Sunday, December 25, 2016

BỤI ĐƯỜNG PHỐ NÚI

.                                                                                                                                                                                                 
                                                                                                                              Bút Ký 🔄  Phạm Bá

     Trong hai tuần lễ giữa tháng 7 vừa qua, chúng tôi có việc gia đình phải trở lại Thành Phố Albuquerque, thường được gọi là An Quốc Kinh, nơi đã cưu mang nhóm người tỵ nạn 75 chúng tôi đến định cư lập nghiệp ngay từ những ngày đầu được đặt chân lên miền Đất Hứa - Tháng Năm 1975.
     An Quốc Kinh được gọi là “Land of Enchantment” cuả tiểu bang New Mexico, nơi chưa một lần cư dân chúng tôi ở đây phải đối diện với những thảm họa của thiên nhiên trong suốt hơn 40 năm hòa nhập vào dòng chẩy của nước Mỹ; nghe nói, cũng là nhờ rặng núi phiá Đông trong đó có ngọn Sandia cao nhất chặn gió ngăn bão đổ về thành phố nằm dưới thung lũng về mùa đông. Dù là một thành phố thuộc vùng sa mạc trên cùng dải đất với Arizona, về mùa hè khí hậu tuy khô nhưng nhiệt độ chưa bao giờ lên đến “ba con số” như ở Arizona và về muà đông lại là nơi trượt tuyết lý tưởng, ngay trên đỉnh ngọn Sandia, cách nhà chúng tôi không tới 5 dặm đường.
     Trong điạ dư, Sandia có tên đẹp như thế đấy nên sau này người ta lấy tên đặt cho một sòng bài nằm trên giao lộ bắc nam I-25 và đông tây I-40: Sandia Casino, một sòng bài có tầm cỡ và cũng là một tụ điểm của du khách thế giới vào Mùa Khinh Khí Cầu (Balloon Fiesta) vào tháng mười hàng năm. Casino Sandia hoành tráng nghênh ngang như thách đố nằm giữa vùng sa mạc nghèo nàn bên cạnh dòng Rio Grande có đôi khi cạn nước. Nhưng cũng chính nơi này đã “vùi dập” nhiều gia đình cư dân tỵ nạn có máu đỏ đen, trong đó phải nói tới một người tôi biết, sau nhiều ngày đêm “chiến đấu” không ăn không ngủ, anh ta gục chết ngay tại bàn sì phé. Ghê gớm thiệt!
     Giới thiệu với bạn đọc bằng giọng “thở than” đôi chút thế thôi, nhưng chúng tôi không sao quên được hàng tuần vào tối Thứ Sáu, mỗi khi trở về chốn cũ vì sòng bài có dụ “All You Can Eat” đồ biển nghêu sò cua ốc hến nấu theo kiểu Latin Nam Mỹ không chê nổi…mặc dù chúng tôi đã rời An Quốc Kinh từ hơn mười năm qua và đang sống với đại gia đình tại Maryland nơi nổi tiếng tại East Coast với blue crab - Ghẹ xanh. Ghẹ Maryland mẩy và ít tanh hơn “ghẹ An-Nam” ta…Tôi nói thật đấy ! vài ngày trước khi trở lại Albuquerque, chúng tôi đã làm một chầu ghẹ xanh tưởng như muốn ngộp thở. Nhưng khi đến Sandia vào chiều thứ Sáu, chúng tôi không thể từ chối lời mời của bạn bè đánh chén một bữa đồ biển tại đây. Hết ý bạn ạ !
     Nhưng các bạn ơi ! Trong những chuyện bụi đường, tôi không thể không nhắc đến một sự kiện chính mình đã phải đối diện…Thực là một “thao tác thiếu văn hoá mất vệ sinh” của ai đó không thể tưởng tượng nổi khi bước vào Men’s Room khá lịch sự… Ngay trong bồn tiểu đứng, “một đống vàng khè” nằm chình ình trên tấm lưới…Mọi người bước vào lúc ấy, chửi thề tùm lum…quay ngoắt ra ngay. Tôi vội móc iphone bấm một pô để ghi dấu một “chứng tích lịch sử” trong chuyến đi. Sau chợt nhớ tới lời các cụ nói ngày xưa, nằm mơ thấy “phân” sẽ gặp nhiều may mắn, nay không phải là nằm mơ mà là thấy sự thực, chắc hẳn phải may hơn… Do đó, tiếp nối bước chân lôi kéo của bạn bè, tôi thử thời vận rủi may…Ai dè có “dzái” cũng có linh…thần Indian Casino chiều khách phương xa ngay cú hích đầu tiên…Một hình ảnh tuy “tội lỗi” nhưng “sun sướn làm sao”… Chẳng cần lý giải. Vì cũng chỉ là “bụi đường gió núi” mà thôi.
     Sau mười ngày lo xong việc gia đình bên ngoại, chúng tôi bay lên Denver. Mặc dù Albuquerque nằm trong tiểu bạng ngay dưới Colorado nhưng chúng tôi chưa từng đặt chân tới đây dù cho có người thân mời mọc nhiều lần. Vì người vùng sa mạc không mấy thích lên chơi vùng núi. Hơn nữa vào những ngày đông tháng gía, tuyết ở NM cũng chẳng thua gì tuyết ở Denver. Đó là điều nhiều người không hay biết. Đơn giản có thế thôi. Nhưng lần này, từ vùng đại dương sông nước East Coast, chúng tôi phải làm một chuyến cho biết, như các cụ chúng ta hồi xưa đã dạy: “Đi cho biết đó biết đây; Ở nhà với vợ biết ngày nào khôn …”
Nhưng thời gian lưu lại Denver quá ngắn, chỉ tròn hai ngày. Em gái tôi hướng dẫn chúng tôi qua một vài tỉnh lỵ nhỏ: Central City và Black Hawk City cuối cùng là vùng mỏ Idaho Springs.
      Theo dấu bụi đường …

