Thursday, June 6, 2013

Khoảnh khắc bất chợt ...



Câu cá biển ...                                                                                                                                                                         .

       Mới đây một người bạn gửi tôi một chùm ảnh về “Con Người Việt Nam” của National Geographic trong đó có hình của Nhiếp Ảnh Gia Stevens Kovacs (Canada) chụp một người đi câu cá trong cảnh sương mù ban mai trên bãi biển Lăng Cô, Huế. Tấm hình này quả đã tạo nên một khoảnh khắc bất chợt xốc vào ký ức tôi.
H.1    


“Lúc này đang là tháng 1, biển rất vắng, tôi đi bộ dọc bờ biển gần như không có bóng người, bỗng một bóng mờ hiện ra từ đằng xa, tôi nhanh tay lấy máy ảnh ghi lại hình dáng một ông cụ đang câu cá.”

Lời Nhiếp Ảnh Gia Steven Kovacs  - Hồ Bích Ngọc dịch theo National Geographic

                                                                                                                                    
                                                                                     
                                                      H.2
 Số là cách đây vài năm khi chúng tôi về thăm gia đình ở Saigon, nhân một chuyến ra Vũng Tầu thăm lại nơi tôi đã làm việc ngày xưa, vào một buổi chiều, tôi lững thững đi dạo trên bãi biển Thùy Vân, đến gần một người đang đứng câu cá ngay sát bờ nước. Điều làm tôi ngạc nhiên không ít là từ trước đến giờ, tôi chưa thấy ai câu cá biển chỗ nước nông chưa đến đầu gối và lại ngay là nơi đợt sóng cuối cùng dập vào bờ cát. Tò mò tôi tiến lại gần ông, làm quen hỏi chuyện, "Bác câu cá gì đó". Ông ta đủng      đỉnh trả lời, “Câu… cá vàng…”                                                                                       
  Ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp, “Cá gì mà lại cắn câu sát mép bờ nước nơi đợt sóng cuối cùng đánh dồn dập vào bãi ? Ngay cả nơi người ta đứng tắm?”, “Ấy, ấy… giống cá hiếm này, tôi gọi là cá vàng, phải câu vậy, cậu ơi ! Rất khó câu. Phải có kinh nghiệm. Mắt thường chẳng ai trông thấy cá bơi dưới nước bao giờ vì là chỗ nước động do sóng biển cuộn vào.” Bỗng, ông nhẹ nhàng nhấc cần câu lên khỏi mặt nước, một chú cá bằng ngón tay trỏ, dính câu. Tôi vội bấm một pô khi chú cá còn đang giẫy giụa với lưỡi câu nơi tay ông.                   
                              H.3
      Được dịp, tôi tò mò hỏi thêm về cách câu giống cá này, ông nói là câu bằng mồi tép, một chùm 3, 4 lưỡi câu nhỏ. Thẩy dây câu xuống nước, kéo nhè nhẹ cần từ ngoài dần sát vào bãi, cá sẽ đưổi theo mồi. Giống cá này bơi sát đất nên sóng động bên trên ít ảnh hưởng đến nó. Người câu cứ tiếp tục tung cần ra, kéo dây câu vào gần. Khi mất mồi, vì cá ăn hay mồi rớt xuống cát, lại mắc mồi khác. Ông nói một phần là câu để giải trí và cũng là để kiếm đồ nhậu cuối ngày. Chừng chục con là đủ. Giống cá này chiên dòn nhậu rất ngon. Nhìn vào chiếc thùng nylon ông mang theo, thấy đã được ít con đang tung tăng bơi trong nước. Tôi hỏi, khi nào thì ông biết có cá mắc câu, trong khi sóng nước vẫn đợt nọ đợt kia đẩy dây câu vào bờ, ông cho biết là phải có kinh nghiệm vì khó có thể nhận biết chỗ   nào có cá, khi nào cá đớp mồi, vì lúc nào sóng cũng đẩy cần vào bờ và cùng lúc dây cũng được kéo nương theo đợt sóng.
      Tôi thấy phục ông quá !  
Như tấm hình #2 được chụp lúc ông đang đứng câu ngay chỗ nước nông hơn đầu gối người đứng tắm. Nhưng ít ra, lần này tôi cũng tò mò học hỏi được một thú câu cá biển trong chuyến về quê.


