trên đồi xuống những thửa ruộng bậc thang bên triền núi, xuống tới chân đồi. Họ
biết áp dụng phương pháp thăng bằng để khi những máng này đầy nước sẽ tự động
thả nước xuống đường mương đào sẵn, dẫn vào các khu ruộng phía dưới. Nhiều nhà
còn dùng hệ thống dẫn nước này làm cối giã gạo - được gọi là cối gĩa gạo dân tộc,
như kiểu cối giã gạo ở nhà quê ngoài Bắc ngày xưa. Cần cối là một khúc gỗ vuông
cạnh, dài chừng bốn mét đặt cố định trên một trục cách đầu cần khoảng hai phần
ba, mục đích để cho đầu cần nặng hơn đuôi; đầu cần cối được gắn một chày to, dưới
là một cối đá chứa gạo đã xay. Nhịp chày lên xuống do người đứng ở giữa trục bước
tới bước lui (có nơi, người giã gạo bước lên bước xuống) bằng một chân. Khi bước
lui thì đầu chày cao lên khỏi cối đá, khi bước tới là đầu chày đập xuống cối đầy
gạo, chà xiết cho gạo tách rời khỏi cám. Khi còn là một cô bé oắt tỳ ở nhà quê
trong thời gian gia đình nhà tôi lánh nạn ở làng Đông Sơn, thuộc Chiến Khu Tư
Thanh Hoá, những lúc thấy mấy chị thôn nữ giã gạo, tôi thường xin các chị cho đứng
phía trên cần cối để được hưởng cái cảm giác bay bổng lên, rồi hạ xuống theo tiếng
chày bì bộp phía dưới ... Các chị vừa giã gạo vừa hát hò hay chuyện trò vui vẻ
để quên thời gian cũng như quên đi cái nhọc nhằn của công việc: ‘‘Nàng về giã gạo ba trăng, để anh gánh nước
Cao Bằng về ngâm...’’. Bây giờ nhớ lại hình ảnh ấy, tôi thấy nhớ ơi là nhớ. Ngày xửa ngày xưa, ai đã từng sống ở nhà quê
miền Bắc, có lẽ không xa lạ gì với phương tiện giã gạo này. Ở đây, người đứng
giã gạo được thay thế bằng máng nước. Khi nước chẩy vào đầy máng này thì đầu
chày từ từ nhấc lên khỏi cối rồi tự động rơi xuống cối đá xiết vào gạo khi máng
đã thả hết nước ra; nước lại liên tục đổ xuống làm đầy máng ... Và cứ thế, máng
nước lại tự động đầy lên ..., đều đều như nhịp chày “Gạo Trắng Trăng Thanh’’ của
H.T.T: “...Trong đêm thanh, trăng tàn canh, bao tiếng ca theo tiếng chày nhanh
nhanh. Dư âm xa còn vang mãi trong ánh đêm trăng tà...’’. Phương tiện giã gạo
qua hệ thống dẫn thuỷ nhập điền kiểu đòn thăng bằng này cứ thế liên tục hoạt động
ngày đêm. Dĩ nhiên khi không giã gạo, máng nước sẽ làm công việc dẫn nước đơn
thuần. Thực khôn khéo với những bộ óc không cần kiến thức cao.
Chúng tôi đã cuốc bộ mấy ngày trước đây
khi đi thăm viếng chùa Bái Đính ở Nình Bình, đã leo lên những bậc thang cao, thực
là cao để chiêm bái Tôn Tượng Phật Di Lặc và 500 tôn tượng Phật A La Hán, bây
giờ lại tiếp tục leo núi leo đồi ở đây, ban đầu e không còn đủ sức, vậy mà mọi
việc đều qua đi với đôi chân dẻo dai đầy kinh nghiệm.
