Saturday, July 26, 2014

Bút Ký - Phóng sự: Hành trình kết nối Bắc-Nam

.                                                                                                                                                               .                         
                                           
                                             Chuyện dọc đường...
                                    
                                          Bài viết & Hình ảnh: PHẠM BÁ
       Chuyến bay từ Seoul Đại Hàn uể oải đáp xuống phi trường Nội Bài Hanoi trong cái oi bức của một ngày vào hạ khi thành phố đã lên đèn. Như thường lệ, hành khách sau khi qua thủ tục nhập cảnh, bước ra khỏi vòng người đến đưa đón, chúng tôi đã thoáng trông thấy xe của khách sạn đến đón mình. Thở ra cái phào ! Bây giờ chúng tôi mới cảm nhận được cái an bình sau một chuyến bay dài gần nửa vòng trái đất. Cũng như những kỳ về thăm Việt Nam trước đây, mục đích chính của chúng tôi là về vào dịp Lễ Thanh Minh Tháng Ba Âm Lich để cùng gia đình đi tảo mộ các Cụ Tổ năm đời dòng họ chúng tôi ở Hạ Long. Sau đó, dành chút thì giờ xuôi Nam để tìm về kỷ niệm của tuổi vào đời. Suốt cuộc hành trình Bắc Nam, đều được ghi nhận qua ống kính run rẩy của một người cầm máy khi tóc đã pha mầu phấn bạc. Do đó, phóng sự bằng hình chỉ có tính cách thông tin đến bạn đọc về một vài sự kiện có thật mà không hề làm quảng cáo cho ai.  Bây giờ xin mời bạn đọc theo dõi "Chuyện dọc đường ..."
                                                              
Show ca nhạc của Cs Khánh Ly:
      Chúng tôi đến Hanoi vào giữa tháng Tư Tây vừa qua cùng ở thời điểm ca sĩ Khánh Ly sẽ có một Show ca nhạc để đời tại Hanoi vào ngày 9-5 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình – Hanoi.
       Tò mò, chúng tôi đã dạo quanh khu bờ hồ Hoàn Kiếm, khu Tràng Tiền, khu nhà hát Thành Phố …nhiều lần, nhưng tuyệt nhiên không thấy một tấm quảng cáo nào về buổi trình diễn của KL. Hỏi thăm người nhà và bạn bè ở Hanoi, chẳng có ai biểt. Không lẽ môt Show diễn lớn như đã quảng cáo mà lại không có banner, bất chợt tôi nghĩ, “có lẽ mình phải đến ngay khu trình diễn mới may ra biết chuyện”. Chúng tôi vội tìm đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình thì qủa đúng y như rằng... Nhưng chuyện không đơn giản như thế. Mới ngơ ngác đến Hanoi dù ngày xưa mình đã sống ở đây, chưa biết trời trăng gì, chúng tôi đâu dám đi taxi vì sợ bị chặt chém nên đành đi xe buýt, đi tới đâu cũng phải ngó ngang ngó dọc, ai ai cũng nhìn mình với con mắt khác lạ, có lẽ vì không quen lối ăn mặc mùa hè ở ngoại quốc của mình... Ra bến xe bờ hồ gần khách sạn chúng tôi ở, hỏi người ta, thay vì nói là đi Mỹ Đình thì lại nói đến Trung Tâm Ba Đình. Chẳng có ai hiểu. Sau cùng mới có người chỉ dẫn cặn kẽ là phải đi tuyến xe buýt Bờ Hồ -Cầu Giấy. Tới đó rồi mới lấy xe đi Mỹ Đình. Nhưng tới nơi cũng phải cuốc bộ khá xa dưới cái nóng hừng hực 38 độ C của Hà Thành mới tìm được chừng 6, 7 cái poster KL treo lủng lẳng trên các cây cột điện trước Trung Tâm HNQG Mỹ Đình. Cuối cùng, tôi rất hài lòng dù đã phải mất chừng 4 giờ đồng hồ cháy nắng khát nước chỉ để chụp được tấm hình này. Show diễn của KL được thể hiện vào ngày 9-5, nhưng ngày 5-5 chúng tôi đã bay vào Saigon. Sau này được biết gía vé thấp nhất là 900,000$ vn và cao nhất 3.500.000$, nhất là gần đến giờ trình diễn, vẫn có vé mời được lén đưa ra ngoài bán lên tới 12 tr đồng/v. Tại sao lại thế nhỉ? Khiếp quá ! Hình như đối với thưởng ngoạn trong nước, những mong mỏi sự trở về của KL như ca từ của một tình khúc mà cô đã hát:,..."Về đây khi mái tóc còn xanh xanh..." thì trái lại đối với nhiều người Việt ở hải ngoại, cung bậc cảm xúc của họ đã có chiều thay đổi: "...Về đây xác hiu hắt lạnh lùng. Ôi lãng du quay về điều tàn !..." (P. Duy - Trở về mái nhà xưa)

