Ỷ Nguyên
Trong những lần về thăm miền Bắc trước đây, chúng tôi đã có ý định đi
thăm chùa Yên Tử, nhưng có lẽ cơ duyên chưa tới nên kỳ này sau hơn ba ngày lưu
lại thành phố Hạ Long thăm viếng họ hàng cùng là về quê tảo mộ, chúng tôi xếp đặt
chương trình đi thăm Non Thiêng Yên Tử trên đường về Hải Phòng.
Chúng tôi đã đọc nhiều tài liệu nói về vùng
“Đất Tổ Phật Giáo Việt Nam” nên sự tò mò đã thúc đẩy chúng tôi phải đi đến tận
nơi hầu thoả mãn ước mơ tâm linh của mình. Tài liệu tham khảo cho biết Trúc Lâm
Yên Tử thuộc địa phận xã Thược Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng
Ninh. Hầu hết các Chùa, Am, Tháp đều nằm
trong khu rừng quốc gia Yên Tử, có hệ sinh thái đa dạng phong phú của rừng nhiệt
đới Á châu. Núi Yên Tử là một đỉnh cao
khoảng hơn 1,000m trong dẫy núi Đông Triều vùng Tây Bắc. Yên Tử có nhiều tên gọi khác nhau: Tượng Sơn,
Bạch vân Sơn, Phù Vân Sơn, Linh Sơn… Danh sơn Yên Tử đã gắn liền với cuộc đời
và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông, một vị vua hiền từ đạo đức, sau hai lần
đánh đuổi được giặc Nguyên và Mông Cổ xây dựng lại đất nước an bình. Về sau
Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và xuất gia về Yên Tử tu hành, lấy
pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm (Tam Tổ:
Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Đệ Tam Tổ Huyền Quang). Từ đó Yên Tử trở thành Trung Tâm Phật Giáo của
quốc gia Đại Việt. Với tinh thần nhập thế
và yêu nước, giáo lý Thiền Phái Trúc Lâm của ngài trở thành nền tảng tư tưởng dựng
nước và giữ nước đời Trần có ảnh hưởng lớn lao đến Phật Giáo Việt Nam sau này. Do
đó, chùa Yên Tử không chỉ là một di tích lịch sử từ thời kỳ xây dựng đất nước của
các vị vua chúa xưa kia, mà bây giờ còn được coi là một danh lam thắng cảnh nổi
tiếng của Việt Nam. Hàng năm vào những ngày
hội lớn, nhất là vào mùa lễ Hội Yên Tử, từ mùng 10 tháng Giêng AL, chùa Yên Tử
đã tiếp đón không biết bao nhiêu Phật tử và du khách từ khắp mọi miền đất nước
về chiêm bái.
Để chuẩn
bị cho cuộc thăm viếng đặc biệt này, chúng tôi dậy thực sớm sáng ngày hôm đó. Cũng may thời tiết mát mẻ, bầu trời quang đãng
dễ chịu có lẽ nhờ trận mưa tầm tã ngày hôm trước nên chúng tôi hy vọng cuộc leo
núi sẽ thoải mái và thích thú lắm đây. Cùng đi với chúng tôi có chú em họ của nhà tôi
và một người cháu là tài xế. Chúng tôi cảm
thấy yên tâm hơn vì hướng dẫn viên và tài xế đều là người nhà và hiện tại họ đều
sinh sống tại tỉnh Quảng Ninh.
Từ thành phố Hạ Long, sau khoảng hơn một
giờ lái xe chúng tôi đã tới địa phận thành phố Uông Bí. Mọi người có mặt tại chùa Trình (chùa Bí Thượng)
trải qua một đoạn đường bậc thang dài và dốc.
Chùa Trình nằm trong quần thể núi Yên Tử, trên một vùng rừng núi bao la
dưới những hàng cây cổ thụ rợp xanh bóng mát.
Trước tiên, chúng tôi phải vào trình bái Long Thần Hộ Pháp tại đây để có
một niềm tin vững chắc cho cuộc hành hương được bình an. Có lẽ sự tin tưởng này
đã là một tập quán tín ngưỡng không thể thay đổi của Phật Tử.