Theo chương trình, bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải quay lại khách sạn để dùng cơm chiều và nghỉ ngơi. Lúc đi ai nấy đều phấn khởi, háo hức, lượt về cũng lại phải leo đồi xuống dốc mà người nào ngưòi nấy đều đã thấm mệt, mặt mày đỏ gay, mồ hôi thấm áo, nhưng cũng phải cố thôi. Hôm nay chỉ là chuyến đi bộ ngắn năm cây số thôi, sáng mai sẽ phải đi bộ vào các bản khác xa hơn tới 7, 8 cây số thì mới đáng ngại chứ! Mấy bác chạy xe ôm - bây giờ mới thấy đàn ông xuất hiện - đoán là du khách chúng tôi mệt mỏi vì đi bộ lâu nên cứ rà rà xe Honda sát bên để mời mọc đưa về. Họ biết mấy phụ nữ người Việt chúng tôi mệt mỏi, cần giúp đỡ. Họ không mời du khách người ngoại quốc, có lẽ họ coi thường chúng tôi thiệt đó ... Đi mãi mà chưa trông thấy bóng dáng khách sạn mình ở đâu, tôi bắt đầu thấy hơi nản và tự hỏi không biết mình có đủ sức để về tới đích không, nhưng vì “tự ái dân tộc’’ nên vẫn ráng lê bước bên cạnh ông xã. Trời bắt đầu mưa nặng hột, đường thì trơn và dốc, mình là đàn bà yếu đuối, tuy không thiếu trọng lượng - cũng vẫn ráng lên cùng các bạn đồng hành để tỏ ra là mình cũng thuộc loại si-bo đây! Tôi đã nhiều lần từ chối lời mời của mấy bác xe ôm, nhưng họ cứ lẽo đẽo đi theo và mời chào như năn nỉ không dứt. Thấy tội nghiệp, tôi quay ra hỏi hai ông đi theo chúng tôi từ nẫy đến giờ: "Nếu phải trả cho một chuyến xe về khách sạn các ông tính bao nhiêu một người?" - 50,000$ (khoảng 2 đô la) - một ông trả lời tôi như thế. Tôi lấy ra hai tờ 50,000 đồng VN trao tay cho mỗi ông một tờ và vui vẻ nói với họ: "Đây là tiền xe của hai ông. Cứ coi như chúng tôi đã đi xe của hai ông rồi nhé. Thực tình chúng tôi muốn đi bộ cho khoẻ chứ không phải tiếc tiền. Mong hai ông hiểu cho ..." Sự kiện bất ngờ này xẩy ra ngay trước cửa trạm gác của công an quận, khiến mấy anh công an ngồi trong hàng hiên chăm chú nhìn chúng tôi với vẻ mặt ngỡ ngàng như chưa bao giờ xẩy ra trước mặt họ...Thông thường tôi hay hành xử như thế khi gặp mấy ông xe ôm, hay xe xích lô lẽo dẽo theo chúng tôi mời chào. Ngay cả khi còn ở Hà Nội hay Saigon trước đây, chúng tôi cũng không dám ngồi xe xích lô vì cảm thấy khó chịu “phải ngồi’’ trên xe để người ta đạp chở mình đi ngoạn cảnh, tôi tự thấy ngượng ngùng làm sao! Với vóc dáng một ngoại kiều, e nặng ký mà để một ông già ốm yếu, hỳ hục đạp xe chở mình như vậy thực khó coi vô cùng. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu mình e ngại không dám lên xe đi giúp họ thì họ sống bằng gì đây? Họ sống bằng sức lao động để đổi lấy đồng tiền mà. Ôi ! thực phức tạp phải sống trong một xã hội mà giầu nghèo chênh lệch như thế. Cho nên khi giúp họ ít tiền mà không phải trao đổi, tôi thấy trong lòng vui sướng làm sao. Giúp kẻ khó trong những hoàn cảnh này, tôi cảm nhận là mình đã làm được một việc thiện.
