Sunday, December 25, 2016

BỤI ĐƯỜNG PHỐ NÚI

.                                                                                                                                                                                                 
                                                                                                                              Bút Ký 🔄  Phạm Bá

     Trong hai tuần lễ giữa tháng 7 vừa qua, chúng tôi có việc gia đình phải trở lại Thành Phố Albuquerque, thường được gọi là An Quốc Kinh, nơi đã cưu mang nhóm người tỵ nạn 75 chúng tôi đến định cư lập nghiệp ngay từ những ngày đầu được đặt chân lên miền Đất Hứa - Tháng Năm 1975.
     An Quốc Kinh được gọi là “Land of Enchantment” cuả tiểu bang New Mexico, nơi chưa một lần cư dân chúng tôi ở đây phải đối diện với những thảm họa của thiên nhiên trong suốt hơn 40 năm hòa nhập vào dòng chẩy của nước Mỹ; nghe nói, cũng là nhờ rặng núi phiá Đông trong đó có ngọn Sandia cao nhất chặn gió ngăn bão đổ về thành phố nằm dưới thung lũng về mùa đông. Dù là một thành phố thuộc vùng sa mạc trên cùng dải đất với Arizona, về mùa hè khí hậu tuy khô nhưng nhiệt độ chưa bao giờ lên đến “ba con số” như ở Arizona và về muà đông lại là nơi trượt tuyết lý tưởng, ngay trên đỉnh ngọn Sandia, cách nhà chúng tôi không tới 5 dặm đường.
     Trong điạ dư, Sandia có tên đẹp như thế đấy nên sau này người ta lấy tên đặt cho một sòng bài nằm trên giao lộ bắc nam I-25 và đông tây I-40: Sandia Casino, một sòng bài có tầm cỡ và cũng là một tụ điểm của du khách thế giới vào Mùa Khinh Khí Cầu (Balloon Fiesta) vào tháng mười hàng năm. Casino Sandia hoành tráng nghênh ngang như thách đố nằm giữa vùng sa mạc nghèo nàn bên cạnh dòng Rio Grande có đôi khi cạn nước. Nhưng cũng chính nơi này đã “vùi dập” nhiều gia đình cư dân tỵ nạn có máu đỏ đen, trong đó phải nói tới một người tôi biết, sau nhiều ngày đêm “chiến đấu” không ăn không ngủ, anh ta gục chết ngay tại bàn sì phé. Ghê gớm thiệt!
     Giới thiệu với bạn đọc bằng giọng “thở than” đôi chút thế thôi, nhưng chúng tôi không sao quên được hàng tuần vào tối Thứ Sáu, mỗi khi trở về chốn cũ vì sòng bài có dụ “All You Can Eat” đồ biển nghêu sò cua ốc hến nấu theo kiểu Latin Nam Mỹ không chê nổi…mặc dù chúng tôi đã rời An Quốc Kinh từ hơn mười năm qua và đang sống với đại gia đình tại Maryland nơi nổi tiếng tại East Coast với blue crab - Ghẹ xanh. Ghẹ Maryland mẩy và ít tanh hơn “ghẹ An-Nam” ta…Tôi nói thật đấy ! vài ngày trước khi trở lại Albuquerque, chúng tôi đã làm một chầu ghẹ xanh tưởng như muốn ngộp thở. Nhưng khi đến Sandia vào chiều thứ Sáu, chúng tôi không thể từ chối lời mời của bạn bè đánh chén một bữa đồ biển tại đây. Hết ý bạn ạ !
     Nhưng các bạn ơi ! Trong những chuyện bụi đường, tôi không thể không nhắc đến một sự kiện chính mình đã phải đối diện…Thực là một “thao tác thiếu văn hoá mất vệ sinh” của ai đó không thể tưởng tượng nổi khi bước vào Men’s Room khá lịch sự… Ngay trong bồn tiểu đứng, “một đống vàng khè” nằm chình ình trên tấm lưới…Mọi người bước vào lúc ấy, chửi thề tùm lum…quay ngoắt ra ngay. Tôi vội móc iphone bấm một pô để ghi dấu một “chứng tích lịch sử” trong chuyến đi. Sau chợt nhớ tới lời các cụ nói ngày xưa, nằm mơ thấy “phân” sẽ gặp nhiều may mắn, nay không phải là nằm mơ mà là thấy sự thực, chắc hẳn phải may hơn… Do đó, tiếp nối bước chân lôi kéo của bạn bè, tôi thử thời vận rủi may…Ai dè có “dzái” cũng có linh…thần Indian Casino chiều khách phương xa ngay cú hích đầu tiên…Một hình ảnh tuy “tội lỗi” nhưng “sun sướn làm sao”… Chẳng cần lý giải. Vì cũng chỉ là “bụi đường gió núi” mà thôi.
     Sau mười ngày lo xong việc gia đình bên ngoại, chúng tôi bay lên Denver. Mặc dù Albuquerque nằm trong tiểu bạng ngay dưới Colorado nhưng chúng tôi chưa từng đặt chân tới đây dù cho có người thân mời mọc nhiều lần. Vì người vùng sa mạc không mấy thích lên chơi vùng núi. Hơn nữa vào những ngày đông tháng gía, tuyết ở NM cũng chẳng thua gì tuyết ở Denver. Đó là điều nhiều người không hay biết. Đơn giản có thế thôi. Nhưng lần này, từ vùng đại dương sông nước East Coast, chúng tôi phải làm một chuyến cho biết, như các cụ chúng ta hồi xưa đã dạy: “Đi cho biết đó biết đây; Ở nhà với vợ biết ngày nào khôn …”
Nhưng thời gian lưu lại Denver quá ngắn, chỉ tròn hai ngày. Em gái tôi hướng dẫn chúng tôi qua một vài tỉnh lỵ nhỏ: Central City và Black Hawk City cuối cùng là vùng mỏ Idaho Springs.
      Theo dấu bụi đường …