Rời khu chùa Trình, chúng tôi lái xe thẳng
tới khu du lịch chùa Yên Tử. Vợ chồng tôi và chú em theo lộ trình tà tà qua các
khu bán đồ lưu niệm, tôi chưa muốn mua sắm gì lúc này vì nghe nói còn phải leo
núi cao, mang nặng chẳng nên. Thời gian này đang trong mùa Lễ Phật Đản nên cờ xí
treo giăng khắp nơi. Vào giờ trưa thấy bụng hơi cồn cào, gặp một bà bán bắp nếp
luộc bên đường, tôi sà vào mua ít cái vừa đi vừa gặm cho chắc bụng. Nhìn sang
hai bên đường thấy có nhiều quán ăn: “Cơm-Bún-Phở-Nhà Trọ bình dân” nhưng chúng
tôi chả dám, vẫn vướng cái tật ngại ăn quán lạ bên đường. Tại đây cũng có xe ôm
hoặc ô tô điện đưa đón du khách lên ga cáp treo, nhưng chúng tôi lại muốn thử
đôi chân và sức khoẻ của mình nên cứ thủng thỉnh theo lộ trình tiến bước. Được biết, du khách sẽ phải đi tới hai lần
cáp treo cộng thêm những đoạn đường leo bậc thang đá ngoằn ngoèo mới lên tới
chùa Đồng ở chót vót trên đỉnh núi. Thiết
nghĩ thiên hạ lên được tới chùa Đồng chắc hẳn mình cũng phải lên tới nơi đó được
chứ ! Đợi xem sự thử thách của chúng tôi sẽ chính xác đến cỡ nào? Tôi tin là
mình sẽ hoàn thành cuộc leo núi này.
Đứng trước quầy bán vé, tôi thấy một bảng ghi giá vé, phía dưới có hàng
chữ: “Quí vị du khách trên 65 tuổi xin xuất
trình thẻ CMND”. Tôi tò mò hỏi cô
bán vé thế nghĩa là sao và được cô cho biết những ai trên 65 tuổi được miễn mua
vé. Ồ, hay quá ! Thế là hai chúng tôi khỏi
phải trả tiền vé. Tiết kiệm được 400 ngàn đồng VN ($20US) để dành vào việc làm
từ thiện coi bộ có lý. Riêng chú em phải
chi ra 200 ngàn. À ra thế, có nhiều người
lớn tuổi sức khoẻ không bảo đảm, có thể không leo lên được tới chùa Đồng ở trên
đỉnh cao do đó không cần phải mua vé. Hai chúng tôi nhìn nhau mỉm cười thông cảm,
thế ra mình đã “lão” rồi sao? Từ hôm rời Mỹ quốc, tôi luôn luôn cầu nguyện cho
mình đừng gặp trở ngại nắng gió bất thường mà ngã qụy thì hỏng hết chương trình
du lịch, vì thế mấy ngày ở Hà Nội, Thanh Hóa, rồi Hải Phòng và Quảng Ninh chúng tôi rất dè dặt trong việc
ăn uống và giờ giấc ngủ nghê cũng phải theo đúng mức vì rằng thời tiết nóng nực
ở Việt Nam đôi khi cũng làm chúng tôi chẳng cảm thấy dễ chịu chút nào.
Lúc xưa vì chưa có cáp treo, khách hành
hương phải leo núi bằng chính đôi chân của mình cả ngày trời qua hàng ngàn bậc đá,
đường rừng gập ghềnh dài tới 6km rất vất vả cam go, khiến đôi khi họ phải ngủ
trọ ở dọc đường để tiếp nối cuộc hành trình vào sáng hôm sau. Ngày nay đã có tới
hai đường cáp treo để thu ngắn những đoạn đường leo núi, giúp du khách dễ dàng
trong việc tham quan núi Yên Tử. Và rồi
chẳng mấy chốc chúng tôi đã leo tới nhà ga cáp treo thứ nhất (cáp treo Hoàng
Long). Ngồi trong lồng kính của cáp treo, nhìn xuống thung lũng sâu thăm thẳm bên
dưới, chúng tôi có cảm giác lâng lâng trước cảnh núi rừng hùng vĩ với những lớp
mây trắng bàng bạc lơ lửng bềnh bồng phủ kín không gian. Tự nhiên tôi cảm thấy
mình quá nhỏ bé và tầm thường trước vũ trụ bao la của đất trời trên đỉnh thiêng
của núi rừng Yên Tử. Cứ thế giây cáp
treo đưa chúng tôi lên cao dần. Trong tầm mắt chúng tôi toàn cảnh rừng núi trùng
trùng, điệp điệp phủ đầy cây Tùng, cây Đại cao xanh, với rừng trúc xanh rì đan
mắc chằng chịt vào nhau trông thực lạ mắt. Trúc mọc khắp nơi nơi, do đó chùa Yên
Tử còn được gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Xa xa, ngôi Thiền Viện và nhiều Am Thất ẩn
hiện trong rừng cây trông như những bức tranh linh động, thật đẹp. Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi xưa kia đức
vua Trần Nhân Tông tu hành, truyền kinh, giảng đạo. Rất tiếc chúng tôi không thể viếng thăm được vì
đường cáp không dừng gần nơi đấy, phải đi bằng đường mòn khác, vả lại chúng tôi
cũng không có đủ thời giờ để đi bộ đến nơi.