Về tới khách sạn vào lúc mặt trời đã ngả
bóng. Ai nấy đều mệt và đói bụng nên đổ xô hết xuống phòng ăn. Nhiếp ảnh gia của tôi mặt mày bị rám nắng vì
cả nửa ngày ở ngoài trời, nhưng anh trông khoẻ hẳn ra. Anh luôn luôn hài lòng về sức khoẻ của mình mặc
dù tuổi đã cao. Chúng tôi năm người gồm vợ chồng tôi, cô cháu gái và một cặp du
khách từ Canada. Cặp này còn trẻ, ít tuổi
hơn chúng tôi nhiều nên gọi chúng tôi là cô chú và xưng con, nghe rất Việt
Nam. Họ là người gốc miền Nam, nói năng
dễ thương và chân thật nên dù mới chỉ gặp nhau vài tiếng đồng hồ mà chúng tôi
đã gây được cảm tình với nhau, rất tâm đầu ý hiệp. Chúng tôi gọi những món ăn quê hương như canh
cua đồng mồng tơi, trứng tráng thịt, rau muống sào tỏi tươi, cá rán sốt cà
chua. Đồ ăn tinh khiết, sạch sẽ và vừa
miệng khiến tôi không ngại ngùng e dè như khi ăn ở ngoài đường phố nên cảm thấy
yên tâm hơn. Nhân viên phục vụ đón tiếp
chúng tôi rất niềm nở, ân cần và chu đáo, bất kỳ lúc nào chúng tôi có mặt tại
phòng ăn này vào sáng, trưa và chiều.
Hình như họ thích phục vụ người Việt mình hơn là người ngoại quốc vì du
khách người Việt thường lúc nào cũng cởi mở, rộng rãi và chi tiền típ rất hậu
hĩnh. Về thăm quê hương, tôi thích nhất
là được gặp người Việt Nam, nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tiếp
xúc với mọi giới, mọi từng lớp, hiểu thêm được nhiều khía cạnh của cuộc sống hiện
tại. Tương đối tôi rất hài lòng và cảm
nhận được một điều mà sau này dù cho có dư tiền dư của, tôi cũng không có cơ hội
để thực hiện, đó là vấn đề trắc nghiệm lại sức khoẻ của mình. Do đó tôi thấy sung sướng và mãn nguyện làm
sao khi được sống trong một vùng đất của quê hương với những giây phút ngắn ngủi
để tận hưởng tất cả những cái diệu kỳ của thiên nhiên nơi núi rừng Sapa, nhất
là tình chân phương mộc mạc của người dân bản thượng.
Chiều tối, từ cửa sổ của phòng ngủ tại
khách sạn Global, một lần nữa tôi lại ngỡ ngàng trước cảnh sắc mờ ảo của đồi
núi Sapa ẩn hiện trong làn sương chiều trắng đục, như một bức tranh khổng lồ trải
ra trước mắt tôi. Mưa chiều lất phất
bay, gió núi mơn man mát lạnh. Dưới đường
phố vẫn còn thấp thoáng vài thiếu nữ miền sơn cước đi lên đi xuống để mời chào
du khách mua đồ.