Tự Lực Văn Đoàn.                                                                                           
        Muốn về quê tôi ở Hòn Gay nay là thành phố Hạ Long, chúng tôi phải đáp xe lửa từ Ga Long Biên Hanoi đi Hải Phòng, cho dù người nhà mời đi bằng xe hơi. Nhưng chúng tôi muốn đi xe lửa để cảm nhận được cái thú đi tầu hỏa ngày xưa, phần vì không mấy tin tưởng tay lái người nhà ở VN.  
       
    Nhưng khi mua vé xe lửa, cũng phải biết cách nói với cô bán vé: ghế mềm (nệm), phòng lạnh và ngồi xuôi (hướng mặt về phiá trước). Nếu không nói ngồi xuôi sẽ bị ngồi ghế ngược chiều tầu chạy. Như vậy một lát sau sẽ cảm thấy choáng váng ngay. Vé tầu gọi là Toàn Vé, $70,000 có số ghế (Giá vé ghế cứng, phòng không lạnh là $65,000). Thời gian khoảng hơn hai giờ. Tầu chạy thường phải dừng lại ở các Ga xép để đón khách. Khi đến Ga Cẩm Giàng, tầu dừng lại rất ngắn, không đầy năm phút, bất chợt tôi nhìn ngang, ngay trong tầm mắt, bắt gặp tấm bảng mầu xanh đã bị thời gian bào mòn gắn trên cánh cổng rệu rạo mầu đỏ đã tróc sơn: “Nơi lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn 1932-1942”, không chờ cho ký ức trở lại với mình, không cần suy nghĩ, lòng bồi hồi rạo rực,  tôi vội phóng ra khỏi toa tầu, chỉ kịp hỏi người nhân viên có nhiệm vụ phất cờ cho tầu chạy, cho tôi một phút để chụp mấy tấm hình, ông ta đồng ý, “xin bác khẩn trương cho, “tầu nửa” sắp chạy rồi…” Tôi chỉ kịp bấm vài pô rồi vội vã bước trở lại tầu trong tiếng còi và cờ phất của nhân viên đường sắt. (Bây giờ người ta không gọi là nhân viên hỏa xa). Tôi rất hài lòng vì đã chụp được tấm hình này và có lẽ là “người nước ngoài” duy nhất sở hữu được một dấu ấn của kỷ niệm: hình ảnh cuối cùng của Tự Lực Văn Đoàn. 
Cầu Hàm Rồng Thanh Hoá                                                              
        Câu thơ của T.T.Kh cứ mãi ám ảnh tôi: “Ở lại Vườn Thanh có một mình. Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh. Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo. Yêu bóng chim xa gió lướt mành”. Chao ôi ! Vườn Thanh thơ mộng đến thế sao!
            Chúng tôi cũng phải đi xe lửa Hanoi-Thanh Hóa mất chừng 4 tiếng. Cũng vẫn mua vé ngồi mềm, phòng lạnh, ngồi xuôi. Giá vé một lượt là $103,000 vn (chừng $5us). Quá rẻ!  Trên tầu có toa nấu đồ ăn, có xe đẩy đến tận các toa bán cho hành khách. Một du khách người Mỹ, ngồi cạnh tôi, mua cơm, gía đỗ xào, gà quay …nóng hổi ăn.... Giá $30,000 - chừng $1.50 us. Thấy ông ta ăn ngon lành, vì đã đến giờ ăn trưa nên chúng tôi cũng mua ăn luôn. May mắn, không sao cả …Đặc biệt suốt cuộc hành trình, hành khách được nghe Tuấn Vũ và Phi Nhung ca.
Đã nhiều lần chúng tôi tính về Thanh Hóa, nguyên quán của dòng họ bên vợ tôi, nhưng chúng tôi cảm thấy “lạnh cẳng” mỗi khi đi đến vùng đất “lạ cảnh lạ người” . Nhưng may mắn quá, dịp này người nhà bên vợ  cũng về Thanh Hóa tảo mộ, nên chúng tôi được tháp tùng và cũng để được nhìn tận mắt cầu Hàm Rồng ở vào một vị trí đặc biệt như thế nào mà từ thời Tây, đến thời chiến tranh với Mỹ, không có máy bay nào thả bom trúng được cây cầu độc đạo này. Cái tò mò của tôi “trăm nghe không bằng một thấy” chiếc cầu lịch sử này, không phải là trên sách vở báo chí như từ bao lâu nay.