So ra cáp treo tại núi Yên Tử có vẻ văn minh hơn đường cáp treo dài nhất
nước Mỹ có tên Sandia Peek tại thành phố Albuquerque, New Mexico nơi chúng tôi
sinh sống trước đây. Hai tuyến cáp treo
Hoàng Long và Bạch Long được kiến trúc rất hiện đại đã tạo cho hệ thống cáp
treo Yên Tử có môt vẻ đẹp riêng biệt, mang đậm nét văn hóa Việt giữa núi rừng
Yên Tử kỳ vĩ và được coi là một hệ thống cáp treo độc đáo nhất Viêt Nam bây giờ.
Rời cáp treo thứ nhất, chúng tôi bắt đầu leo lên từng bực thang đá nhẵn,
đều đặn xếp bậc thực công phu thành từng hàng, từng lớp. Tôi phân vân trong bụng và tự hỏi làm sao lúc
xưa người ta có thể đưa được những tảng đá to như thế ấy từ dưới đất lên trên
núi cao để xây dựng công trình như thể đúc khuôn? Nghĩ đến, mình phải cảm phục
và biết ơn những bàn tay và khối óc của người xưa đã tạo dựng ra cảnh trí lịch
sử này. Từng bước, từng bước chúng tôi cứ thế mà leo lên. Tôi vừa đi vừa lâm râm niệm Phật để làm ngắn lại
đường dài. Quả thực tôi không dám nhìn
lên vì bậc thang quá cao và quá dài lại trơn tuột vì nước mưa còn đọng trên mặt
đá, nên chỉ dám nhìn xuống chân mình theo từng bước, một cách thận trọng. Một tay cầm dù, tay kia cầm cây gậy tre mà nhân
viên cáp treo đưa cho tôi khi bước ra khỏi ga cáp. Vì vậy cây gậy này đã giúp
tôi lấy thăng bằng trong từng bước leo lên.
Leo lên khoảng chừng vài chục bậc đá tôi lại dừng chân để thở, rồi lại
tiếp tục leo thêm. Chưa gì mà tôi đã mệt
khướt. Mệt thì mệt nhưng trong lòng vẫn
cảm thấy nôn nóng và hăng say chưa thối chí khiến đôi chân vẫn thoăn thoắt bước
đều. Tôi vẫn còn muốn ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng trong làn mây
trắng mong manh. Ôi! thực tuyệt vời, tôi
dừng lại đôi phút, vươn hai tay lên khỏi đầu khoan khoái đón nhận làn không khí
trong lành như đang len vào lồng ngực, tôi nhắm mắt để tận hưởng… một không
gian tĩnh lặng huyền ảo! Còn gì khoái cảm
cho bằng khi quanh tôi chỉ nghe tiếng chim ca ríu rít, gió rừng xào xạc hòa cùng
tiếng mõ lời kinh đều đều từ các Am Thất vọng ra. Ông xã tôi và chú em đi trước
quá xa, đứng lại đợi tôi. Hôm nay là
ngày thường và chưa đến ngày Lễ Phật Đản nên du khách đi hành hương không đông
lắm. Hầu hết họ đến từ các tỉnh xa như
Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Nha Trang và cả Saigòn. Thấy chúng tôi lớn tuổi mà còn leo núi khoẻ
khoắn họ rất ngạc nhiên ngợi khen làm tôi lên tinh thần và phấn khởi leo lên,
leo lên.
