.
Trịnh Công Sơn
Dòng đời
- Dòng nhạc
(1939-2001)
Phạm
Bá
Viết về "một hạt bụi lấp lánh’’
đã thắng giải Đĩa Vàng với hơn hai triệu đĩa bán ra năm 1972 ở Nhật và đã đóng
một vai trò không nhỏ trong việc làm thay đổi nhịp đập của trái tim thanh niên
Miền Nam trong những ngày quê hương ngập tràn khói lửa, quả là một việc khó
khăn. Người viết đã bao lần băn khoăn trăn trở khi đi tìm một chủ đề cho bài
viết.
Viết
gì đây, Dòng đời - Dòng nhạc, là hai vấn đề khó mà có thể tách rời. Biết mình
không có khả năng làm công việc phê bình văn học nghệ thuật qua ca từ của ông, và
nhất là về nghệ thuật cấu trúc âm thanh, người viết chỉ xin được trình bày một
nhận định hạn hẹp qua những tư liệu và tài liệu thu thập được qua báo chí trong
và ngoài nước.
Vài hàng tiểu sử
Tuy nhiên truớc khi đi vào những dòng
thơ, dòng nhạc của ông, thiết nghĩ cũng nên lược qua đôi hàng tiểu sử của một
ngôi sao đã vụt tắt trên nền trời âm nhạc Việt Nam từ hơn mười năm nay.
Trịnh Công Sơn sinh ngày 18 /2/1939
tại Đắc Lắc. Thân phụ ông mất sớm. Ông sống với thân mẫu cùng bẩy người em:
người em trai lớn Trịnh Quang Hà và các em Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Xuân Tịnh,
Trịnh Vĩnh Trinh ...Ông là người con có hiếu với mẹ và xứng đáng là anh cả của
các em. Người ta đồn rằng các khoản thu nhập do các sáng tác của ông đều được
đưa về cho mẹ già nuôi các em ăn học. Do đó các em ông luôn luôn kính phục ông
trong cái vị trí của một người "quyền huynh thế phụ’’
Tại Phòng Trà An-Nam Saigon, May 2011 |
Sau khi đậu Tú Tài I, ông tiếp tục học thi
Tú Tài II thì thân phụ ông qua đời, khiến hoàn cảnh gia đình lâm vào bế tắc,
ông phải bỏ học, thi vào Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Ra trường ông được bổ đi làm
giáo viên ở một vùng quê ở Lâm Đồng. Khi tới tuổi động viên, ông lại được hoãn
nhập ngũ ba khóa K-19, 20 và 20-phụ Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vì không đủ điều
kiện sức khoẻ. Lý do là ông đã dùng quá nhiều thuốc tiêu mỡ xuống cân "Diamoc’’.
Hồi đó ở Huế ông đã nổi danh là "Vua Diamoc’’. Tuy nhiên, ông bị gọi nhập
ngũ khóa 21 SQTBTĐ và phải trình diện TrungTâm Nhập Ngũ Số 1 Đà Nẵng. Ông bỏ
trốn luôn.
Người ta chỉ biết có thế.
Về đời sống tình cảm của ông, cũng như
bao nhiêu nghệ sĩ khác, người nghệ sĩ phải có tình yêu, không có tình yêu chắc
không thể nào sáng tác được. Nhưng không phải cứ có bao nhiêu sáng tác là phải
có bấy nhiêu cuộc tình. Tình yêu đối với ông quả đã có nhiều tiếng đồn vì chẳng
ai biết rõ. Xin mời bạn đọc nghe ông tâm sự qua một trang nhật ký tuổi 30: "Tuổi
ước mơ làm người lớn đã đi qua. Đi qua với một số kỷ niệm buồn vui không nhớ
rõ. Thời gian mơ ước được làm người lớn cũng là thời gian của mối tình đầu
tiên. Cũng là thời đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc
tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan
sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên
nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn
không lường được. Sau đó là những mối tình khác nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc
cảm đối với thành phố này’’...
Như
muốn chia sẻ nỗi đau đớn của cuộc tình, một nhà thơ đã viết về ông:
"Trong
nỗi nhớ mênh mang tôi đã hiểu
Tình và Yêu không hẳn là Tình Yêu"
Có
một lần, ông Lý Qúi Chung, cựu dân biểu VNCH, hỏi TCS có bao giờ ông nghĩ đến
chuyện lấy vợ? Ông trả lời: "Có một lần thoáng qua lúc mình còn trẻ. Nhưng
thời đó, các cô gái ít chịu lấy những ông chồng nghệ sĩ bấp bênh’’. Có lẽ vậy
mà trong một tình khúc, ông đã than, "Tình yêu như trái phá, con tim mù
loà’’. Cuối cùng ông để lại một tư tưởng rất triết lý về tình yêu: "Sống
giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì
vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc
thân phận trên cây Thập Gía Đời".
Mãi sau này trong một cuộc gặp gỡ với báo
chí trong chương trình ca nhạc "Chiếc Lá Thu Phai’’ để tưởng niệm ông tại
Huế (23-11-2003), khi được hỏi về chuyện tình duyên của ông, cô em gái - Trịnh
Vĩnh Trinh cho biết: "Mối tình đầu của anh là một cô gái gốc Việt sống ở
Pháp, người thứ hai là cô gái Nhật Bản, cô từng làm luận án Tiến Sĩ về anh Sơn.
Người thứ ba thì nhiều người biết, đó là Á Hậu Vân Anh. Cô ấy rất dễ thương,
buồn nỗi hai người không đi đến hôn nhân’’ (VN Express).
Nhưng chưa hết đâu ...
Mãi
qua tới số Báo Xuân Tân Mão (2011) của Saigon Tiếp Thị, người mến mộ mới được
biết đến di bút hơn 300 lá thư tình của người nhạc sĩ tài hoa này gửi Ngô Vũ
Dao Ánh - Người Tình Đầu Tiên của ông, như những đoản văn đầy chất thi ca lãng
mạn bên cạnh một đời sáng tác của ông. Và qua bản nhạc Xin Trả Nợ Người, được
ông sáng tác vào đêm Mùng 3 Tết năm ấy với dòng chữ vội vàng đề tặng Dao Ánh:
"Nỗi buồn xin lỗi bàn tay. Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình ...’’
Ngày xưa, người viết chỉ biết đến ông
qua những ca khúc đã một thời làm ngây ngất tuổi đôi mươi và một đôi lần qua
ánh đèn mầu sân khấu Quán Văn. Mãi đến năm 1999, nhân một chuyến về thăm
Saigon, người viết mới được đối diện với ông trong quán Givral. Đâu có ai ngờ
rằng đó là một thiên tài âm nhạc trong một thân hình hom hem đến thế. Ông đội chiếc
mũ phớt bằng vải kaki đã lạt mầu sờn cạnh qua cập kính cận quen thuộc - kính to
hơn người, cố đấy cánh cửa kính nặng nề bước vào bàn kế bàn của tôi và gọi một
ly cam vắt. Tôi hơi nghiêng đầu mỉm cười chào ông. Ông mỉm cười đáp lại. Chỉ có
thế thôi. Và vài ngày sau tôi đi dự đêm nhạc Từ Huy với chủ đề "Tình yêu
của Tôi’’ tại Nhà Hát Bến Thành Trung Tâm Văn Hoá Quận I (đường Mạc Đĩnh Chi
cũ) với ca sĩ chính là Hồng Nhung - cô Ca sĩ Bắc Kỳ có đôi răng khểnh.