Cô gái người H'Mông                                                                            .
      Nhưng chưa hết đâu !                            
  H.4
 “Trong một buổi chiều mờ sương ở trung tâm Sapa, tôi bắt gặp một cô gái trẻ người H’mong với nụ cười hiền hậu đứng nói chuyện với một “chàng Tây”. Họ trò chuyện, cười đùa như rất hiểu nhau. Điều thú vị với tôi là cô gái có thể nói tiếng Anh, dù khá hạn chế nhưng cô rất biết cách thu hút sự chú ý. Những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa không thể giới hạn thiện cảm giữa người với người.”

Lời Nhiếp Ảnh Gia Noni Andriani  -  Hồ Bích Ngọc dịch theo National Geographic
   
 Cũng trong chuyến này, sau một tuần ngắn ngủi ở Thành Phố Biển Vũng Tầu, “đoàn chúng tôi ba người” lại rủ nhau đi Sapa, mà ngày xưa có  tên là Chapa - Thành Phố Mù Sương, nơi nghỉ mát miền núi của người Pháp. Lịch trình đưa chúng tôi vào thăm các bản Thượng miền Tây Bắc, dưới sự hướng dẫn của một cô gái người H’Mong (Mèo), mà nay ở VN người ta gọi là dân tộc ít người, tên là Sai. Cô ta người bé nhỏ, tuổi chừng mười tám đôi mươi, nhưng sau này hỏi ra mới biết, cô đã gần 40 với diện mạo khôn lanh, chất phác. Cô ta nói tiếng Việt khá thông thạo có đôi khi không bỏ dấu và đặc biệt là cô có thể nhẩn nha trả lời khách du lịch ngoại quốc bằng Anh Ngữ qua những mẩu đối thoại ngắn ngủi về hành trình ngày đi dã ngoại. Chính vì thế cô được chọn là hướng dần viên cho đoàn chúng tôi, có cả người Việt lẫn người nước ngoài. Thực ra có nhiều nguời hướng dẫn nhưng đặc biệt tấm hình do Nhiếp Ảnh Gia Noni Andriani chụp được (hình # 4 ) lại chính là cô Sai trong đoàn chúng tôi. Hình # 5 do tôi chụp trong chuyến đi với cô. Cũng có vài cô gái người Kinh lên Sapa làm nghề làm hướng dẫn viên nhưng lối trang phục của các cô là quần Jean, Top ngắn, nên ít được người ngoại quốc chiếu cố…
                                                   H.5
        Trong những câu chuyện trao đổi với du khách đang hổn hển leo đồi xuống núi, khi được hỏi về chuyện gia đình, cô Sai nói là đã có chồng và có một con còn bé. Khi cô đi làm như thế này thì chồng ở nhà trông con và lo chuyện cơm nước. Tiền thù lao công ty du lịch trả cho cô một ngày làm hướng dẫn viên là một trăm ngàn (khoảng $5us). Do đó sau mỗi ngày, chúng tôi đều boa riêng cho cô thêm một trăm. Dân bản Thượng quả là thật thà dễ mến !                       
Âu cũng là những hình ảnh bất chợt trùng hợp khó quên.                                                                            
     Tôi ghi được thêm một dấu ấn về chuyến đi !                                                                        

 Phạm Bá           .
 N. Potomac, MD    

Saturday, June 1, 2013

VŨNG-TẦU, Thành Phố Biển - Phần II



Biển mặn ...

Bút Ký                                                                                                                                                                                                                                                         

Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa ...
                                       (pct)
PHẠM BÁ

………….Người viết vừa đưa du khách dạo quanh vòng ngoài của thành phố Biển, nay xin mời qúi bạn trở về đường nét chính của một địa danh đã mang nhiều dấu ấn hàng trăm năm lịch sử ...
A

