Sunday, November 29, 2015

Bút Ký - Phóng Sự : 40 năm ...

.                                                                                                                                                                                              .
40 Năm …
 Chim Tìm V Tổ...   
                                                          Nguyên
                                 Hình ảnh: Phạm Bá

                                  
     Tung cánh chim tìm về tổ ấm” là chủ đề được  nêu lên trong lá thư mời tham dự ngày họp mặt 40 năm định cư tại thành phố Albuquerque, NM… đã gợi lại trong tôi niềm luyến nhớ vô biên về một thành phố đã cưu mang và cho chúng tôi một cuộc sống đầy đủ.  Vâng, chính Thành phố này đã một lần là “tụ điểm” của nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi tìm tự do năm 1975.
     Giờ đây, sau 40 năm xa xứ, những cánh chim phiêu bạt ngày nào đã hướng về mảnh đất dung thân buổi ban đầu, quây quần trở lại chốn xưa hầu tìm lại dư âm những tháng ngày qua... Như những con chim già mỏi cánh sau 40 năm bươn trải nơi xứ lạ quê người, tóc đã pha mầu phấn bạc, bất chợt  nhận được thông tin về buổi hạnh ngộ này, chúng tôi tự nhiên thấy lòng mình nôn nao muốn về tham dự để tìm lại chút dư hương ngày tháng cũ…
     Theo chương trình của ngày hội ngộ, chúng tôi có mặt tại thành phố Albuquerque sớm hơn hai ngày.  Hôm đó, chiều Thứ Tư, 21 tháng 10 năm 2015, sau khi lấy xe, chúng tôi lái thẳng tới nhà vợ chồng người cháu nằm trên đường Euclid NE.  Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi trở lại thành phố sa mạc đầy ắp những kỷ niệm của những năm đầu định cư.  Nhưng mỗi lần trở lại nơi đây, tự nhiên tôi thấy lòng mình chùng xuống, cảm giác lâng lâng khó tả khi đi qua những con đường quen thuộc thuở nào… con đường Zuni ngày xưa chúng tôi đã qua lại không biết bao nhiều lần trong suốt hơn 30 năm.  Và còn thực nhiều, nhiều nữa… những con đường ngang dọc Bắc-Nam của thành phố, như còn in hằn trong trí nhớ chúng tôi. Nhưng dù qua bao nhiêu mùa Balloon, thành phố Albuquerque vẫn không thay đổi nhiều.  Con đường Central thẳng tắp từ East sang West vẫn vậy với những khách sạn bình dân và các quán ăn thuần tuý của người Mễ Tây Cơ nằm dọc hai bên đường.  Rặng núi trọc Sandia vẫn ngạo nghễ che chắn thiên tai cho cư dân nên thành phố Albuquerque được gọi là An-Quốc-Kinh (Land of Enchantement). Đường phố thưa cây thiếu cỏ, như chẳng bao giờ có mầu xanh. Vâng, chính đây là một thành phố miền Sa Mạc.
     Cũng vì dự tính đến trước hai ngày, nên chúng tôi có nhiều thì giờ đi thăm thú một vài nơi.

  Ngày thứ nhất:
  Trước tiên chúng tôi đến thăm gia đình và thắp nhang cho người chị đã qua đời mấy năm trước đây.  Tối đến rảnh rang, chúng tôi kéo nhau đến "viếng” sòng bài Sandia. Nhưng thiệt tình là nhà tôi muốn được thưởng thức lại món ăn bình dân của người Mễ Tây Cơ: ElModelo Tamales và Green Chili Soup với Hatch Chili. Vừa hợp khẩu vị, vừa giá bình dân.  Chúng tôi không thể nào tìm thấy hương vị độc đáo chính gốc Mexico này tại vùng East Coast.  Nghĩ tới là phát thèm rồi.  Ôi! món Green Chili súp của họ thực độc đáo, vị cay cay thơm thơm thực đặc biệt không giống như ớt hiểm của ta. Thế mới tuyệt!.  Nhà tôi vừa húp súp chili vừa khen luôn miệng làm tôi cũng nhỏ rãi. Thử một muỗng nhỏ, ôi chà cay ơi là cay nhưng mùi vị qủa thực là ngon khỏi chê.  Ăn xong, chúng tôi nhào vô testing mấy cái máy kéo để thử thời vận và khấn vái ông thần Indian xem ông còn nhớ tới người xưa mà ban lộc.  Nhưng không, ông vẫn bắt khách phương xa đóng thêm tiền điện tiền gas …

  Ngày thứ hai:
   Sáng thứ Năm, 22 tháng 10, sau bữa điểm tâm nhè nhẹ, chúng tôi ghé qua tiệm thực phẩm Tà Lin nằm ở góc đường Central và Louisiana SE. Có thể nói, đây là một tiệm “Safeway Á Đông” lớn nhất, bán đầy đủ thực phẩm trên toàn cầu. Bây giờ cơ sở thương mại này do hai anh em Victor/Susan, con người bạn chúng tôi từ 1975 là ông bà Bounpoum Limary, đứng làm chủ.
   Sau đó chúng tôi ghé thăm một vị HO trên đường Georgia SE. Đã hơn 10 năm qua đi kể từ ngày hồi  hưu và dọn về vùng East Coast,  đây là lần thứ ba tôi trở lại thăm “Chiến sĩ Nguyễn Như Bối”, một người hùng của QLVNCH. Năm nay ông đã chòm chèm 85, 86. Hai tai điếc đặc.  Hai mắt kèm nhèm. Dáng đi lọm khọm. Ông Bối đã tình nguyện đi Biệt Kích Dù từ năm 18 tuổi, ông “thích thế”, chuyên nhẩy dù xưống miền Bắc. Câu chuyện của ông sống trong lòng địch ở miền Bắc mà tôi đã nhiều lần được nghe chính ông thuật lại khi còn làm việc tại Trung Tâm Cộng Đồng Zuni vẫn mãi in hằn trong tôi cho đến tận bây giờ. Chết đi sống lại nhiều lần trong lòng địch, và lần cuối cùng, khi dù vừa chạm mặt đất thì cả toán lọt vào ổ phục kích. Chống trả trong tuyệt vọng để rồi cuối cùng cũng bị bắt trọn và bị tù đày hơn 20 năm ở miền Bắc. Trời ngó lại… mãi mãi sau 75, ông mới được ra tù và được đưa qua Mỹ theo diện HO với quyền lợi đặc biệt dành cho người lính Biệt Kích Dù đã anh dũng sát cánh chiến đấu bên cạnh những người lính Mỹ. Ông được truy lãnh $40,000us cùng với Huy Chương Dũng Cảm của Tổng Thống George W. Bush và Bằng Tưởng Lục của Bộ Lục Quân Hoa Kỳ.

  Ngày thứ ba:
   Sáng ngày thứ Sáu, 23 tháng 10 – Tôi ghé thăm sở cũ và được biết là cô thư ký của tôi trước đây, nay được thăng cấp làm Manager của Trung Tâm. Cô thực giỏi ! Đáng ngợi khen !
  Trưa, chúng tôi được vợ chồng ông Marny Freedman & Phượng đãi ăn tại nhà hàng May Café. Marny làm việc cho một hãng bảo hiểm nhân thọ ở Santa Fe.  Ông ta nguyên là học viên lớp Việt Ngữ của tôi qua chương trình Đại Học UNM Continuing Education trước đây.  Sau này Marny về Việt Nam cưới Phượng đem qua Mỹ. Càng ngày Marny càng tỏ ra rất thông thạo tiếng Việt.   Ông ta và bà xã hiện là Giám Đốc một chương trình thiện nguyện giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, những gia đình nghèo khó ở Việt Nam qua sự đóng góp của những bạn bè người Mỹ tại Santa Fe, NM. Chương trình này, có tên là Vietnam Project.


Khoảng 4 giờ chiều chúng tôi có mặt tại “Tổng Hành Dinh” của đại hội nằm trên đường Ponderosa NE, truớc Montgomery Park.  Thực ra, chiều nay chưa phải là ngày chính của buổi họp mặt.  Nhưng chúng tôi muốn ghé thăm địa điểm và nhận áo T-Shirt. Từ bãi đậu xe đã thấy mẹ con Hạnh “lăng quăng” và Hùng “Belen” đang bận rộn căng tấm banner với hàng chữ đỏ chót ghi:
                                                “Southeast Asian Refugees in NM
                                                    40 Years Reunion 1975-2015
                                                    Albuquerque – October 2015 “

  Vừa bước xuống xe thì gặp vợ chồng Thinh Đào & Uyển Nguyễn, em gái Ninh “Bô”.  Uyển không thay đổi nhiều, nhưng Thinh trông khác xưa quá. Nếu ngày trước  chúng tôi vẫn thường kêu là Thinh “Lỏi”, thì nay Thinh chẳng lỏi tí nào: to con tốt tướng quá. Nếu không nói tên thì không thể nào nhận ra nhau. Rồi gặp Hậu chúng tôi nhận ra liền. Còn anh Mót Nguyễn (tên thật), Tuấn Trần, Tú Trinh, cũng như Hương Nguyễn, vợ chồng Khang/Bích và A/c Vũ Quốc Hùng thì chịu thua không sao nhận ra họ cho đến khi chuyện trò mới biết.  Lúc này Ninh và Trang Vũ (Trang Đầm) đang từ từ lái xe vào parking đem đồ ăn đến.  Hầu như mọi người có mặt lúc đó đều nhận ra chúng tôi, có lẽ vì cái dáng “lăng xăng” cố hữu…
Chúng tôi bước vào phía trong để tham quan Tổng Hành Dinh. WOW!… phòng ốc quá sang trọng, rộng rãi, tiện nghi và sạch như lau.  Bếp nước và dụng cụ nhà bếp cũng như chén bát xếp đầy ắp các ngăn chạn.  Một grand piano mầu đen bóng nhoáng đặt  tại góc phòng khách.  Ninh Bô cho biết là có hơn chục thành viên sẽ tá túc tại ngôi biệt thự này trong 3 ngày đại hội.  Thôi mấy bạn trẻ tha hồ mà quậy mà phá nhé!  Trong buổi sơ giao này chúng tôi không có đủ thời giờ để hàn huyên, chia sẻ chuyện xưa chuyện nay vì ai nấy đều bận rộn sửa soạn phòng ốc và lo các món ăn cho chiều hôm nay và chiều ngày mai.

Ngày thứ bốn:
Sang đến Thứ Bẩy, 24 tháng 10, trong khi nhóm Ninh Bô và Trang Đầm đi thăm lại Trường Đại Học UNM, khu chung cư Mountain View “thuở hàn vi”, đi tảo mộ người thân v.v.. thì chúng tôi lo gọi điện thoại mời hai tờ báo của Albuquerque là tờ Journal và tờ Tribune (không có trong chương trình nghị sự) với ước mong là họ sẽ cử phóng viên đến để lấy tin về buổi họp mặt hi hữu này. Họ trả lời là sẽ cố gắng hết mình vì weekend khó kiếm ra phóng viên.
 