           Hôm đó trời hơi mưa, nên tôi không chụp được tấm hình nào đúng ý, chỉ lấy được tổng thể hình ảnh cây cầu gác lên hai hòn núi: Núi Ngọc bên phải, núi Hàm Rồng bên trái, cả hai núi chỉ cao bằng ngọn núi Châu Thới Biên Hoà. Cầu này đã được tái kiến trúc sau này trên ba trụ nguyên thủy của nó, mà trước kia là nhịp cầu hình vòng cung. Cư dân Thanh Hóa rất hãnh diện về cây cầu lịch sử này. Họ cho đất Thanh là vùng đất “địa linh”, núi Ngọc, mắt Rồng đã bao đời che chở cho họ. Riêng tôi, tôi chẳng thấy cầu là một vị trí quân sự hiểm yếu đến nỗi máy bay Tây - Mỹ đã bao lần lao xuống thả bom, nhưng đều trật lất. Có lẽ dưới con mắt của một người “trần con mắt thịt” như tôi nên chẳng thấy được cái đặc biệt của vị trí chiến lược của cầu. Nhưng huyền thoại cây cầu Hàm Rồng đã đi vào lịch sử khi người ta ví “có mả táng Hàm Rồng” như muốn ví von cho gia đình được phúc đức của ông bà ông vải để lại lớn lắm…
Nhưng chưa hết đâu…

           Đến Thanh Hóa mà không đến thăm bãi biển Sầm Sơn, cách nhau 14 km, thì qủa là một thiếu sót đáng trách. Hai cái tên Sầm Sơn – cũng như Đồ Sơn đã khắc ghi vào tâm tư tôi từ ngày còn đi học. Nhưng thiệt tình mà nói, tôi quá thất vọng vì cảnh trí bãi biển ư rất là đơn sơ như thiếu người chăm sóc: bãi cát dơ bẩn, đầy rong biển, không gặp một người khách Âu Châu nào mà chỉ toàn là cư dân địa phương với quần đen tắm biển…Ngán ngẩm …tôi lang thang dọc theo bờ nước chừng nửa giờ rồi trở lại Thanh Hoá. Kết qủa: buồn...