          Vũng Tầu có rất nhiều bãi tắm. Bãi trước có tên gọi thật là thơ mộng: Bãi Tầm Dương (có người còn gọi là Thùy Dương). Nơi đây có nhiều hàng quán: quán ăn, quán nhậu, quán bán đồ lưu niệm, khách sạn, nhà hàng... mà khách sạn nổi tiếng một thời phải nói tới là khách san Palace. Sóng bãi Tầm Dương êm hơn sóng bãi sau nhưng nước lại dơ bẩn vì cách đó không xa là  bến Cầu Đá, thuyền đánh cá đậu tùm lum, xả rác, xả dầu nhớt xuống biển nên nước luôn luôn có váng dầu. Sở dĩ cũng có nhiều người đến tắm vì tiện hàng quán giải trí và các phương tiện chuyên chở. Nhưng phần đông du khách có xe hơi thích thuê phòng ở bãi sau và cũng thích tắm ở bãi sau - người ta còn gọi là bãi Thùy Vân vì bãi nằm dọc theo đại lộ Thùy Vân. Bãi dài khoảng 8 km tính từ cửa Lấp đến chân Núi Nhỏ, sạch sẽ hơn, thơ mộng hơn. Nơi đây tập trung nhiều khách sạn hang sang và ít ồn ào về ban đêm.
          Bãi Ô Quắn gần Mũi Nghinh Phong, tuy sóng mạnh nhưng sạch sẽ và đẹp. Ngày xưa  dân nhà giàu Saigon vẫn coi bãi này như là một khu tắm riêng của cư dân Sài Thành. Các con tôi ngày trước cuối mỗi tuần ra thăm tôi cũng thường thích tắm ở đây. Chúng tung tăng đùa rỡn với sóng nước, đuổi bắt dã tràng thập thò nơi miệng lỗ, thích vùi chân xuống cát ướt hay đắp nặn những lâu đài ...Chao ôi, vui thích làm sao ! Nhưng tuổi thơ đã vội vã đi qua...khi Miền Nam lại thêm một lần ...thay da đổi thịt ...
          Bãi Dứa, nơi trước đây có nhiều dứa gai mọc, có nhà nghỉ mát của Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa, sóng êm hơn, khá an toàn, sạch sẽ và có nhiều đá lớn. Ngày trước 75, ít người dám ra đây tắm mặc dầu không ai cấm nhưng vì là khu vực có tư dinh của Tổng Thống, các Bộ Trưởng và Tướng Lãnh VNCH lúc nào cũng có lính canh dù không nghiêm ngặt lắm, nhưng đám dân đen cũng ngại ít ai dám lại gần ...Hơn nữa bãi không tiện đường xe đi xe đến.
          Bãi Dâu nằm về phía bên phải của Bạch Dinh, cách bãi Tầm Dương khoảng 3 cây số, xưa kia có một làng chài nhỏ cư ngụ tại đây. Bờ biển lởm chởm toàn đá và không phải là bãi tắm. Vậy mà nay lại là bãi tắm yên tĩnh và đẹp.
          Ngày nay, sau bao chặng đường nói là đổi mới, chung quanh Núi Nhỏ, Núi Lớn, chỗ nào cũng là bãi tắm được cả. Hiện còn có vài khu dành cho người nước ngoài, muốn vào phải trả tiền. Thực tình tôi không muốn đến những bãi này vì tôi không thế sống xa cách được dòng sông văn hóa của mình: những nơi này vắng tiếng rao bán ghẹ, bán hột vịt lộn, mãng cầu dai và nhãn... là những đặc sản của Vùng Biển Xanh. Nhất là thiếu vắng những âm thanh rao hàng của các em bán đồ lưu niệm, bán vé số, tranh nhau đi năn nỉ khách mua. Những hình ảnh này đã in vào tâm khảm tôi từ những ngày xa xưa ấy ...Bảo tôi hãy quên đi, nhưng quên sao được, khi mình sinh ra lớn lên trong cái nôi nghèo nàn của một quê hương ngập tràn khói lửa...Về thăm quê hương là để tìm lại cái dĩ vãng ngày nào, là để nghe lời rao bán hàng rong, để nghe tiếng sóng biển rì rào như lời ru của Mẹ ...Vũng Tầu quả là nơi đã làm sống lại cái hồn quê hương Hạ Long của tôi.