Người Dẫn Chương Trình đêm ấy là nhà
thơ Đỗ Trung Quân. Mở đầu chương trình là phần cảm tạ của ban tổ chức và trao
tặng hoa cho những người đã đóng góp vào việc dàn dựng chương trình. Theo đó
nhạc sĩ TCS là người được đề cập trước tiên nhưng ông đã không thể đáp lại lời
mời của MC vì ông qúa mệt mỏi không bước nổi lên sân khấu để nhận hoa...mà chỉ
đứng tại chỗ, phất tay cảm tạ ban tổ chức và khán giả mến mộ. Theo tôi được biết, trong khoảng thời gian
này, ông đã thường xuyên ra vào bệnh viện vì các chứng bệnh tiểu đường, cao áp
huyết do rượu gây ra cho thân xác ốm gầy của ông. Cuối cùng rồi như một "Chiếc
lá thu phai’’, định mệnh khắc nghiệt đã không cho ai sống đến tận cùng của niềm
vui và khát vọng, ông đã về với "Cát bụi’’, khép lại hẹn hò từ trưa ngày
1-4-2001 tại 47 C Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ) Saigon.
Những sáng tác
Trịnh Công Sơn quả là một nhạc sĩ có
nhiều sáng tác ở vào một giai đoạn đau thương của đất nước. Ông đã cho xuất bản
nhiều ca tập: Ca khúc Trịnh Công Sơn (Thần thoại quê hương, tình yêu và thân
phận), Ca Khúc Da Vàng vào cuối năm 1966, 1967; Kinh Việt Nam (1968), Ta phải
thấy mặt trời (1970), Cỏ xót xa đưa, Như cánh vạc bay, Khói trời mênh mông, Lời
đất đá cũ ...tất cả hơn 600 ca khúc trong suốt một đời sáng tác của ông mà tạm
thời, người ta có thể chia dòng nhạc TCS thành 4 đề tài chính: Tình yêu, Chiến
Tranh và Hoà Bình, Triết lý về thân phận con người và Tình yêu quê hương.
Ở giai đoạn đầu sáng tác, là một dòng
nhạc trữ tình với giai điệu êm đềm như muốn ngừng lại ở tim người nghe. Người
ta bảo rằng cảm tác đầu đời của ông là bản Ướt Mi và Thương Một Người. Nhưng
sau này những người yêu mến nhạc của ông ở trong nước nói là những tình khúc
buổi ban đầu cuả ông được phổ biến trong đám bạn bè và hồi đó đã được ca sĩ Hà
Thanh - giọng oanh vàng số 1 của đất Thần Kinh trình bày trên Đài Phát Thanh
Huế (đầu Cầu Tràng Tiền) là bản Sương đêm, Chơi vơi ...Những bản nhạc này chưa
từng được ấn hành và nay đã bị thất lạc. Tới năm 1958, Trịnh Công Sơn vào học ở
Jean Jacque Rousseau Saigon, tình khúc Ướt Mi chào đời mang đậm nỗi buồn xứ Huế
và được Ca sĩ Hà Thanh và Thanh Thúy trình bày trên các làn sóng điện Huế và
Saigon, khiến giáo sư Nguyễn Văn Trung đã phải viết lên một tiểu luận mang tựa
đề "Ảo ảnh Thanh Thúy’’. Một năm sau, ca khúc Thương Một Người viết về
bóng đêm ôm ấp giọng hát liêu trai giữa thành phố Saigon hoa lệ - ban đêm là
không gian của những kiếp người lầm lũi, là thời gian của đèn mầu và chén đắng
tình yêu. Cũng trong giai đoạn này, "nhạc vàng’’ cũng được phát triển mạnh
mẽ. Nhiều nhạc phẩm có gía trị ca ngợi tình yêu tuổi đôi mươi. Ban đầu là những
cuộc "tình xanh’’, hiền lành dễ cảm, rồi tiếp đến là những "tình
lỡ’’, "tình sầu’’ ... "Em ơi nếu mộng không thành thì sao...’’ cho
những cuộc tình tuổi trẻ đã sớm vụt cánh bay đi. Cùng lúc tiếng súng Cộng quân
mở đầu trận Ấp Bắc Mỹ Tho (Ngày 2-1-1963) như đã làm tan biến đi những ngày
tháng thanh bình ở Miền Nam, khiến nhiều bàì hát ca ngợi người chiến binh Cộng
Hòa cũng xuất hiện song song với những bài du ca mang âm điệu đấu tranh của một
số nhạc sĩ trẻ trong giới sinh viên Saigon thời đó.
Năm 1959, người nhạc sĩ du ca TCS tạm
gĩa từ cái huyên náo của thị thành để trở về mảnh đất của những tà áo tím tóc
ngang vai và nhận ra một hình bóng trong Diễm Xưa bất tử - 1960. Ca khúc này
cho đến nay đã qua bao cuộc đổi đời vẫn mang những hình ảnh, âm thanh có sức
cảm thụ nhạy bén trầm sâu vào nội tâm người nghe. Rồi "Nhìn những Mùa Thu
Đi, Biển Nhớ"...vang dậy trong các phòng trà ca nhạc Saigon hồi đó. Lớp
tuổi thanh niên biết đến ông nhiều tại Quán VĂN. Người ta đến để uống ly cà phê
và nghe tiếng hát của người con gái da vàng Khánh Ly. Cuộc trùng phùng Khánh Ly
- Trịnh Công Sơn bắt đầu từ đấy. Tuy nhiên, cũng xin ghi nhận thêm là ca sĩ hát
nhạc TCS tại nhà hàng Văn Cảnh trước Khánh Ly là Lệ Thu. Nhưng có lẽ Lệ Thu
không mấy có duyên với thời điểm của nhạc TCS mặc dầu chất giọng của cô đã là
độc chiêu "hạ’’ cô ca sĩ lai Pháp Tiny Young phải gĩa từ Saigon trở về
Pháp Quốc. Và Lời Buồn Thánh - nhạc phẩm mang nặng nỗi cô đơn hoang vắng, niềm
đau đớn rã rời trong cảnh chia xa...như bản Sombre Dimanche (Chủ Nhật Buồn) của
Pháp. Nhạc TCS đã được Khánh Lý chắp cánh cho bay từ đấy. Dù cho nay người viết
đã chồng chất tuổi đời ... thời gian chỉ như một chút nắng chắt chiu còn lại
trong ngày, mà mỗi lần âm thanh ngày ấy vọng về ...vẫn nghe như đời còn rạo rực
mong chờ những bước chân quen...
"Chiều Chủ Nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi!
Tiếng hát xanh xao của một buổi chiều,
Trời mưa trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu...’’
Trong
tình yêu người ta vần cần đến "mưa’’ để làm dịu đi những cơn đau dài ...mà
"mưa’’ trong nhạc TCS như một niềm ray rứt khôn nguôi...
"Có khi mưa ngoài trời
Là giọt nước mắt em
Đã nương theo vào đời
Làm từng nỗi ưu phiền ...’’