      Dọc theo xa lộ I-70 đến Central City với cư dân chưa tới một ngàn người và Black Hawk City với diện tích lãnh thổ chưa bằng 2 dặm vuông với dân số có hơn 100 người nhưng lại là hai nơi có nhiều Casino nho nhỏ xinh xinh, trông chỉ như một tiệm ăn lớn. 


Nhưng cũng làm nhều người sứt đầu mẻ tai, các bạn ạ… Sinh hoạt cuối tuần ở đây cũng khá tấp nập, chừng 20 ngàn du khách đến đi mỗi ngày. Nhích lên phía trên là thành phố mỏ Idaho Springs với dân số chưa đến 2000 là đã đến nhà máy đãi vàng ARGO – Gold mine & Mill thuả xưa, nay là một di tích lịch sử của Denver.



     Cạnh nhà máy là một thác bạc khá cao với dòng nước nhỏ chảy đều xuống Water Mill phía dưới. Water Mill này được dựng lên từ năm 1800 nay đã qua mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt như một chứng tích của kỹ nghệ đãi vàng ngày xưa.


     Bây giờ mời bạn đọc cùng chúng tôi ghé Tiệm Beaujo’s Colorado Style Pizza .- Gia đình em tôi lập nghiệp ở Denver đã mấy chục năm và về mùa hè cả gia đình thường kéo nhau lên núi chơi cuối tuần nên biết rõ lịch sử và phẩm chất Pizza của tiệm bánh đã có một bề dày lịch sử (?). Dĩ nhiên tiệm rất ư là cổ lỗ sĩ, từ thời còn dân làm mỏ vào ăn, trong ngoài trông rất “đen đúa” như thiếu lau chùi sơn phết. Nhưng bù lại được cái là tiệm rất đông khách… Chúng tôi bốn người phải đứng chờ chừng 20 phút mới có bàn trống. Cô em rành order nên khoản đãi chúng tôi một bữa Pizza thật “hoành tráng” mà có lẽ trong suốt hơn 40 năm sống trên đất Mỹ, tôi chưa từng được chi trả như thế. 