          Nơi tôi đang sống, bên kia bờ Thái Bình Dương, cũng được nghe sóng biển rì rào táp vào bờ đá, cũng một bầu trời xanh thẳm, cũng được ngắm những hàng dừa xanh lá dọc bên bờ cát, mà tôi đã bao lần lê bước thẫn thờ nhìn ráng chiều thoi thóp nơi phía trời quê hương tôi. Chao ôi! Cảnh đẹp làm sao ! Thơ mộng làm sao ! Nhưng vẫn mãi mãi thiếu vắng những âm thanh của Mẹ ...Triều nước ở đây, bốn mùa lạnh ngắt như vào những ngày đông tháng giá. Chúng tôi về đây để tìm lại những hình ảnh tình yêu đầu đời mà thời gian đã vùn vụt qua mau hơn một phần ba vòng quay thế kỷ.
          Chúng tôi thuê khách sạn thuộc hệ thống một công ty du lịch ở bãi sau và cũng để đón nắng ở bãi sau. Đây là một quyết định có tính toán. Cổ nhân đã dạy: đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Đúng thế. Lần này, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn khách sạn hợp ý, không khờ khạo như lần về trước đây. Như nhiều người đã biết, Vũng Tầu ngày nay ngoài một số nhà ngủ, quán trọ, mini-hotel của tư nhân, phần lớn khách sạn lớn đều thuộc hệ thống của Công Ty Du Lịch như Cty Du Lịch Dầu Khí Việt Nam, Cty Du Lịch Tỉnh Bà Riạ Vũng Tầu hay Cty Liên Doanh Khách Sạn Vũng Tầu Sammy ...Và cũng còn một số khách sạn khác trực thuộc các cơ quan của chính phủ như KS Mỹ Lệ - 4 sao, thuộc Bộ Công Nghiệp; KS Saigon - 2 sao, thuộc Bộ Công An v.v...Tuy nhiên, bạn đọc cũng dư hiểu, những dòng tôi biết ra đây chỉ với mục đích chia sẻ với các bạn những chặng đường "lạnh cẳng run tay" mà chúng tôi đã đi qua, không mang một ngụ ý quảng cáo cho khách sạn nào cả. Bởi lẽ mình về chơi là để tìm cái an lành thoải mái. Bá nhân bá tánh, dĩ nhiên. Nhưng nhất định các du khách đều cùng có chung một mẫu số, đó là mẫu số chung lớn nhất: mẫu số an toàn.
          Cũng vì an ninh của du khách, các khách sạn này đều có nhân viên trực cổng, trực văn phòng 24/24. Nếu như tại các phòng ngủ hay tại vài khách sạn tư nhân mà chúng tôi đã qua trong chuyến về thăm nhà trước đây, trái gái ngày đêm tấp nập nọ kia ...thì ở các khách sạn thuộc các Cty Du Lịch, không ai để cho các hình thức trao đổi trắng trợn này tiếp diễn. Tại khách sạn chúng tôi ở, cứ sau 12 giờ đêm là nhân viên trực đóng cổng chánh lại. Du khách đi bộ tự do ra vào qua một cổng đi nhỏ. Có đêm, chúng tôi đi chơi mãi đến 1, 2 giờ sáng mới về. Người trực cổng ngày đầu bước ra chào dường như để nhận diện khách vô... Nhưng từ ngày hôm sau trở đi thì người gác đã quen mặt chúng tôi rồi. Rất thân thiện và không có gì thắc mắc cả. Do đó không thể có người lạ mặt vào ra mà không qua ban gác cổng. Nếu chúng ta cùng đi với gia đình và nhất là có con cái đi theo, thì nên ngụ tại các khách sạn này nếu như chúng ta muốn hưởng một ngày an toàn, một đêm tĩnh lặng. Còn không, các bạn trẻ muốn quậy, xin cứ thoải mái ra ngoài khách sạn mini. Nhớ lại ngày chúng tôi ra Cấp, cũng có hai chú Việt Kiều vừa từ South Carolina về, gặp nhau trên tầu Cánh Ngầm và câu đầu tiên các chú hỏi chúng tôi là thuê khách sạn nào để các chú ấy được tháp tùng cho có bạn. Tình đồng hương trỗi dậy - Việt Nam hay Mỹ ?- lúc này mới thấy thắm thiết và cao đẹp làm sao ! Chúng tôi ở cùng một khách sạn và đi ăn đi uống với nhau suốt thời gian ở đây. Thiển nghĩ, an toàn vẫn là hàng đầu trong các chuyến đi. Như vậy làm gì có chuyện quậy ...