Theo lộ trình chúng tôi dừng lại
chiêm bái Tổ Huệ Quang Kim Tháp nằm trong Lăng Quy Đức được xây dựng từ năm
1309 sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch và đây chính là nơi
lưu giữ xá lợi của Ngài. Trong tháp thờ tượng Phật Hoàng ngồi thiền. Đế tháp được trang trí hoa văn sóng nước và
đài sen khắc trạm tinh tế, phía sau là đường đi lát gạch Hoa Cúc mang đậm nét
văn hóa và lịch sử đời Trần. Xung quanh
Tháp Tổ là những cây Đại, cây Tùng cổ kính cùng nhiều ngôi Tháp, ngôi Mộ của
các thiền sư đã tu hành ở Yên Tử, nên khu vực này còn được gọi là Vườn Tháp Huệ
Quang. Từ đây chúng tôi sẽ phải leo lên một đoạn bậc đá rất cao và rất dài để tới
ngôi cổ tự Hoa Yên. Chú em và nhà tôi sợ
tôi leo lên không nổi, đứng đợi ở phía trên nhìn xuống ái ngại. Mô Phật! Tôi vừa niệm Phật vừa ra dấu cho hai
người chứng tỏ sức khoẻ cuả tôi coi như OK và tôi có thể tiếp nối cuộc hành trình
mới vừa bắt đầu. Cùng bước lên bậc thang
với tôi lúc ấy có nhiều khách hành hương trông có vẻ ít tuổi hơn tôi nhiều nhưng
họ cũng phải dừng lại nhiều đoạn để nghỉ lấy sức. Có điều tôi nhận thấy mọi người đều lộ vẻ an
vui tự tại. Nhiều người đem theo hoa quả
và đèn nhang lễ Phật. Họ không dùng đến
gậy như tôi mà vẫn thong thả bước lên bậc thang đá vững vàng, đúng là tuổi trẻ có
khác. Và rồi chúng tôi đã lên tới chùa
Hoa Yên sau một đoạn dài leo dốc bậc đá thực chật vật. Chùa này được coi là ngôi chùa chính trong quần
thể chùa Yên Tử và còn có tên là chùa Cả, ngoài ra vì nằm trên độ cao của núi Yên
Tử nên luôn luôn có mây mù che phủ do đó chùa còn có tên là Chùa Phù Vân hay Chùa
Vân Yên. Trước cửa chùa có ba cây đại thụ trên 700 năm tuổi thọ do Tam Tổ Trúc
Lâm vun trồng. Tôi ghé vào chùa khấn vái
và cúng dường trong khi ông xã tôi lo chụp hình cảnh núi rừng cùng những tàng cây
cổ thụ.
Hôm đó, vì đến đây đã xế trưa nên chúng
tôi không có đủ thời giờ để đi thăm viếng và chiêm bái hết mọi ngôi chùa nằm rải
rác ở nhiều nơi trên núi Yên Tử như:
Chùa Cẩm Thực, Chùa Bảo Sái, chùa Một Mái, chùa Giải Oan, chùa Suối Tắm,
chùa Vân Tiên, tháp Vọng Tiên Cung cùng những thắng cảnh như Tượng Đá An Kỳ
Sinh, Thác Vàng, Thác Bạc, Đường Tùng Cổ, khu Mai Vàng Yên Tử và đặc biệt là suối
Giải Oan. Riêng đạo tràng Giải Oan và suối
Giải Oan đã ghi lại một di tích lịch sử của đời vua Trần Nhân Tông khi Ngài từ
bỏ ngai vàng tìm về cửa Phật trên Núi Yên Tử. Được nghe kể, các cung tần mỹ nữ của ngài đã
ngăn cản và khuyên Ngài trở về cung điện, nhưng lời thỉnh cầu không được toại
nguyện, họ bèn rủ nhau nhẩy xuống giòng suối này tự vẫn. Nhà vua cảm thương chân tình của họ mà cho lập
một ngôi chùa siêu độ để giải oan. Từ đó ngôi chùa và con suối này được mang tên
Giải Oan… Rất tiếc, chúng tôi không có đủ thời gian để ghé thăm hai di tích lịch
sử này. Hơn nữa, chân thì mỏi mà đường còn xa …chúng tôi phải cố gắng leo thêm
nhiều đoạn có bậc đá dốc chênh vênh để tới ga cáp treo thứ nhì (cáp treo Bạch
Long) dẫn lên khu an vị tôn tượng Phật Hoàng và Chùa Đồng.