(Ru đời đi nhé)
Chục năm trước đây, Hội Thân Hữu Những
Người Yêu Huế ở Hoa Kỳ, đã tổ chức một chiều âm nhạc thính phòng do Tiến Sĩ Cao
Huy Thuần làm MC, đã dẫn đưa người nghe đến tận cùng những cung bậc buồn day
dứt của TCS qua tiếng hát Thanh Hải. Ca từ trong nhạc TCS là những lời thơ,
khác thường, độc đáo, sâu đậm... Chất thơ đầy ắp trong nhạc TCS. Cảnh, tình và
người trong lời nhạc TCS là cảnh Huế, tình Huế và người Huế. Nguồn thơ từ Huế
mà ra. MC không nói đến cái gì khác ngoài chất thơ trong ca từ của TCS.
Mưa !!! Vâng, cái Mưa ở Huế thật buồn
bã, Mưa lê thê. Mưa dầm dề ngày nay qua ngày khác. Mưa tới sáu tháng liền. Tôi
đã sống ở đất Thần Kinh những ngày đất nước còn thanh bình, vui reo tiếng trẻ.
Tôi cảm thông cái buồn nhưng thơ mộng làm sao của những ngày mưa trên đất Huế !
Mưa thì thầm như tiếng gọi người yêu !
"...Trời
còn làm mưa, mưa rơi mênh mang. Từng ngón tay buồn, em mang em mang. Đi về giáo
đường. Ngày Chủ Nhật Buồn ..."
(Tuổi đá
buồn)
Trong nét yêu kiều của người con gái
Huế, không thể nào không nhắc đến cái dáng hao hao gầy trong nhiều tình khúc
của TCS ...
"Tuổi
nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
Tuổi
nào vừa thoáng buồn áo gầy vai ...’’
(Còn tuổi nào cho
em)
Rồi đến Lời Buồn Thánh, cái vóc dáng
hao gầy của người con gái ấy như vẫn mãi mãi rong đuổi TCS:
"Ngày
Chủ Nhật buồn, còn ai còn ai
Đóa
hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài, lời ru miệt mài...’’
Và
còn buồn hơn, là cái gầy trong ánh xanh xao của Diễm Xưa nghe thật da diết:
"Mưa
vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài
tay em mấy thuở mắt xanh xao ...’’
Hay:
"Lụa
nắng cho buồn vào mắt em
Bàn
tay xanh xao đón ưu phiền...’’
(Nắng thủy
tinh)
Rồi vào một ngày nào đó, người yêu dấu
đầu đời vừa mảnh mai, kiều diễm trong Diễm Xưa, sau một ngày rong chơi triền
suối mát, TCS đứng trên bờ cao, nhìn xuống thoáng thấy mấy sợ tóc em bồng bềnh
trên hai bờ vai nõn nà hở cổ. Nếu dìễn bằng văn suôi thì chắc chỉ có thế. Nhưng
ở đây TCS đã diễn tả cái cảnh, cái tình đó bằng thơ bằng nhạc:
"Gió
sẽ mừng vì tóc em bay
Cho
mây hờn ngủ quên trên vai’’
...
"Suối
đón từng bàn chân em qua
Lá
hát từ bàn tay thơm tho
Lá
khô vì đợi chờ
Cũng
như đời người mãi âm u ...’’
Thật
là tuyệt vời !
Khi
cuộc chơi chấm dứt, người bạn gái trở lại ánh đèn phố thị, người nghệ sĩ đứng
giữa trời ngẩn ngơ, nuối tiếc:
"Nơi
em về trời xanh không em ...
Ta
nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh.’’
(Như cánh vạc bay)
Như một nhà thi sĩ, hơn thế nữa, là
một họa sĩ, TCS lại thêm một lần ngẩn ngơ đứng trên bờ nhìn xuống không những
thấy dáng đẹp nõn nà của bờ vai, mà còn một vẻ đẹp trên một dòng suối chẩy vẫn
là đôi vai gầy muôn đời của những cô gái Huế:
"Vai em gầy guộc nhỏ ...
Như cánh vạc về chốn xa xôi ...’’
Ôi!... đếm bao nhiêu thời gian nữa,
dùng bao nhiêu trang giấy mới dẫn hết những lời thơ này. Ông quả là một nhà thơ
lớn. Nhạc chỉ là một phương tiện chuyển tải thơ ông đến người mến mộ.
Ỷ-Nguyên tại Phòng Trà An-Nam Saigon, May 2011 |
Nhưng đã hết đâu ...
Trong những nỗi cô đơn đầy linh cảm
xót xa, đầy những mất mát của tuổi đôi mươi:
"tuổi
nào nhìn lá vàng úa chiều nay’’, trong tiếng đại bác đêm đêm vọng về thành phố,
ý thức phản chiến trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã manh nha vào những năm 65, 66
khi tiếng hát của người nghệ sĩ cất lên trong các giảng đường Đại Học Saigon và
Huế trước hàng ngàn học sinh sinh viên đang cuồng nhiệt trong một tâm trạng như
muốn đi tìm một kích thích ma túy...Nhạc Miên Đức Thắng, nhạc Tôn Thất Lập cũng
trở nên một thứ âm nhạc đấu tranh cùng thời điểm. Nhưng cái tên Trịnh Công Sơn
đã trở thành một hiện tượng TCS từ đó. Những ca khúc của ông được thu băng
cassette, in Roneo truyền tay cho bạn bè thân hữu hát. Vào thời điểm Tết Mậu
Thân, quân nhân chúng tôi bị cấm trại 100%, nhạc của ông vang vọng tới tận tiền
đồn biên giới. Chính tim mình đã đôi lần loạn nhịp vì một thứ ngôn ngữ âm nhạc
chất chứa những hình ảnh lạ lùng, khó hiểu; những hình tượng rất mới gây được
nhiều ấn tượng cho người nghe... Hình như ông chỉ muốn dùng âm nhạc để nói lên
niềm xúc động sâu xa của mình trước thời thế lúc đó và khi cuộc chiến mỗi ngày
một gia tăng, nhạc của ông lại càng thấm đậm vào tâm hồn người nghe như mưa dầm
thấm đất. Ý nghĩa thông thường của từ "phản chiến’’ chỉ có nghĩa là không
tán thành cuộc chiến. Không mấy người nghệ sĩ chân chính nào lại cổ võ cho
chiến tranh. Ở đây, "không tán thành’’ còn có nghĩa là đồng cảm, là chia
sẻ với những người đang phải gánh chịu những mất mát, những chia lìa chinh
chiến:
"...Hàng
vạn chuyến xe Claymore lựu đạn
Hàng
vạn chuyến xe mang vô thị thành
Từng
vùng thịt xương có mẹ có em.’’
(Đại bác ru đêm)
Trong hầu hết các nhạc phẩm của ông,
ông đã xử dụng điệu Blue buồn và nghẹn ngào, với nhịp nói kể Recitativo rã rời,
bải hoải nhưng đơn giản và bình dân như muốn níu kéo mọi người sát lại gần
nhau. Ông đã biến cái cảm nghĩ đau thương của chính mình thành cái đau thương
của mọi người. Chúng ta hãy nghe một lời than thở:
"...Ôi
chinh chiến đã mang đi bạn bè, ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương,
còn
có ai không còn người.
Ôi
nhân loại mặt trời và em tôi này đôi môi xin thương người. Ôi nhân loại mặt
trời trong tôi...’’