Lúc này, mọi người tách ra đi chơi riêng
rẽ. Riêng hai chúng tôi lững thững đi ra
phố chợ không xa khách sạn là mấy. Được tản bộ trong giờ phút này thật không uổng
phí. Đây là trung tâm thị trấn nên hàng quán chiếm ngụ hai bên đường khá đông đảo
tạo nên một khu buôn bán xầm uất dành cho khách du lịch. Hầu hết là hàng ăn và tiệm bán đồ lưu niệm. Ở đây, tôi thấy quán ăn nào cũng đều bán những
món ăn giống nhau như thịt rừng nướng, cơm lam của người thượng mà sáng nay ông
xã tôi đã ăn thử trên đường đi. Nghe nói
cũng có chùa Phật Giáo ở đâu đó trong thị trấn nhưng chúng tôi không còn đủ thì
giờ để đến chiêm bái. Thành phố đã lên
đèn từ hồi nào không hay. Cảnh sắc Sapa về đêm trong ánh đèn vàng yếu ớt làm tăng
thêm vẻ lãng mạn của thị trấn mù sương, quyến rũ và lôi cuốn du khách thập
phương. Mưa bụi vẫn nhẹ bay. Hai chúng tôi tản bước từ con phố này sang
con phố khác. Đã lâu rồi chúng tôi không
có dịp đi bên nhau, tay trong tay dưới trời đêm huyền diệu và thơ mộng như thế
này. Thú vị thật ! Trong khoảnh khắc cả
hai đứa chúng tôi như sống lại những giây phút “hẹn hò’’ của buổi ban đầu hồi
còn đi học ở Saigon.. Giờ đây tuổi đã
cao mà "Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy" vẫn bàng bạc vương vấn trong
nhau. Ít ra cũng còn một chút gì để nhớ
để thương nên hai chúng tôi như cố níu lại cái giây phút quí báu này. Có vẻ lãng mạn đấy chứ!
Đến đây, tôi phải nói thêm một chút kẻo
quên đi mất, đó là chợ Tình Sapa. Chợ Tình Sapa là tên của du khách đặt ra. Chợ
họp vào ngày Chủ Nhật, nhưng cư dân từ các bản xa xôi, nhiều người phải đi cả
ngày trời mới tới, nên từ những ngày xa xưa, họ phải đi từ sáng Thứ Bảy để kịp
họp chợ vào Chủ Nhật. Nhân cơ hội này, trai gái người sắc tộc gặp gỡ nhau vào tối
Thứ Bảy để hẹn hò, ca hát, nhẩy múa... Từ đó có tên là Chợ Tình. Nhưng từ khi
ánh đèn văn minh đô thị và tiếng nhạc Karaoke xâm lấn vào nếp văn hóa cổ truyền
của họ, nhất là những cử chỉ sỗ sàng, sàm sỡ của du khách (?), cái ngây thơ của
bản sắc văn hóa địa phương đã phải ra đi, nhường chỗ cho những rác rưởi thị
thành ... nên bây giờ Chợ Tình Sapa, dù vẫn họp hàng tuần, nhưng vắng người và
mang một sắc thái khác...
Sáng hôm sau, theo lịch trình của đoàn, mọi
người phải dậy sớm ăn điểm tâm và chuẩn bị cho chặng đường đi bộ lâu hơn và dài
hơn hôm qua - 7 cây số.
May quá, hôm đó trời lại nắng, dù đêm trước
có một trận mưa xối xả đổ xuống thị trấn Sapa, chắc hẳn chuyến leo đồi xuống
núi của chúng tôi cùng sẽ khá gay go. Tôi đoán thế ...
Từ nhiều con dốc xoai xoải kéo xuống chân
đồi, chúng tôi có cảm giác như mình đang đi trên mây.. Mọi cảnh sắc thơ mộng và
diệu kỳ trên đoạn đường sáng nay trông hơi khác với hôm qua. Dù vẫn có những áng mây trắng lững lờ trôi
bao phủ cả một vùng thung lũng, những mảnh ruộng xinh xinh, xanh ngắt mầu mạ
non và thấp thoáng xa xa là những mái nhà sàn lợp tranh nâu xậm. Đẹp tuyêt !
Làn sương sớm lành lạnh lan toả khắp nơi, dường như làm tôi ngây ngất vì
khí trời thoảng nhẹ của miền thượng du Sapa.