      Dọc theo xa lộ I-70 đến Central City với cư dân chưa tới một ngàn người và Black Hawk City với diện tích lãnh thổ chưa bằng 2 dặm vuông với dân số có hơn 100 người nhưng lại là hai nơi có nhiều Casino nho nhỏ xinh xinh, trông chỉ như một tiệm ăn lớn. 


Nhưng cũng làm nhều người sứt đầu mẻ tai, các bạn ạ… Sinh hoạt cuối tuần ở đây cũng khá tấp nập, chừng 20 ngàn du khách đến đi mỗi ngày. Nhích lên phía trên là thành phố mỏ Idaho Springs với dân số chưa đến 2000 là đã đến nhà máy đãi vàng ARGO – Gold mine & Mill thuả xưa, nay là một di tích lịch sử của Denver.



     Cạnh nhà máy là một thác bạc khá cao với dòng nước nhỏ chảy đều xuống Water Mill phía dưới. Water Mill này được dựng lên từ năm 1800 nay đã qua mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt như một chứng tích của kỹ nghệ đãi vàng ngày xưa.


     Bây giờ mời bạn đọc cùng chúng tôi ghé Tiệm Beaujo’s Colorado Style Pizza .- Gia đình em tôi lập nghiệp ở Denver đã mấy chục năm và về mùa hè cả gia đình thường kéo nhau lên núi chơi cuối tuần nên biết rõ lịch sử và phẩm chất Pizza của tiệm bánh đã có một bề dày lịch sử (?). Dĩ nhiên tiệm rất ư là cổ lỗ sĩ, từ thời còn dân làm mỏ vào ăn, trong ngoài trông rất “đen đúa” như thiếu lau chùi sơn phết. Nhưng bù lại được cái là tiệm rất đông khách… Chúng tôi bốn người phải đứng chờ chừng 20 phút mới có bàn trống. Cô em rành order nên khoản đãi chúng tôi một bữa Pizza thật “hoành tráng” mà có lẽ trong suốt hơn 40 năm sống trên đất Mỹ, tôi chưa từng được chi trả như thế. 

 
      Chiếc bánh loại Extra Large, tưởng là to lắm nhưng nhỏ quá không ngờ, mỏng re dù với rất nhiều toppings rắc lên trên mà nhiều món tôi chưa từng được nghe nói đến… món nào cũng phải tính ra tiền và trả thêm. Gía sau cùng tính ra là $71us chưa kể tiền tip…Tất cả lên tới $80. Chúng tôi ngẩn tò te... Chẳng thấy ngon hơn Pizza ở Costco hay Pizza Hut tí nào…Có lẽ mình thường ăn bánh xèo, ít khi ăn Pizza nên không biết thưởng thức. Rõ là quê một cục !
                                                                                                                                     
     Trên đường trở về Denver, bất chợt chúng tôi gặp một đoàn Rafting chừng bốn năm chiếc bè nổi cao su đang lướt trên Clear Creek sát xa lộ I-70, mỗi bè do chừng 6, 7 thanh niên đang hợp lực cùng nhau chèo lái chiếc bè đang lao trên dòng suối nông đầy đá, nước trong veo không một cộng rác.
           
                                                                                                                                                                       
      Nhiều khi, bè vừa vượt qua một tảng đá lớn, bị hất tung lên gần như bị lật, chiếc bè như muốn quay ngang. Lúc này những tay thể tháo gia lại gồng hai cánh tay lực lưỡng khéo léo lái cho bè phải theo xuôi dòng chảy xiết. Ngoạn mục quá ! Thú đam mê mà!... nhưng cũng nhiều rủi ro khi bè bị lật, khiến đầu dễ bị đập vào đá dù cho có đội mũ an toàn…Tôi chả dám rớ đến thứ này!
Tuổi mình đâu còn trẻ nữa.
"QUÁN H...Í...T..."
 “Quán Gió” bên đường…
      Trời đã về chiều, sau bữa Pizza phố núi, chúng tôi lại quay về Denver dù cách không bao xa. Bất chợt thấy một Quán Bên Đường cô đơn lặng lẽ một mình, tôi muốn vào để coi xem họ bán thứ gì vì thấy chữ OPEN. Chú em tôi cứ để chúng tôi thoải mái ra vô. Chừng đến khi bước vào, thấy phòng lounge vắng khách chỉ có một bộ sa lông và cô bán hàng niềm nở bước ra chào đón chúng tôi, tôi mới giật nẩy mình: thì ra đây không phải là Quán Ăn mà là “Quán Gió”- đúng ra thì phải gọi là "Quán Hít" mới đúng. Lúc đó chú em tôi mới giải thích cho tôi nghe, đây là một trong nhiều Dispensary - Trạm Y Tế với dấu Thập Tự Xanh treo ngoài cửa, cùng với biểu hiệu mái nhà Green… mà tôi không nhìn thấy. Nơi đây chính là trạm dừng chân của dân đi chơi núi ngày hè hay trượt tuyết về “nghỉ ngơi thư giãn”… Rõ ràng là mình, tuy là từ thủ đô tới nhưng ngớ ngẩn quá chừng!  Đâu hay bìết, Colorado là tiểu bang được sử dụng Green Leaf tự do…