Khiếp đảm quá! càng leo lên càng thấy đường
xa vòi vọi. Nhìn lên thấy tượng Phật thật
là gần, nhưng leo mãi chẳng tới nơi. Sợ
quá, tôi như muốn bỏ cuộc trong khi những du khách từ chùa Đồng đi xuống khuyến
thích chúng tôi “cố lên” “cố lên” – “Gần tới nơi rồi… Ráng đi bu ơi, thầy đâu sao không dìu bu đi
cùng?” Đang mệt lử, bước đi không nổi,
nhưng bất chợt nghe mấy cô cậu trẻ tuổi nói giọng Bắc sau này hỏi han như vậy,
tôi phì cười quay sang cám ơn họ. Lâu rồi
mới được nghe lại hai tiếng “thầy bu” sao mà thấy lạ thế, làm tôi nhớ lại thời
kỳ thơ ấu của mình khi còn ở trong làng Đông Sơn, Thanh Hóa. Tôi đoán nguyên quán
của các em phải là Nam Định hay Thanh Hoá gì đó. Biết tôi là người Bắc, họ xúm
xít hỏi thăm, rõ là chân tình. Thoáng chốc tôi cảm thấy vui vui. Một kỷ niệm để
nhớ mãi. Tôi theo chân khách hành hương len lỏi leo qua các kẽ đá và bậc thang khấp
khểnh, trơn ướt. Từng bước, từng bước chậm
chạp mà leo. Lâu lâu đứng lại thở hổn hển
tưởng như muốn đứt cả hơi. Lúc này tôi hơi choáng váng vì cảm thấy sức khoẻ của
mình có vẻ như xuống cấp đột ngột. Tôi dừng
lại dưới một gốc cây có bóng mát, hít vào thật sâu và thở ra thật dài. Làm được
vài động tác hô hấp như thế tôi thấy khỏe khoắn rồi lại tiếp tục dấn bước leo
lên. Càng lên cao không khí càng thoáng đãng, đâu đâu cũng thấy toàn một mầu
xanh lục thực đẹp mắt. Từng cụm hoa
vàng, hoa tím dại mọc chen chúc cùng cây cỏ hai bên lối đi. Những gốc cây to bằng ba bốn người
ôm trổ những cành lá tua tủa như những cánh tay khổng lồ vươn ra mời mọc. Không gian tĩnh lặng lạ thường như đưa hồn
người vào cõi mộng. Lòng lâng lâng khó tả. Đúng là tôi đang ở chốn tiên bồng. Một cảnh sắc thiên nhiên quá ư là tuyệt mỹ! Xa
xa nghe như có tiếng nước chẩy róc rách đều đều. Đi được một quãng, gặp một con suối nhỏ từ triền dốc cao đổ
xuống, tôi ghé vào vục nước lên hai bàn tay vã lên mặt. Nước suối trong vắt mát lạnh như đánh thức
tôi trở về thực tại. Trên đường đi vài
ba cô bé đứng mời chào du khách mua đồ lưu niệm và postal card in những thắng cảnh
của núi rừng Yên Tử. Tôi cũng chẳng ngần ngại mua giúp các cô vài tấm.
Giá một tấm là 10,000 đồng vn tính ra là 50cents. Thấy họ buôn bán chẳng biết lời
lãi được bao nhiêu mà phải vất và leo núi gian nan mời chào khách hàng rõ thực
tội nghiệp. Tôi nghĩ, giúp được người
nghèo như mua hàng cho mấy cô bé này chẳng khác như mình đã làm được một việc thiện
hoặc như cúng dường tam bảo.
Vừa leo núi vừa ngước nhìn lên phía trên, tôi
thấy thấp thoáng ngôi tượng Phật Hoàng ẩn hiện sau màn sương mỏng. Tấm bảng chỉ
đường đến ga cáp treo thứ hai đã hiện ra trước mắt. Tôi mừng ghê gớm. Đúng lúc này tôi gặp một toán du khách từ cáp
treo bước xuống. Trong đó có một hai người
lớn tuổi. Bạo dạn tôi ngỏ lời hỏi thăm
và được biết có cụ đã trên 80. Tôi ngạc
nhiên và rất thán phục. Vậy thì có lý do
gì khiến tôi phải chùn bước nhỉ? Các cụ
bảo tôi ráng niệm Phật đi. Phật sẽ hộ trì là đi tới nơi thôi!