Cô Sai vẫn là người hướng dẫn chúng tôi
sáng hôm đó. Cô đưa chúng tôi đi qua những
đồi núi chập chùng với những di tích lich sử của các buôn khác nhau. Đường dốc và trơn trượt, mặc dầu đã được cảnh
giác trước nhưng vẫn có người té ngã tới hai ba lần làm cả đoàn rú lên cuời. Một du khách người Úc trượt chân trước tiên,
rồi lại ngã ngồi phệt trên mặt đất lần thứ hai và sau đó, anh Úc Kiều trong
nhóm tôi, ngã văng cả máy hình, máy ảnh ra ngoài, khiến chúng tôi cũng phải coi
chừng và cẩn thận hơn trên những bước đi kế tiếp. Vui thật ! Kinh nghiệm là phải bước ngang bàn chân thay
vì đi thẳng, và phải bấm giầy xuống mặt đất cho vững chắc rồi mới dám bước tới. Hồi sáng, lúc mới khởi hành, có mấy cô sơn nữ
người H’Mong theo chúng tôi chuyện trò và mời chào mua đồ lưu niệm, dù bị từ chối
nhưng họ vẫn tiếp tục theo sát chúng tôi cả gần hai tiếng đồng hồ rồi. Đến giờ phút này tôi mới vỡ lẽ ra là kinh
nghiệm đã dậy họ sự kiên nhẫn, chịu đựng như thế, vì họ biết thế nào trong toán
du khách cũng có người phải cần đến họ để giúp dìu đi qua những khu vực đất đồi
trơn uớt. Và cuối cùng chính tôi và cô
cháu gái đều phải nhờ tới những người H’Mong này. Quả thật, có mấy khúc đường đèo trơn trượt và
đá lởm chởm nguy hiểm, nếu không có họ dìu đi thì không biết việc gì sẽ xẩy
ra. Nhiều cây cầu tre, cầu nứa yếu ớt bắc
ngang qua những con lạch như đang chờ đợi đôi chân mới của người khách lạ làm
ai cũng chùn cẳng ngại ngùng chưa dám bước qua. Thế mới biết người mình nhát
gan thiệt, nhìn theo những phụ nữ ngoại quốc bước đi tỉnh bơ và ra chiều thích
thú làm chúng tôi thấy quê xệ. Có lẽ họ đã đi hiking nhiều ở nước họ. Lại một kỷ niệm khó quên!
Chúng tôi đi theo cô Sai qua những cây cầu
ghép bằng những ống nứa cheo leo, bên những thác nước tuôn xuống ầm ầm, tạo ra
những lớp bụi mưa mờ ảo. Nhưng quyến rũ nhất không thể không nói tới là Cầu
Mây. Cầu Mây (Rattan Bridge) nguyên thủy là một địa điểm du lịch kỳ thú không
kém phần hào hứng, dành cho du khách thuộc hàng “to gan lớn mật’’ mới dám bước
lên cầu ... Cầu được kiến trúc, nói cho xôm vậy thôi, bằng nhiều sợi mây
(rattan). Những ai ở nhà quê đều biết, mây là một giống cây leo có độ dẻo dai bền
bỉ và chịu đựng được nắng mưa. Cầu Mây được hình thành như một thứ cầu treo lắt
lẻo đong đưa trên một độ khá cao với nhiều dây mây lớn bện chằng chịt theo hai
dây cáp dọc hai bên để treo cầu qua dòng suối Tả Ban. Mặt cầu, bề ngang chừng
hơn một thước, được ghép bằng những tấm gỗ cách quãng theo từng bước chân. Như
thế có nghiã là nếu bước hụt không vào miếng ván, tức là rơi xuống suối dễ như
chơi...Nên hầu như du khách Mít như tụi tôi chỉ dám đứng ngắm cho khoái mắt
...Mà cũng chỉ thấy vài du khách thanh niên ngoại quốc thập thò vài bước ở đầu
cầu rồi lại thụt lui, phá lên cười với nhau thích thú. Người ta kể lại, nếu đi
trên cầu vào buổi sáng tinh sương, thì hẳn như thấy mình đang bước trên mây.