 Huyền thoại Cây Đa 13 gốc 
       Lần trước, chúng tôi về Hải Phòng thăm gia đình, mấy chú em họ tôi đã nói tới cây đa 13 gốc, nhưng chưa tiện đưa chúng tôi đến tận nơi xem. Lần này được “mục sở thị” và được nghe nhiều chuyện kể về cây đa này.
       Chuyện kể rằng: hồi đầu thế kỷ 20, một phụ nữ VN lấy chồng người Pháp cư ngụ trong một ngôi biệt thự lầu trên một góc phố mà nay là cơ sở của Ngân Hàng VN Thương Tín…Về sau bà ta làm ăn khấm khá nên cho xây một đền (miếu) thờ ngay trước mặt nhà để thờ Bà Chúa Nam Phương (?). Vào những năm 65-66, vì muốn nới rộng diện tích đường phố Quận Hồng Bàng, nhà chức trách quản hạt cho phá miếu thờ này đi. Trong thời gian đập phá miếu, nhóm thợ gặp nhiều tai họa đến với chính họ và gia đình, nhiều người phải bỏ dở công việc không dám tiếp tục nữa. Nhưng cuối cùng công tác kiều lộ cũng xong để trở thành khu Ngã Năm Vườn Hoa Chéo TP Hải Phòng. Nhưng sự việc không phải là được chấm dứt ngay từ đó. Số là sau khi đền Bà Chúa Nam Phương bị phá, người dân đồn đãi rằng, hồn thiêng của bà đã đến ngự (?) tại cây đa 13 gốc thuộc Phường Văn Cao, Quận Ngô Quyền Hải Phòng. Hôm tôi đến đây, đúng ngày Rằm, thập phương bá tánh đến lễ đông như đi trẩy hội, đủ mọi thành phần, trai thanh gái lịch, tay hương tay hoa mang vào cúng bái để cầu tài vái lộc tại Miếu thờ Bà dưới gốc cây đa. Tôi cũng hơi “ngán” khi bước vào đây với máy hình “khá xịn” trên tay. Tôi bảo thằng em họ, “Chú mày phải trông chừng và đi sát vào tao…- Anh cứ an tâm …” Tôi đi vòng quanh cây đa đếm được đúng 13 gốc, được quét vôi trắng, nhỏ nhất cũng bằng một người ôm. Nói là gốc nhưng thực tế là những rễ phụ, lâu ngày trở nên to như một gốc cây và làm đòn chống đỡ những cành đa to, trải tán ra cả một khu đất rộng. Có lẽ vì có nhiều rễ phụ, nên cây đa không cao như những cây đa khác, nhưng trông rất oai linh, nên cư dân Hải Phòng mới trang trọng kính bái theo nếp tín ngưỡng dân gian vốn đã ngự trị trong tâm khảm họ.
Nhưng huyền thoại Cây Đa 13 gốc chưa hẳn được chấm đứt ở đây. Cư dân ở khu Ngã Năm Vườn Hoa Chéo này nói rằng họ vẫn thường nằm mộng thấy Bà Chúa về ngự tại khu miếu cũ đã bị đập phá ngày xưa. Nên gần đây khi thành phố cho chỉnh trang lại lề đường đã phải cho xây một bệ thờ dưới một tàn cây mới trồng trên lề đường mà cư dân thường đến đây cúng khấn van vái Bà với hương hoa trái cây. Hôm đó có người mang lễ đến cúng Bà có cả một con gà luộc cùng vàng mã. Lúc tôi đến, như trong hình chụp, một thanh niên đang thành khẩn qùy lạy van vái Bà ban phước ban lộc. Trong hình, trước mặt là ngôi Villa lầu của chủ người VN lấy chồng người Pháp trước đây, nay là trụ sở Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Khi tôi rón rén bấm máy, chú em tôi vốn dân HP trông cũng rất “ngầu” khoanh tay đứng ngay bên tôi để cho người ta thấy là có người đi theo “bảo vệ”, vì tôi sợ bị ăn chửi như thể đã “xâm phạm” vào phần tâm linh của họ thì bất chợt một cô tuổi chừng 25, lén liếc mắt vào màn hình máy ảnh, ỏn ẻn nói: "Lét". Tôi thật không hiểu cô bé muốn nói gì, tôi quay qua mỉm cườị Có vẻ thấy tôi không hiểu, cô ta nhắc lại: "Lét qúa". Tôi vẫn chưa hiểu nên hỏi, "Sao...cô nói gỉ". Lúc đó cô bé mới nói rõ: "Cháu nói hình bác chụp "lét" quá! À, hoá ra là hình rõ nét. Cám ơn cô". Tôi quên là mình đang đứng ở thành phố Hải Phòng, một đia phương thường nói lẫn lộn "nờ" "lờ". Thiết nghĩ thế cũng đủ tài liệu cho bài viết sau này, chúng tôi vội gĩa từ “khu tâm linh” của họ với nhiều thắc mắc mang theo…

Đồ Sơn Casino                                                                                                           
        Như Sầm Sơn đối với Thanh Hóa, Đồ Sơn cách thành phố Cảng cũng chỉ hơn 10 km. Đi đến đây bằng xe Honda, taxi hay xe buýt thành phố cũng rất tiện. Hơn nữa tôi vẫn còn bị ám ảnh bới mấy câu vè mà nhiều người vẫn ám chỉ khi nói đến Đồ Sơn: “Chưa đi chưa biểt Đồ Sơn; Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà; Đồ nhà tuy có hơi già; Nhưng là độ thiệt không là đồ sơn”. Nhất định phải đi … Tôi đã đến đây một lần cách đây mười tám năm khi Casino Đồ Sơn mới mở để đón du khách ngoại kiều Châu Á đến Hanoi. Hồi đó người ta tính là muốn đưa Đồ Sơn thành một nơi giải trí cao cấp cho người ngoại quốc, nhưng kế hoạch không thành. Tôi còn nhớ, khi chúng tôi bước chân vào Casino, phải trình sổ hộ chiếu và gửi lại các túi xách, máy hình, máy quay phim...ở ngoài ban tiếp tân.. Một điều lệ đặc biệt lúc đó là một thẻ Passport được dắt theo một người VN trong nước Do đó mấy người em họ tôi được dịp duy nhất bước vào trong Casino được trang bị toàn là máy kéo (SlotMachine) y như bên Mỹ và cũng phải chơi bằng US dollar. Sau đó và đến nay, Casino lớn trong toà khách sạn trắng của người Pháp dựng lên hồi đầu thế kỷ bị đóng cửa, và chuyển xuống cơ sở dưới chân đồi và cũng vắng khách làng chơi như bao giờ …Đáng tiếc …cho chủ sở đầu tư, nghe nói là của người Tầu.