      Bây giờ chú em tôi mới bắt đầu dẫn giải cho tôi biết dấu hiệu Thập Tự Xanh và hai chữ Green Leaf hoặc Sweet Leaf trên những tấm bảng quảng cáo khắp nơi trong thành phố. Mà hình như tôi chỉ bắt gặp ở những con đường ngoại ô ngập bụi đường gió núi như trong hình.
Đây là một quảng cáo khá rõ nét được đặt ngay nơi góc giao thông xa lộ I-25 North và I-25 South, với hàng chữ Marijuana Centers nhỏ ngay phía dưới chỉ vào một Quán Bên Đường.

Trên cùng một con phố, lại thêm một “Quán Gió bên đường” nữa với hàng chữ MED 18+ và REC 21+. Tôi thật không hiểu gì hết ! Chú em tôi giải thích: Med 18+ có nghiã là từ 18 tuổi trở lên được quyền vào quán mua Green Leaf để sử dụng nếu có toa của Bác Sĩ; còn REC 21+ có nghĩa là từ 21 tuổi trở lên được ra vào quán thư giãn tự do. Chữ Rec là chữ tắt của chữ Recreational. Mà tôi tạm dịch là thư giãn.

Dispensary với Thập Tự Xanh là Trạm Y Tế hay Trung Tâm …được đặt ngay tại một khu buôn bán khá sầm uất của Denver. Dưới hàng chữ Sacred Seed là hình tượng Phật đang ngồi “Tham Thiền nhập Định”. Linh nghiệm quá đi thôi… 
 

Thấy xe đậu đầy ngoài parking lots, chúng tôi mạnh dạn bước vào Quán. Hẳn nơi này nhiều người khi đến Denver đều đã đi qua.
Những điều người viết ghi nhận nơi đây chỉ là những thông tin để góp thêm sự tìm hiểu một vấn đề nhạy cảm trong một xứ tự do mà không phải là một quảng cáo hay là “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì thực ra chẳng vẽ đường thì khi đói, hươu cũng biết phải tìm đường đi kiếm hoa trái mà ăn…
Tần ngần trước trung tâm, thấp thoáng thấy vài ba du khách nối tiếp ra vô, chúng tôi mạnh dạn bước vào lounge của trung tâm. Lounge là một phòng trống duy nhất chỉ có một sofa cũ nát đặt trước một tranh treo với vòng tròn 12 con Giáp Tây Phương; dưới là một pho tượng Phật đang ngồi Thiền cho ra vẻ đây là một trung tâm Yoga.

Cô quản lý chừng ngoài ba mươi tươi cười chào đón chúng tôi. Vì mình cũng hơi khờ một tí nên để cho an tâm, tôi tự giới thiệu mình là du khách từ tiểu bang xa tới vì được nghe nói những người bị Glaucoma Cao Áp Huyết Mắt, đái đường hay tâm bệnh ...v.v… có thể sử dụng loại Green Leaf này để chữa trị, cô ta vui vẻ trả lời và cho chúng tôi thêm nhiều tài liệu về Sacred Seed này. Thực ra hỏi thế thôi. Chứ mục đích là chúng tôi muốn vào được đây để biết sinh hoạt sống của Trung Tâm ra sao. Điều mà Mít ta ít ai nghĩ tới..
Qua ngăn cửa kính, chúng tôi thấy có nhiều phòng nhỏ bên trong và cũng có nhiều khách đang phì phèo… hàn huyên. Thấy chúng tôi, họ giơ tay chào rất thân thiện vì cho là cùng fan. Sau khi trao đổi với cô quản lý, cô cho chúng tôi được chụp hình thoải mái, trừ việc không được quay phim và ghi âm. Cám ơn cô đã cho chúng tôi đôi phút tìm hiểu về Trung Tâm. Khi chúng tôi sửa soạn ra cửa thì lại có một cặp, như là vợ chồng, độ trên 40, bước vào tươi cười với chúng tôi. Họ mở cửa bước vào bên trong có lẽ là khách hàng thường xuyên. Còn khách mới như chúng tôị muốn bước vào trong, phải ghi danh và để lại căn cước. Thôi ! mình chả muốn như thế đâu …
Khách ra vào trong giờ lunch hay dinner như thể ra vào một tiệm ăn. Vì đây là một sinh hoạt hợp pháp ở Colorado được chính phủ công nhận. Nhưng cũng cần ghi nhận thêm là, mua bán Green Leaf thì tự do nhưng không được trồng tiả trong tư gia đâu nhé! Công việc trồng tiả loài “Hoa Lá Qủy” này lại là một dịch vụ khác, cũng như không ai được phép mang ra khỏi lãnh thổ Colorado nếu không muốn ngồi đếm lịch…Luật lệ Mỹ là thế! Chớ có đùa với lửa ….