(Xin mặt trời ngủ
yên)
Những bài nhạc phản chiến
Trong số hơn 600 nhạc phẩm của ông chỉ
có khoảng 60 bài hát thực sự được xếp vào loại nhạc phản chiến. Nhưng chính số
lượng ít ỏi này đã trở thành hào quang cho một đời sáng tác của ông. Những ca
khúc phản chiến nổi tiếng của TCS như "Ca Dao Mẹ’’, "Ta đã thấy gì trong
đêm nay’’ và nhất là bản "Ngủ đi con’’ trong tập Ca Khúc Da Vàng:
"Con
ngủ, ngủ đi con
Đứa
con của Mẹ da vàng
Ru
con ru đạn nhuộm hồng vết thương
Hai
mươi năm
Đàn con đi lính, đi rồi không về
Đứa con da vàng của Mẹ
Ngủ đi con ...
...sao ngủ tuổi hai mươi...’’
Nhưng bên cạnh những ca khúc mà nhiều
người nói đã làm nhụt nhuệ khí chiến đãu của quân dân Miền Nam, cũng có một vài
bài lên án những hành động sát máu của Việt Cộng như trong vụ ám sát sinh viên
Ngô Vương Toại trong một đêm văn nghệ ở Đại Học Văn Khoa Saigon qua nhạc phẩm
"Anh nhân danh ai’’ hoặc bài "Ngụ ngôn của Mùa Đông’’:
"Một
ngày mùa Đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm’
Người chết hai lần
Thịt da nát tan ...’’
Như
một thông điệp báo hiệu cho một cái nhìn về chiến tranh, được chính tác giả
giới thiệu trước một số đông sinh viên ở Đại Học Văn Khoa. Ông sáng tác nhạc
phẩm này khi nhìn thấy một đám tang đi trên đường làng đạp phải mìn. Đĩ nhiên
phải là mìn của Việt Cộng. Mìn nổ...Chiếc hòm vỡ tung...Xác văng ra ngoài...
Người chết lại chết thêm một lần nữa.
Cũng trong cái đau đớn chiến chinh
này, Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương, người bạn của TCS tử thương trong cuộc chiến
Tết Mău Thân ở Saigon và TCS đã khóc người bạn thân này như một mất mát đời
đời:
"Anh
nằm xuống sau một lần vào viễn du.
Đứa
con xa đã tìm về nhà, đất hoang vu khép lại hẹn hò ...’’
(Cho một người nằm xuống)
Sau
năm 1975, ông sáng tác nhiều nhạc phẩm mang nặng chất Thiền khi cảm nhận được
cái thuyết vô thường của Nhà Phật, tiêu biểu là bài "Ở trọ’’, xem trần
gian là một nơi ở đậu:
"Con
chim ở trọ cành tre
Con
cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi
nay ở trọ trần gian
Trăm
năm về chốn xa xăm cuối trời...’’
Ông
còn đi xa hơn nữa trong cái xã hội mới vẫn mịt mù tăm tối. Những "cánh vạc
ăn sương’’ tưởng như sẽ biến mất trong ánh sáng ban ngày của "chủ nghĩa
...’’(?), nhưng chim vẫn không thể bay đi, chim vẫn kéo nhau về những tụ điểm
thị thành để kiếm sống:
"Đi
về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng
Giấc
mơ đời xa vắng, bước chân không chờ ai đến
Một
đời em mãi lang thang, lòng lạnh bao giữa đau thương
Em
về đâu hỡi em, hãy lau khô dòng nước mắt
Đời
em gọi biết bao lần
Đời
gọi em về giữa yêu thương
Để
trả em ngày tháng êm đềm
Trả
lại nắng trong tim
Trả
lại thoáng hương thơm
...
một cành hoa giữa tâm hồn’’
(Đời gọi em biết bao lần).
Trong xã hội mới này, nguồn sáng tác
nhạc của ông cũng cạn dần, ông quay sang hội hoạ như ông đã từng thổ lộ:’’Khi
ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì mầu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi. Hội
họa là cõi trú thứ hai của tôi, bên cạnh âm nhạc’’.Tranh của ông được bán ở
Pháp và Canada. Một nhà văn đã có nhận xét về tranh của ông:’’Mơ mộng và hư ảo,
thế giới tranh của họ Trịnh là cuộc hội hoạ lý thú của mầu sắc và âm thanh ngọt
ngào, đầy huyễn tượng. Dư âm nhạc trữ tình, giàu chất triết lý, cùng ký ức và
tâm sự của đời sống nhạc sĩ lảng vảng trong không gian trừu tượng’’...
(VNExpress).
Tuy nhiên, thế giới đón nhận tên ông qua các ca khúc phản chiến trong thời kỳ
đầy ắp những bom đạn hơn là hội họa.
Dư luận trong &
ngoài nước
Hơn 600 bản nhạc trữ tình và phản
chiến mà chỉ nêu ra có bấy nhiêu thôi thì đâu đã nói lên được hết những gì muốn
nói. Nhưng tạm thời người viết xin gác những dòng nhạc qua một bên để tìm hiểu
thêm về khía cạnh dòng đời của người nhạc sĩ.
*Qua báo chí trong nước, và trưa ngày
30-4-1975, trong lúc người dân Saigon còn đang bàng hoàng, ngơ ngác, khiếp sợ
khi tăng pháo Cộng quân đang ủi sập cổng chính Dinh Độc Lập thì nhạc sĩ TCS và
nhạc sĩ Nguyễn Trọng Cầu lên Đài Phát Thanh Saigon hát bài Nối Vòng Tay Lớn kêu
gọi mọi người cùng nhau xây dựng đất nước:
"Rừng
núi dang tay nối lại biển xa
Ta
đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà ...’’
(Kinh Việt Nam)
Phải
chăng đây là một minh chứng cho thái đô chính trị và tinh thần cơ hội của ông?
Người ta đã lên án ông. Phản chiến, thân Cộng ? Phải chăng nhạc của ông là kẻ
nội thù đã góp phần vào việc làm băng hoại ý chí chiến đấu của quân dân Miền
Nam trong cuộc chiến chống CS xâm lăng?
Tuy nhiên rất nhiều người đã cố bênh
vực ông. Nhưng hình ảnh của ông sau ngày binh lửa, đã không mấy được niềm nở
tiếp đón ở một số hội đoàn hải ngoại nhất là ở Hoa Kỳ mặc dầu thế giới âm thanh
TCS vẫn ngự trị trong rất nhiều gia đình người Việt tỵ nạn.
*Vào khoảng giữa thập niên 1980, ông
là nhạc sĩ duy nhất còn lại của VNCH cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn Hóa Liên
Xô mời tham dự Đại Hội Thanh Niên tại Moscow. Và nhạc phẩm "Em ra đi nơi
này vẫn thế...’’ ra đời. Sau năm 75, hang triệu người đã phải chốn chạy CS, cớ
sao Saigon vẫn thể? Sự kiện này đã làm nhức nhối nhiều đồng bào VN ở hải ngoại
khi cuộc hành trình vượt biên đầy hãi hùng khiếp sợ còn đang ám ảnh, khi vết
thương mất nước còn đang thời kỳ mâng mủ.