Nhưng cũng chẳng sao, ngay bên cạnh cầu này, nay đã có thêm một cây cầu treo
khác theo đúng nghiã của nó: cầu được treo bằng dây cáp to, bề ngang cầu rộng
chừng hai thước, mặt cầu được lót bằng những tấm gỗ dầy, to, trông rất chắc chắn,
xe Honda chạy vô tư ...Đây là cây cầu khá an toàn cho khách bộ hành vì chẳng ai
dám xử dụng cây Cầu Mây... lịch sử kia. Dưới cầu, dòng nước đỏ mầu đất núi từ
thác Cỏ May phía xa ào ào đổ xuống như mừng đón đám du khách phương xa, nguyên
vì hôm qua trời đổ mưa tầm tã, nước cuồn cuộn chẩy theo dòng suối uốn lượn dưới
chân cầu. Tôi thấy mình thực bé nhỏ truớc cảnh núi đồi hùng vĩ, bát ngát bao la
của tạo hóa. Trong phút giây tâm hồn
lâng lâng đó, tôi cảm thấy như đang bị thôi miên không sao trốn khỏi, như đang
sống với một cảm giác thư giãn trong mơ, như được quên đi những ưu tư hối hả của
cuộc đời phố thị nơi quê hương mới ...
Hầu như du khách nào cũng muốn leo lên đỉnh
Hàm Rồng là hình con rồng uốn khúc, ở sát ngay thị trấn. Ở khu du lịch Hàm Rồng
còn có một Vườn Lan quốc gia với nhiều thứ lan rừng thiên nhiên như để giới thiệu
đến những người có thú chơi hoa. Nhưng chưa hết đâu, muốn lên tới núi Hàm Rồng
phải qua đường lên Cổng Trời là lối đi giữa hai vách đá cao thẳng đứng với một
lối đi nhỏ hẹp, bề ngang chỉ vừa một chiếc Honda chạy. Nơi đây có Sân Mây là vị
trí cao nhất, đứng trên đây có thể nhìn thấy hết cả Thị Trấn Mù Sương. Cô hướng
dẫn cũng kể cho du khách nghe qua về Thác Bạc trên đường đi Lai Châu, cách Sapa
chừng bẩy cây số. Thác cao chừng 100 mét. Về mùa mưa, nước thác trắng xóa lóng
lánh như một triền núi được dát bạc. Nhưng về mùa khô, thác chỉ còn là một dòng
chẩy nhỏ. Muốn vào tận nơi xem và chụp hình du khách phải leo lên chừng hơn 300
bậc thang; cho dù có thì giờ, chúng tôi chắc cũng khó có thể đi thêm được nữa.
Xin hẹn ngày trở lại ...
Khi đến đoạn đường bằng phẳng và khô,
chúng tôi chia tay với các cô gái người H’Mong và đưa tặng họ ít tiền vì họ đã
có công dìu chúng tôi qua những khúc đường trơn trượt. Họ rất mừng, nỗi sung sướng,
hân hoan hiện rõ trên nét mặt rắn rỏi chất phác. Số tiền 100 ngàn đồng VN đưa cho họ tuy trị
gía chỉ bằng 5 đô la thôi, nhưng với họ là một lợi tức thu nhập lớn trong ngày
làm việc..
Cô Sai luôn luôn đi sát bên chúng tôi cho
biết công ty Du Lịch trả công cô 100 ngàn đồng VN cho mỗi buổi cô đi hướng dẫn
du khách như thế. Cho nên hai hôm đi du
ngoạn về, tôi đều bo cho cô mỗi hôm 100 ngàn đồng VN. Tôi cảm thấy thực vui vì nghĩ rằng cô Sai đã
xứng đáng được hưởng tiền típ của du khách.
Hiện
giờ chúng tôi đang có mặt tại địa điểm ăn trưa mà công ty Du Lịch đã đặt sẵn tại
một bản thượng thuộc bộ lạc Zay. Thức ăn
có ba món, cũng cơm trắng, rau sào thịt bò, canh rau, thịt heo núi kho tiêu.