     Sau hai ngày vội vã thăm viếng Thành Phố Núi Denver, chúng tôi tính phải mua một vài thứ kỷ niệm cho con cháu. Vội ghé vào một tiệm bán đồ lưu niệm; chẳng có gì đặc biệt mà chỉ toàn là áo thung in hình phố núi Denver. Bất chợt lại nhìn thấy một manaquin đang mặc chiếc áo thung in hàng chữ “KEEP CALM, You’re JUST HIGH ”. À... thì ra "Bạn đang PHÊ " đy...
Thôi! đành phải lắc đầu bỏ đi không mua gì nữa … Bước ra tay không… Ngước mắt nhìn trời Xanh: xin một lần được phủi tay để khỏi lấm "Bụi Đường Phố Núi"

Phạm Bá 
July2016                                                                                                                                                                                                                                                          

Friday, August 5, 2016

Chuyện bên lề ...



.                                                                                                                                                                                       

 Chuyến đi của     
Tổng Thống một đại cường                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             Phạm Bá

Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đến thăm VN ngày 23-5-2015, vài giờ đồng hồ sau ngày bầu cử Quốc Hội thứ 14 của VN 22-5-2016. Như mọi người đều biết mọi sự kiện diễn tiến trong ba ngày ông đến VN từ Hà Nội đến Saigon, qua báo chí và truyền hình trong và ngoài nước, người viết ở đây chỉ là người lượm lặt ghi nhận những chuyện bên lề chuyến viếng thăm của ông như để góp vui với bạn đọc.
        
     1-   Welcome tự phát.-
Ngay trong đêm 22-5, nghe tin máy bay Air Force One của ông Obama đáp xuống phi trường Nội Bài thì người dân Hà Nội chẳng ai bảo ai đã ùn ùn kéo nhau ra đứng chờ từ hai ba giờ trước dọc theo quãng đường dài dẫn vào thành phố chỉ để được nhìn thấy tận mắt đoàn xe của ông. Đoàn xe đông thật ! Theo sau hai Quái Thú –The Beast “Cadillac One” đen bóng của Toà Bạch Ốc lừng lững tiến vào một thành phố đã một thời “ăn bom đạn của đế quốc…” là một đoàn xe SUV mà phần lớn những xe này được phi cơ của không lực Hoa Kỳ mang từ Mỹ đến. Còi hụ vang lên cùng với đèn chớp của xe cảnh sát được dịp trổ nghề với thị dân Hà Nội. Rồi qua sáng ngày hôm sau 23-5 mới khiếp! Hà Nội bàng hoàng bừng dậy như để chào đón một “vị lãnh tụ tinh thần”; nhất là dọc theo những con đường bị cấm, vì đó chính là những đường đoàn xe của ông sẽ đi qua. Người dân đoán biết thế. Ôi! những bàn tay vươn lên tuởng như muốn níu lấy những bàn tay; “cờ hoa đế quốc” được người dân phất tung hô rập trời chào mừng ông TT. Có người trộm nói: “Chúng ta đi bầu hôm qua, nhưng người đắc cử với số phiếu đa số tuyệt đối lại là TT Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay “…
Báo chí Hà Nội không giấu diếm được những tình cảm của cư dân Hà Thành: Trần Mỹ Linh, cô gái Hà Nội duyên dáng mặc áo dài mầu vàng dâng hoa chào đón TT Obama khi ông vừa bước ra khỏi phi cơ Air Force One là một sinh viên nghành Ngữ Học, 21 tuổi thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Hà Nội, ghi nhận niềm cảm xúc của cô trên trang Facebook: “…Tớ nói thật… là tay của Ngài Barack Obama…ấm, ấm lắm …”.  
Ngày 24-5-2016, TT Obama đứng trước hơn 2000 người trong Hội trường Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Ba Đình Hà Nội, ông đã thao thao bất tuyệt chuyển tải một thông điêp dài bao gồm các vấn đề mà người dân VN đang mong đợi. Như nắng hạn lâu ngày gặp mưa, một thanh niên Hà Nội – Minh Phạm, bày tỏ tâm tình của mình trong trang báo VNExpress:

  
“Chúc mừng dân tộc VN                                   
Có người bạn tốt đến thăm nước nhà
Một ngưòi sống rất chan hòa
Bình dân dung dị như là người thân
Tuy xa bỗng hóa nên gần
Một người đáng mến như dân của mình
Ông đến như ánh bình mình
Mở ra hy vọng dân mình đợi mong…”