Thế là
chúng tôi đã đến được ga cáp treo thứ hai và lên tới khu địa linh Phật Hoàng Trần
Nhân Tông. Ôi! đúng là cảnh Phật non Tiên! Chúng tôi mê mÄn loanh quanh tại khu vực này để chụp
hình và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên. Tượng Phật được tạc
Thực khó mà diễn tả nổi cảm xúc của tôi lúc đó. Hình như tôi đang ngây ngất trước hiện tượng
diệu kỳ của cảnh sắc và vật thể khác lạ như chưa từng thấy trong đời mình. Tôi chắp tay khấn lạy trước Phật đài như cảm
nhận được sự linh thiêng nơi đất Phật. bằng đá cẩm thạch và được trang nghiêm
an vị trên một diện tích khá lớn giữa núi rừng hùng vĩ. Thời tiết trên cao thay
đổi liên tục trong ngày, lúc nắng lúc mưa, hầu như luôn luôn có mây lẫn sương mù
sà xuống, khiến mầu sắc ngôi tôn tượng cũng thay đổi theo thời tiết - lúc tỏa sáng
óng ánh dưới tia nắng soi, lúc mờ mờ, ẩn hiện sau màn sương mờ ảo trông thực
huyền diệu. Tôi suýt xoa khen ngợi và chuyện trò cùng các bạn đồng hành, đồng đạo
hiện đang đứng chiêm ngưỡng tượng Phật như tôi.
Giờ thì chúng tôi phải theo đường chỉ dẫn để lên Chùa Đồng. Đường bậc
thang đá từ khu an vị tượng Phật Hoàng tới Chùa Đồng không xa lắm nhưng rất dốc
và quanh co khó đi. Càng lên cao sương xuống càng dầy và nặng hạt như mưa. Tôi
luôn luôn phải che dù và chiếc gậy trong tay đã giúp tôi đi những bước vững vàng. Tôi có cảm tưởng như mình là một đứa trẻ con đang
tập tễnh bước những bước đi đầu đời. Bây
giờ nhìn lại những bức hình này thấy mà tức cười hết chỗ nói…nào là mũ, là khăn,
nào là gậy, lom khom lần mò trên sườn núi trông như một lão bà trong phim kiếm
hiệp. Cứ thế tôi chống gậy leo trên những
bậc thang đá trơn ướt và rất thận trọng trong từng bước đi. Thế mới biết “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn ròn hơn ta ”. Tôi như muốn chào thua vì thấy hụt hơi và hai
đầu gối mỏi rã rời. Thực ra tôi vốn là một
người năng động, tập thể dục hàng ngày, vậy mà lúc này đây sao tôi lại trở nên đuối
sức đến thế. Hóa ra, tuổi đời của tôi đâu
còn trẻ nữa. Phải chấp nhận thôi. Rồi chợt
nghĩ tới câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường
đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Tôi tự an ủi: “Chắc mình không thuộc vào hạng người ngại núi e sông?” CÙ th‰ tôi vừa
leo lên vừa hít vào thở
ra liên tục. Một cặp vợ chồng trẻ người
Nam Định mà chúng tôi gặp từ dưới chân núi, giờ đây đưa tôi chai nước suối và nói: “Bác uống
đi để lấy sức - gần tới Chùa Đồng rồi.
- Đã lên được tới đây mà bỏ cuộc thì uổng
qúa”. Lời khuyến khích của họ quả đã
thúc đẩy tôi vượt qua được thử thách. Thế
là tôi lại lần từng bậc từng bậc quanh co theo vách đá cao ngất ngưởng để leo
lên, leo lên.
Giờ đây đứng trước ngôi tam bảo nghi ngút
khói hương tôi cảm thấy lòng mình tràn dâng một niềm tôn kính khó tả. Tôi bỗng
nhớ lại đã đọc những tài liệu tại chùa Trình cũng như được nghe qua lời thuật của
khách hành hương mới thấy công trình tạo dựng ngôi chùa Đồng quả là một kỳ công
tốn tiền tốn sức biết nhường nào !.