Khoảng hơn 3 giờ chiều chúng tôi đã có mặt tại “Tổng Hành Dinh”. Chao ôi! hôm nay mới thật là ngày vui nhộn khi tất cả bà con cũ mới gặp lại nhau, cười cười nói nói rổn rang như pháo nổ 3 ngày Tết. Nét mặt hân hoan nụ cười hớn hở, dzui thật là dzui! Làm sao có thể diễn tả được nỗi vui mừng khi gặp lại các người bạn trẻ ngày xưa…Lúc đó họ mới ngoài 20, nay đã ngoài 60 với mái tóc điểm sương… Ngoài nhóm người chúng tôi gặp chiều hôm thứ Sáu, hôm nay trong nhóm người cũ từ phương xa về tôi gặp BS Bích Liên/Thân Nguyễn từ California. Bảo Vũ/Bà xã từ San Jose, A/c Lê Thân Chấp cùng ái nữ từ Florida, A/c Cẩn Nguyễn, Diana Nguyễn (Ngọc Dung). Nhóm trẻ SQ không quân 7 người từ Seattle  có Ninh/Xuân, Lộc/Bền, v/c Tiến và cô Sang Cretser (Hawaii). Sau cùng là Đào Sĩ Trang, Quốc Bùi và Tiến/Phượng từ Arizona. Về phần nhóm người hiện đang sinh sống tại tiểu bang New Mexico, có Đinh Đồng Kỳ tức “Kỳ hôi tức Tư-Ở-Đợ” vẫn lạnh lùng khinh mạn như ngày nào. Nét mặt “sầu đông” muôn thuở chẳng hề thay đổi. Nhăn nhúm như người bị táo bón kinh niên.  Bích Phùng lọm khọm đi bên Mộng Liên trên tay mang một khay đồ ăn cho phần pot luck. Vợ chồng Thích/Pat, Huệ Huỳnh, chị Phước đã có mặt.  Quay ra gặp Sang và vợ với hai con, còn Giao vẫn độc thân thì phải…  Anh chị Phiệt/Hòa đưa  sponsor, Ông Bobbie tới cùng lúc với Tướng KQ một sao hồi hưu Mel Montano, nguyên cựu Tư Lệnh Lữ Đoàn Vệ Binh QG Tiểu Bang NM  và phu nhân, đang vui cười bắt tay mọi người. Thầy Sáu Dũng tự “Dũng xoè”, ông xã Hạnh loăng quăng trong chiếc T-shirt trông rất bảnh bao, chững chạc bước vào sân cùng cô con gái và cậu con trai. Tiếp theo, tôi gặp anh chị Thực/Nhung,Tú Nguyễn và A/c Dược Sĩ An/Anh cùng cô chú Thành/Hoa. Không biết tôi còn quên ai không kìa…  À còn Lệ Sharp, cô bạn đặc biệt của tôi ngày nào tại Albuquerque đang xúng xính trong chiếc áo T-Shirt cười nói với mọi người. Hùng “Belen” hôm nay đem theo vợ và hai con. Rất ngạc nhiên khi gặp lại Thắng ”Gấu”. Thắng lặng lẽ bắt tay nhà tôi, lắc đầu: “Hỏng hết rồi… Anh ơi…”. Cuối cùng là A/c Vinh/Vân, một đôi bạn cố tri của chúng tôi. 

 
BS Bích Liên & Phu Quân (Trái); Ỷ Nguyên; BS Thạnh Nguyễn
Bây giờ mọi người xúm quanh Ninh Bô để lấy áo T-Shirt. Mặc liền…  Trong nháy mắt, nơi nơi trước bãi đậu xe, trong phòng họp, trong nhà bếp, ngoài sân vườn đều tràn ngập những chiếc áo có logo Balloon biết đi. Trông thật tưng bừng và đẹp mắt. Lao xao như đàn chim vỡ tổ!  Nhìn hình logo in sau lưng áo, tôi nghĩ lại trước đây cả tháng mọi người đã tham gia tranh luận với nhau quá là dzui để cuối cùng đã có một logo đầy đủ ý nghĩa với rặng núi Sandia ngạo nghễ, những quả balloon lơ lửng trên nền trời xanh, in bóng trên giòng sông Rio Rancho thơ mộng.  Ôi, quá tuyệt vời! Sau đó tất cả mọi người đứng trước biểu ngữ chụp hình lưu niệm.  Chụp tới chụp lui có tới cả chục lần vẫn chưa thấy đủ. Có một cặp vợ chồng người Mỹ thuộc đài phát thanh UNM cũng hiện diện trong buổi họp mặt này, bà ta tình nguyện chụp hình cho cả nhóm.  Phần chụp hình vừa dứt thì anh chị BS Thạnh từ Tucumcari và cháu Roselyn chợt tới và đang chuyện trò thân mật cùng BS Bích Liên và Thân (Xồm).  Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại anh chị BS Thạnh và cháu Roselyn. Cả hai anh chị không thay đổi nhiều.  Riêng cháu Roselyn hiện là luật sư của Bệnh Viện UNM. Nhưng ngoại hình cứ như người mẫu chân dài sải bước trên sàn Catwalk. Khi gặp lại cô An Biên và cô giáo Anh Trần tôi nhận ra ngay, còn cặp bạn thân trẻ tuổi chủ nhân một cơ sở Kim Hoàn, là Phong/Nhung trông cứ như đôi tài tử màn bạc, sang trọng và đẹp đôi làm sao.
  Phải nói lúc này mới là thời khắc đáng ghi nhận của buổi trùng phùng.  Người cũ người mới tìm lưng nhau để ký tên trên chiếc áo T-Shirt lưu niệm đượm tình thân:
- “Ấy, ấy… nhè nhẹ thôi anh!”
- “Đừng đừng … buồn quá, buồn quá…
- “Ủa … hôm nay dzui quá là dzui, sao lại buồng?
- “Buồn là nhột anh bạn ạ, tui là Bắc Kỳ 54 mà …
- “Chà, ký lên chỗ phẳng không sợ gẫy bút hỉ!”
Cứ‘ thế, lưng kề lưng, mặt đối mặt, cây bút marker được chuyền từ tay người này sang tay người khác   để ký tên không ngừng. Thấy vậy tôi phát bật cười và nhớ lại ngày mọi người bàn luận nên in Logo phía trước ngực hay phía sau lưng, nhưng hôm nay chứng kiến cảnh này tôi mới thấy logo đặt ở phía trước áo là có lý nhất. Vì nếu in logo ở phiá lưng thì ký vào đâu… Thôi thì lời nói tiếng cười quấn quyện vào nhau, ríu rít như chim vỡ tổ.  Nhiều câu hỏi được đưa ra:
-Ê bạn, sao bây giờ làm gì, ở đâu?
-Bã xã đâu mà đi một mình?
-Mấy cháu rồi?
-Ê, trông cậu vẫn như xưa
-Còn làm chủ tiệm sửa xe hơi nữa không?
-Ôi, giao cho thằng con trai trông coi rồi…
-Về hưu rồi, ở nhà trông cháu nội…
BS Bích Liên, LS Roselyn, Ỷ Nguyên, Phu Nhân BS Thạnh

  Và còn không biết bao nhiêu câu hỏi, câu trả lời vẫn nối tiếp nhau … Từng nhóm, từng nhóm quây quần bên nhau to nhỏ chuyện cũ, chuyện mới. Những tràng cười vang trời thoải mãi vô tư, những tiếng khúc khích của mấy cô bạn trẻ e ấp ngày xưa nghe sao dễ thương đến thế!  Trong chốc lát tôi cảm thấy mình như trẻ lại cả chục tuổi.  Tôi có cảm tưởng như mình chưa già tí nào đứng bên các người bạn trẻ của thời 75.  Đã lâu rồi tôi chưa có được một ngày vui nhộn như thế này. Thực tình mà nói, tự  nhiên tôi đã quên hẳn tuổi tác của mình.  Tôi thì bận bịu tìm gặp người xưa trong khi ông xã tôi đang lò mò với ống kính …vậy mà lúc đầu khi tôi rủ về anh cứ khăng khăng không chịu đi, thực là dễ ghét.
 Thế rồi các món ăn thuần tuý Việt Nam đã được nhóm Ninh/Trang xếp đặt thực chu đáo và dọn sẵn trên bàn ăn.  Nào là cơm chiên Dương Châu, gỏi tôm thịt, chả giò, sôi vò, chả lụa, bánh bột lọc, bánh rán Coda với đủ thứ nước uống, cùng các loại trái cây ăn tráng miệng.  À quên có cả bia nữa chứ... Mọi người nhập tiệc.  Ai lo ăn thì cứ ăn. Ai lo nói chuyện xa xưa thì cứ nói.  Rất thoải mái và tự nhiên.  Trong nhóm làm việc cho Chương Trình Định Cư năm 1975 tôi thấy có ông Bobbie Nobles, anh Nguyễn Thành Thực, cô Anh Trần, cô Nguyễn Phương Ninh, anh Kỳ Đinh, cô Nguyễn Bích Hạnh, anh Phong Hooàng, và tôi. Nhóm thợ may của hãng Levi Strauss đứng chụp  chung hình với nhau là L. Phạm, Yến Nguyễn, Bích Liên, An Biên, Hậu Nguyễn, Sang, Giao, Thích Lê và chị Hoà Đặng.  Nhóm không quân có cặp Thành/Hoa hiện vẫn là cư dân Albuquerque; cặp Ninh/Xuân; Lộc/Bền, Tiến và bà xã từ Washington State và cô Sang từ Hawaii. Lúc này bà con vừa dùng cơm chiều vừa tha hồ mà nói cười thoải mái, chuyện nổ như bắp rang. Theo sự ghi nhận của tôi, buổi họp mặt này có tới hơn 90 người tham dự, không kể vài người tôi không biết tên cùng lớp trẻ khoảng 10 em, đứng ngồi chật ních các phòng ăn, phòng khách và ngoài sân sau vườn, cũng như ở bên hông nhà.  Ban tổ chức đã khéo chọn ngày Hạnh Ngộ vào mùa Thu, nên đã hai hôm, trời Albuquerque đẹp tuyệt… nắng Thu phớt vàng vùng sa mạc với gió hiu hiu vừa lòng khách phương xa.
  Chiếc bánh ngọt đặc biệt giờ đây đã được đem ra trình làng.  Tôi liếc mắt thấy có hàng chữ bằng tiếng Anh:  Welcome 40 Years Reunion – Albuquerque 1975-2015    đìểm bằng hai  khinh khí cầu mầu đỏ thắm bay trên bầu trời xanh giữa thành phố sa mạc. Mọi người quây quần chung quanh trong phòng ăn để lắng nghe lời tâm sự của MC Đ.Đ.Kỳ.  Phải nói ĐĐK thường thường thì kiệm lời, nhưng khi làm MC lại rất độc đáo, lời nói lưu loát, rành mạch, với lối khôi hài dí dỏm của anh làm mọi người tán thưởng vỗ tay vang dội. Những chuyện vui buồn của đời tị nạn, tên những người bảo trợ, những người thiện nguyện giứp đỡ người Việt năm 1975, v.v…đã được MC nêu ra khiến nhiều người cảm thấy bùi ngùi xúc động.  ĐĐK cũng không quên cám ơn Trang “Đầm” và Ninh “Bô” là hai nhân vật chính đã đứng ra lo liệu cho buổi họp mặt này được thành công mỹ mãn đồng thời giới thiệu hai vị khách quí trong cộng Đồng Việt Nam hiện nay tại thành phố Albuquerque là Bác sĩ Nguyên Văn Thạnh & phu nhân từ Tucumcari, một mạnh thường quân cho nhiều hội đoàn người Việt tại thành phố này.  BS Thạnh là một người đơn giản và bình dị trong mọi sinh hoạt của cộng đồng.  Chuyện trò với BS Thạnh, người đối diện cảm thấy rất thoải mái không phải dè dặt, thưa gửi, khúm núm như khi trao đổi với một người có chức phận cao.
  Thời qian thì qua mau, nhưng cuộc vui chưa trọn vẹn.  Bầu tâm sự của mọi người dường như vẫn còn đầy ắp những luyến lưụ. Đêm đã khuya, mọi người đành phải ngậm ngùi tạm chia tay và hẹn gặp lại nhau chiều mai, Chủ Nhật tại trụ sở Cộng Đồng Việt Nam tại thành phố Albuquerque, NM theo lời mời của ông Chủ Tịch Lương Thông.

  Ngày thứ năm.
  Sáng Chủ Nhật, ngày 25 tháng 10, trong khi chúng tôi ghé thăm Chùa Quang Minh và Chùa Vạn Hạnh, thì nhóm ACE khác rủ nhau đi Tramway trên đỉnh Sandia. Đây là tầu dây cáp dài nhất thế giới và chúng tôi đã đi rất nhiều lần trong hơn 30 định cư tại đây. 
  
Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi đã có mặt tại trụ sở Cộng Đồng.  Vừa từ xe bước ra đã thấy anh Luơng Thông, Chủ Tịch Cộng Đồng và cũng là Chủ nhân Quán Nửa Khuya đang lúi húi nướng thịt. Hôm nay  trông anh rất đạo mạo trong bộ vest mầu sám nhạt, vui cười bắt tay chúng tôi. Hình như lần nào gặp anh trông anh cũng rất hào hoa và lịch sự như thế.  Hiện anh là phóng viên độc quyền của Báo Bút Tre AZ chuyên phỏng vấn các nữ ca sĩ hải ngoại. Ghê gớm thật !
Đứng từ cửa nhìn suốt vào sân khấu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về cách trang trí hội quán, có thể hôm nay vì phải tiếp đãi phái đoàn khách phương xa đến nên anh chủ quán đã cho chỉnh trang hội quán thực bắt mắt.  Tôi có cảm tưởng đây không phải trụ sở của cộng đồng mà là một phòng trà văn nghệ có tầm vóc của thời xa thật xa ở Việt Nam: Một mái tranh đơn sơ phủ trên những cây kèo tre, với những tầu cau xanh mướt ẩn hiện sau nhiều song cửa nứa mộc mạc. Lá quốc kỳ mầu vàng ba sọc đỏ của VNCH hiên ngang treo trên vách tường giữa sân khấu gây sự chú ý cho mọi người. Tấm bảng  hiệu “Quán Nửa Khuya” thật bay bướm mà chúng tôi được bìết là chính tay anh đã uốn nắn bằng dây thừng  sơn trắng treo ở phía dưới mái tranh làm nổi bật hẳn lên trong ánh đèn mầu từ góc tường rọi vào.  Anh Lương Thông với bút hiệu là Hoa Thông quả là một nghệ sĩ đa tài văn thi họa.  Điều này cũng đúng thôi vì ngày còn ở Việt Nam anh đã tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, do đó từ ngày giữ chức Chủ Tịch Cộng Đồng anh đã đóng góp không biết bao nhiêu công sức để tạo dựng lên những chiếc xe hoa có giá trị lịch sử để dự thi hàng năm tại Tiểu Bang New Mexico và đem lại thắng lợi vẻ vang cho cộng đồng Việt Nam 3, 4 lần liên tiếp.  Xin khâm phục một nhân tài… 
 
BS -Ca sĩ Bích Liên với bản "Tình Ca"
Giờ này bà con đã tụ tập đông đảo trong quán và ngồi sát bên nhau ở hai dẫy bàn trắng được xếp đặt thẳng thắn dọc theo hai bên tường.  Những cuốn Magazine Bút Tre được đặt trước mặt mọi người như là một món quà của ông chủ quán tặng cho khách hiện diện đêm nay.  Không khí hội quán mỗi lúc mỗi tưng bừng nhộn nhịp hơn khi MC Kỳ tuyên bố sắp đến giờ khai mạc.  Tôi cũng lăng xăng phụ giúp chị chủ quán cắt bánh mì và bánh rán Coda để sẵn sàng khoản đãi bữa dinner tối nay.  Ngay lúc đó gia đình anh Sáu Loan, cô chú Bẩy cùng hai vợ chồng người em cũng vừa đem vào những khay ẩm thực mang hương vị Miền Nam trông thực hấp dẫn, như sôi cẩm nước dừa, bánh bèo v.v...  HO Nguyễn Như Ý nhanh nhẩu xếp đặt mọi thứ đâu vào đó.  Bác mang khay thịt gà vừa nướng ở phía ngoài vào, mùi thơm sông lên điếc cả mũi.
Không kể những người hiện còn ở tại Albuquerque mà tôi đã gặp chiều hôm qua, tối nay tôi thấy có bác Quế gái, cô chú Đa chủ nhân tiệm Bánh Mì Coda,  A/c Công, ông Bình, chị Đức, chú Sơn, ông Bẩm  và nhà thơ Khiêm Nguyễn và vài người nữa mà tôi không biết tên. Ngồi cạnh Phong/Nhung là Sencheng Loungkhot và bà xã, cặp bạn thân người Lào của chúng tôi từ 1975. Tất cả đều vui vẻ chuyện trò và niềm nở ân cần chào đón nhóm chúng tôi.
 Sau phần chào mừng và cảm tạ đồng hương của ông Lương Thông, MC ĐĐK giới thiệu người khởi xướng ngày đại hội 40 năm hạnh ngộ là Trang “Đầm” và Ninh “Bô”. Cùng lúc hai kiều nữ này đã thân tặng ông Lương Thông chiếc áo thung kỷ niệm và một số hiện kim cho hội quán giữa tràng pháo tay vang rộn của mọi người. Đồng thời Ninh Bô cũng chia sẻ nỗi cảm xúc của cô trước sự tiếp đón quá ân cần và trang trọng của ông Chủ Tịch cũng như quí vị trong Ban Chấp Hành Hội đối với nhóm người cũ chúng tôi trở  về.  MC ĐĐK nhắc lại chuyện xa xưa của người Việt tị nạn tại thành phố Albuquerque.  Nhắc đến những người Việt có công gây dựng cộng đồng từ cũ cho đến ngày hôm nay. Mc Kỳ cũng không quên nêu danh những người ngày xưa, nay đã thành công trong mọi lãnh vực khác nhau, chẳng hạn Bích Liên bây giờ là một Bác Sĩ chuyên khoa về bệnh ung thư của Phụ nữ và hiện nay BS Bích Liên đã được cả cộng đồng người Việt ở miền Nam Cali biết đến.  Hàng tuần cô thường xuất hiện trên đài truyền hình để nói về vấn đề lợi lạc y tế cho người Việt mình.  Ngoài ra, cô còn là ca sĩ chính trong Ban đại hợp xướng Ngàn Khơi. Thêm nữa còn có nhiều vị gìờ đây đã là Dược Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Sư Dại Học, Thương Gia v.v… Một niềm hãnh diện cho cộng đồng Albuquerque nói riêng và cho toàn thể người Việt chúng ta nói chung.
Trong bài viết này, từ đầu đến giờ quí vị đã nhận ra hầu hết các bạn trẻ hay cả những người lớn tuổi đã từng sinh sống tại thành phố này đều có biệt danh (nick name) do ĐĐK đặt cho.  Tối nay anh đã nêu tên vài biệt danh của từng người khiến cả hội trường cười ngả nghiêng, cười như nắc nẻ, thực vui nhộn.  Ví dụ, anh nêu ra anh Công có biệt danh là “Công Ngủ”, anh em cột chèo với chú Đa có nick name là “Lá Đa”. Trang Vũ có biệt danh là “Trang Đầm”  còn Ninh Nguyễn là “Ninh Bô” v.v… mà chính ĐĐK, một thời cũng tự gọi mình là “Tư--Đợ”. Thiết nghĩ những người của thời 75 ngày đó đều đã quen thuộc với cái tên tếu của mình đã từng được gọi.
  Sau phần ăn uống là phần văn nghệ. Mở đầu là tiếng hát ngọt ngào của Ngọc Dung từ Corona, CA với ca khúc “Saigòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc” trong tiếng vỗ tay cổ võ của mọi người. Kế tiếp là tiếng hát vút cao của Ca Sĩ BS Bích Liên mà Mc Kỳ so sánh với ca sĩ thái Thanh quả thật không sai.  Trong bầu không khi thân thiện của hội quán, tiếng hát của Bích Liên qua bài “Tình Ca” của Phạm Duy quyện vào tiếng  Organ One-Man-Band thần sầu của nghệ sĩ “Phùng Mang” Bích, nghe lúc trầm lúc bổng như xoáy vào tận tâm can mọi người.  Bích Liên còn trổ tài ca vọng cổ, cải lương thế mới độc đáo.  Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy mến cô không những về biệt tài của cô mà về bản tính bình dân, giản dị và hiền dịu của một người đàn bà Á Đông.  Cô đúng là một người phụ nữ lý tưởng trong cộng đồng người Việt chúng ta.  Phần văn nghệ tiếp nối với bài “Bánh xe lãng Tử” do Phong “Gió” trình bầy, rất sôi  nổi.  Lần lượt có nhiều đồng hương cũ có, mới có bước lên sân khấu trình diễn nhiều ca khúc trữ tình được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Trong đó có Bích, bà xã của Khang “Hoà Thượng”, Ninh không quân, Tony Bà, cô Kim, A/C Bẩy và “Công Ngủ”     Sau đó nhà thơ Khiêm Nguyễn cũng như anh Công góp vui với những bài thơ thực ướt át.  Khi phần văn nghệ nhạc sống chuyển qua phần Karaoke thì cũng là lúc nhiều người rục rịch cáo từ vì phải trở về  nguyên quán khuya nay hoặc sáng sớm mai.
     Xin một lần cảm ơn những tấm lòng nhân ái của đồng hương tại địa phương đã ân cần niềm nở, mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận những cánh chim “Tìm về tổ ấm”, tìm về bên nhau để ôn lại những kỷ niệm một thời tị nạn.  Một kỷ niệm lịch sử của 40 năm qua đi và những năm tiếp nối.  
 
Chủ Quán L.Thông, Ỷ Nguyên, Trang, Ninh
Vẫy tay vẫy tay chào nhau, một lần đầu và một    lần cuối …” Phải chăng cuộc vui nào dù có thắm thiết mặn nồng đến đâu cũng phải tàn. Thời gian có ngừng đâu bao giờ để chúng ta những người Việt ly hương vẫn còn nghĩ về nhau khi những trái Balloon muôn mầu, muôn dạng lơ lửng bay trên vòm trời Albuquerque mỗi tháng 10 hàng năm, qua rặng núi Sandia in bóng trên giòng sông hiền hoà Rio Rancho.  
  Xin hãy coi đây như hơi thở một chặng đường dài 40 năm có lẻ…

  Xin tạm biệt Thành Phố Albuquerque “An-Quốc-Kinh” cùng qúy ACE và hẹn ngày tái ngộ …nhưng chắc chắn không phải là… 40 năm lần thứ hai.
                                                                                                      

Ỷ Nguyên          .
Hình ảnh: Phạm Bá
Maryland - Mùa Lễ Hội 2015 
 (Đã đăng trong Nguyệt San BÚT TRE AZ
  tháng 11-2015)
 

Monday, September 28, 2015

Chợ Đêm Phố Thị - Little Saigon

                                                                                                                                                      
Bút ký
                                                             Một vòng Chợ Đêm 
        -                                                                                                      Phước Lộc Thọ - Little Saigòn
                                                                                