Tôi thì vẫn chỉ một chén cơm trắng với chút xíu nước tương là xong bữa, y như
ăn chay ! Nhóm chúng tôi vẫn là năm người
Việt Nam đi với nhau và món ăn trưa nay quá ư là nhiều nên khi cả toán vừa bước
ra khỏi bàn ăn thì ngay lập tức các em bé thuộc nhiều bộ lạc ùa tới bốc ăn cho
bằng hết. Chúng đói và thèm thuồng. Tội
nghiệp !
Sau bữa ăn trưa, nắng lên, ai nấy đều thấm
mệt vì đường đi quá dài so với hôm qua. Quanh chúng tôi bấy giờ là các bà mẹ và
các em bé thuộc bản Zay với những đồ nữ trang rẻ tiền và khăn quàng cổ bằng vải
thổ cẩm đủ mầu... đặc phẩm của miền thượng du trông cũng hấp dẫn, có lẽ mình
nên mua giúp cho họ vài món. Mua một chút quà kỷ niệm cho con cháu và bạn bè
khi đi xa về thì cũng đáng làm lắm chứ! Và cứ như vậy mọi người trong nhóm đều
tới tấp buớc tới chọn lựa, khiến người bán cũng phấn khởi vì đã không uổng công
theo chân nhóm du khách quá lâu. Sau đó chúng tôi vẫn phải đi bộ thêm hơn cây số
nữa để ra lộ chính có xe van đợi sẵn đưa đoàn du khách trở về khách sạn hầu kịp
bữa cơm chiều lúc 5 giờ trước khi xe của công ty Du Lịch đưa chúng tôi ra ga
Lao Cai, để ngủ thêm một đêm nữa trên chuyến tầu hoả trở về Tràng An Hà Nội.
Quanh tôi ai nấy đều biểu lộ niềm vui dù rằng chuyến đi tour quá ư là ngắn ngủi
đã không cho họ có đủ cơ hôi đi thăm viếng nhiều nơi kỳ thú khác của Sapa.
“Thời
gian tựa cánh chim bay. Qua dần những tháng cùng ngày ...’’ (Hoài Cảm của Cung
Tiến), tiếng hát của Bằng Kiều như gợi lại trong tôi những nỗi nhớ khôn nguôi.
Thắm thoát mà đã hai tháng trôi qua từ ngày chúng tôi trở lại nơi trời cao quê
hương mới. Hôm nay ngồi đây bồi hồi ghi lại những dòng hoài niệm một chuyến đi,
không khỏi miên man hồi tưởng lại những hình ảnh mến yêu của miền Tây Bắc quê
hương. Chúng tôi đã tìm lại được những phút giây hạnh phúc trong chuyến đi này.
Phải chăng niềm vui hạnh phúc là thời gian vắng mặt những bôn ba hối hả của cuộc
đời, là không gian khuất xa ánh đèn mầu đô thị... Vâng, với tôi, hạnh phúc đơn
giản chỉ là thế thôi ...Và tôi vẫn thầm mong một lần nữa được trở lại Thị Trấn
Mù Sương để cảm nhận được niềm hạnh phúc vô biên của mình trên một đất nước
không còn chiến tranh ...
Tạm biệt Sapa - Gió Núi Mưa Ngàn,
không chỉ là một địa danh mà còn là nỗi nhớ ...
Tạm biệt cô
gái Thượng duyên dáng của tôi !
Ỷ Nguyên
Maryland,
Aug. 2011
(Đã
đăng trong TCNS CỎ THƠM
số 57, Mùa Đông 2011)
"Dòng đời vốn vẫn êm trôi theo dòng thời gian ba-vạn-sáu-ngàn-ngày của một kiếp nhân sinh, khìến ai ai cũng phải mang theo mình một quá khứ, nhất là lại ở vào cái tuổi sống nhiều với quákhứ mà ít còn khát vọng tương lai, một quá khứ đầy ắp những hoài niệm qua nhiều giai đoạn của đời người.