2-   Lẩy Kiều & Những vần thơ…-
Cái sinh động trong những bài diễn văn của các TT Hoa Kỳ khi đến thăm VN là luôn luôn lần tìm về những lối mòn cổ điển trong văn học VN qua những nét tinh túy của văn chương nghệ thuật. Đó là các sự kiện “lẩy Kiều”.
Nếu như năm 2000, TT Clinton đến VN mang theo món quà bỏ cấm vận để đánh dấu một cử chỉ của lòng tin:
                                        ”Sen tàn cúc lại nở hoa;
                              Sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân”
                                                                  (Câu 1795-1796)
                   (…Just as the lotus wilts, the mums bloom forth;
                     Time softens grief and the winter turns to Spring)
                                                                   (TT Bill Clinton)
- Chiến tranh đã qua đi, hãy chôn vùi quá khứ để sang một trang lịch sử mới - và như Phó TT Joe Biden trong yến tiệc tại dinh quốc khách tại Washington DC hồi tháng 7-2015, khi cụng ly với TBT Ng. Phú Trọng, qua nhiều nỗ lực để đánh dấu những chặng đường thăng trầm của quan hệ hai nước Việt-Mỹ, ông nói :
                                    ”Trời còn để có hôm nay;
                                Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”
                                                                   (Câu 3121-3122)
                               (Thank heaven we are here today;
                           To see the sun through parting fog & clouds)
                                                                   (PTT Joe Biden)
-Những nghi ngại giữa hai nước nay đã không còn nữa, thay vào đó là những sự phát triển tầm cao, thì hôm nay ở TT Barack Obama, ông cũng lại mang Kiều ra lẩy trước 2000 người khiến cả khán phòng không nén được cảm xúc:
                                ” Rằng trăm năm cũng là đây;
                               Của tin gọi một chút này làm ghi”
                                                                   (Câu 355-356)
                          (Please take from me this token of trust,
               So we can embark upon our 100-year journey together)
                                                                   (TT Barack Obama)
-Đó chính là món quà TPP và việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho VN.
Được biết người chuyên viết diễn văn cho TT là Cody Keenan và lần này “Lẩy Kiều” do GSTS
Peter Xinoman thuộc Đại Học Berkeley đề xuất, chẳc hẳn phải có sự tiếp tay của phu nhân người Việt là Bà Nguyễn Nguyệt Cầm. GS Peter là người đã dịch truyện “Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng – Dumb Luck” sang Anh Ngữ.
Đối lại là những giòng cảm xúc đầy chân tình một thuả của người dân trong báo VNExpress:
“Chúng tôi đang chờ Ngài phát biểu
Đợi trông như đếm đến từng giây !
Háo hức thay trong sự kiện này
Lịch sử viết tiếp thêm trang mới”
(Lân Giang )

Ôi! sao dễ thương đến thế nhỉ…
Vẫn chưa hết những chân tình vừa hé mở, người Saigon (Mẫn Lê) trìu mến TT Obama qua những vần thơ như bộc lộ hết cả tâm tư của mình:
“Tấm lòng ông tựa biển Đông
Như dòng sông mát mênh mông đất trời
Một nhân cách lớn trong đời
Chân tình nồng ấm, rạng ngời nhân văn
Mới gặp như đã quen thân
Những nơi ông đến, người dân đón mừng
VN rộn rã tưng bừng
Mọi người đều hướng theo từng bước ông”