*Trong một bài phỏng vấn Giáo Sư Tuệ
Chương, một người không sinh trưởng tại Huế nhưng là giáo sư đã dạy học các em
của TCS cho biết ..."Có lần họp mặt bạn bè, TCS đọc bức thư của Lê Duẩn
gửi thăm, TCS đọc cho mọi người cùng nghe. Võ Văn Kiệt cũng thân với TCS, gọi
thân mẫu TCS bằng mẹ, cho TCS nhập hộ
khẩu ở Saigon. Căn nhà 47 C Phạm Ngọc Thạnh cũng được Võ Văn Kiệt ban cho
TCS.’’ Và ông đã qua đời tại đây. Cũng trong bài phỏng vấn này, GS Tuệ Chương
đã có một kết luận rất "độc’’ về TCS: ’’Tôi thấy trường hợp TCS na ná như
Phạm Quỳnh. Nói tới Thượng Chi thì ai cũng khen.- Thượng Chi Văn Tập - là tác
phẩm hiếm qúi trong văn học, nhưng dù không đồng ý với Cộng Sản việc họ giết
Phạm Quỳnh, chúng ta không thể không phê phán việc Phạm Quỳnh theo Tây. TCS
cũng vậy. Không thể phủ nhận thiên tài của ông. Tôi nghe nói một nữ học gỉa
người Nhật tới Saigon để nghiên cứu về những ca khúc của TCS. Nhưng về tư cách
hoạt đầu, ngụy ái quốc, khoe khoang quen biết với các ông lớn thì tư cách đó
không ai khen được. Chê thì đúng hơn. Phạm Quỳnh theo Tây để có chức Thượng
Thư. TCS theo Cộng Sản để có nhiều thứ. Không phải hễ có thiên tài là có đạo
đức, có tư cách hay ngược lại. Học và Hạnh hai cái nhiều khi không đi đôi.’’ -
(Báo US Việt Time tháng 9-2003)
*GS Lê Văn, cựu Chủ Biên Chương Trình
Việt Ngữ của đài VOA là người đã phụ trách mục Âm Nhạc Việt Nam ở hải ngọai cho
đài này từ 1976 đến 2001, đã có nhận xét về nhạc TCS: "Ở Miền Nam Việt Nam
trong thập niên 60 và 70, nếu có một số những bài hát mang âm điệu tủi thân, ẻo
lả, trống rỗng và băng hoại như ông ...mô tả thì đó chính là những "Ca
khúc da vàng’’ của TCS. Tôi không biết ông nhạc sĩ họ Trịnh này có tự xếp
mình trong hàng ngũ những người sáng tác
nhạc dưới chính thể Cộng Hòa hay không, nhưng chắc chắn ông không hiện diện
trong dòng nhạc mà tập thể tị nạn sáng tác ở hải ngoại.’’ - (Báo Ngày Nay số
514 ngày 1-11-03 tại Texas)
*...’’Một vài thân hữu khác lại nhắc
về chuyện họ Trịnh từng khoe bài hát của ông được Thanh Niên Xung Phong thích
hơn cả những bài hát của các nhạc sĩ Miền Bắc. Cũng có người nhắc đến bài hát
ông Sơn làm về đường dây điện cao thế Bắc Nam của Võ Văn Kiệt, sau khi được VVK
cứu khỏi bị đày ải nơi vùng kinh tế mới.’’ - (Báo Người Việt HK tháng 4-2001).
Nhưng các cụ chúng ta ngày xưa thường
nói: "Chỉ đâu giăng được ngang trời, tay đâu bịt được miệng người thế
gian.’’, nếu có người buồn phiền, ghét bỏ, chê bai, kết tội ông, thì cũng chẳng
thiếu gì người bênh vực, khen ông. Sau đây là những ý kiến tiêu biểu mà người
viết thu thập được:
*Họa sĩ Trịnh Cung (VN), một bạn thâm
tình của người nhạc sĩ quá cố từ thủa còn 17, 18 tuổi phát biểu trong một buổi
tưởng niệm TCS ngay sau ngày ông mất tại tòa soạn báo Người Việt tại HK: "
TCS là một nhạc sĩ mà cả cuộc đời là một bi kịch, một nhạc sĩ cô đơn, một nhạc
sĩ có tài nhưng sống trong quạnh quẽ, tuyệt vọng và bất an cả đời. Cuộc đời ông
là một bi kịch thu nhỏ trong một bi kịch lớn của đất nước. TCS là một nghệ sĩ
đi giữa hai lằn đạn nên ông chỉ còn có một nơi trú ẩn là sự quạnh quẽ của mình
và tình thân với một số bạn bè’’.
*Trong nhạc phẩm ‘’Gia tài của Mẹ’’,
TCS đã gọi cuộc chiến vừa qua là cuộc "nội chiến’’:
"Một
ngàn năm nô lệ giặc Tầu. Một trăm năm nô lệ giặc Tây. Hai mươi năm nội chiến
từng ngày ...’’ Điều này đã khiến cho Lê Hiếu Đằng, lúc đó là Tổng Thư Ký Mặt
Trận Tổ Quốc Saigon, từng tuyên bố là khi nắm được chính quyền sẽ xử tử TCS về
tội đã gọi cuộc "chiến tranh chống Mỹ cứu nước’’ là cuộc nội chiến. Vì
thế, sau 1975, TCS đã phải ẩn về Huế và sau đó ông đã phải trải qua mấy năm đọa
đầy trong vùng kinh tế mới Khe Sanh.
*…"Trịnh
Công Sơn không của riêng ai. TCS là của mọi người. Anh ấy là một nửa trong đời
sống của tôi. Những ca khúc của anh cứ đi thẳng vào tim tôi rồi ở lại đó. Ca
khúc của anh và người nghe đã trở thành tâm giao chẳng thể chia lìa ...ngọt
ngào êm ái xuyên vào tim tôi ...
Vì
sao tôi yêu những sáng tác của anh? Tôi sẽ không đủ sức ngợi khen như nhiều
người đã làm bởi tôi đơn giản lắm. Làm sao hiểu được vì đâu...con chim hót trên
những cành lau... nụ cười mong manh, một tâm hồn yếu đuối ấy lại có thể nặng
lòng với quê hương, gia đình và bằng hữu đến vậy. Anh chính là tấm gương soi cho
tôi nhìn lại rõ mình, tìm lại được chính mình từ những mất mát. Tôi đã được
chia sẻ, được an ủi ngay cả trong giây phút phân ly...’’
Tự
sự của Ca Sĩ Khánh Ly, (www.Saigonnet.vn)
"... Về phần nhạc, toàn thể ca
khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn
giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn
guitare đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát
soạn theo thể ballade này...Ngoài những ca khúc đi vào tình nhớ, tình xa, tình
sầu ... với cơn chết lịm, với nỗi muộn phiền và niềm xót xa trong cảnh cô đơn
mà ta đã biết, nhạc Trịnh Công Sơn phản đối nghịch cảnh bằng cách khác. Nhạc
anh đi vào quê hương bằng bước chân của người con gái da vàng, của em bé lõa lỗ
suốt đời lang thang ...
Sống cùng thời với những người đi vào
quê hương qua nhiều nẻo đường, Trịnh Công Sơn cũng nhận diện lại quê hương. Đi
tìm quê hương, phải sống những ngày dài trên quê hương thì phải hát bài quê
hương, phải nhỏ nước mắt cho quê hương khi thấy quê hương hình hài nát dấu bom
với xác người chết hai lần ... Phải gặp những người tình có người yêu chết trận
Pleime hay chết ở chiến khu D, gặp thêm người già em bé, chị gái anh trai,
người phu quét đường, đồng hóa họ là người nô lệ da vàng ngủ im trong căn nhà
nhỏ chờ ngày quê hương sáng chói, đứng dậy hò reo, chờ hoà bình đến tiếng bom
im, cho những bước đi trên những con đường không chông mìn, cho đường giao
thông chắp nối chuyến xe qua ba miền, ngày Thống Nhất tới cho những tình thương
vô bờ.