Sau đó chúng tôi đến viếng khu “Dalat thu nhỏ” khá đẹp mắt, toàn bộ là một khu “rừng nguyên sinh nhân tạo” với nhiều thú vật như hổ báo, khỉ đột, đười ươi …được đắp bằng xi măng. Chúng tôi trao đổi với nhiều em học sinh trai gái dẫn nhau lên đây chơi, học tập, đàn địch …rất ư là vô tư …Rồi đến một khu khác, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh phản cảm như thế này…Chưng hửng… chúng tôỉ chỉ còn biết kêu trời, hỡi ơi ! Làm sao họ có thể đắp những “tác phẩm để đời” dựng trong công viên như thế này… Văn minh, tự do đến thế sao !
Ra về, khi tới cổng công viên, chúng tôi vào văn phòng, xin được gặp Ban Giám Đốc để đưa vấn đề lên, được vị Phó GĐ tiếp đón rất niềm nở. Theo nguyên tắc xã giao, chúng tôi cho biết ấn tượng đẹp của chúng tôi về công viên Dalat thu nhỏ, sau mới đưa vấn đề hình tượng hai con khỉ đột đang âu yếm nhau…Ông ta đại ý phản biện, “có nhiều người cho đó là hình ảnh rất phản cảm, nhưng cũng có nhiều người lại đồng ý cho đó là tự nhiên, nên ban GD chúng tôi chấp nhận cứ để nguyên trạng như thế. Thực sự câu trả lời của ông ta không sai ở một góc cạnh không gian nào đó, “nhưng đối với các em học sinh, những hình ảnh đó cộng thêm các hình ảnh trên tạp chí, trong mạng, các em nghĩ gì …hay chỉ gieo vào đầu óc non dại của các em những tò mò kích dục…”. Khi nghe chúng tôi trao đổi như thế theo nhận định của một người đã sống lâu năm ở nước ngoài, ông ta lặng thinh.

Voi chin ngà, Gà chín cựa , Ngựa chin hồng mao.
       Huyền thoại được bắt đầu vào đời Vua Hùng khi nhà Vua thách cưới với hai chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh, hễ ai mang đến, ”Voi chin ngà, gà chin cựa, ngựa chin hồng mao” thì Vua gả Công Chúa cho. Đó là một
trong nhiều huyền thoại đời Vua Hùng và chẳng mấy ai thấy được những thứ này. Nhưng sau này, “Gà chín cựa” là có thật. Riêng người viết, đã được nghe nói đến rất nhiều nhưng mãi đến bây giờ mới được thấy tận mắt “gà chín cựa” khi đi vào khu Dalat Thu Nhỏ ở Đồ Sơn. Đây là một chú gà sống thiến, cựa nào cựa nấy to như ngón tay út, nhọn hoắt …tung tăng trong chuồng làm tôi rất khó lấy được một tấm hình ưng ý. Tuy nhiên vì tính tò mò muốn biết thêm, tôi hỏi ban điều hành khu du lịch thì được biết: nguyên thủy
là giống gà rừng xuất hiện nhiều ở Bản Còi, xã Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ trong khoảng hơn 20 năm trước đây. Đây là một giống gà rừng khôn lanh, ít ai đánh bẫy được. Nhưng chuyện kể rằng, gà rừng vào thời gian tìm mái, cũng lang thang vào Bản đạp mái với mấy chị gà trong Bản, khiến sau đó sinh ra gà con. Nhưng thường gà trống chỉ có 8 cựa và gà mái chỉ có 6 cựa là nhìều. Loại có chin cựa rất hiếm qúy. Có đại gia ở Việt Trì đã bỏ ra 100 triệu để mua một con gà chín cựa về nuôi chơi. Nhiều người khác bỏ vốn ra nuôi gà chin cựa, nhưng thất bại vì họ quên một điều, giống gà chin cựa phải sống ở môi trường rừng núi, sáng rời ổ đi vào rừng tự kiếm ăn, tối tự động về chuồng, thì mới sinh nở tự nhiên được. Còn nuôi gà theo lối nhà quê của mình, cục…cục…gọi gà ra sân vãi thóc cho gà ăn, có người còn làm ổ rơm, lắp bóng đèn điện cho ấm ổ …tất cả đều vô ích. Gà chết dần vì chướng khí nên gà không thể nở ra gà con chín cựa được. Sự kiện này đã làm nhiều người thất vọng và việc nuôi gà chin cựa, đã không mấy thành công và không được phổ biến lắm. Trong chương trình phát triển chăn nuôi, cũng có nhiều chuyên viên ở Hanoi đến tận nơi điều tra nghiên cứu, nhưng sau khi được khoản đãi ăn một bữa gà đồi chín cựa luộc chấm với muối chanh tiêu này…ai nấy đều khen lấy khen để, nhưng khi về thành phố, vẫn im hơi lặng tiếng. Chẳng có chương trình kế hoạch nào được đưa vào thực tế cả..