 
      Chiếc bánh loại Extra Large, tưởng là to lắm nhưng nhỏ quá không ngờ, mỏng re dù với rất nhiều toppings rắc lên trên mà nhiều món tôi chưa từng được nghe nói đến… món nào cũng phải tính ra tiền và trả thêm. Gía sau cùng tính ra là $71us chưa kể tiền tip…Tất cả lên tới $80. Chúng tôi ngẩn tò te... Chẳng thấy ngon hơn Pizza ở Costco hay Pizza Hut tí nào…Có lẽ mình thường ăn bánh xèo, ít khi ăn Pizza nên không biết thưởng thức. Rõ là quê một cục !
                                                                                                                                     
     Trên đường trở về Denver, bất chợt chúng tôi gặp một đoàn Rafting chừng bốn năm chiếc bè nổi cao su đang lướt trên Clear Creek sát xa lộ I-70, mỗi bè do chừng 6, 7 thanh niên đang hợp lực cùng nhau chèo lái chiếc bè đang lao trên dòng suối nông đầy đá, nước trong veo không một cộng rác.
           
                                                                                                                                                                       
      Nhiều khi, bè vừa vượt qua một tảng đá lớn, bị hất tung lên gần như bị lật, chiếc bè như muốn quay ngang. Lúc này những tay thể tháo gia lại gồng hai cánh tay lực lưỡng khéo léo lái cho bè phải theo xuôi dòng chảy xiết. Ngoạn mục quá ! Thú đam mê mà!... nhưng cũng nhiều rủi ro khi bè bị lật, khiến đầu dễ bị đập vào đá dù cho có đội mũ an toàn…Tôi chả dám rớ đến thứ này!
Tuổi mình đâu còn trẻ nữa.
"QUÁN H...Í...T..."
 “Quán Gió” bên đường…
      Trời đã về chiều, sau bữa Pizza phố núi, chúng tôi lại quay về Denver dù cách không bao xa. Bất chợt thấy một Quán Bên Đường cô đơn lặng lẽ một mình, tôi muốn vào để coi xem họ bán thứ gì vì thấy chữ OPEN. Chú em tôi cứ để chúng tôi thoải mái ra vô. Chừng đến khi bước vào, thấy phòng lounge vắng khách chỉ có một bộ sa lông và cô bán hàng niềm nở bước ra chào đón chúng tôi, tôi mới giật nẩy mình: thì ra đây không phải là Quán Ăn mà là “Quán Gió”- đúng ra thì phải gọi là "Quán Hít" mới đúng. Lúc đó chú em tôi mới giải thích cho tôi nghe, đây là một trong nhiều Dispensary - Trạm Y Tế với dấu Thập Tự Xanh treo ngoài cửa, cùng với biểu hiệu mái nhà Green… mà tôi không nhìn thấy. Nơi đây chính là trạm dừng chân của dân đi chơi núi ngày hè hay trượt tuyết về “nghỉ ngơi thư giãn”… Rõ ràng là mình, tuy là từ thủ đô tới nhưng ngớ ngẩn quá chừng!  Đâu hay bìết, Colorado là tiểu bang được sử dụng Green Leaf tự do…

      Bây giờ chú em tôi mới bắt đầu dẫn giải cho tôi biết dấu hiệu Thập Tự Xanh và hai chữ Green Leaf hoặc Sweet Leaf trên những tấm bảng quảng cáo khắp nơi trong thành phố. Mà hình như tôi chỉ bắt gặp ở những con đường ngoại ô ngập bụi đường gió núi như trong hình.
Đây là một quảng cáo khá rõ nét được đặt ngay nơi góc giao thông xa lộ I-25 North và I-25 South, với hàng chữ Marijuana Centers nhỏ ngay phía dưới chỉ vào một Quán Bên Đường.

Trên cùng một con phố, lại thêm một “Quán Gió bên đường” nữa với hàng chữ MED 18+ và REC 21+. Tôi thật không hiểu gì hết ! Chú em tôi giải thích: Med 18+ có nghiã là từ 18 tuổi trở lên được quyền vào quán mua Green Leaf để sử dụng nếu có toa của Bác Sĩ; còn REC 21+ có nghĩa là từ 21 tuổi trở lên được ra vào quán thư giãn tự do. Chữ Rec là chữ tắt của chữ Recreational. Mà tôi tạm dịch là thư giãn.