3-   Bún Chả Hương Liên
TT Obama ăn tối ngày 23-5 tại Quán Bún Chả Hương Liên Hanoi với Anthony Boudain, một nhà văn chuyên về ẩm thực, tốt nghiệp The Culinary Institute Of America  năm 1978 và là một “đầu bếp” nổi tiếng thế giới với tác phẩm đầu tay “Kitchen Confidential.. .”.  Hiện ông đang dẫn thu hình một chương trình ẩm thực mùa thứ 8 có tên là “Anthony Bourdain: Parts Unknown”, nghe đâu sẽ được CNN phát hình vào mùa Thu này. Dĩ nhiên bữa ăn bún chả này đã được Toà ĐS Hoa Kỳ ở Hanoi và Anthony hoạch định và đạo diễn, trong đó phần “an ninh môi trường” được thực hiện tuyệt đối an toàn ít ai biết đến. Món “Chả nướng” mà TT ăn là thit heo bầm… được mang từ Mỹ đến. “Việc ướp, xiên & nướng thịt…” được nhà hàng thực hiện tại chỗ dưới sự “giám sát” chặt chẽ của viên bếp trưởng Nhà Trắng và ngay cả món nước mắm chấm …đều đã được đầu bếp Toà Bạch Ốc xét nghiệm, kiểm tra, nếm thử…trước đó. Và đến ngay người hầu bàn cho TT cũng đã được an ninh mật vụ chỉ định, không được ai khác mà phải là Cô Hằng Nga, người sau đó được báo chí Hà Nội phỏng vấn đã vui vẻ, tươi cười trong niềm hạnh phúc nhất trong đời cô, nói – nguyên văn:”…Bắt tay ông rất chi là ấy…là sướng…”; “Ôi ! mềm và ấm làm sao!…”
Nếu nhìn kỹ những video clip trong quán, thấy rất đông khách ngồi ăn. Họ tỉnh bơ như không hề hay biết có TT đang ăn bún. Không ríu rít nhỏ to. Không ngó ngang ngó dọc. Vì tất cả đã được người đạo diễn dặn dò kỹ lưỡng từ trước. Tóm lại không gian trong quán có một bầu không khí rất tự nhiên như “người Hà Nội”.
Nhưng chuyện quán Bún Chả Hương Liên chưa chấm dứt ở đây…
Ngay ngày hôm sau, 24-5 và những ngày kế tiếp, cư dân Hà Thành nườm nượp đổ về quán Hương Liên chỉ để được thưởng thức hương vị bún chả quán này, nhưng hôm nào cũng “Cháy Hàng” khiến chủ nhân phải liên tiếp đề bảng bên ngoài cửa tiệm: “Đã hết Hàng”. Có khi thịt nướng không kịp, có khi không đủ nhân viên hầu bàn phục vụ. Nhiều người dù phải chờ bao lầu nữa, cũng chờ, chỉ để được vào trong quán, nhất là đòi được lên lầu hai, ngồi vào bàn và ghế nhựa của TT ngồi bữa trước…được hân hạnh gọi một “suất Bún Chả Obama - gồm tô thịt nướng, nem hải sản và một chai Bia Hà Nội”. Ái mộ ông TT quá xá cỡ…
Hiện nay bà chủ quán Hương Liên đã cất giữ toàn bộ bát đĩa, đũa và vỏ chai Hanoi Beer mà TT Obama đã sử dụng để sẽ được trưng bày trong một tủ kính đặt trong tiệm như là một kỷ vật trong lịch sử quán Hương Liên sau hơn 20 năm hiện diện trên thương trường.
Đến nay, sau nhiều tuần lễ sau ngày TT đến, cơn sốt món ăn dân dã truyền thống đất Tràng An: “Bún Chả “ như vẫn chưa hạ nhiệt. Cư dân Hà Thành ngày ngày cứ ào ào kéo nhau đến

“Quán bún… Obama” chỉ để ăn thử một lần xem sao... Nhà chủ coi như trúng số…và Hanoi Beer cũng được coi là một Best Seller trong cái nắng đổ lửa của Ba Đình hiện nay.
Trong khi tờ VN Express cũng đăng tải tâm tình của một thanh niên:

“ Obama ở Hoa Kỳ                                           
Mà sao thấy chẳng khác chi dân mình             
Vui tươi giản dị nghĩa tình
Cũng ăn bún chả bình bình như ai
Yêu sao cái đức cái tài                           
Cái tâm nhân cách ít ai sánh bằng
Chẳng hề sang chảnh kiêu căng
Nên gặp ai cũng thấy rằng “rất yêu”
        (Duy Tuấn)

Lần tới về thăm Hà Nội, tôi sẽ tìm đến quán Hương Liên xem sao ….Quán này nằm trên đường Lê Văn Hưu-Nguyễn Du nối dài, một bên phố thuộc quận Hoàn Kiếm, nửa phố bên kia thuộc quận Hai Bà Trưng, là quãng đường mà chúng tôi vẫn thường tản bộ mỗi buổi chiều ra Hồ Hoàn Kiếm.


    4-   Viếng Chùa Ngọc Hoàng Dakao Saigon
           TT Obama khi tới Saigon truớc tiên viếng thăm Chùa Ngọc Hoàng trên đường đến khách sạn.
Nhiều người cứ tưởng, TT muốn đến nơi nào là chỉ việc dừng xe nơi đó…. Không dễ dàng như mình nghĩ đâu. Lịch trình thăm viếng phải được sắp xếp từ trước. Theo đó người được vinh hạnh tiếp đón và thông dịch cho TT vỏn vẹn không quá 10 phút viếng thăm:

GS Dương Ngọc Dũng, 20 năm trước ông tốt nghiệp MA ngành Đông Á ở Harvard, và 5 năm sau ông lấy Ph. D về Tôn Giáo Học tại Đại Học Đường Boston HK, hiện là GS đại học tại Saigon cho biết: ông đã phải làm việc liên tục với mật vụ Mỹ hơn 3 tuần lễ trước khi TT đến Saigon mà chưa chắc đã là người được chọn lựa… - mật vụ Mỹ nói thế. Khu vực xung quanh chùa đã được mật vụ rà soát kỹ luỡng cùng với chó nghiệp vụ. Dân cư chung quanh còn được chỉ thị là phải đóng các cửa sổ và không cho ai vào trong nhà để chụp hình và ngay các ngóc ngách trong chùa, dưới bàn thờ, trong thùng phước sương …đều được mật vụ chiếu cố kiểm soát để bảo đảm an toàn cho cuộc vếng thăm.  Chiều hôm 24-5, khoảng 4 giờ chiều, TT đến Saigon thì 10 giờ sáng, GS Dũng mới được xác định ông là người được tuyển chọn tháp tùng TT trong 10 phút viếng thăm cùng với vị Sư trụ trì là Thượng Toạ Thích Minh Thông, nguyên là một Việt Kiều đã từng sống ở Mỹ. Vì vấn đề an ninh cho TT, GS Dũng đã được dặn dò kỹ lưỡng việc phải làm: khi có tiếng reo hò của cư dân khu Dakao trước cổng chùa là lúc TT vừa xuống xe, GS được chỉ đinh vị trí đứng sẵn trong sân chùa trước tượng Hộ Pháp nơi mật vụ đã cho đánh dấu chữ thập, nghĩa là ông không  được xê dịch ra khỏi vị trí đó cho đến khi có mật hiệu của nhân viên mật vụ Mỹ. GS Dũng sững sờ trong giấy lát. Cẩn thận quá đi thôi ! Cũng vậy, GS Dũng, vì lý do an ninh, phải giữ khoảng cách tuyệt đối và không được đi sát, đụng vào người TT. Mật vụ còn dặn GS Dũng: khi TT bước đi, Gs phải đếm nhẩm từ 1 tới 8 giầy rồi mới được bước theo. Quy định là như thế, nhưng TT cũng lịch sự mời GS luôn luôn xích lại gần khi bước đi. Có điều là tuyệt đối không ai được tặng hoa, tặng quà hay chụp hình quay phim bất cứ lúc nào….Đây là công việc của phóng viên Tòa Bạch Ôc. Do đó, khi viết bài này, người viết mới được xem qua video clip khi TT cúng dường vào thùng Phước Sương (Donation Box) qua thông dịch của GS Dũng. Chẳng biết TT bỏ vào thùng… bao nhiêu…
Cũng xin được ghi nhận thêm mẩu chuyện vui có thật. Một video clip ngắn quay lại cảnh một ông bố trẻ tới giờ đi đón con, nhưng anh ta vẫn nhẫn nại đứng chờ đón TT thì vợ điện thoại gọi tới nhắc nhở anh nhớ giờ đi đón con. Ông bố trẻ trả lời ngon ơ:
-      Anh đang đứng đợi đón TT. Em đi đón con đi…
         Không biết vợ anh cằn nhằn gì bên kia đầu máy, anh gằn giọng với vợ:
-      Anh đang đứng đón TT.
Ngừng một giây, anh to tiếng:
-      Anh nhắc lại một lần nữa: Anh phải đón TT. Không đón con hôm nay được..Chỉ được cái vớ vẩn đồng nát… Con thì ngày nào mà chả đón. Còn TT thì dễ gì đời người có được một lần chào đón ông…Nghe chửa ?
Sau đó anh cười hả hê. Nhiều bạn trẻ đứng gần đó cuời rộ lên, nói với nhau: “Không biết đêm nay anh bố ngủ ở đâu ?”
Ngoài ra người ta cũng ghi nhận được, TT rất tự nhiên không đi vào cửa giữa mà đi qua cửa phụ với lý do là “ai sao tôi vậy” khi bước vào chánh điện, TT cởi giầy ra, khiến Sư trụ trì hơi ngỡ ngàng, tỏ dáng cảm phục ông. Và ngay lúc bước ra cửa, cô trợ lý của TT trượt chân muốn té nhào, thì TT đã vội vàng nâng cô đứng dậy. Một cử chỉ cao đẹp lịch sự quá !