                                                                                                            Bài viết & Hình ảnh: Ỷ Nguyên - Phạm Bá

    Chiều hôm ấy…Thứ Sáu, sau một chuyến bay dài từ Miền Đông qua Cali, máy bay nhẹ nhàng đáp xuống phi trường John Wayne trong cái thoáng mát của một chiều hè nhạt nắng, chúng tôi lấy xe lái thẳng tới Đường Saigon, trước là Asian Garden trong khu thương xá Phúc Lộc Thọ để tìm thứ gì ăn lót bụng. Khu  thương xá này đối với chúng tôi chẳng xa lạ gì vì hàng năm, chúng tôi thường qua thăm gia đình ở Little Saigon nên đã quen thuộc với nơi đậu xe ở đây, do đó không gặp trở ngại gì khi tìm chỗ parking. 
Thương Xá Phước Lộc Thọ  - Little SAIGON
     Khi vừa bước ra khỏi cửa chính của thương xá,  W. 0.W. ! cảnh chợ đêm nơi đây đã bắt đầu tấp nập làm chúng tôi hơi choáng...  Từng làn khói trắng từ những lò nướng thịt tỏa lên bay mù mịt khắp khu chợ. Thoảng đã nghe được mùi thịt nướng thơm nhức cả mũi.  Trong khoảnh khắc, tôi chợt liên tưởng tới những lò thịt nướng tại chợ đêm phố cổ Hà Nội mà thấy lòng xốn xang.  Cùng lúc xập xình tiếng nhạc Boléro rộn rã từ một một sân khấu nhỏ dựng tại góc bên phải của thương xá vang lên.  One-Man-Band.- người nhạc sĩ keyboard thản nhiên dạo những tình khúc về quê hương, nghe sao thật mùi, khiến không khí buổi chợ đêm như bắt đầu được khởi sắc. Náo nhiệt thật!  Nghe nói phải đến 7 giờ tối chương trình văn nghệ tạp lục mới bắt đầu.  Các ông già bà cả đã sẵn sàng ngồi ở phía trước sân khấu Phúc Lôc Thọ đợi chờ giờ khai mạc.  Nhìn quanh, tôi thấy toàn là dân Mít mình, lâu lắm mới gặp đôi ba cặp người Mỹ tay cầm những xâu thịt nướng, đồ chiên vừa đi vừa nhấm nháp một cách tự nhiên thích thú.  Có nhiều gia đình, vợ chồng con cái, ngồi kín những dẫy bàn ăn kê sẵn trước ba pho tượng Phước Lộc Thọ.  Vui thật ! Trông người ta ăn uống tự nhiên, thoải mái làm mình cũng cảm thấy đói bụng.  Đúng là một nếp văn hoá ẩm thực đường phố Việt Nam!
Thịt Nướng
     Khu parking nhỏ trước thương xá Phước Lộc Thọ là khu Chợ Đêm. Điểm qua các gian hàng bán đồ ăn, hầu hết là món nướng: Gà nướng sả, bò nướng, thịt heo nướng, tôm nướng và đặc biệt là mực tươi nướng v.v… Từng sâu thịt ướp vàng óng đang xì xèo trên tấm vỉ sắt của chiếc lò nướng lớn bằng gas khá sạch sẽ. Mỡ nổ tanh tách, lửa chợt bùng lên… cô bé nướng thịt, một tay lật xâu thịt, né mặt sang một bên, một tay vội dụi mắt vì khói …trông rất dễ thương.  Thực khách lao xao xếp hàng đợi món ăn mình đã kêu.  Kế bên là gian hàng bán bánh đúc tầu chiên trứng, cũng khá hấp dẫn những du khách như tôi.  Có gian kê một cái bàn lớn bày đầy những cặp bánh ú, bánh giò, bánh ít, bánh bột lọc… cùng những thùng nước giải khát đủ loại.  Một tủ kính với nhiều loại chè và thức uống bầy biện rất ngăn nắp và tương đối sạch sẽ để dễ tiếp thị du khách. Tôi nhìn kỹ, nhưng không thấy món chè Cung Đình nổi tiếng của Little Saigon bày bán ở đây.  Hai cô gái trẻ, xinh xắn đứng phía trước ân cần mời mọc khách hàng.  Tôi ghé tai hỏi nhỏ: “Có phải là Chè Cung Đình không? “ Hai cô không trả lời chỉ mỉm cười và lắc đầu. Lại nữa, sát bên, gian hàng bánh cuốn cuộn nhân thịt kiểu gỏi cuốn cũng được thực khách chiếu cố tận tình. Có gian hàng mang bảng hiệu Bin BBQ & Dessert nhưng thực đơn lại là những món ăn thuần túy Á Đông như: thịt nướng, chuối nếp nướng, bắp nướng, bánh tráng nướng, khô mực nướng & nước mía nguyên chất.  Tôi thực không hiểu…Gian hàng kề cận bán phá lấu, hoành thắn, kem chiên và Hồ Lô nướng.  Món hoành thắn và phá lấu tôi biết quá rành, còn “kem chiên” và “hồ lô nướng” tôi chịu thua, chưa từng được nghe ai nói về hai món ăn lạ này! Kế đến là gian hàng bán bánh kẹp lá dứa mà bảng hiệu đề là Coconut Waffles, dễ hiểu thôi, ai cũng biết...
W.O.W ! Mực Nướng lò Gas ...
   Bước sang một khu khác, chúng tôi rất ngạc nhiên và tò mò với món mực tươi nướng của gian hàng “Đêm Sao – Grilled Squid”, như kiểu “Mực phơi một nắng”. Phải nói đây là gian hàng ăn độc đáo nhất của Chợ Đêm được du khách chiếu cố đến nhiều nhất. Từ xa chúng tôi đã thấy thiên hạ xếp hàng có đuôi trước hai lò nướng khá lớn.  Hai ông bếp  lực lưỡng đang luôn tay lật từng con mực tươi trên vỉ sắt có lẽ đã được ướp gia vị, toả lên mùi thơm đặc biệt của món hải sản. Thấy mà thèm nhỏ dãi luôn!  Một thanh niên trẻ tuổi vừa đứng thu tiền, vừa đưa món ăn cho khách hàng lại vừa luôn miệng quảng cáo món mực nướng đặc biệt của quán anh.   Một đĩa mực giá 6 dollars, trong đó có khoảng chừng hơn nửa con mực đã được cắt thành từng miếng nhỏ, bên trên có rắc ít tương ớt đỏ.

 Mực nướng này ăn với tương đỏ là đúng khẩu vị, hết còn mùi tanh nữa.  Tôi tần ngần một lát, không biết có nên mua một đĩa ăn thử hay không, phần vì ngại món ăn đường phố, phần vì chúng tôi có hẹn đi ăn tối với gia đình mấy đứa cháu.  Nhìn thấy hai cô Mỹ trắng đang chia nhau ăn điã mực nướng, tôi hơi ngạc nhiên hỏi họ : “Do you like it?  How does it taste? – “Fantastic ! – We love it”, họ trả lời một cách thành thực và tự nhiên.  Vừa lúc này ông xã tôi chợt đến, muốn tôi mua một đĩa ăn thử.  Chao ôi! Trên cả tuyệt vời! Ngon thật bạn ạ ! Mùi mực nướng cháy xém bốn cạnh, xé dọc ra, quẹt thêm một chút tương ớt cay, nhai từ từ…bạn sẽ cảm nhận được vị thơm ngon của thứ mực tươi đã được ướp gia vị. 
    Nhìn hình ảnh vỉ mực tươi nướng tại đây, bất chợt tôi nhớ đến món “Cá Thu Một Nắng” tại Đồ Sơn Hải Phòng mà chú em họ nhà tôi hôm đó mời: “Hôm nay em sẽ mời anh chị thưởng thức món “Cá Thu Một Lắng”.  Khi nghe chú em nói vậy, chúng tôi chẳng hiểu “cá một lắng” là cá gì, sau mới rõ là cá thu đã được phơi một nắng.  Người dân Hải Phòng thường nói chữ N thành chữ L nghe thực tức cười. Thực sự mà nói, cá thu một nắng đem chiên lên ăn với cơm trắng, ngon một cách gì đâu.  Cho nên mỗi lần trở lại Hải Phòng, chú em nhà tôi luôn luôn tìm cho được món cá đặc biệt này để đãi ông anh bà chị là người nước ngoài về thăm quê hương.  Chú em cho biết, đối với người dân bình thường ở Hải Phòng, ít ai dám hoang phí ăn món cá mắc tiền này. Tôi nhớ bữa ăn hôm đó ở Đồ Sơn, tôi chi ra gần một triệu (cỡ $50US) cho một bữa ăn bốn người. Có thể tôi đã bị chém …
      Chúng tôi, phần lai rai đĩa mực, phần đi loanh quanh trong khu bán đồ ăn để xem có còn những món ăn gì đặc biệt hơn không? Một gian hàng kế bên treo bảng hiệu: “Cajun Islands” nhưng menu lại để hình gỏi cuốn, chả giò, trứng luộc, thực quái đản hết chỗ nói.  Có thể họ còn có tôm hùm nướng do đó mới gọi là đồ ăn từ hải đảo (Cajun Islands).  Những con tôm hùm to cỡ gang tay, vỏ đỏ, tươi ngon nằm phơi mình trên vỉ nướng trông rất bắt mắt cho những ai thích nhâm nhi với bia. Bà chủ hàng luôn miệng mời chào thực khách chiếu cố, chỉ tiếc chúng tôi không sẵn sàng cho món ăn độc đáo này.  Đại khái khu hàng ăn bao quát là như vậy.
   Ngay giữa khu chợ đêm người ta thấy có nhiều gian hàng bán đồ chơi cho trẻ em.  Một vài gian hàng bầy bán giầy dép, ví đầm, quần áo… Có gian bầy bán đồ dùng trong bếp như nồi niêu soong chảo, đũa bát, muỗng nĩa v.v….  Có gian bầy bán đồ nữ trang mà tôi nghĩ toàn là hàng giả.  Có thể còn vài gian hàng linh tinh mà tôi không có nhiều thì giờ để ghi nhận.  Vậy chứ tôi cũng mua giúp bà hàng hai bộ quần áo ngủ bằng vải bông màu nhạt để mặc mùa đông, vừa vặn và dễ thương lắm. Quá là rẻ! có 10 dollars/1 bộ. Giá mua tại Macy’s tôi phải trả một bộ tới $50.
Nhạc Chiều Phố Thị ...
     Khoảng hơn 7 giờ, đèn khu phố thị bật lên sáng chưng. Tiếng nhạc và lời giới thiệu của cô MC đã kéo chúng tôi trở lại sân khấu của chợ đêm.  Ông xã tôi lăng xăng, chạy tới chạy lui để bấm ít pô hình lưu niệm cho chuyến đi.  Tôi tìm một chỗ đứng cạnh sân khấu để nhìn cho rõ.  Giờ đó khán thính giả đã ngồi chật hết các hàng ghế sắp trước sân khấu.  Những người đến sau như chúng tôi đành phải chịu đứng vậy.  Trên sân khấu thu hẹp dưới ánh nắng còn sót lại của một ngày hè hòa vào ánh đèn mầu rực rỡ trên sân khấu đủ để tôi thấy được dáng dấp cô MC lả lướt trong tà áo dài vàng điểm bông xanh rất nhã nhặn, mái tóc dài uốn quăn chấm ngang vai, khuôn mặt trang điểm dản dị dễ nhìn.  Cô giới thiệu tên “ca sĩ một đêm” của chợ đêm PLT, tên bài hát cùng thể điệu của bài hát.  Ban nhạc có một nhạc sĩ chơi guitar và một One-Man-Band, vậy mà âm thanh nghe sao sống động và ròn rã như một dàn nhạc chuyên nghiệp. Khi ca sĩ được mời lên hát thì dưới sàn nhẩy – là khu đất trống trước sân khấu, từng cặp từng đôi đã sẵn sàng ra biểu diễn.  Thực lạ mắt, hình như những “dân chơi” này đều có mặt trong cả ba đêm cuối tuần tại đây để tận hưởng thú “múa đôi” nên họ rất tự nhiên như nhẩy ở phòng trà.  Những bản nhạc mang điệu Rhumba, Bolero, Cha Cha Cha hoặc Slow v.v…đi vào lòng người đã được các ca sĩ trình diễn liên tục, rất ư là độc đáo.  Nghe nói, những ai muốn lên hát phải ghi tên trước 7 giờ chiều.  Trong lớp ca sĩ mà tôi được nghe hát trong tối hôm ấy có đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong cộng đồng tỵ nạn.  Nhưng có lẽ nữ giới vẫn chiếm nhiều hơn nam.  Nhiều tràng pháo tay vang rền sau mỗi bài ca như để cổ võ cho chương trình âm nhạc hè phố.
Dancing All Night ...
    Sự thành công giúp vui cộng đồng như thế nào chưa nghe ai nói tới, nhưng có một chuyện tôi phải thành thực ghi nhận ở đây là khi ca sĩ vừa chấm dứt bản “Chiều mưa biên gìới” của Nguyễn Văn Đông, một vị HO đứng cạnh nhà tôi bất chợt nói: “Buồng ghoá anh hai ơi! Nhớ hồi eng còn đồn trú trên Lê-Ku trước 75, được nghe bản nhạc này hoài…đêm nay được nghe lại ! … thấy sao mà nhớ mà thươn đời lính chiếng ghoá anh hai ạ !...”. Lời than thở chân tình này quả đã làm tôi bùi ngùi xúc động. Âu cũng là dịp ghi được một dấu ấn khó quên của một phiên Chợ Đêm Phố Thị.
     Và nếu tinh ý một chút, phiá trước sân khấu có đặt một thùng giấy với hàng chữ Donation dán phía ngoài được đặt trên một bục gỗ ngay tầm mắt của khán thính giả.  Tôi để ý, mỗi lần một ca sĩ lên trình diễn đều bỏ tiền vào thùng donation này.  Ngoài ra cũng có khán thính giả ai muốn ủng hộ đều tự ý đến bỏ tiền vào đấy.  Được biết tiền thu được là để đóng góp cho Hội Từ Thiện VietHeart Non-Profit Organization. 
      Nhận xét chung của tôi thì đây là một chương trình văn nghệ bình dân và đơn giản giúp các ông già bà cả ở gần khu thương xá PLT đến giải trí cuối tuần không tốn kém, không xa hoa mà họ còn có dịp gặp lại đồng hương quen biết.  Quả là như thế vì chính tôi cũng đã tình cờ được gặp lại một đồng nghiệp tại Toà Đại Sứ Mỹ Saigon hơn 40 năm trước đây. Hỏi sao không mừng cơ chứ ! Theo sự tìm hiểu của tôi, những người Việt sinh sống lâu năm tại California, nhất là tại trung tâm thành phố Westminster, thường không mấy quan tâm đến sinh hoạt này mà hầu như chỉ có người Việt mới qua định cư sau này hoặc du khách từ các tiểu bang khác về thăm đây mà thôi.
     Nếu biết trước có chợ đêm, chắc chắn chúng tôi đã không nhận lời đi ăn tối với các cháu để còn được chung vui cùng cộng đồng Little Saigon qua các món ăn thuần tuý Việt Nam cũng như được hoà nhập với mọi người trong bầu không khí vui nhộn và thanh bình của một chiều hè miền Cali nắng ấm. 
     Xin hẹn bạn đọc qua những ký sự lần sau nhé !