          Nói cho cùng, không gì tiện lợi cho bằng thuê khách sạn sát ngay bãi biển. Sáng dậy thật sớm lúc trời vừa hừng đông, jog một vòng trên bãi cát về phía cửa Lấp, rồi quay về, nhào xuống biển tắm trước khi mặt trời lên cao làm cháy da nám mặt. Chao ôi, thích thú là sao ! Nhưng tắm biển riết rồi cũng phải đói bụng, chúng ta hãy tìm đến quán ăn có các món đặc sản quê hương. Muốn ăn bún bò Huế, xin mời các bạn đến đường Nguyễn An Ninh, nơi tập trung món bún tinh hoa miền Sông Hương Núi Ngự. Muốn gặp bà Ba Béo để thưởng thức bánh Bèo, chả giò, xin ghé vào quán Tuyết Mai dù có phải đi vòng vèo một chút qua ngõ hẻm. Riêng các  bạn khoái nhậu thịt dê, và hải sản có thể đến đường Lê Hồng Phong - Võ Thị Sáu; thịt rừng xin đến quán Cây Bàng. Các bà các cô thích món miến gà Bắc Bộ, bún Ốc, bún sáo măng, xin dến đường Lê Văn Tám và Quán Ốc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cuối cùng, về phần giải trí của các Việt Kiều con, xin đưa các cháu đến Công Viên Đồi Sứ nằm trên đường Trần Phú. Dĩ nhiên, chúng ta phải có nhiều thì giờ. Ít nhất là trọn một cuối tuần mới có thể thưởng thức hết được. Cũng nhờ có người bạn trước đây đã về dẫn đường chỉ lối nên chúng tôi mới được dịp ghé qua những nơi này và xin được chia sẻ với các bạn. Hài lòng hết chỗ chê !
          Nhưng đã hết đâu !
          Khi những giọt nắng cuối ngày rớt vào lòng biển rộng thì cũng là lúc thành phố bắt đầu lên đèn. Đường Hạ Long bãi trước vào chiều thứ bảy, chao ôi ! thật là nhộn nhịp, tưng bừng như một đêm Hội Hoa Đăng. Đúng là "dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước áo quần như nêm  " (Kiều). Du khách đi ngắm cảnh biển đêm ngồi đông nghịt trên kè đá. Phía đường sát núi bên kia là khách sạn và nhà hàng đủ loại: Karaoke, quán nhạc sống, nhạc máy, nhà hàng ăn, và dĩ nhiên không thể thiếu vắng quán bia ôm ...Do đó có câu vè, nghĩ cũng hay hay:
                   Đi chơi cho biết Vũng Tầu,
                   Có đi mới biết nó ngầu hơn ta
                   Hotel trai gái vào ra
                   Bia ôm tảng sáng, mát sa xế chiều...
Chúng tôi ghé vào Café Biển để thưởng thức cà phê được pha bằng nước giếng và nghe nhạc sống do một ban Văn Nghệ Giao Lưu. Nghĩa là cứ sau một bản ca sĩ nhà hàng biểu diễn, MC lại mời một khán giả lên giúp vui cho chương trình văn nghệ cuối tuần thêm phong phú. Có rất nhiều bạn trẻ hăng say đóng góp bằng những bản nhạc vàng thời VNCH như Cát Bụi, Tình Xa của TCS...Phải công nhận rằng các em hát rất vững nhạc, giọng ca mạnh và phong cách trình diễn khá điêu luyện. Con gái anh bạn tôi vốn là một ca sĩ nghiệp dư tại California đã mạnh dạn bước lên sàn diễn trong nhạc phẩm ảo ảnh của Y Vân. Khi cháu vừa cất lời đầu tiên "Yêu cho biết sao đêm dài ..." thì tiếng vỗ tay và tiếng gõ ly đã ào ào nổi lên như để cổ võ một nhạc phẩm đã đi vào lịch sử tân nhạc Miền Nam, mà hầu như những người yêu nhạc cũng ít nhất một lần đã được nghe qua. Rồi đến khi nốt nhạc cuối cùng vừa dứt, tiếng vỗ tay và gõ ly lại thêm một lần dội vang cả triền núi. Quả thật chúng tôi cũng được chia sẻ niềm hãnh diện này với cháu. Đó là một đêm vui khó quên trong đời...