Con chào Thầy Bu ạ !                                                                                        
       Vào một chiều Thứ Bẩy trước khi giã từ phố cổ Hanoi để vào Saigon, chúng tôi đi ngang qua Rạp Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô Hanoi khi xưa vẫn tọa lạc ở phố Hàng Bạc, thoáng nghe tiếng gọi, “Thầy Bu ơi ! Con chào Thầy Bu ạ !...” giật nẩy mình vì tiếng gọi “Thầy Bu” tưởng như đã mai một hàng mấy chục năm rồi, nhưng vẫn còn sống động trong tôi, chúng tôi quay lại, trao đổi với mấy em sinh viên đang nũng nịu  giới thiệu và bán vé cho buổi diễn tối hôm đó. Chương trình có hát Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh, Lý Ngựa Ô, Múa Chàm, hát Chầu Văn và đặc biệt có màn ca cải lương “Dạ cổ hoài lang” …Chẳng cần hỏi thêm gì nữa, chúng tôi mua vé liền, giá $150,000 vnđ/v (khoảng $7us)
                                                       
. Khán giả vào coi rất đông, hầu hết là khách ngoại quốc. Đêm diễn ấy, gần như cháy vé. Kết qủa: chúng tôi được thưởng thức những màn dân ca quan họ và hát Chầu Văn rất phong phú & đầy chất nghệ thuật.                                                 
 “Cám ơn các con! Thầy Bu xin ghi nhận ở đây: một đêm văn nghệ thật tuyệt vời !”
*

       Sau gần bốn tuần lễ tung tăng nơi Phố Cổ Hanoi, chúng tôi bay vào Saigon- thành phố  thân yêu đã ghi lại trong tôi muôn vàn kỷ niệm từ thuả vào đời. Thoạt đầu, chúng tôi vốn vẫn thích đi xe hoả, nên tính làm một cuộc hành trình bằng tầu lửa xuyên Việt. Nhưng rút kinh nghiệm trong chuyến đi Sapa trước đây, phòng ngủ (nay gọi là Khoang) trên tầu vốn có bốn giường mềm (nệm), nên nhóm của mình cần có đủ bốn người. Còn nếu chỉ có hai hoặc ba người thì mình sẽ phải nằm chung khoang với người lạ để cho đủ bốn khách. Do đó chúng tôi quyết định đi bằng máy bay VN Airlines. Khách sạn giúp mua hộ vé và in Boarding Pass cho chúng tôi 24 giờ trước giờ máy bay khởi hành y như bên Mỹ, mà ít người biết cách sử dụng dịch vụ này. Do đó, khi đến sân bay Nội Bài, chúng tôi đi thẳng tới khu cân hành lý và vào check-in, rất tiện lợi. Mọi thủ tục được tiếp diễn bình thường, không có chuyện gì xẩy ra. Và như thường lệ, sau mỗi lần về Saigon, sáng hôm sau, chúng tôi không thể không tìm đến thưởng thức món phở bà Dậu ở đường NKKN đối diện với Chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó qua Chùa lễ Phật.

Bàn thờ Tướng Nguyễn Cao Kỳ.                                                                              

       Chùa vẫn giữ được nét cổ kính như ngày nào, nhưng nghe nói Chùa bây giờ là Chùa của nhà nước. Đi sâu vào bên phải phía trong chánh điện, bất chợt tôi thấy một bàn thờ trang nghiêm đặt tại một nơi riêng biệt. Tôi tiến đến gần nhận ra ngay là bàn thờ Tướng Nguyễn Cao Kỳ với bài vị mầu vàng kế bên: “ NGUYỄN CAO KỲ - Pháp Danh Thiện Không TỌA VỊ”. Tôi tần ngần có hơi xúc động vì ngạc nhiên trông thấy thế mà từ trước đến nay chưa có Việt Kiều nào ở Mỹ về chơi cho biết. Hay có thể họ biết nhưng không muốn nêu ra. Nghĩa tử là nghĩa tận, một thời ông đã là Tướng và là Phó Tổng Thống của VNCH, bỏ qua vấn đề chính trị, tôi nguyện thầm cầu ông sớm được siêu thoát. Thiết nghĩ, sự kiện nhà Chùa đặt bàn thờ riêng cho ông tại một vị trí trang nghiêm như thế này, không phải là chuyện đơn giản. Được biết, lúc ông còn làm Chủ Tịch UBHP Trung Ương, ông đã ký nghị định cấp khu đất này cho Giáo Hội PG để làm Chùa. Hẳn ông đã gieo nhân lành, để rồi ngày nay qua bao nhiêu trở ngại sau cái chết của ông, ông đã được an vui về Miền Tịnh Độ như một ca từ trong nhạc Trịnh: "Xin cho một người vừa năm xuống, thấy bóng thiên đàng, cuối trời thênh thang...". Tôi tin thế …
Nhưng cũng còn một sự kiện nữa mà tôi muốn nhân bài viết này xin được nói thêm là bên cạnh bàn thờ của ông là di ảnh của Tướng Điện Biên VNG mới qua đời, nhưng chỉ được đặt dựa vào một bình hoa – không phải là ban thờ, không có bát nhang đèn nến, để tùy bạn đọc nhận định sự kiện. Tôi chỉ làm công việc lượm lặt thông tin lẩn thẩn trong chuyến về thăm quê mà thôi.

