Cô Tư Hồng
Phạm Bá
Những
người sinh trưởng ở Miền Nam trước đây, khi nhắc đến chuyện Bạch Công Tử, Hắc
Công Tử hẳn không mấy ai không biết đến Yvette Trà, một cô gái quê mùa chân lấm
tay bùn đất Cần Guộc Long An, đã bị mẹ gả
cho một ông Tây vào những năm đầu thế kỷ 20. Sau này, cô lên sống ở đất Sài
Thành hoa lệ và nhờ có nhan sắc mặn mà, Yvette Trà đã trở thành một bà hoàng trong các chốn ăn
chơi thời ấy. Riêng đối với những thế hệ người già gốc Bắc, hẳn cũng không ai
quên được cái tên Cô Tư Hồng, người đàn bà có một không ai đã một thời lẫy lừng
nơi Kinh Thành đất Bắc.
Số là trong chuyến về thăm Hà Nội cách
đây vài năm, người viết đã tản bộ qua khu Thành Cổ Hà Nội, nơi mà ngày xưa xa lắm,
tôi không còn nhớ là đã bao nhiêu lần, ngày ngày đi học ngang qua Khu Cột Cờ,
nơi đây chính là Thành Cổ Hà Nội, vẫn còn mang nhiều dấu tích lịch sử của Cô Tư
Hồng, mà đâu có hay.
Để
bạn đọc có thể tìm thấy cái thích thú về chuyện Cô Tư Hồng, người viết xin được
lược qua đôi dòng lịch sử về Thăng Lòng thành. Số là sau khi Vua Gia Long chuyển
kinh đô vào Huế năm 1802, các Vua nhà Nguyễn kế tiếp đã cho tháo gỡ rất nhiều
công trình kiến trúc quan trọng của Cổ Thành Hà Nội chuyển vào Huế để xây dựng
và lắp rắp lại. Hơn thế, sau đó nữa, Thăng Long thành còn bị kiến trúc thu nhỏ
lại để chỉ cho xứng với một Thủ Phủ của một Tỉnh - Bắc Thành. Sau ngày Tổng Đốc
Hoàng Diệu tuẫn tiết, năm 1882, thành Hà Nội thất thủ, thực dân Pháp chiếm đóng
Cổ Thành để đặt Tổng Hành Dinh của quân đội xâm lăng và Cột Cờ ba tầng hình bát
giác được làm trung tâm
phát tuyến, Pháp bắt đầu phá hủy các công trình kiến trúc nơi đây và trong kế
hoạch đô thị hóa, nguời Pháp đã cho làm một con đường phóng ngang qua, đi từ Đồn
Thủy đến khu công sở chính của bộ máy nhà nước thực dân Pháp - Phủ Toàn Quyền.
Tất cả các công trình phá dỡ này được giao cho Cô Tư Hồng và Cô đã thực hiện
công việc này một cách thật xuất sắc.
Vậy Cô Tư Hồng là ai ?
Cô Tư Hồng, tên tục là Trần Thị Lan,
nguyên quán ở Hà Nam, Phủ Lý. Theo nhiều chuyện kể, cô có vóc dáng lưng ong, nước
da bánh mật điểm thêm vào đôi mắt bồ câu, trông hết sức quyến rũ. Tuy quê mùa
ít học nhưng lại là người ăn nói có duyên. Lúc đầu cô lấy một người khách trú
giầu có gọi là Chú Hồng. Sống với người này chẳng được bao lâu, cô trở thành một
người góa bụa vào lúc tuổi còn mơn mởn xuân xanh. Cô bước thêm một bước nữa với
một viên quan tư Tây tên là Croibier Hugust, nguyên là một nhà tu xuất theo đạo
Chúa. Từ đó cô được bàn dân thiên hạ gọi là Cô Tư Hồng.