Ỷ Nguyên  &  Phạm Bá.
Maryland, Hè 2015
Đã đăng trong:
  * Nguyệt San KỶ NGUYÊN MỚI HTĐ # 173 Tháng 9-2015
     Nguyệt San BÚT TRE AZ  số Tháng 9-2015







Thursday, April 30, 2015

Trịnh Công Sơn - Người đi như nắng phai...


.                                                                                                                                                                                           
                                                     
      Trịnh Công Sơn
                                                     Dòng đời - Dòng nhạc
                                                                 (1939-2001)
                                                                                     
                                                                                                                                Phạm Bá


          Viết về "một hạt bụi lấp lánh’’ đã thắng giải Đĩa Vàng với hơn hai triệu đĩa bán ra năm 1972 ở Nhật và đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc làm thay đổi nhịp đập của trái tim thanh niên Miền Nam trong những ngày quê hương ngập tràn khói lửa, quả là một việc khó khăn. Người viết đã bao lần băn khoăn trăn trở khi đi tìm một chủ đề cho bài viết.
Viết gì đây, Dòng đời - Dòng nhạc, là hai vấn đề khó mà có thể tách rời. Biết mình không có khả năng làm công việc phê bình văn học nghệ thuật qua ca từ của ông, và nhất là về nghệ thuật cấu trúc âm thanh, người viết chỉ xin được trình bày một nhận định hạn hẹp qua những tư liệu và tài liệu thu thập được qua báo chí trong và ngoài nước.

          Vài hàng tiểu sử
          Tuy nhiên truớc khi đi vào những dòng thơ, dòng nhạc của ông, thiết nghĩ cũng nên lược qua đôi hàng tiểu sử của một ngôi sao đã vụt tắt trên nền trời âm nhạc Việt Nam từ hơn mười năm nay.
          Trịnh Công Sơn sinh ngày 18 /2/1939 tại Đắc Lắc. Thân phụ ông mất sớm. Ông sống với thân mẫu cùng bẩy người em: người em trai lớn Trịnh Quang Hà và các em Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Vĩnh Trinh ...Ông là người con có hiếu với mẹ và xứng đáng là anh cả của các em. Người ta đồn rằng các khoản thu nhập do các sáng tác của ông đều được đưa về cho mẹ già nuôi các em ăn học. Do đó các em ông luôn luôn kính phục ông trong cái vị trí của một người "quyền huynh thế phụ’’
Tại Phòng Trà An-Nam Saigon, May 2011

Sau khi đậu Tú Tài I, ông tiếp tục học thi Tú Tài II thì thân phụ ông qua đời, khiến hoàn cảnh gia đình lâm vào bế tắc, ông phải bỏ học, thi vào Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Ra trường ông được bổ đi làm giáo viên ở một vùng quê ở Lâm Đồng. Khi tới tuổi động viên, ông lại được hoãn nhập ngũ ba khóa K-19, 20 và 20-phụ Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vì không đủ điều kiện sức khoẻ. Lý do là ông đã dùng quá nhiều thuốc tiêu mỡ xuống cân "Diamoc’’. Hồi đó ở Huế ông đã nổi danh là "Vua Diamoc’’. Tuy nhiên, ông bị gọi nhập ngũ khóa 21 SQTBTĐ và phải trình diện TrungTâm Nhập Ngũ Số 1 Đà Nẵng. Ông bỏ trốn luôn.
          Người ta chỉ biết có thế.
          Về đời sống tình cảm của ông, cũng như bao nhiêu nghệ sĩ khác, người nghệ sĩ phải có tình yêu, không có tình yêu chắc không thể nào sáng tác được. Nhưng không phải cứ có bao nhiêu sáng tác là phải có bấy nhiêu cuộc tình. Tình yêu đối với ông quả đã có nhiều tiếng đồn vì chẳng ai biết rõ. Xin mời bạn đọc nghe ông tâm sự qua một trang nhật ký tuổi 30: "Tuổi ước mơ làm người lớn đã đi qua. Đi qua với một số kỷ niệm buồn vui không nhớ rõ. Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm đối với thành phố này’’...
Như muốn chia sẻ nỗi đau đớn của cuộc tình, một nhà thơ đã viết về ông:
"Trong nỗi nhớ mênh mang tôi đã hiểu
TìnhYêu không hẳn là Tình Yêu"
Có một lần, ông Lý Qúi Chung, cựu dân biểu VNCH, hỏi TCS có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ? Ông trả lời: "Có một lần thoáng qua lúc mình còn trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy những ông chồng nghệ sĩ bấp bênh’’. Có lẽ vậy mà trong một tình khúc, ông đã than, "Tình yêu như trái phá, con tim mù loà’’. Cuối cùng ông để lại một tư tưởng rất triết lý về tình yêu: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây Thập Gía Đời".
          Mãi sau này trong một cuộc gặp gỡ với báo chí trong chương trình ca nhạc "Chiếc Lá Thu Phai’’ để tưởng niệm ông tại Huế (23-11-2003), khi được hỏi về chuyện tình duyên của ông, cô em gái - Trịnh Vĩnh Trinh cho biết: "Mối tình đầu của anh là một cô gái gốc Việt sống ở Pháp, người thứ hai là cô gái Nhật Bản, cô từng làm luận án Tiến Sĩ về anh Sơn. Người thứ ba thì nhiều người biết, đó là Á Hậu Vân Anh. Cô ấy rất dễ thương, buồn nỗi hai người không đi đến hôn nhân’’ (VN Express).
          Nhưng chưa hết đâu ...
Mãi qua tới số Báo Xuân Tân Mão (2011) của Saigon Tiếp Thị, người mến mộ mới được biết đến di bút hơn 300 lá thư tình của người nhạc sĩ tài hoa này gửi Ngô Vũ Dao Ánh - Người Tình Đầu Tiên của ông, như những đoản văn đầy chất thi ca lãng mạn bên cạnh một đời sáng tác của ông. Và qua bản nhạc Xin Trả Nợ Người, được ông sáng tác vào đêm Mùng 3 Tết năm ấy với dòng chữ vội vàng đề tặng Dao Ánh: "Nỗi buồn xin lỗi bàn tay. Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình ...’’

          Ngày xưa, người viết chỉ biết đến ông qua những ca khúc đã một thời làm ngây ngất tuổi đôi mươi và một đôi lần qua ánh đèn mầu sân khấu Quán Văn. Mãi đến năm 1999, nhân một chuyến về thăm Saigon, người viết mới được đối diện với ông trong quán Givral. Đâu có ai ngờ rằng đó là một thiên tài âm nhạc trong một thân hình hom hem đến thế. Ông đội chiếc mũ phớt bằng vải kaki đã lạt mầu sờn cạnh qua cập kính cận quen thuộc - kính to hơn người, cố đấy cánh cửa kính nặng nề bước vào bàn kế bàn của tôi và gọi một ly cam vắt. Tôi hơi nghiêng đầu mỉm cười chào ông. Ông mỉm cười đáp lại. Chỉ có thế thôi. Và vài ngày sau tôi đi dự đêm nhạc Từ Huy với chủ đề "Tình yêu của Tôi’’ tại Nhà Hát Bến Thành Trung Tâm Văn Hoá Quận I (đường Mạc Đĩnh Chi cũ) với ca sĩ chính là Hồng Nhung - cô Ca sĩ Bắc Kỳ có đôi răng khểnh.
          Người Dẫn Chương Trình đêm ấy là nhà thơ Đỗ Trung Quân. Mở đầu chương trình là phần cảm tạ của ban tổ chức và trao tặng hoa cho những người đã đóng góp vào việc dàn dựng chương trình. Theo đó nhạc sĩ TCS là người được đề cập trước tiên nhưng ông đã không thể đáp lại lời mời của MC vì ông qúa mệt mỏi không bước nổi lên sân khấu để nhận hoa...mà chỉ đứng tại chỗ, phất tay cảm tạ ban tổ chức và khán giả mến mộ.  Theo tôi được biết, trong khoảng thời gian này, ông đã thường xuyên ra vào bệnh viện vì các chứng bệnh tiểu đường, cao áp huyết do rượu gây ra cho thân xác ốm gầy của ông. Cuối cùng rồi như một "Chiếc lá thu phai’’, định mệnh khắc nghiệt đã không cho ai sống đến tận cùng của niềm vui và khát vọng, ông đã về với "Cát bụi’’, khép lại hẹn hò từ trưa ngày 1-4-2001 tại 47 C Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) Saigon.

          Những sáng tác
          Trịnh Công Sơn quả là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác ở vào một giai đoạn đau thương của đất nước. Ông đã cho xuất bản nhiều ca tập: Ca khúc Trịnh Công Sơn (Thần thoại quê hương, tình yêu và thân phận), Ca Khúc Da Vàng vào cuối năm 1966, 1967; Kinh Việt Nam (1968), Ta phải thấy mặt trời (1970), Cỏ xót xa đưa, Như cánh vạc bay, Khói trời mênh mông, Lời đất đá cũ ...tất cả hơn 600 ca khúc trong suốt một đời sáng tác của ông mà tạm thời, người ta có thể chia dòng nhạc TCS thành 4 đề tài chính: Tình yêu, Chiến Tranh và Hoà Bình, Triết lý về thân phận con người và Tình yêu quê hương.
          Ở giai đoạn đầu sáng tác, là một dòng nhạc trữ tình với giai điệu êm đềm như muốn ngừng lại ở tim người nghe. Người ta bảo rằng cảm tác đầu đời của ông là bản Ướt Mi và Thương Một Người. Nhưng sau này những người yêu mến nhạc của ông ở trong nước nói là những tình khúc buổi ban đầu cuả ông được phổ biến trong đám bạn bè và hồi đó đã được ca sĩ Hà Thanh - giọng oanh vàng số 1 của đất Thần Kinh trình bày trên Đài Phát Thanh Huế (đầu Cầu Tràng Tiền) là bản Sương đêm, Chơi vơi ...Những bản nhạc này chưa từng được ấn hành và nay đã bị thất lạc. Tới năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở Jean Jacque Rousseau Saigon, tình khúc Ướt Mi chào đời mang đậm nỗi buồn xứ Huế và được Ca sĩ Hà Thanh và Thanh Thúy trình bày trên các làn sóng điện Huế và Saigon, khiến giáo sư Nguyễn Văn Trung đã phải viết lên một tiểu luận mang tựa đề "Ảo ảnh Thanh Thúy’’. Một năm sau, ca khúc Thương Một Người viết về bóng đêm ôm ấp giọng hát liêu trai giữa thành phố Saigon hoa lệ - ban đêm là không gian của những kiếp người lầm lũi, là thời gian của đèn mầu và chén đắng tình yêu. Cũng trong giai đoạn này, "nhạc vàng’’ cũng được phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhạc phẩm có gía trị ca ngợi tình yêu tuổi đôi mươi. Ban đầu là những cuộc "tình xanh’’, hiền lành dễ cảm, rồi tiếp đến là những "tình lỡ’’, "tình sầu’’ ... "Em ơi nếu mộng không thành thì sao...’’ cho những cuộc tình tuổi trẻ đã sớm vụt cánh bay đi. Cùng lúc tiếng súng Cộng quân mở đầu trận Ấp Bắc Mỹ Tho (Ngày 2-1-1963) như đã làm tan biến đi những ngày tháng thanh bình ở Miền Nam, khiến nhiều bàì hát ca ngợi người chiến binh Cộng Hòa cũng xuất hiện song song với những bài du ca mang âm điệu đấu tranh của một số nhạc sĩ trẻ trong giới sinh viên Saigon thời đó.
          Năm 1959, người nhạc sĩ du ca TCS tạm gĩa từ cái huyên náo của thị thành để trở về mảnh đất của những tà áo tím tóc ngang vai và nhận ra một hình bóng trong Diễm Xưa bất tử - 1960. Ca khúc này cho đến nay đã qua bao cuộc đổi đời vẫn mang những hình ảnh, âm thanh có sức cảm thụ nhạy bén trầm sâu vào nội tâm người nghe. Rồi "Nhìn những Mùa Thu Đi, Biển Nhớ"...vang dậy trong các phòng trà ca nhạc Saigon hồi đó. Lớp tuổi thanh niên biết đến ông nhiều tại Quán VĂN. Người ta đến để uống ly cà phê và nghe tiếng hát của người con gái da vàng Khánh Ly. Cuộc trùng phùng Khánh Ly - Trịnh Công Sơn bắt đầu từ đấy. Tuy nhiên, cũng xin ghi nhận thêm là ca sĩ hát nhạc TCS tại nhà hàng Văn Cảnh trước Khánh Ly là Lệ Thu. Nhưng có lẽ Lệ Thu không mấy có duyên với thời điểm của nhạc TCS mặc dầu chất giọng của cô đã là độc chiêu "hạ’’ cô ca sĩ lai Pháp Tiny Young phải gĩa từ Saigon trở về Pháp Quốc. Và Lời Buồn Thánh - nhạc phẩm mang nặng nỗi cô đơn hoang vắng, niềm đau đớn rã rời trong cảnh chia xa...như bản Sombre Dimanche (Chủ Nhật Buồn) của Pháp. Nhạc TCS đã được Khánh Lý chắp cánh cho bay từ đấy. Dù cho nay người viết đã chồng chất tuổi đời ... thời gian chỉ như một chút nắng chắt chiu còn lại trong ngày, mà mỗi lần âm thanh ngày ấy vọng về ...vẫn nghe như đời còn rạo rực mong chờ những bước chân quen...
          "Chiều Chủ Nhật buồn
          Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi! Tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,
          Trời mưa trời mưa không dứt
          Ô hay mình vẫn cô liêu...’’