Nhạc thần thoại quê hương, nhạc tình
yêu và thân phận con người của Trịnh Công Sơn có một tư tưởng chỉ đạo khá rõ,
dù toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả
nhạc lẫn lời, cả xác chữ lẫn hồn thơ, nghe bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho
đúng nghĩa, nhưng nếu nghe kỹ cũng tìm ra ý chính: Trịnh Công Sơn muốn nói lên
nỗi đau con người trong cuộc sống hiện đại, có tình yêu, có chiến tranh, có hận
thù, có cái chết dễ dàng như chết trong mơ. Anh ca tụng tình yêu và cũng như
bất cứ nghệ sĩ nào ở trên đời này - anh chống bạo lực và chống chiến tranh’’
(Phạm duy - Hồi Ký Thời Phân Chia Quốc Cộng).
Và cũng trong ngày an táng TCS tại
Saigon, nhạc sĩ lão thành Phạm Duy cùng bạn bè trong đêm họp mặt tại Thị Trấn
Giữa Đàng - Midway City, California, đã nghẹn ngào:’’Hôm nay là ngày an táng
TCS. Vào giờ phút anh đã thực sự về với đất, với trời, nghĩa là về với mình
rồi, chúng tôi biết rằng anh đã nghìn lần nói lên nghìn lời trối trăn qua tác
phẩm, lời nào cũng làm cho mọi người thấy được nỗi đau làm người, nỗi đau tình
cờ, cơn đau chưa dài và cơn đau lên đầy, quá nửa đời người không một ngày vui
...’’
Trong một buổi mạn đàm giữa TCS và nhà
văn phản kháng Vũ Thư Hiên (tác giả Đêm Giữa Ban Ngày) sau 30-4-75, VTH hỏi TCS tại sao ông không đi ra nước
ngoài, mà ở lại để sống trong kìm kẹp. TCS trầm ngâm:’’Mình có nghĩ tới chuyện
đó chứ. Nhưng mình không thể đi. Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa
nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì chết. ’’Cũng
trong lần gặp gỡ ấy TCS nói:’’Mình nhiều lúc ngả lòng, nhất là khi mình thấy
người ta chẳng hiểu gì về mình, chửi bới mình, hành hạ mình. Đến nỗi muốn thỏa
hiệp cho xong. Nhưng nghĩ lại thấy không được. Nghệ sĩ không thể thỏa hiệp với
cái Xãu, cái Ác. Có thể tạm lùi bước, nhưng thỏa hiệp thì không bao giờ ...’’
Vào đầu năm 2000, khi cô đào phản
chiến Jane Fonda đã lên tiếng xin lỗi các cựu chiến binh Hoa Kỳ về những lời
tuyên bố và hành động chống chiến tranh Việt Nam trước đây của cô thì cùng lúc
nhà nước CSVN chuẩn bị lễ kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng Miền Nam, nhạc sĩ TCS
cũng hòa nhịp vào dòng văn chương phản kháng trong nước khi ông tuyên bố:’’Nước
Việt Nam đã là sân banh cho các cường quốc giao đấu chứ chẳng phải là nơi diễn
ra cuộc đãu tranh oai hùng để dành độc lập như nhà nước CSVN đã vẽ ra’’ (Báo
Người Việt - Hoa Kỳ)
‘’Không phải dòng nhạc phản chiến của
TCS được nhà nước CS Việt Nam o bế, đón nhận tất cả như nhiều người lầm tưởng.
Tháng 4/2003, một đại nhạc hội đã được dàn dựng công phu mang chủ đề "Trịnh
Công Sơn - Hòa Bình cho Tình Yêu’’ gồm 28 ca khúc của ông, đáng nhẽ đã được tổ
chức vào năm 2001. Nhưng đã không thể thực hiện được đúng thời điểm, khiến bây
giờ, hai năm sau ngày TCS mất, chương trinh mới được phép thực thiện bốn đêm
(từ 10 đến 13-10-2003) tại sân khấu Câu Lạc Bộ Phan Đình Phùng qua những nhịp
cầu âm thanh của các ca sĩ "ngôi sao’’ trong nước nhưng rất tiếc nhiều bản
đã không được phép thể hiện vào phút chót với lý do là không nằm trong danh mục
được cho phép: Hợp xướng bản ‘’Nhân Danh Việt Nam’’, ca sĩ Cẩm Vân với nhạc
phẩm "Xin cho tôi’’ và nhất là bản "Ngủ đi con’’ trong tập Ca Khúc Da
Vàng với Ca sĩ Hồng Nhung. Nhạc phẩm này coi như bị tuyệt đối cấm hát nơi công
cộng vì mang nặng tính chất phản chiến và không đứng trong danh sách được hát
như cùng với số phận dòng nhạc của Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ, mặc dù nhà nước
cho phép in bán (?). "Tập Ca Khúc Da Vàng’’ có thể phù hợp với hoàn cảnh
những năm tháng trước 1975 ở Miền Nam nhưng không thích hợp với hoàn cảnh hiện
nay’’ (Báo Tuổi Trẻ Saigon). Mặc dầu nhà văn CS Nguyễn Quang Sáng, Tổng Thư Ký
Hội Các Nhà Văn Yêu Nước, nhận xét về các sáng tác của TCS: "...một người
đã đi theo cách mạng từ năm 14 tuổi (?) thì nhạc TCS không có bài nào không phổ
biến được.’’ (Báo LĐ ngày 22-4-2003).
Cái gì hợp lý nơi Trịnh Công Sơn
Viết đến bao nhiêu mới cạn nguồn cảm hứng về
một người nghệ sĩ đã chinh phục được cả hàng triệu con tim, có lẽ người viết
xin được đi đến một kết luận về ông qua quan điểm của những người làm nghệ
thuật phi chính trị.
Vậy qua Dòng Đời - Dòng Nhạc của người
nghệ sĩ này, chúng ta có thể tìm được một cái gì hợp lý nơi TCS ? Người nghệ sĩ
thường sống về trái tim nhiều hơn là khối óc. Sống với cảm giác nhiều hơn với
suy luận. Buồn thì nói là buồn. Vui thì nói là vui. Đó chính là TCS."