Vào một năm đầu thế kỷ 20, gặp tai trời
ách nước, người dân tỉnh Quảng Bình vừa bị mất mùa vừa bị thêm một trận lụt khủng
khiếp. Trong cơn hấp hối này, Cô đã lợi dụng quyền chức của chồng là Quan Tư
(Thiếu Tá), liền cho chở ba thuyền gạo vào Quảng Bình tính bán chợ đen cho dân
bị lụt. Nhưng thiên bất dung gian, Cô bị quan quân triều đình nhà Nguyễn bắt được
vì chưa nạp thuế. Gạo vị tích thu và cô bị bỏ tù. Nhưng nhờ cái sắc đẹp trời
cho, cùng quyền thế của người chồng Quan Tư, do đó từ một người toan tính đầu
cơ chợ đen, Cô đã khai báo là đưa ba thuyền gạo vào để cứu tế phát chẩn cho dân
Quảng Bình. Biên bản được quan quân Triều Đình sửa đổi lại từ gạo "đầu
cơ" ra gạo "cứu trợ". Thế là từ một người mang tội tày trời, Cô
đã được nhà Vua ban cho Hàm Tứ Phẩm: Tứ Phẩm Cung Nhân. Cũng nhờ việc này, Cụ
thân sinh ra cô cũng được thơm lây, và triều đình phong cho Cụ hàm Hàn Lâm Thị
Độc.
Trở lại chuyện Cổ Thành Thăng Long, nhờ
uy thế quan Tư của chồng, Cô đã đứng ra lãnh thầu công tác phá hủy các bức tường
kiến trúc Cổ Thành của các triều đại trước, lấy gạch ngói xây nhà cho thuê. Nhờ
công tác này khiến cô càng ngày càng giầu có phát đạt ít ai sánh nổi, tiếng đồn
lan ra khắp xứ Bắc Kỳ một thủa.
Một ngày kia cô về làng cũ thăm nơi
chôn rau cắt rốn, tay cầm dù hồng, tay dắt chó Berger, mở tiệc ăn khao, Cụ Trần
Bình một lão nho trong huyện đến mừng cô hai câu đối:
Bốn chữ sắc
phong hàm cụ lớn Ba thuyền tế độ của bà to (*)
Ngẫm cho kỹ mà xem...đúng là của bà to
thật !
Cô Tư Hồng
còn đến nhà cụ Tam Nguyên Yên Đổ để xin Cụ vài câu đối treo ngày Tết. Cụ dùng tục
ngữ thường nói về giới "chị em ta"
để mắng nhiếc cô một cách tài tình, văn vẻ:
- Có tàn có tán, có hương án thờ Vua,
danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh.
- Nào cờ nào
biển, nào sắc phong cho Cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.
Nếu giai thoại
về Yvette Trà đã đi vào lịch sử dân gian Nam Bộ, thì ở đây Cô Tư Hồng còn có một
chỗ đứng "cao" hơn thế nữa. Từ một me Tây, Cô Tư Hồng đã nghiễm nhiên
được ghi tên vào lịch sử VN những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhắc đến
công trình tàn phá Cổ Thành là nhắc đến tên Cô và cả trong văn học sử VN qua một
bài thờ Đường Luật của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ:
Giầu sang bà lớn thực trời cho
Trời lại cho bà chữ tự do
Áo mạng, con đà, ngôi mệnh phụ
Sắc rằng, cụ cũng mặt làng Nho
Tóc sương, bậc lão đành không
kém
Má phấn, đàn em dễ dám so
Khắp cõi trời Nam đều biết tiếng
Nghìn năm
cái tiếng của bà to
Nguyễn Khuyến
(1835-1909)
Nhân dịp Xuân về, người viết xin góp
nhặt ít chuyện xưa để nhớ về bút pháp tuyệt vời của tiền nhân để bạn đọc, đọc
chơi cho vui cửa vui nhà trong ba ngày Tết và cũng để ngẫm cho đôi chữ nhân
tình ...thế thái.
Phạm Bá
North
Potomac, MD
(Báo NGÀY NAY TX Số 715 Jun 1, 2012)
(Báo NGÀY NAY TX Số 715 Jun 1, 2012)
(*) Sách "Văn hóa VN Tổng Hợp" (1989-1995) viết:
Một
đạo sắc phong hàm cụ lớn
Trăm
năm danh giá của bà to
và một tài liệu khác viết:
Tứ
phẩm sắc phong hàm cụ lớn
Trăm năm công đức của bà to
.
"Cám ơn Nhà Văn Phạm Bá. Câu chuyện rất thú vị và nhủ thầm "NGƯỜI XƯA ĐÂU TÁ"...
ReplyDeleteNBA
(From Nguyễn Bá AN' s Email - California, Sept 12, 2013)