Trong tình yêu người ta vần cần đến "mưa’’ để làm dịu đi những cơn đau dài ...mà "mưa’’ trong nhạc TCS như một niềm ray rứt khôn nguôi...
          "Có khi mưa ngoài trời
          Là giọt nước mắt em
          Đã nương theo vào đời
          Làm từng nỗi ưu phiền ...’’
                             (Ru đời đi nhé)

          Chục năm trước đây, Hội Thân Hữu Những Người Yêu Huế ở Hoa Kỳ, đã tổ chức một chiều âm nhạc thính phòng do Tiến Sĩ Cao Huy Thuần làm MC, đã dẫn đưa người nghe đến tận cùng những cung bậc buồn day dứt của TCS qua tiếng hát Thanh Hải. Ca từ trong nhạc TCS là những lời thơ, khác thường, độc đáo, sâu đậm... Chất thơ đầy ắp trong nhạc TCS. Cảnh, tình và người trong lời nhạc TCS là cảnh Huế, tình Huế và người Huế. Nguồn thơ từ Huế mà ra. MC không nói đến cái gì khác ngoài chất thơ trong ca từ của TCS.
          Mưa !!! Vâng, cái Mưa ở Huế thật buồn bã, Mưa lê thê. Mưa dầm dề ngày nay qua ngày khác. Mưa tới sáu tháng liền. Tôi đã sống ở đất Thần Kinh những ngày đất nước còn thanh bình, vui reo tiếng trẻ. Tôi cảm thông cái buồn nhưng thơ mộng làm sao của những ngày mưa trên đất Huế !
Mưa thì thầm như tiếng gọi người yêu !
"...Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang. Từng ngón tay buồn, em mang em mang. Đi về giáo đường. Ngày Chủ Nhật Buồn ..."
                                      (Tuổi đá buồn)

          Trong nét yêu kiều của người con gái Huế, không thể nào không nhắc đến cái dáng hao hao gầy trong nhiều tình khúc của TCS ...

"Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai ...’’
                             (Còn tuổi nào cho em)

          Rồi đến Lời Buồn Thánh, cái vóc dáng hao gầy của người con gái ấy như vẫn mãi mãi rong đuổi TCS:

"Ngày Chủ Nhật buồn, còn ai còn ai
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài, lời ru miệt mài...’’

Và còn buồn hơn, là cái gầy trong ánh xanh xao của Diễm Xưa nghe thật da diết:
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao ...’’

Hay:
"Lụa nắng cho buồn vào mắt em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền...’’
                                      (Nắng thủy tinh)

          Rồi vào một ngày nào đó, người yêu dấu đầu đời vừa mảnh mai, kiều diễm trong Diễm Xưa, sau một ngày rong chơi triền suối mát, TCS đứng trên bờ cao, nhìn xuống thoáng thấy mấy sợ tóc em bồng bềnh trên hai bờ vai nõn nà hở cổ. Nếu dìễn bằng văn suôi thì chắc chỉ có thế. Nhưng ở đây TCS đã diễn tả cái cảnh, cái tình đó bằng thơ bằng nhạc:

"Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai’’
                   ...
"Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u ...’’

Thật là tuyệt vời !
Khi cuộc chơi chấm dứt, người bạn gái trở lại ánh đèn phố thị, người nghệ sĩ đứng giữa trời ngẩn ngơ, nuối tiếc:
"Nơi em về trời xanh không em  ...
Ta nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh.’’
                             (Như cánh vạc bay)
          Như một nhà thi sĩ, hơn thế nữa, là một họa sĩ, TCS lại thêm một lần ngẩn ngơ đứng trên bờ nhìn xuống không những thấy dáng đẹp nõn nà của bờ vai, mà còn một vẻ đẹp trên một dòng suối chẩy vẫn là đôi vai gầy muôn đời của những cô gái Huế:
          "Vai em gầy guộc nhỏ ...
          Như cánh vạc về chốn xa xôi ...’’

          Ôi!... đếm bao nhiêu thời gian nữa, dùng bao nhiêu trang giấy mới dẫn hết những lời thơ này. Ông quả là một nhà thơ lớn. Nhạc chỉ là một phương tiện chuyển tải thơ ông đến người mến mộ.

Ỷ-Nguyên tại Phòng Trà An-Nam Saigon, May 2011

          Nhưng đã hết đâu ...
          Trong những nỗi cô đơn đầy linh cảm xót xa, đầy những mất mát của tuổi đôi mươi:
"tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay’’, trong tiếng đại bác đêm đêm vọng về thành phố, ý thức phản chiến trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 65, 66 khi tiếng hát của người nghệ sĩ cất lên trong các giảng đường Đại Học Saigon và Huế trước hàng ngàn học sinh sinh viên đang cuồng nhiệt trong một tâm trạng như muốn đi tìm một kích thích ma túy...Nhạc Miên Đức Thắng, nhạc Tôn Thất Lập cũng trở nên một thứ âm nhạc đấu tranh cùng thời điểm. Nhưng cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một hiện tượng TCS từ đó. Những ca khúc của ông được thu băng cassette, in Roneo truyền tay cho bạn bè thân hữu hát. Vào thời điểm Tết Mậu Thân, quân nhân chúng tôi bị cấm trại 100%, nhạc của ông vang vọng tới tận tiền đồn biên giới. Chính tim mình đã đôi lần loạn nhịp vì một thứ ngôn ngữ âm nhạc chất chứa những hình ảnh lạ lùng, khó hiểu; những hình tượng rất mới gây được nhiều ấn tượng cho người nghe... Hình như ông chỉ muốn dùng âm nhạc để nói lên niềm xúc động sâu xa của mình trước thời thế lúc đó và khi cuộc chiến mỗi ngày một gia tăng, nhạc của ông lại càng thấm đậm vào tâm hồn người nghe như mưa dầm thấm đất. Ý nghĩa thông thường của từ "phản chiến’’ chỉ có nghĩa là không tán thành cuộc chiến. Không mấy người nghệ sĩ chân chính nào lại cổ võ cho chiến tranh. Ở đây, "không tán thành’’ còn có nghĩa là đồng cảm, là chia sẻ với những người đang phải gánh chịu những mất mát, những chia lìa chinh chiến:

"...Hàng vạn chuyến xe Claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em.’’
                             (Đại bác ru đêm)

          Trong hầu hết các nhạc phẩm của ông, ông đã xử dụng điệu Blue buồn và nghẹn ngào, với nhịp nói kể Recitativo rã rời, bải hoải nhưng đơn giản và bình dân như muốn níu kéo mọi người sát lại gần nhau. Ông đã biến cái cảm nghĩ đau thương của chính mình thành cái đau thương của mọi người. Chúng ta hãy nghe một lời than thở:

"...Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè, ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương,
còn có ai không còn người.
Ôi nhân loại mặt trời và em tôi này đôi môi xin thương người. Ôi nhân loại mặt trời trong tôi...’’
                             (Xin mặt trời ngủ yên)

          Những bài nhạc phản chiến
          Trong số hơn 600 nhạc phẩm của ông chỉ có khoảng 60 bài hát thực sự được xếp vào loại nhạc phản chiến. Nhưng chính số lượng ít ỏi này đã trở thành hào quang cho một đời sáng tác của ông. Những ca khúc phản chiến nổi tiếng của TCS như "Ca Dao Mẹ’’, "Ta đã thấy gì trong đêm nay’’ và nhất là bản "Ngủ đi con’’ trong tập Ca Khúc Da Vàng:

"Con ngủ, ngủ đi con
Đứa con của Mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai mươi năm
          Đàn con đi lính, đi rồi không về
          Đứa con da vàng của Mẹ
          Ngủ đi con ...
          ...sao ngủ tuổi hai mươi...’’

          Nhưng bên cạnh những ca khúc mà nhiều người nói đã làm nhụt nhuệ khí chiến đãu của quân dân Miền Nam, cũng có một vài bài lên án những hành động sát máu của Việt Cộng như trong vụ ám sát sinh viên Ngô Vương Toại trong một đêm văn nghệ ở Đại Học Văn Khoa Saigon qua nhạc phẩm "Anh nhân danh ai’’ hoặc bài "Ngụ ngôn của Mùa Đông’’:

                    "Một ngày mùa Đông
                   Trên con đường mòn
                   Một chiếc xe tang
                   Trái mìn nổ chậm’    
                   Người chết hai lần
                   Thịt da nát  tan ...’’

Như một thông điệp báo hiệu cho một cái nhìn về chiến tranh, được chính tác giả giới thiệu trước một số đông sinh viên ở Đại Học Văn Khoa. Ông sáng tác nhạc phẩm này khi nhìn thấy một đám tang đi trên đường làng đạp phải mìn. Đĩ nhiên phải là mìn của Việt Cộng. Mìn nổ...Chiếc hòm vỡ tung...Xác văng ra ngoài... Người chết lại chết thêm một lần nữa.
          Cũng trong cái đau đớn chiến chinh này, Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương, người bạn của TCS tử thương trong cuộc chiến Tết Mău Thân ở Saigon và TCS đã khóc người bạn thân này như một mất mát đời đời:

"Anh nằm xuống sau một lần vào viễn du.
Đứa con xa đã tìm về nhà, đất hoang vu khép lại hẹn hò ...’’
                   (Cho một người nằm xuống)

Sau năm 1975, ông sáng tác nhiều nhạc phẩm mang nặng chất Thiền khi cảm nhận được cái thuyết vô thường của Nhà Phật, tiêu biểu là bài "Ở trọ’’, xem trần gian là một nơi ở đậu:

"Con chim ở trọ cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời...’’

Ông còn đi xa hơn nữa trong cái xã hội mới vẫn mịt mù tăm tối. Những "cánh vạc ăn sương’’ tưởng như sẽ biến mất trong ánh sáng ban ngày của "chủ nghĩa ...’’(?), nhưng chim vẫn không thể bay đi, chim vẫn kéo nhau về những tụ điểm thị thành để kiếm sống:
"Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng
Giấc mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đến
Một đời em mãi lang thang, lòng lạnh bao giữa đau thương
Em về đâu hỡi em, hãy lau khô dòng nước mắt
Đời em gọi biết bao lần
Đời gọi em về giữa yêu thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
Trả lại nắng trong tim
Trả lại thoáng hương thơm
... một cành hoa giữa tâm hồn’’
                   (Đời gọi em biết bao lần).