Tôi còn nhớ hồi đầu mùa chinh chiến, cùng
với số phận của nhạc phẩm "Chiều mưa biên giới của Nguyễn Văn Đông’’, nhạc
phẩm "Nhìn những mùa thu đi’’ được quy chụp là diễn tả một nỗi buồn trên
chiến khu (?) bởi vì ca từ có câu: ...’’Trong nắng vàng chiều nay, anh nghe
buồn mình trên ấy". "Trên ấy’’ đây là trên chiến khu (?). Có lẽ một
phần cũng vì người làm công tác kiểm duyệt thời đó vẫn còn cái nhậy cảm của câu
nhạc năm xưa: "chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều’’. Và "Mưa
hồng’’ cũng lại bị hạch sách: tại sao mưa lại hồng (?). Bởi vì người ta vẫn bị
ám ảnh bởi cụm từ "Đông Phương Hồng’’. Cứ "Hồng’’ là cộng sản (?). Mà
đâu có mấy ai hay, nhạc phẩm "Mưa Hồng’’ được viết riêng cho người ông yêu
với lời đề tặng:’’...viết cho Dao Ánh
đó’’. Cũng như sau thời 45-46, hễ ai mặc cái áo sơ mi sọc xanh xọc đỏ hay
mang chiếc bút chì mầu deux couleurs xanh đỏ mầu cờ tam tài là y như bị gán cho
chiếc mũ Việt gian - Mật thám của Pháp (?). TCS chỉ là "tên hát rong đi
qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư
ảo’’ như ông đã nói. Có lẽ chúng ta nên tự khai phóng mình khỏi cái cảm quan
lấy chính trị đánh giá nghệ thuật. Chỉ có người CS mới làm như thế. Có lẽ nhiều
người đã biết , nhạc sĩ Văn Cao là tác giả bản Tiến Quân Ca hiện là quốc ca của
chính quyền CS bây giờ và Lưu Hữu Phước - một người CS, tác giả nhạc khúc Tiếng
Gọi Thanh Niên lại là quốc ca của VNCH và của chúng ta ở hải ngoại ngày hôm
nay. Còn hơn thế nữa, ít nhiều người đã biết đến Văn Cao là Trưởng Ban Ám Sát
Nội Thành của Việt Minh ngày ấy, đã đích thân ám sát Ông Đỗ Đức Phin bên bàn
đèn thuốc phiện tại Lạch Tray Hải Phòng. Ông Phin là chú ruột của người tù cải
tạo - bạn của người viết, hiện đang định cư tại Austin, Texas. Nhưng có lẽ
chúng ta đã quên đi tất cả để chỉ biết đến Văn Cao như một nhạc sĩ tài danh qua
những nhạc phẩm vẫn muôn đời vang bóng: Bến Xuân, Thiên Thai, Suối Mơ ...là tác
giả những dòng nhạc trữ tình đã đưa đám thanh niên chúng tôi một thời vào những
cuộc tình lãng mạn mà quên hẳn đi cái ông Văn Cao nào đó đã là tác giả bài
"Ca ngợi Hồ Chủ Tịch’’ do ca sĩ Thương Huyền thể hiện lần đầu tiên tại Hà
Nội năm 1954. (VN nửa Thế Kỷ Tân Nhạc của Nguyễn Thụy Kha - Saigon).
Nếu
trách TCS qua bài "Em ra đi nơi này vẫn thế, lá vẫn xanh trên con đường
nhỏ ...’’ sau khi hàng triệu người Miền Nam bỏ nước ra đi thì có lẽ chúng ta
cũng chẳng quên được bài "Mùa Xuân đầu tiên’’ của Văn Cao sáng tác ngay
sau khi Saigon thất thủ: "...Người mẹ nhìn đàn con nay đã về, Mùa Xuân mơ
ước ấy đang đến đầu tiên ... Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết
thương người ...’’. Với những cung bậc mang nhiều dấu ấn của kỷ niệm như thế,
chúng ta có lẽ sẽ chọn một thái độ nghệ thuật hơn là chính trị...
Cũng vì vậy mà hai năm sau ngày TCS
mất, người Saigon yêu mến ông một cách kỳ lạ. Người ta đã lập ra một quán Cà
Phê Hẻm Trịnh trên lối ra vào nhà ông - 47 C Phạm N. Thạch một lối đi về suốt
bao ngày mưa nắng. Ngày ngày những người mến mộ TCS thuộc đủ mọi tầng lớp đến
uống một ly cà phê, mắt chăm chăm nhìn vào bức tường rêu phong phía trước, không
ai nói với ai một lời, nhạc Trịnh vẫn từ căn nhà quen thuộc phát ra thoảng theo
hương ngọc lan đầu ngõ...như "tiếng buồn rơi đều, nhìn lại đời mình đã
xanh rêu’’... Tôi thích sự tĩnh lặng nơi đây. Nhạc Trịnh cũng lắng đọng như
thế. Những khoảng lặng lẽ còn lại sau bản nhạc nói được rất nhiều...
‘’(VNExpress). Tai khu Đa Thiện thành phố Dalat, người ta thiết kế một chương
trình dựng tượng ông cùng với tượng Thi Sĩ Hàn Mạc Tử do điêu khắc gia Phạm Văn
Hạng hoàn tất tác phẩm chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cao 2.5m, ngang .8m.
Đặc biệt là trên đầu pho tượng là những cánh chim hòa bình ríu rít gọi đàn, sau
lưng tượng là ca từ một ca khúc của ông :’’Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ’’.
Ở hải ngoại, những người yêu mến nhạc của ông lại được dịp thưởng thức CD
"Còn tuổi nào cho em’’ lấy tên một tình khúc của ông làm chủ đề do ca sĩ
Khánh Ly mà tên tuổi đã gắn liền với một đời sáng tác của ông chuyển tải (Tháng
11-03). Hơn thế nữa, nhạc sĩ Thái Hoà cùng nghệ sĩ Saxo hàng đầu ở Ý - Fulvio
Albano, đã xúc tiến thành lập một thư viện về nhạc sĩ TCS tại thành phố
Juventus. Và có lẽ đã được khánh thành vào tháng 3 năm 2004.
Khi viết những dòng này, người viết
được biết là vào ngày 3-2-2004, một cuộc họp tại Nữu Ước do ban tổ chức WPMA -
World Peace Music Awards in Viet Nam do Math Taylor, giám đốc sản xuất chương
trình và cũng là người đề xướng Giải Thưỏng Âm Nhạc Hòa Bình lần thứ hai (lần
thứ nhất diễn ra ở Bali, Indonesia năm 2003) cho biết vào 26-5-2004. lễ trao
giải âm nhạc Hoà Bình Thế Giới sẽ được tổ chức tại Hà Nội để tôn vinh Trịnh
Công Sơn, là một trong những người đã trọn đời tranh đấu cho hòa bình ngay tại
quê hương ông. Cũng trong buổi lễ trực tiếp truyền hình này tính ra có tới hơn
một tỷ người được xem, ngoài nhạc sĩ TCS, năm nghệ sĩ còn lại Joe McDonald, Bob
Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez và nhóm Peter, Paul & Mary đều là người
Mỹ đã có ít nhiều dính dáng tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng được trao
giải.
"Ôn cố tri tân’’, người xưa dạy
thế.
Hình: Báo Dân Trí, 30-3-2015 |
Đỗ
Phủ - danh sĩ đời Đường có câu: ‘’Trượng phu cái quan sự thủy định’’ và cổ nhân
cũng có câu ‘’Cái quan luận định’’, có nghĩa là đánh giá sự nghiệp của một
người có tên tuổi cả về công lao và tội lỗi, đúng và sai, hay và dở ... chỉ có
thể bắt đầu khi người đó đã mất. Như người đời thường nói: mọi sự đánh giá chỉ
có thể bắt đầu khi nắp quan tài đạy lại, mọi việc mới bắt đầu bàn định. Ta sẽ
không còn phải lo sợ rằng họ còn có thể tốt hay có thể xấu, còn có thể đúng hay
có thể sai, xứng đáng hoặc không xứng đáng nữa.
"Cái chết của ông là một mất mát
lớn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông là
người viết tình ca hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Nói bằng cách gì và với ý
nghĩa nào đi nữa thì cùng không thể làm vơi đi được nỗi đau thương và mất mát
ấy’’.
Đó
là nhận định của bạn bè ông và cũng là nhận định chung của những người mến mộ.
Giả như trong kho tàng âm nhạc VN,
người ta thiêu hủy đi hơn 600 nhạc khúc của ông, thì ngày hôm nay chúng ta còn
mang theo được một dấu ấn nào của kỷ niệm về Tình Yêu và Thân Phận suốt hai
mươi năm máu xương và nước mắt trong việc bảo vệ phần đất Miền Nam tự do ?