Dispensary với Thập Tự Xanh là Trạm Y Tế hay Trung Tâm …được đặt ngay tại một khu buôn bán khá sầm uất của Denver. Dưới hàng chữ Sacred Seed là hình tượng Phật đang ngồi “Tham Thiền nhập Định”. Linh nghiệm quá đi thôi… 
 

Thấy xe đậu đầy ngoài parking lots, chúng tôi mạnh dạn bước vào Quán. Hẳn nơi này nhiều người khi đến Denver đều đã đi qua.
Những điều người viết ghi nhận nơi đây chỉ là những thông tin để góp thêm sự tìm hiểu một vấn đề nhạy cảm trong một xứ tự do mà không phải là một quảng cáo hay là “vẽ đường cho hươu chạy”. Vì thực ra chẳng vẽ đường thì khi đói, hươu cũng biết phải tìm đường đi kiếm hoa trái mà ăn…
Tần ngần trước trung tâm, thấp thoáng thấy vài ba du khách nối tiếp ra vô, chúng tôi mạnh dạn bước vào lounge của trung tâm. Lounge là một phòng trống duy nhất chỉ có một sofa cũ nát đặt trước một tranh treo với vòng tròn 12 con Giáp Tây Phương; dưới là một pho tượng Phật đang ngồi Thiền cho ra vẻ đây là một trung tâm Yoga.

Cô quản lý chừng ngoài ba mươi tươi cười chào đón chúng tôi. Vì mình cũng hơi khờ một tí nên để cho an tâm, tôi tự giới thiệu mình là du khách từ tiểu bang xa tới vì được nghe nói những người bị Glaucoma Cao Áp Huyết Mắt, đái đường hay tâm bệnh ...v.v… có thể sử dụng loại Green Leaf này để chữa trị, cô ta vui vẻ trả lời và cho chúng tôi thêm nhiều tài liệu về Sacred Seed này. Thực ra hỏi thế thôi. Chứ mục đích là chúng tôi muốn vào được đây để biết sinh hoạt sống của Trung Tâm ra sao. Điều mà Mít ta ít ai nghĩ tới..
Qua ngăn cửa kính, chúng tôi thấy có nhiều phòng nhỏ bên trong và cũng có nhiều khách đang phì phèo… hàn huyên. Thấy chúng tôi, họ giơ tay chào rất thân thiện vì cho là cùng fan. Sau khi trao đổi với cô quản lý, cô cho chúng tôi được chụp hình thoải mái, trừ việc không được quay phim và ghi âm. Cám ơn cô đã cho chúng tôi đôi phút tìm hiểu về Trung Tâm. Khi chúng tôi sửa soạn ra cửa thì lại có một cặp, như là vợ chồng, độ trên 40, bước vào tươi cười với chúng tôi. Họ mở cửa bước vào bên trong có lẽ là khách hàng thường xuyên. Còn khách mới như chúng tôị muốn bước vào trong, phải ghi danh và để lại căn cước. Thôi ! mình chả muốn như thế đâu …
Khách ra vào trong giờ lunch hay dinner như thể ra vào một tiệm ăn. Vì đây là một sinh hoạt hợp pháp ở Colorado được chính phủ công nhận. Nhưng cũng cần ghi nhận thêm là, mua bán Green Leaf thì tự do nhưng không được trồng tiả trong tư gia đâu nhé! Công việc trồng tiả loài “Hoa Lá Qủy” này lại là một dịch vụ khác, cũng như không ai được phép mang ra khỏi lãnh thổ Colorado nếu không muốn ngồi đếm lịch…Luật lệ Mỹ là thế! Chớ có đùa với lửa ….

     Sau hai ngày vội vã thăm viếng Thành Phố Núi Denver, chúng tôi tính phải mua một vài thứ kỷ niệm cho con cháu. Vội ghé vào một tiệm bán đồ lưu niệm; chẳng có gì đặc biệt mà chỉ toàn là áo thung in hình phố núi Denver. Bất chợt lại nhìn thấy một manaquin đang mặc chiếc áo thung in hàng chữ “KEEP CALM, You’re JUST HIGH ”. À... thì ra "Bạn đang PHÊ " đy...
Thôi! đành phải lắc đầu bỏ đi không mua gì nữa … Bước ra tay không… Ngước mắt nhìn trời Xanh: xin một lần được phủi tay để khỏi lấm "Bụi Đường Phố Núi"

Phạm Bá 
July2016                                                                                                                                                                                                                                                          

No comments:

Post a Comment