          Trong xã hội mới này, nguồn sáng tác nhạc của ông cũng cạn dần, ông quay sang hội hoạ như ông đã từng thổ lộ:’’Khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì mầu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi. Hội họa là cõi trú thứ hai của tôi, bên cạnh âm nhạc’’.Tranh của ông được bán ở Pháp và Canada. Một nhà văn đã có nhận xét về tranh của ông:’’Mơ mộng và hư ảo, thế giới tranh của họ Trịnh là cuộc hội hoạ lý thú của mầu sắc và âm thanh ngọt ngào, đầy huyễn tượng. Dư âm nhạc trữ tình, giàu chất triết lý, cùng ký ức và tâm sự của đời sống nhạc sĩ lảng vảng trong không gian trừu tượng’’...
(VNExpress). Tuy nhiên, thế giới đón nhận tên ông qua các ca khúc phản chiến trong thời kỳ đầy ắp những bom đạn hơn là hội họa.

Dư luận trong & ngoài nước
          Hơn 600 bản nhạc trữ tình và phản chiến mà chỉ nêu ra có bấy nhiêu thôi thì đâu đã nói lên được hết những gì muốn nói. Nhưng tạm thời người viết xin gác những dòng nhạc qua một bên để tìm hiểu thêm về khía cạnh dòng đời của người nhạc sĩ.

          *Qua báo chí trong nước, và trưa ngày 30-4-1975, trong lúc người dân Saigon còn đang bàng hoàng, ngơ ngác, khiếp sợ khi tăng pháo Cộng quân đang ủi sập cổng chính Dinh Độc Lập thì nhạc sĩ TCS và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Cầu lên Đài Phát Thanh Saigon hát bài Nối Vòng Tay Lớn kêu gọi mọi người cùng nhau xây dựng đất nước:
"Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà ...’’
                             (Kinh Việt Nam)

Phải chăng đây là một minh chứng cho thái đô chính trị và tinh thần cơ hội của ông? Người ta đã lên án ông. Phản chiến, thân Cộng ? Phải chăng nhạc của ông là kẻ nội thù đã góp phần vào việc làm băng hoại ý chí chiến đấu của quân dân Miền Nam trong cuộc chiến chống CS xâm lăng?      
          Tuy nhiên rất nhiều người đã cố bênh vực ông. Nhưng hình ảnh của ông sau ngày binh lửa, đã không mấy được niềm nở tiếp đón ở một số hội đoàn hải ngoại nhất là ở Hoa Kỳ mặc dầu thế giới âm thanh TCS vẫn ngự trị trong rất nhiều gia đình người Việt tỵ nạn.

          *Vào khoảng giữa thập niên 1980, ông là nhạc sĩ duy nhất còn lại của VNCH cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn Hóa Liên Xô mời tham dự Đại Hội Thanh Niên tại Moscow. Và nhạc phẩm "Em ra đi nơi này vẫn thế...’’ ra đời. Sau năm 75, hang triệu người đã phải chốn chạy CS, cớ sao Saigon vẫn thể? Sự kiện này đã làm nhức nhối nhiều đồng bào VN ở hải ngoại khi cuộc hành trình vượt biên đầy hãi hùng khiếp sợ còn đang ám ảnh, khi vết thương mất nước còn đang thời kỳ mâng mủ.
         
          *Trong một bài phỏng vấn Giáo Sư Tuệ Chương, một người không sinh trưởng tại Huế nhưng là giáo sư đã dạy học các em của TCS cho biết ..."Có lần họp mặt bạn bè, TCS đọc bức thư của Lê Duẩn gửi thăm, TCS đọc cho mọi người cùng nghe. Võ Văn Kiệt cũng thân với TCS, gọi thân mẫu TCS  bằng mẹ, cho TCS nhập hộ khẩu ở Saigon. Căn nhà 47 C Phạm Ngọc Thạnh cũng được Võ Văn Kiệt ban cho TCS.’’ Và ông đã qua đời tại đây. Cũng trong bài phỏng vấn này, GS Tuệ Chương đã có một kết luận rất "độc’’ về TCS: ’’Tôi thấy trường hợp TCS na ná như Phạm Quỳnh. Nói tới Thượng Chi thì ai cũng khen.- Thượng Chi Văn Tập - là tác phẩm hiếm qúi trong văn học, nhưng dù không đồng ý với Cộng Sản việc họ giết Phạm Quỳnh, chúng ta không thể không phê phán việc Phạm Quỳnh theo Tây. TCS cũng vậy. Không thể phủ nhận thiên tài của ông. Tôi nghe nói một nữ học gỉa người Nhật tới Saigon để nghiên cứu về những ca khúc của TCS. Nhưng về tư cách hoạt đầu, ngụy ái quốc, khoe khoang quen biết với các ông lớn thì tư cách đó không ai khen được. Chê thì đúng hơn. Phạm Quỳnh theo Tây để có chức Thượng Thư. TCS theo Cộng Sản để có nhiều thứ. Không phải hễ có thiên tài là có đạo đức, có tư cách hay ngược lại. Học và Hạnh hai cái nhiều khi không đi đôi.’’ - (Báo US Việt Time tháng 9-2003)

          *GS Lê Văn, cựu Chủ Biên Chương Trình Việt Ngữ của đài VOA là người đã phụ trách mục Âm Nhạc Việt Nam ở hải ngọai cho đài này từ 1976 đến 2001, đã có nhận xét về nhạc TCS: "Ở Miền Nam Việt Nam trong thập niên 60 và 70, nếu có một số những bài hát mang âm điệu tủi thân, ẻo lả, trống rỗng và băng hoại như ông ...mô tả thì đó chính là những "Ca khúc da vàng’’ của TCS. Tôi không biết ông nhạc sĩ họ Trịnh này có tự xếp mình  trong hàng ngũ những người sáng tác nhạc dưới chính thể Cộng Hòa hay không, nhưng chắc chắn ông không hiện diện trong dòng nhạc mà tập thể tị nạn sáng tác ở hải ngoại.’’ - (Báo Ngày Nay số 514 ngày 1-11-03 tại Texas)

          *...’’Một vài thân hữu khác lại nhắc về chuyện họ Trịnh từng khoe bài hát của ông được Thanh Niên Xung Phong thích hơn cả những bài hát của các nhạc sĩ Miền Bắc. Cũng có người nhắc đến bài hát ông Sơn làm về đường dây điện cao thế Bắc Nam của Võ Văn Kiệt, sau khi được VVK cứu khỏi bị đày ải nơi vùng kinh tế mới.’’ - (Báo Người Việt HK tháng 4-2001).

          Nhưng các cụ chúng ta ngày xưa thường nói: "Chỉ đâu giăng được ngang trời, tay đâu bịt được miệng người thế gian.’’, nếu có người buồn phiền, ghét bỏ, chê bai, kết tội ông, thì cũng chẳng thiếu gì người bênh vực, khen ông. Sau đây là những ý kiến tiêu biểu mà người viết thu thập được:

          *Họa sĩ Trịnh Cung (VN), một bạn thâm tình của người nhạc sĩ quá cố từ thủa còn 17, 18 tuổi phát biểu trong một buổi tưởng niệm TCS ngay sau ngày ông mất tại tòa soạn báo Người Việt tại HK: " TCS là một nhạc sĩ mà cả cuộc đời là một bi kịch, một nhạc sĩ cô đơn, một nhạc sĩ có tài nhưng sống trong quạnh quẽ, tuyệt vọng và bất an cả đời. Cuộc đời ông là một bi kịch thu nhỏ trong một bi kịch lớn của đất nước. TCS là một nghệ sĩ đi giữa hai lằn đạn nên ông chỉ còn có một nơi trú ẩn là sự quạnh quẽ của mình và tình thân với một số bạn bè’’.

          *Trong nhạc phẩm ‘’Gia tài của Mẹ’’, TCS đã gọi cuộc chiến vừa qua là cuộc "nội chiến’’:
"Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu. Một trăm năm nô lệ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày ...’’ Điều này đã khiến cho Lê Hiếu Đằng, lúc đó là Tổng Thư Ký Mặt Trận Tổ Quốc Saigon, từng tuyên bố là khi nắm được chính quyền sẽ xử tử TCS về tội đã gọi cuộc "chiến tranh chống Mỹ cứu nước’’ là cuộc nội chiến. Vì thế, sau 1975, TCS đã phải ẩn về Huế và sau đó ông đã phải trải qua mấy năm đọa đầy trong vùng kinh tế mới Khe Sanh.

          *…"Trịnh Công Sơn không của riêng ai. TCS là của mọi người. Anh ấy là một nửa trong đời sống của tôi. Những ca khúc của anh cứ đi thẳng vào tim tôi rồi ở lại đó. Ca khúc của anh và người nghe đã trở thành tâm giao chẳng thể chia lìa ...ngọt ngào êm ái xuyên vào tim tôi ...
Vì sao tôi yêu những sáng tác của anh? Tôi sẽ không đủ sức ngợi khen như nhiều người đã làm bởi tôi đơn giản lắm. Làm sao hiểu được vì đâu...con chim hót trên những cành lau... nụ cười mong manh, một tâm hồn yếu đuối ấy lại có thể nặng lòng với quê hương, gia đình và bằng hữu đến vậy. Anh chính là tấm gương soi cho tôi nhìn lại rõ mình, tìm lại được chính mình từ những mất mát. Tôi đã được chia sẻ, được an ủi ngay cả trong giây phút phân ly...’’
Tự sự của Ca Sĩ Khánh Ly, (www.Saigonnet.vn)

          "... Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này...Ngoài những ca khúc đi vào tình nhớ, tình xa, tình sầu ... với cơn chết lịm, với nỗi muộn phiền và niềm xót xa trong cảnh cô đơn mà ta đã biết, nhạc Trịnh Công Sơn phản đối nghịch cảnh bằng cách khác. Nhạc anh đi vào quê hương bằng bước chân của người con gái da vàng, của em bé lõa lỗ suốt đời lang thang ...
          Sống cùng thời với những người đi vào quê hương qua nhiều nẻo đường, Trịnh Công Sơn cũng nhận diện lại quê hương. Đi tìm quê hương, phải sống những ngày dài trên quê hương thì phải hát bài quê hương, phải nhỏ nước mắt cho quê hương khi thấy quê hương hình hài nát dấu bom với xác người chết hai lần ... Phải gặp những người tình có người yêu chết trận Pleime hay chết ở chiến khu D, gặp thêm người già em bé, chị gái anh trai, người phu quét đường, đồng hóa họ là người nô lệ da vàng ngủ im trong căn nhà nhỏ chờ ngày quê hương sáng chói, đứng dậy hò reo, chờ hoà bình đến tiếng bom im, cho những bước đi trên những con đường không chông mìn, cho đường giao thông chắp nối chuyến xe qua ba miền, ngày Thống Nhất tới cho những tình thương vô bờ.
          Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ, dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính: Trịnh Công Sơn muốn nói lên nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và cũng như bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này - anh chống bạo lực và chống chiến tranh’’ (Phạm duy - Hồi Ký Thời Phân Chia Quốc Cộng).