Được biết ngôi Chùa Đồng khởi thuỷ chỉ là một
cái Am nhỏ, đơn sơ có tên là Thiên Trúc Tự, tọa lạc trên đỉnh non thiêng Yên Tử
ở độ cao hơn 1,000m so với mặt nước biển. Nơi đây Tam Tổ Trúc Lâm và các thiền
sư thường ngồi thiền để “Thân hòa đồng trụ,
giới hòa đồng tu ”. Về sau này, vào
thời điểm tái trùng tu, bằng nỗ lực của hàng trăm thợ đúc đồng chuyên môn được
tuyển chọn từ tỉnh Nam Định đã phải làm việc vất vả ròng rã hơn một năm trời,
dưới cái nóng như thiêu như đốt của những tháng hè, cũng như dưới những trận cuồng
phong bão táp, mưa đá, sấm sét đầy trời để biến khoảng đất nhỏ cỡ 2m2 thành một
diện tích rộng đến 19m2 dùng làm nền móng, hầu hoàn thành ngôi chùa như ngày hôm
nay. Họ phải đúc từng chi tiết rời ngay
tại chân núi Yên Tử. Mọi vật liệu để trùng
tu ngôi chùa hầu như đều được vận chuyển theo đường đá dốc hoặc qua hệ thống ròng
rọc tự chế dẫn lên đỉnh núi vì hệ thống tháp treo ngày ấy không thể chuyển tải
các vật liệu lớn. Vào ngày khởi công, phật tử từ mọi miền đất nước tề tựu về đây,
tụng kinh niệm Phật và đóng góp tịnh tài, cúng đồ trang sức bằng vàng bạc vào các
vạc nấu đồng nóng chảy với tâm thành là đóng góp công đức vào việc đúc chùa, đúc
tượng. Chùa Đồng được tái khánh thành ngày 12 tháng 12 năm 2007. Kết qủa là Chùa được đúc lại bằng đồng nguyên
chất, nặng trên 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, chiều cao 3,35m. Cho đến thời điểm này, có thể đây là ngôi chùa
được đúc bằng đồng lớn nhất trên thế giới. Chùa được kiến trúc theo truyền thống
của chùa Việt Nam với hệ thống các kệ, mái, đầu đao được trang trí tinh xảo. Bệ
nền chùa được bọc đồng, đúc hoa văn. Bên trong chùa có hương án bằng đá chạm trổ
hoa tiết rất tinh tế. Trong chùa thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam
Tổ Trúc Lâm. Tuy gọi là chùa, nhưng vì
diện tích khiêm nhường giống như chùa Một Cột ở Hà Nội nên Phật tử chỉ có thể đứng
ở phía trước chiêm bái, lễ lạy chứ không thể bước vào bảo điện được. Ngày nay, du khách muôn phương về chùa Yên Tử,
ai cũng mong được lên đỉnh núi cao thắp hương và chiêm ngưỡng ngôi chùa thiêng
liêng có một không hai này.
Nói về tín ngưỡng dân gian, người ta không thể phủ nhận sự linh thiêng của
ngôi chùa Đồng mà minh chứng đã cho thấy mặc dù đường rừng dốc dác, trơn tuột,
lởm chởm rất nguy hiểm vậy mà chưa từng có tai nạn nào gây chết chóc cho ai bao
giờ, và cũng chưa có ai bị sét đánh khi gặp trời mưa sấm sét ở trên đỉnh cao như
thế mới lạ. Phật Tử còn có nhiều niềm tin khó mà lý giải về vùng đất Yên Tử trụ
nhiều khí thiêng với những cây tùng, cây bách có hàng 700 năm tuổi đã dung nạp được
lượng khí thiêng lớn lao, do đó người đau yếu thường tìm về đây để chữa bệnh bằng
cách ôm lấy thân cây “tùng cổ” để mong nhận được một phép nhiệm mầu nào đó từ
thân cây truyền sang. Họ nói, sau khi được thụ khí từ những gốc tùng cổ, ai nấy
đều cảm thấy thân thể được nhẹ nhàng, khoẻ khoắn…như bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh
tiêu trừ (?). Ngoài ra dân gian còn tin vào những loại lá cây ở rừng núi Yên Tử
có thể lấy về làm thuốc Nam chữa trị khỏi nhiều bệnh tật (?).