ReplyDeleteNhớ ngày nào, khăn góilên đường đến Thủ Đô Hoa Kỳ vào giữa Mùa Thu đường đầy lá rụng. Rồi lại năm sau, 2011, tôi lại đi dưới trời Âu gần ba tháng trường vào những ngày hè rực nắng. Ôi ! ôm biết bao nhiêu kỷ niệm với bạn bè, ghi nhớ biết bao nhiêu ân tình với những người thương mà đã nhiều năm không gặp.
Nay đọc “Sapa ! Gíó núi, mưa ngàn…” của Ỷ Nguyên, bất chợt hồi tưởng lại những ngày đã qua, mới cảm nhận được nỗi nhớ của những người sống xa kỷ niệm… Có phải chăng, xa rồi, ta mới cảm nhận được tận cùng của nỗi nhớ …
Ôi! Phải chăng hành trình môt đời người là những khúc chia xa …
Cám ơn tác giả đã giúp tôi liên tưởng đến cái quá khứ ngày nào … đã mang ít nhiều kiêu hãnh trong tôi …
LyDo
Saigon, tháng 7 Mùa Mưa 2013
"Thưa Mợ,
ReplyDeleteTruyện rất thú vi. Cháu chưa từng đến SAPA, chỉ biết qua sách vở, nhưng nghe Mợ mô tả cảnh
SAPA, cháu cũng muốn được đến đó một lần.
Mợ dùng từ rất hay và súc tích. Ví dụ như câu này cháu rất thích, "Chuyến bay từ Hàn Quốc uể oải đáp xuống trường bay Nội Bài - Hanoi vào lúc 10 giờ đêm .." Chỉ một câu thôi mà Mợ mô tả hết được tất cả vẻ mệt mỏi của mọi người trên chuyến máy bay dài...
Bài này Mợ viết quá hay, thú vị.
Cháu phục Mợ sao có thể nhớ tất cả rất chi tiết để viết bài.
Nếu là cháu thì chắc vê đến khách sạn là quên hết rồi...
Cháu THẢO
(From Thảo' s Email, July 9, 2013)
Bạn Luân ơi!
ReplyDeleteXin ghi nhận "Ông Chủ" T.H Bình đã phổ biến thêm trên GTM, mục "Các trang khác", cột bên phải dưới cùng: Blog TUYBUT
Cám ơn,
SOT
(From SOT's Email, July 5, 2013)
Em gửi lại cho Anh xem cái email mà em nhận được. Em copy đường link của Anh đem qua firefox và đã xem được trang Blog của Anh rồị
ReplyDeleteChúc mừng Anh có thêm niềm vui mới qua trang Blog.
Thanks
Thân chào
Nguyễn Thị Hiền
(From Hiền's Email, July 5, 2013)
Những bài của Chú Thím viết rất tự nhiên và hay như đang kể chuyện, còn thêm các bài mới nữa thì gửi cho cháu xem nhé ...
ReplyDeleteCháu LAN
(From Linh Lan' s Email, July 11, 2013)
Anh chị Luân mến,
ReplyDeleteChia vui với Anh Chị buổi họp mặt với Bút Tre. Tôi ở AZ cuối tháng Sáu. Con gái tôi sống tại thành phố Carefree. Vài tháng nữa tôi sẽ di chuyển về sống ở AZ. Anh chị có cháu ở Phoenix như vậy sẽ có dịp gặp Anh Chị. Tôi cũng có bà con ở Phoenix và Glendale.
Tôi có đọc vài bài viết ngắn của Anh Chị trên Góc QGTM. Tất cả bài viết đọc rất lôi cuốn từ đầu đến cuối bài.
Khâm phục anh chị rất nhiều.
Thăm sức khỏe Anh Chị và gia đình,
TUYHOA
(From Tuyhoa' s Email, July 11, 2013)