          Và cũng trong ngày an táng TCS tại Saigon, nhạc sĩ lão thành Phạm Duy cùng bạn bè trong đêm họp mặt tại Thị Trấn Giữa Đàng - Midway City, California, đã nghẹn ngào:’’Hôm nay là ngày an táng TCS. Vào giờ phút anh đã thực sự về với đất, với trời, nghĩa là về với mình rồi, chúng tôi biết rằng anh đã nghìn lần nói lên nghìn lời trối trăn qua tác phẩm, lời nào cũng làm cho mọi người thấy được nỗi đau làm người, nỗi đau tình cờ, cơn đau chưa dài và cơn đau lên đầy, quá nửa đời người không một ngày vui ...’’
          Trong một buổi mạn đàm giữa TCS và nhà văn phản kháng Vũ Thư Hiên (tác giả Đêm Giữa Ban Ngày) sau 30-4-75,  VTH hỏi TCS tại sao ông không đi ra nước ngoài, mà ở lại để sống trong kìm kẹp. TCS trầm ngâm:’’Mình có nghĩ tới chuyện đó chứ. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì chết. ’’Cũng trong lần gặp gỡ ấy TCS nói:’’Mình nhiều lúc ngả lòng, nhất là khi mình thấy người ta chẳng hiểu gì về mình, chửi bới mình, hành hạ mình. Đến nỗi muốn thỏa hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được. Nghệ sĩ không thể thỏa hiệp với cái Xãu, cái Ác. Có thể tạm lùi bước, nhưng thỏa hiệp thì không bao giờ ...’’
          Vào đầu năm 2000, khi cô đào phản chiến Jane Fonda đã lên tiếng xin lỗi các cựu chiến binh Hoa Kỳ về những lời tuyên bố và hành động chống chiến tranh Việt Nam trước đây của cô thì cùng lúc nhà nước CSVN chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng Miền Nam, nhạc sĩ TCS cũng hòa nhịp vào dòng văn chương phản kháng trong nước khi ông tuyên bố:’’Nước Việt Nam đã là sân banh cho các cường quốc giao đấu chứ chẳng phải là nơi diễn ra cuộc đãu tranh oai hùng để dành độc lập như nhà nước CSVN đã vẽ ra’’ (Báo Người Việt - Hoa Kỳ)
          ‘’Không phải dòng nhạc phản chiến của TCS được nhà nước CS Việt Nam o bế, đón nhận tất cả như nhiều người lầm tưởng. Tháng 4/2003, một đại nhạc hội đã được dàn dựng công phu mang chủ đề "Trịnh Công Sơn - Hòa Bình cho Tình Yêu’’ gồm 28 ca khúc của ông, đáng nhẽ đã được tổ chức vào năm 2001. Nhưng đã không thể thực hiện được đúng thời điểm, khiến bây giờ, hai năm sau ngày TCS mất, chương trinh mới được phép thực thiện bốn đêm (từ 10 đến 13-10-2003) tại sân khấu Câu Lạc Bộ Phan Đình Phùng qua những nhịp cầu âm thanh của các ca sĩ "ngôi sao’’ trong nước nhưng rất tiếc nhiều bản đã không được phép thể hiện vào phút chót với lý do là không nằm trong danh mục được cho phép: Hợp xướng bản ‘’Nhân Danh Việt Nam’’, ca sĩ Cẩm Vân với nhạc phẩm "Xin cho tôi’’ và nhất là bản "Ngủ đi con’’ trong tập Ca Khúc Da Vàng với Ca sĩ Hồng Nhung. Nhạc phẩm này coi như bị tuyệt đối cấm hát nơi công cộng vì mang nặng tính chất phản chiến và không đứng trong danh sách được hát như cùng với số phận dòng nhạc của Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ, mặc dù nhà nước cho phép in bán (?). "Tập Ca Khúc Da Vàng’’ có thể phù hợp với hoàn cảnh những năm tháng trước 1975 ở Miền Nam nhưng không thích hợp với hoàn cảnh hiện nay’’ (Báo Tuổi Trẻ Saigon). Mặc dầu nhà văn CS Nguyễn Quang Sáng, Tổng Thư Ký Hội Các Nhà Văn Yêu Nước, nhận xét về các sáng tác của TCS: "...một người đã đi theo cách mạng từ năm 14 tuổi (?) thì nhạc TCS không có bài nào không phổ biến được.’’ (Báo LĐ ngày 22-4-2003).

          Cái gì hợp lý nơi Trịnh Công Sơn
Viết đến bao nhiêu mới cạn nguồn cảm hứng về một người nghệ sĩ đã chinh phục được cả hàng triệu con tim, có lẽ người viết xin được đi đến một kết luận về ông qua quan điểm của những người làm nghệ thuật phi chính trị.
          Vậy qua Dòng Đời - Dòng Nhạc của người nghệ sĩ này, chúng ta có thể tìm được một cái gì hợp lý nơi TCS ? Người nghệ sĩ thường sống về trái tim nhiều hơn là khối óc. Sống với cảm giác nhiều hơn với suy luận. Buồn thì nói là buồn. Vui thì nói là vui. Đó chính là TCS."
          Tôi còn nhớ hồi đầu mùa chinh chiến, cùng với số phận của nhạc phẩm "Chiều mưa biên giới của Nguyễn Văn Đông’’, nhạc phẩm "Nhìn những mùa thu đi’’ được quy chụp là diễn tả một nỗi buồn trên chiến khu (?) bởi vì ca từ có câu: ...’’Trong nắng vàng chiều nay, anh nghe buồn mình trên ấy". "Trên ấy’’ đây là trên chiến khu (?). Có lẽ một phần cũng vì người làm công tác kiểm duyệt thời đó vẫn còn cái nhậy cảm của câu nhạc năm xưa: "chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều’’. Và "Mưa hồng’’ cũng lại bị hạch sách: tại sao mưa lại hồng (?). Bởi vì người ta vẫn bị ám ảnh bởi cụm từ "Đông Phương Hồng’’. Cứ "Hồng’’ là cộng sản (?). Mà đâu có mấy ai hay, nhạc phẩm "Mưa Hồng’’ được viết riêng cho người ông yêu với lời đề tặng:’’...viết cho Dao Ánh đó’’. Cũng như sau thời 45-46, hễ ai mặc cái áo sơ mi sọc xanh xọc đỏ hay mang chiếc bút chì mầu deux couleurs xanh đỏ mầu cờ tam tài là y như bị gán cho chiếc mũ Việt gian - Mật thám của Pháp (?). TCS chỉ là "tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo’’ như ông đã nói. Có lẽ chúng ta nên tự khai phóng mình khỏi cái cảm quan lấy chính trị đánh giá nghệ thuật. Chỉ có người CS mới làm như thế. Có lẽ nhiều người đã biết , nhạc sĩ Văn Cao là tác giả bản Tiến Quân Ca hiện là quốc ca của chính quyền CS bây giờ và Lưu Hữu Phước - một người CS, tác giả nhạc khúc Tiếng Gọi Thanh Niên lại là quốc ca của VNCH và của chúng ta ở hải ngoại ngày hôm nay. Còn hơn thế nữa, ít nhiều người đã biết đến Văn Cao là Trưởng Ban Ám Sát Nội Thành của Việt Minh ngày ấy, đã đích thân ám sát Ông Đỗ Đức Phin bên bàn đèn thuốc phiện tại Lạch Tray Hải Phòng. Ông Phin là chú ruột của người tù cải tạo - bạn của người viết, hiện đang định cư tại Austin, Texas. Nhưng có lẽ chúng ta đã quên đi tất cả để chỉ biết đến Văn Cao như một nhạc sĩ tài danh qua những nhạc phẩm vẫn muôn đời vang bóng: Bến Xuân, Thiên Thai, Suối Mơ ...là tác giả những dòng nhạc trữ tình đã đưa đám thanh niên chúng tôi một thời vào những cuộc tình lãng mạn mà quên hẳn đi cái ông Văn Cao nào đó đã là tác giả bài "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch’’ do ca sĩ Thương Huyền thể hiện lần đầu tiên tại Hà Nội năm 1954. (VN nửa Thế Kỷ Tân Nhạc của Nguyễn Thụy Kha - Saigon).
Nếu trách TCS qua bài "Em ra đi nơi này vẫn thế, lá vẫn xanh trên con đường nhỏ ...’’ sau khi hàng triệu người Miền Nam bỏ nước ra đi thì có lẽ chúng ta cũng chẳng quên được bài "Mùa Xuân đầu tiên’’ của Văn Cao sáng tác ngay sau khi Saigon thất thủ: "...Người mẹ nhìn đàn con nay đã về, Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên ... Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người ...’’. Với những cung bậc mang nhiều dấu ấn của kỷ niệm như thế, chúng ta có lẽ sẽ chọn một thái độ nghệ thuật hơn là chính trị...
          Cũng vì vậy mà hai năm sau ngày TCS mất, người Saigon yêu mến ông một cách kỳ lạ. Người ta đã lập ra một quán Cà Phê Hẻm Trịnh trên lối ra vào nhà ông - 47 C Phạm N. Thạch một lối đi về suốt bao ngày mưa nắng. Ngày ngày những người mến mộ TCS thuộc đủ mọi tầng lớp đến uống một ly cà phê, mắt chăm chăm nhìn vào bức tường rêu phong phía trước, không ai nói với ai một lời, nhạc Trịnh vẫn từ căn nhà quen thuộc phát ra thoảng theo hương ngọc lan đầu ngõ...như "tiếng buồn rơi đều, nhìn lại đời mình đã xanh rêu’’... Tôi thích sự tĩnh lặng nơi đây. Nhạc Trịnh cũng lắng đọng như thế. Những khoảng lặng lẽ còn lại sau bản nhạc nói được rất nhiều... ‘’(VNExpress). Tai khu Đa Thiện thành phố Dalat, người ta thiết kế một chương trình dựng tượng ông cùng với tượng Thi Sĩ Hàn Mạc Tử do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng hoàn tất tác phẩm chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cao 2.5m, ngang .8m. Đặc biệt là trên đầu pho tượng là những cánh chim hòa bình ríu rít gọi đàn, sau lưng tượng là ca từ một ca khúc của ông :’’Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’’. Ở hải ngoại, những người yêu mến nhạc của ông lại được dịp thưởng thức CD "Còn tuổi nào cho em’’ lấy tên một tình khúc của ông làm chủ đề do ca sĩ Khánh Ly mà tên tuổi đã gắn liền với một đời sáng tác của ông chuyển tải (Tháng 11-03). Hơn thế nữa, nhạc sĩ Thái Hoà cùng nghệ sĩ Saxo hàng đầu ở Ý - Fulvio Albano, đã xúc tiến thành lập một thư viện về nhạc sĩ TCS tại thành phố Juventus. Và có lẽ đã được khánh thành vào tháng 3 năm 2004.

          Khi viết những dòng này, người viết được biết là vào ngày 3-2-2004, một cuộc họp tại Nữu Ước do ban tổ chức WPMA - World Peace Music Awards in Viet Nam do Math Taylor, giám đốc sản xuất chương trình và cũng là người đề xướng Giải Thưỏng Âm Nhạc Hòa Bình lần thứ hai (lần thứ nhất diễn ra ở Bali, Indonesia năm 2003) cho biết vào 26-5-2004. lễ trao giải âm nhạc Hoà Bình Thế Giới sẽ được tổ chức tại Hà Nội để tôn vinh Trịnh Công Sơn, là một trong những người đã trọn đời tranh đấu cho hòa bình ngay tại quê hương ông. Cũng trong buổi lễ trực tiếp truyền hình này tính ra có tới hơn một tỷ người được xem, ngoài nhạc sĩ TCS, năm nghệ sĩ còn lại Joe McDonald, Bob Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez và nhóm Peter, Paul & Mary đều là người Mỹ đã có ít nhiều dính dáng tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng được trao giải.

Hình: Báo Dân Trí, 30-3-2015
           "Ôn cố tri tân’’, người xưa dạy thế.
Đỗ Phủ - danh sĩ đời Đường có câu: ‘’Trượng phu cái quan sự thủy định’’ và cổ nhân cũng có câu ‘’Cái quan luận định’’, có nghĩa là đánh giá sự nghiệp của một người có tên tuổi cả về công lao và tội lỗi, đúng và sai, hay và dở ... chỉ có thể bắt đầu khi người đó đã mất. Như người đời thường nói: mọi sự đánh giá chỉ có thể bắt đầu khi nắp quan tài đạy lại, mọi việc mới bắt đầu bàn định. Ta sẽ không còn phải lo sợ rằng họ còn có thể tốt hay có thể xấu, còn có thể đúng hay có thể sai, xứng đáng hoặc không xứng đáng nữa.
          "Cái chết của ông là một mất mát lớn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông là người viết tình ca hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Nói bằng cách gì và với ý nghĩa nào đi nữa thì cùng không thể làm vơi đi được nỗi đau thương và mất mát ấy’’.
Đó là nhận định của bạn bè ông và cũng là nhận định chung của những người mến mộ.
          Giả như trong kho tàng âm nhạc VN, người ta thiêu hủy đi hơn 600 nhạc khúc của ông, thì ngày hôm nay chúng ta còn mang theo được một dấu ấn nào của kỷ niệm về Tình Yêu và Thân Phận suốt hai mươi năm máu xương và nước mắt trong việc bảo vệ phần đất Miền Nam tự do ?
          Xin đừng để thêm một lần thầm trách:
‘’...làm sao em biết bia đá không đau’’.
                                                                                                           

Phạm Bá
- Đã đăng lần đầu Báo Ngày Nay Texas số 523. 1-4-2004
  Chỉnh sửa lại 1-4 2012
- Đăng lần thứ 2 Báo BútTre Arizona số 30-4-2015