The Grand Hồ Tràm Strip – Casino/Resort tại Bà Rịa   
        Đây có lẽ là lượm lặt cuối cùng của bài viết, vẫn mãi khẳng định không phải là một quảng cáo không công cho The Grand. Như thường lệ, mỗi khi về Saigon, chúng tôi lại dành ít ngày ra thăm thú Vũng Tầu, nơi ngày xưa tôi đã nhiều năm làm việc. Nhưng khốn nỗi, bây giờ, loạt tầu cánh ngầm đã bị đình chỉ hoạt động, trong khi chúng tôi không muốn đi xe hơi, thì một gia đình anh chị bạn Việt Kiều đã về sống ở Saigon hơn mười năm đến rủ chúng tôi đi Casino-Resort Hồ Tràm Bà Rịa.
                                                                       Hình Internet

 Thôi thì “như cá gặp nước như rồng gặp mây”, ông bà bạn lấy hẹn, lấy phòng free Hotel cho chúng tôi đi cùng. Bằng xe buýt cao cấp của Sòng Bài, cộng thêm $25 us tặng không cho mỗi người, sáng hôm sau chúng tôi đón xe đi Bà Rịa ngay tại cửa Khách Sạn Kinh Đô, sát cạnh Thương Xá TAX. Sau chừng ba giờ lái, xe đến The Grand. Có điều này xin được nói thêm: phòng ngủ khách sạn 5 sao, tuy miễn phí, nhưng phải có điều kiện. Nghiã là khi đến, khách phải ký qũy cho Hotel $5 triệu vn. Sau một lúc chơi bài, kéo máy nếu đạt được đủ số điểm ấn định, hôm đó là 88 điểm, khách sẽ được hoàn lại $5 triệu và được hưởng phòng free. Thú thực, chuyện đó “nhỏ như con thỏ” với kinh nghiệm từ USA mang về,  chỉ sau nửa giờ bơm vào máy khoảng chừng $50 us, chúng tôi đã đạt được đủ điểm để được hưởng free phòng, trong khi trong túi vẫn rủng rỉnh ít nhiều. Xét ra đâu có mất đồng nào. Nghĩ lại, nếu thuê phòng ở Vũng Tầu, ít nhất cũng phải $40 us/ngày. Qua hôm sau, số điểm của chúng tôi lên tới 138 điểm, như vậy là lại có môt đêm nữa được phòng free. Phải nói đây là khách sạn 5 sao thứ thiệt, mới, đẹp, sạch sẽ hơn cả Las Vegas. Nghe nói The Grand nguyên thủy là của MGM Las Vegas đầu tư, khi vừa được đưa vào hoạt động, MGM bán cho một tập đoàn tài phiệt Canada (?). Tôi không dám lạm bàn về Casino và phòng ngủ của The Grand, ngoài một điều tôi phải nói là Continental Breakfast thuộc loại Buffet tự chọn, ăn thả dàn, ngon và lịch sự vô chừng, toàn là món Annam ta và cả món Tây nữa. Tóm lại: hết ý …                   
        Nhưng từ nãy đến giờ, có lẽ bạn đọc chỉ thấy tôi kể về Casino & Hotel mà chưa nói tới chuyện lượm lặt hình ảnh cuối cùng của bài viết. Trong tấm hình đính kèm, qúy vị thấy hình ảnh là những chiếc quần đùi, sì líp, áo may ô …phơi lủng lẳng ngay trên lan can khách sạn cao cấp 5 sao Hồ Tràm, 28 tầng. Đấy là quần áo lót của mấy anh tài phiệt người Tầu mới từ Saigon ra chơi. Khó mà không nói tới cái bê bối thiếu văn minh của nhóm khách phương xa này. Vì là KS 5 sao nên trong phòng tắm có đầy đủ tiện nghi xà bông, bàn chải cho các chú ba tắm giặt, rồi mang ngay ra lan can phơi, chỉ một lát là khô, là đưa vào là ủi. Thế là xong. Đỡ được một khoản tiền giặt rũ. Chuyện như thế mới biết là ở đâu mấy chú ba cũng vẫn bị người ta nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm...Trông những người này thấy ngay cái lam lũ truyền thống của họ: mặc áo bỏ ra ngoài quần, chân lẹp xẹp đồi dép, miệng ngậm điếu thuốc lá nơi No Smoking, nói năng hung hãn như muốn làm vỡ cả phòng khách của khách sạn. Tuy thuộc nhóm tài phiệt du lich (?), nhưng rất ít người nói được tiếng Anh, hình như chỉ có một nguời hướng dẫn nói được chút chút Anh Ngữ. Hầu như ai cũng thấy bực mình khó chịu với bọn họ. Nhớ lại hôm có biểu tình ở Saigon và nhiều cơ xưởng của chủ người Tầu ở Bình Dương bị đập phá, khi tôi vừa bước chân trở về khách sạn, thì có hai du khách trẻ tuổi người Đại Hàn chạc 30 tuổi thấy tôi bước vào, họ vội giơ hai tay lên đầu và nói lơ lớ: “kông fải Tung Cuốc, kông fải Tung Cuốc…”, khiến tôi ngẩn ngơ không hiểu. Nhưng ngay sau đó, cô tiếp tân khách sạn nói rõ lại, tôi mới hiểu họ muốn nói gì: “Tôi không phải là người Trung Quốc”.Chuyện như thế mới biết là ở đâu mấy anh Tầu Cộng cũng vẫn bị người ta nhìn bằng con mắt không mấy thiện cảm.