5-   YSEALI Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ ĐNA với Rapper SUBOI
Ngày 25-5, TT Obama đến GEM Center ở Saigon để gặp gỡ với khoảng chừng 800 trăm thanh niên sinh viên trẻ trong một tổ chức do ông khởi xướng năm 2013:  YSEALI - Young Southeast Asian Leaders Initiative  - Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á - với mục đích cùng nhau trao đổi về giáo dục, văn hóa. Sự hiện diện của ông như một thông điêp “truyền lửa” để đào tạo khả năng lãnh đạo cho các bạn trẻ trong vùng, là nhịp cầu nối kết giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Ông đã được đón tiếp tưng bừng trong một bầu không khí tưởng như chưa bao giờ có tại một thành phố đã một thời là tâm điểm của chiến tranh. Tên gọi YSEALI đã đủ để nói lên ý nguyện của TT một đại cường. Ông đã đến với thanh niên VN như một siêu tài tử:”Obama, we love you ”, qua nhiều băng rôn và biểu ngữ in sẵn.
Trong lúc giao lưu với những người trẻ, TT đã beatbox với một rapper VN: Suboi. “Before I answer your question, why don’t you give me a little rap ?”. Suboi tên thật là Hàng Lân Trang Anh. Sở dĩ người viết muốn nhấn mạnh đến “Queen of Hip Hop” vì Suboi nói tiếng Anh và điệu bộ “chuẩn không cần chỉnh” khiến nhiều người tưởng rằng cô là Việt Kiều sinh trưởng  ở Mỹ. Có người hỏi cô tại sao lại lấy tên là Suboi, cô thản nhiên trả lời, ở nhà tên cô là Su nhưng theo bạn bè, cô có dáng dấp của một tomboy nên cô chấp nhận tên này và ghép lại thành nghệ danh Suboi. Cô say mê nhạc Rap từ năm 14 tuổi và tới năm 15, cô đã trở thành một nhạc sĩ, ca sĩ nhạc Rap, diễn viên (phim Bitcoin Heist của đạo diễn Hàm Trần) và từ đó, cô được vinh danh là Nữ Hoàng Hip Hop Saigon, nổi tiếng với dòng nhạc này trong giới underground (chưa được số đông mến mộ). Trước TT Obama và hơn 800 bạn trẻ, ngay tại hàng ghế ngồi trong GEM Center, cô đã tung hứng “quậy” hết mình qua một khúc Rap ngắn bằng Việt ngữ theo lời yêu cầu của TT: “Tình hình nhà lầu chình ình giầu sang như vua chúa, giật mình sự tình, thực ra đen đúa mà đời vậy mà hay, it’s been a crazy day khi mà ta nhắm hai con mắt suôi mái chèo, trôi bóng mây bay …” phản ảnh đời sống của nhiều giới. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn giữa cô và Phố Bolsa TV trước đây, Suboi nói, các sáng tác của cô ghi nhận nhiều về đời sống gia đình, bạn bè, hy vọng và đôi khi theo áp lực từ dư luận. Nhưng ở VN, người dân chưa nhận ra thể loại Hip Hop này. Do đó, Hip Hop chưa được sẵn sàng tiếp nhận, và nhất là khi những lối mòn ca nhạc cũ…vẫn còn ngự trị trên sàn diễn cho dù Saigon đã xuất hiện nhiều ca sĩ Hip Hop. Vi đời không chỉ là mầu hồng, trong khi tuổi trẻ phức tạp phải tìm tới nhạc Rap để biểu lộ cảm xúc, lối thoát và hy vọng của mình, cô nói thế. Dù sinh sống ở Saigon, năm 2014 lần đầu, cô đã được CAAMfest (Center for Asian American Media Festival) mời qua San Francisco trình diễn, nhưng gặp trở ngại về nhập cảnh nên chuyến đi không thành. Qua năm 2015, cô đến với Show Case CAAMfest tại SF và “South by Southwest” – (SXSW) tại Austin TX và Brooklyn NY - quê hương nguồn văn hóa Hip Hop. Qua 2016 năm nay, cô lại được SXSW mời trở lại trình diễn. Cô đã cho phát hành hai album nhạc với tựa đề là Walk (2010) và Run (2014) để nói lên tâm trạng nổi loạn “đường phố” của lớp người trẻ.
Sau buổi gặp gỡ với TT Obama, May 25, 2016 tại Saigon, giới truyền thông trên thế giới đã chú ý đến tài năng của cô: báo The Guardian, Teen Vogue và đài CNN mời cô phỏng vấn. Chắc hẳn đường vinh quang đang chờ người nhạc sì trẻ đã một thời mang một “tâm hồn nổi loạn qua những sắc mầu đường phố”, nhưng “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (tcs), nay cô đã quay lại với chính mình…và làm rạng danh nữ hoàng nhạc Rap trẻ tuổi người Việt. Cô nói hát Rap là cô muốn chuyển tải một thông điệp “Cool” đến mọi giới, không mang theo hình bóng chiến tranh bom đạn một thời đã qua, như nhiều người ngoại quốc thường nhận định. Cũng xin nói thêm, sau âm nhạc cô còn là thầy dạy Anh Ngữ.

Cuộc công du VN của TT Obama vỏn vẹn chỉ có 3 ngày với lịch trình làm việc dầy đặc của ông. Thiết tưởng người viết, qua báo chí, video …chỉ lượm lặt được có bấy nhiều điều lẩm cẩm để viết nên một bài góp vui cho bạn đọc.
Nhưng có cuộc chia ly nào mà không để lại những ngẩn ngơ luyến nhớ, một cư dân Saigon theo dòng cảm xúc trào dâng đã tiễn ông bằng một bài thơ ngắn nhưng đầy ắp những chân tình:
                   “Một thời bom đạn đã qua
                   Xưa hai chiến tuyến giờ là bạn thân
                   Siêu cường nhưng lại dễ gần
                   Quyền cao mà rất bình dân đời thường
                   Ông sang người đón đầy đường
                   Ông về dân Việt nhớ thương ông nhiều
                   Nhớ Ngài Tổng Thống thân yêu
                   Nhớ từng lời nói câu Kiều ông ngâm
                   Ba ngày ông đến viếng thăm
                   Mối tình Việt-Mỹ ngàn năm vững bền”
§  (David Teo  - VNExpress)

Cũng thế, ngày TT Obama rời VN, có một nhà thơ giấu tên đã cảm tác một bài lục bát dài với ý thơ là cuộc hành trình của TT Obama từ lúc ông đến Hà Nội cho tới lúc rời Saigon mà người viết chỉ muốn được dùng 4 câu thơ cuối cùng để khép lại dòng sự kiện:
                   “…Rằng trăm năm cũng từ đây
                   Của tin gọi một chút này làm ghi
                   Nước Mỹ cam kết khắc ghi
                   Sẽ làm tất cả là vì Việt Nam
Cùng bút tích “ThankYou Note” của Tổng Thống một đại cường để lại cho người VN một niềm luyến nhớ khôn nguôi:

                                                                         

                                                                                                    Phạm Bá
                                                                                                    June 2016