Nhưng cũng có một tối ngày thường chúng tôi ghé vào Khiêu Vũ Trường Khách Sạn Sammy như để thăm dân cho biết sự tình một sinh hoạt về đêm dưới ánh đèn mầu sàn nhẩy. Nhưng quá thất vọng ...Mười giờ tối rồi mà Vũ Trường vỏn vẹn chỉ có dăm ba người khách ngoại quốc, hình như là người Đại Hàn, mặc quần short áo ngắn tay bước vào sàn nhẩy trông mới thô kệch làm sao..., cùng với khoảng hơn 20 vũ nữ trẻ măng tuổi từ 18 đến 25. Các cô ăn mặc đủ kiểu đủ mầu trông thật là mát mắt...Có nhiều mốt mới rất ư là thiếu vải ...Nhất là kiểu váy ngắn không thể ngắn hơn được nữa, với hai dây thắt chéo sau lưng. Phòng nhảy thật mỹ lệ được trang bị bằng một hệ thống âm thanh có công xuất cao cùng dàn ánh sáng khá tân kỳ. Nhưng ế ẩm quá ! Vắng khách quá ! Có lẽ khách sạn chỉ sống vào mấy đêm cuối tuần đón du khách từ Saigon ra. Khi chúng tôi bước vào bên trong, dưới ánh đèn mờ ảo, các vũ nữ đang ôm nhau nhẩy, mà phần đông là bước đi trông còn cứng đơ và trật nhịp, vội vã tan hàng như để nhường sàn nhẩy cho bọn khách chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy hơi ngỡ ngàng ...Một vài tờ báo Saigon hiện nay gọi các cô vũ nữ này là những người "kinh doanh vốn tự có" mà không còn là những vũ nữ chuyên nghiệp như ngày xưa. Có lẽ cũng đúng. Bộ môn khiêu vũ nhạc tour bây giờ đã chuyển sang một hình thức khác...Ngày nay không còn thấy ai đổ vạ cho Mỹ Ngụy đã để lại những rác rưởi, những tàn dư xã hội sau một cuộc chiến tranh dài ...Thật đáng thương !
          Thế rồi, tôi dành một buổi chiều ra ngồi bên bờ đá nơi ngày xưa đã không biết bao nhiêu lần ngồi nghe biển khóc về một vùng trời quê hương lửa đạn đang rực ánh hỏa châu hòa cùng tiếng đại bác tiền đồn ngày đêm vẫn vọng về thành phố át cả tiếng sóng biển đêm. Có đôi khi nghĩ đến bạn bè người còn, kẻ mất... như nhìn dã tràng đang xe cát dưới chân mình mà lòng thấy ngậm ngùi, se sắt ...
          Rồi... để ra một ngày nữa, tôi trở lại bước trên những con đường ngày xưa đã bao lần những giọt nắng chiều vô tình đan qua kẽ lá làm óng ả mái tóc Em, để cố tìm lại chút dư hương của những ngày xưa ấy. Nhưng đường phố đã thay tên. Và hàng cây bên đường đã bao lần thay lá ...Bâng khuâng lần theo hè phố cũ, tôi đã dừng hỏi nhiều người, nhưng nào ai biết. Thời gian hơn ba mươi năm qua đã biết bao lần vật đổi sao rời. Những ước mong dĩ vãng một ngày nào được trôi theo con nước một dòng sông sau những năm tàn cuộc chiến để rồi được giạt vào một bến bờ nào đó bên kia bờ đại dương ...mà tôi không biết. Thôi xin đành đưa niềm riêng vào niệm khúc...
          Đối với nhiều người, thời gian luôn luôn là một liều thuốc lãng quên để  sớm bước vào vuờn quên lãng. Nhưng với tôi, dĩ vãng dường như đã sống lại cho dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi được trở về giữa lòng Biển Mặn. Ánh-sáng-thời-gian quả đã đưa trả tôi về cái quá khứ ngày nào ... Thành phố thân yêu nay đã khác xưa và tôi không còn được gặp Em, nhưng sóng biển muôn đời vẫn thì thào như tiếng khóc thầm của biển ...