 Thấm thoắt đã hai tháng trường trôi qua, hình ảnh cuối cùng của “Chuyện dọc đường” đã khép lại cuộc hành trình kết nối Bắc Nam bên bờ Biển Đông dậy sóng..., đôi khi với nhận định lẻ loi của người viết về một vài sự kiện chẳng đặng dừng… 
 Những ước mong, từ một góc cạnh nào đó của “Chuyện dọc đường”, bạn đọc sẽ cảm nhận được một nỗi nhớ đã quay về...như để cùng nhau chia sẻ hoài niệm và cảm xúc về một quê hương tủi phận vẫn luôn luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của người viết... 
        Phạm Bá                                                  
        Tháng 6-2014 .                                            
 ( Đã đăng trong Nguyệt San BÚT TRE Arizona Tháng 7-2014
   và Nguyệt San KỶ NGUYÊN MỚI - VA số 160 August 2014)                                                                             
                                                                                      



4 comments:

  1. Anh Chi luan men,
    Toi vua doc duoc phong su " Hanh Trinh ket Noi Bac Nam " cua Anh Luan- Pham Ba. Qua bai viet toi duoc biet chut it ve Ha Noi cung thu vi lam. Chuc suc khoe Anh Chi , de co dip doc duoc nhieu bai phong su huu ich khac cua Anh Chi.
    TuyHoa
    (From:tuyboa45@gmail.com -August 1, 2014)

    ReplyDelete
  2. Cam on Anh Chi Luan cho doc phong su Hanh Trinh Ket Noi Bac Nam rat thu vi va nhieu chuyen la ma tu truoc den gio chua duoc bet.
    Tu Nguyen
    (From: Anh Tư K1 qgtm' s email - tunguyenrealty@yahoo.com - August 1, 2014)

    ReplyDelete
  3. Anh Chi Luan than men,

    "Chuyen doc duong" rat suc tich va song dong qua loi van di dom cua Pham Ba. Tiec rang khong the thap tung anh chi trong chuyen di nay. Cam on anh chi da chia se cam nhan.

    ReplyDelete
  4. "Như là một CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG của một lữ khách khi ghé mỗi sân ga, ngồi nhâm nhi bát nước chè xanh, nhìn và ghi nhận những cảnh DỌC ĐƯỜNG,
    Chuyện và hình ảnh đời rất thú vị, như được đồng hành với tác giả trong cuộc ghé những SÂN GA CỦA CUỘC ĐỜI"

    (From Lý Đỗ' s Email, lovinglavang@yahoo.com - August 12, 2014)

    ReplyDelete