Xin đừng để thêm một lần thầm trách:
‘’...làm
sao em biết bia đá không đau’’.
Phạm Bá
- Đã
đăng lần đầu Báo Ngày Nay Texas số
523. 1-4-2004
Chỉnh
sửa lại 1-4 2012
- Đăng lần thứ 2 Báo BútTre Arizona số 30-4-2015
- Đăng lần thứ 2 Báo BútTre Arizona số 30-4-2015
From: But Tre Magazine
ReplyDeleteDate: May 7, 2015 4:29:08 AM
Subject: THU CAM ON
To: "'YenLuan'"
Đoc email của dộc giả dưới dây, chắc chú Phạm Bá sẽ sung sướng, lâng lâng vô cùng… hihi…
*****************************************************************************************************************************************
From: Hoi Than Huu [mailto:thanhuu99@yahoo.com]
Sent: Wednesday, May 6, 2015 10:09 AM
To: buttremagazine@hotmail.com
Subject: THU CAM ON
Kính gửi cô chủ nhiệm nguyệt san BÚT TRE
Thưa cô, tôi đã nhận được thùng báo do cô gửi tặng hội Thân Hữu chúng tôi, trước tiên thay mặt Hội, chúng tôi cám ơn cô và GS Trần Thủy Tiên, vì nhờ GS mà chúng tôi được biết cô, chúng tôi sẽ thưa chuyện với giáo sư Trần Thủy Tiên riêng.
Chúng tôi đã nhận được thùng báo từ thứ ba tuần trước, lẽ ra phải trả lời cô ngay, vì cuốn báo có bài của GS Trần Thủy Tiên viết về sinh hoạt tết của chúng tôi ở Omaha nên chúng tôi đã xem bài viết của GS trước , thành thực cám ơn, GS đã dành nhiều ưu ái cho Hội chúng tôi trong bài viết này, luôn tiện tôi xem luôn hai bài viết rất hay, không những hay mà còn rất thâm thúy của tác giả Như Hoa Lê Quang Vinh với bài " Thằng ăn cắp " bài viết đáng để suy ngẫm, sau đó tôi đọc đến bài " Dòng nhạc Trịnh Công Sơn" tác gỉa Phạm bá, một bài viết rất công phu và quá hay, thực ra thì tôi cũng đã đọc hết cuốn báo , vì đối với tôi, mọi bài viết, hoặc sách hoặc báo, khi tác giả viết đều có một cái gì đó để cho mình học hỏi nên cần phải đọc để hiểu biết thêm, một bài báo có thể viết trong một tiếng hay nhiều tiếng, thậm chí có thể tới cả ngày hay hàng tuần, nhưng để chuẩn bị cho bài viết đó không ngắn ngủi chỉ có vài ngày mà đôi khi có thể kéo dài cả hàng tháng hay hơn nữa, người viết có công phu của người viết, nên người đọc không lẽ nào lại chỉ đọc phớt qua làm uổng công của người viết, người viết có thể viết trong vài giờ hoặc vài ngày, người đọc đôi khi chỉ đọc trong một tiếng hoặc nếu truyện dài thì có thể đọc trong một tuần, nhưng phải thú thực, đọc chỉ trong một giờ nhưng có thể suy nghĩ trong nhiều ngày nhiều tháng, thậm chí đôi khi có những bài viết là một bài học mà mình phải suy ngẫm nhiều khi cả đời thí dụ như bài "Thằng ăn cắp ".
Riêng bài" Dòng nhạc Trịnh Công Sơn " tôi đọc rất kỹ, và có hightlight những câu viết hay thí dụ như tác giả viết " Người nghệ sĩ phải có tình yêu, không có tình yêu chắc không thể nào sáng tác được" hoặc " Người nghệ sĩ thường sống về trái tim nhiều hơn là khối óc , sống với cảm giác nhiều hơn với suy luận ", nhưng câu mà tôi tâm đắc nhất phải là câu " Chúng ta nên tự khai phóng mình khỏi cái cảm quan lấy chính trị đánh giá nghệ thuật" và còn nhiều câu hay hơn nữa. Hầu như ai cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng không ít người không thích thái độ chính trị của ông, nhưng phải biết tách biệt giữa chính trị và nghệ thuật, câu này đã nói lên sự tách biệt đó.
Một lần nữa, xin cám ơn cô chủ nhiệm đã gửi tặng thùng báo, chúng tôi sẽ chuyền tay nhau đọc trong cộng đồng ít oi của chúng tôi.
Duẩn nguyễn
TB.- thưa cô chủ nhiệm, nếu có thể được xin cô vui lòng cho tôi địa chỉ E Mail của tác giả Phạm Bá để chúng tôi được tiếp chuyện hoặc cô có thể gửi địa chỉ E mail của tôi cho tác giả Phạm Bá để chúng tôi có thể thảo luận thêm, số phone của tôi 402-305-5013
Hồi âm:
ReplyDeleteK/g Ông Duẩn Nguyễn
- Hội Thân Hữu...
Thưa ông,
Trước tiên tôi xin thành thực đa tạ những lời ngợi khen của ông và đồng thời xin được thứ lỗi về việc hồi âm quá chậm trễ này. Lý do là ngay khi nhận được "Lời Bình Kim Thánh Thán" của ông qua Cô Chủ Biên Báo Bút Tre, vào đúng Tháng Tư có quá nhiều sinh hoạt văn nghệ nên mới chậm trễ đến hôm nay. Mong được ông bỏ qua cho!
Thực ra bài báo tôi đã viết từ sau ngày Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1-4-2001), và đã được đăng trên báo Ngày Nay (Texas) của GS Nguyễn Ngọc Linh / Ký giả Trọng Kim làm Chủ Biên -Số 523 ngày 1-4-2004. Sau đó đến nay, bài viết được chỉnh sửa thêm thắt một số chi tiết nhỏ nữa cho sát với thực tế cuộc đời của người NS, mà trước đây được lớp người trẻ như người viết mến mộ.
Trong suốt một thời gian dài, từ 2004 đến năm 2012, tôi có gửi thêm cho vài tờ báo ở HTĐ, nhưng bài báo đã không được đón nhận như lần đầu, có lẽ những vị chủ biên đó đã quá "dị ứng với cái tên TCS". Nay vào ngày giỗ của ns họ Trịnh (1-4) tôi lại gửi tiếp đến Báo BútTre nhờ đăng và may mắn bài viết, một lần nữa được "Cô Đỡ" MT, thuộc lớp người trẻ sau 75 hoan hỉ cho "tái sinh". Cá nhân người viết khi nhận được tờ báo, trước tiên thầm cám ơn Cô Chủ Biên, phải đọc lại liền để cảm thương cho người NS tài hoa với những cảm xúc như những ngày "mình còn trẻ". Nhưng chưa hết, khi người viết hạnh phúc được đọc những lời quá ngợi khen của ông, như được thêm một lần cảm xúc dâng trào..."như máu trở về tim..."
Có lẽ đó là bài viết cách đây đã trên 10 năm, nay chắc "tim đã hết máu cái duyên không về ...", không thể nào viết được như thế nữa...
Cuối thơ, xin được lưu giữ những "Lời Bình của ông" trong Blog cuả tôi.
Đa tạ & Kính chúc ông vui mạnh .
Phạm Bá
May 16, 2015