Dù
cho mưa vẫn rơi và mây mù đan kín cả một vùng rừng núi, nhưng từ đây chúng tôi
vẫn có thể thấy được cảnh sắc tuyệt vời của non thiêng Yên Tử trải dài dưới
thung lũng xa xa, trông thật thần thoại, thật quyến rũ khiến tôi liên tưởng tới
những bức tranh Tầu có các cô tiên nữ đang nhẩy múa trên mấy từng mây. Người ta
nói gặp được ngày nắng ráo, chúng ta có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng
lớn cùng những hòn đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long. Loanh quanh ở đỉnh núi
có đến gần cả giờ đồng hồ, mà trời chẳng có một chút nắng nào. Ông xã tôi có vẻ không được hài lòng vì đã ao
ước sẽ chụp những bức hình độc đáo của chùa Đồng, nào dè thời tiết như vậy biết
làm sao hơn là phải nhờ mấy chú chụp hình dạo theo sát chúng tôi mời mọc nẫy giờ
để họ chụp cho mình vài tấm làm kỷ niệm. Theo
chân du khách, chúng tôi ghé vào mấy Gift Shop nho nhỏ dựng bên góc chùa để tìm
mua ít quà làm lưu niệm cho con cháu trước khi rời nơi đây.
Huyền thoại về Non Thiêng Yên Tử không
hẳn chỉ có thế, nhưng theo chương trình đã định, chúng tôi không thể nán lại lâu
trên đỉnh cao này được vì phải lần bước qua hai tuyến Cáp treo xuống núi để về
kịp chuyến phà chiều đi Hải Phòng. Từng bậc, từng bậc … tôi từ từ bước xuống. Ngoái trông về phía đỉnh non cao, ngôi chùa Đồng
dần khuất sau làn mây trắng mỏng bồng bềnh. Từ xa, tiếng mõ lời kinh vẫn còn dìu
dặt vọng theo như để lại trong tôi một ước nguyện viên thành, cũng như đã ghi
khắc trong tôi lời dạy của người xưa...
“Trăm
năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả Tu”
Maryland, June 2014
(Đăng
trong Cỏ Thơm số Mùa Thu 2014)
Trích lời Giới Thiệu của Nhà Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ Nhiệm TCNS Cỏ Thơm - Số 68, Mùa Thu 2014:
ReplyDelete"...Về văn, Cỏ Thơm 68 phải kể tới bài bút ký về cuộc hành hương Núi Yên Tử của Nhà Văn Ỷ Nguyên, rất công phu, tường tận và lôi cuốn. Chúng tôi đã từng đọc về Núi Yên Tử, đã từng mơ được lên thăm nơi tu hành của vị vua khả kính Trần Nhân Tông mà không làm được. Nên mùa Xuân vừa rồi, Ỷ Nguyên và Phạm Bá về thăm quê hương, tôi đã dặn dò hai bạn văn cố gắng làm một cuộc hành trình lên núi Yên Tử và viết bài tuờng thuật cho Cỏ Thơm. Đôi uyên ương Bá-Nguyên đã thực hiện được ý định đó và viết lại để chia sẻ kinh nghiệm với độc giả. Qúy vị sẽ có cảm tưởng theo bưóc chân tác gỉa leo "Non Thiêng Yên Tử".
"Anh Chị Luân mến,
ReplyDeleteTôi vừa đọc xong bài "Hành Trình về Đất Phật" của Chị Luân - Ỷ-Nguyên, lối viết văn của Chị Luân qúa linh động, tôi vừa đọc vừa thở, có cảm tưởng như cùng Chị đang leo núi. Qúa khâm phục.Chị quá thành công."
Tuy Hoa
From TuyHoa' s Email - QGTM Saigon - dated Oct 12, 2014
Trích Email của Nhà Văn NGUYỄN LÂN (Con thứ của Nhà Văn HOÀNG ĐẠO trong TLVĐ)
ReplyDelete"...Gửi anh chị mấy tấm hình. Bài của chị Ỷ-Nguyên lần này viết đầy chân tình và cảm xúc !
Mong ngày tái ngộ."
Nguyễn Lân
From Nguyễn Lân' s Email: LanHoa@verizon.net dated Oct 14, 2014