Phạm Bá             .
North Potomac - MD
(Đã đăng trong TCNS Cỏ Thơm             
 Số 55 Mùa Hè 2011)
                                              
                                                   

VŨNG-TẦU, Thành Phố Biển - Phần I



Biển mặn...
Bút Ký                                                                                                                                                                                                                                                 


Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa ...
                                       (pct)
PHẠM BÁ

          Tôi sinh ra từ một vùng biển mặn, bốn mùa đón gió biển Đông hòa nhịp cùng những âm thanh rì rào của sóng, êm đềm như một điệp khúc tình yêu. Nhưng rồi một ngày, bỗng cơn gió bụi từ đâu trút xuống quê hương tôi, đã khiến chúng tôi phải xuôi Nam tìm miền đất hứa - Thành Phố Biển - nơi tôi sau này đã ước mơ chọn làm trạm dừng chân cuối đời. Nhưng vận nước nổi trôi lại thêm một lần đổi chủ đã đưa đẩy chúng tôi tới một miền đất lạ: lạ cảnh, lạ người ...mà từ hơn ba mươi năm qua, lòng những trở trăn về một quê hương vào chiều tắt nắng ...những băn khoăn, khắc khoải ngày đêm về hình ảnh một quê hương còn mịt mờ tủi phận bên kia bờ đại dương cùng những đợi chờ một cuộc đời không còn những bóng đen...Hôm nay tôi trở về trong cái lặng lẽ giữa lòng biển mặn: vẫn sóng biển như ngày nào xô vào bờ đá, vẫn gió biển Đông nhẹ lướt qua những hàng dừa trên bãi cát mênh mông, nhưng tâm tư đã đổi thay trước những tuổi đời chắt chiu còn lại chồng chất lên một dĩ vãng xa xăm của đời mình...
Đời người đã biết bao lần trôi theo giòng lịch sử ...
  Trên Bãi Thùy-Vân

          Tôi đã có nhiều may mắn gắn bó với Vùng Biển Mặn - Vũng Tầu - trong những năm khói lửa ở Miền Nam, nay xin một lần được trở về thành phố thân yêu, được tâm sự với bạn về một Vùng Biển Xanh của quê hương miền Nam đã mang nhiều dấu ấn của một thời kiêu hãnh.
          Chuyến bay Eva từ Taipei thêm ba giờ uể oải đã an toàn đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất nơi mà thành phố có tới gần mười triệu người. Mặc dầu cư dân Saigon nói rằng thời tiết đã mát mẻ sau mùa mưa, nhưng đối với tôi, quả thực trời vẫn còn oi bức khủng khiếp. Từ sáng sớm tinh mơ đến lúc leo lên giường không một lúc nào là mồ hôi không đổ ra nhễ nhại.  Người dính nham nháp ...thật khó chịu ...
          Theo như chương trình đã định, sau khi về tới Saigon, chúng tôi sẽ phải tìm phương tiện ra Vũng Tầu để được hít thở một làn khí biển. Nếu cách đây hơn ba chục năm, phần đông người ta chỉ biết dùng đường bộ để ra Vũng Tầu thì đây là lần đầu tiên chúng tôi dùng Tầu Cao Tốc (High Speed Hydrofoil) mà nay người ta gọi là Tầu Cánh Ngầm, khá tiện nghi, phòng hành khách có máy điều hòa không khí với một trăm hai mươi ghế ngồi có số như trên máy bay.
          Tại bến Bạch Đằng, đã đậu sẵn hai tầu chở khách. Một cho tuyến SG-Cần Thơ và một cho tuyến SG-Vũng Tầu. Chúng tôi chưa có dự tính chương trình đi Cần Thơ dịp này, nhưng được biết tuyến Saigon-Cần Thơ, thời gian mất chừng 4 tiếng, mỗi ngày tầu chạy một chuyến, rời Sàigon lúc 7:30 sáng và trở lại Saigon lúc 4:40 chiều. Riêng tuyến Saigon-Vũng Tầu, do ba hãng chính Greenlines, VinaExpress và PetroExpress chạy, mỗi ngày có 6 chuyến khứ hồi, cứ đúng hai giờ lại có một chuyến rời bến bắt đầu từ 6:30 sáng và chuyến chót lúc 4:30 chiều, giá vé từ đầu năm 2010 một lượt là 200.000$ /người lớn và 100.000$ /trẻ em. Du khách Saigon có thể ăn lót dạ Bánh Cuốn Tây Hồ rồi nhẩn nha ra Vũng Tầu ăn hải sản nơi Quán Tre, quán Gành-Hào bãi trước, tắm biển và trở về quán Bà Cả Đọi Saigon ăn cơm chiều mà vẫn còn dư giả thì giờ để tối dẫn nhau đi nhẩy đầm hay nghe nhạc. Do đó, chúng tôi lựa đi chuyến thứ ba trong ngày cho thảnh thơi, vả lại chúng tôi cũng tính lưu lại Vũng Tầu ít bữa để có đủ thi giờ đi vãng cảnh nên chẳng có gì phải hấp tấp. Đúng 10 giờ 30, tầu rời bến Bạch Đằng trực chỉ một mach dọc theo sông Saigon ra Cấp.  Nhưng có một điều làm tôi ngạc nhiên không ít là vừa khi tầu rời bến được chừng năm phút thì bỗng dừng lại rồi chạy giật lùi; rồi khoảng năm phút sau, tầu lại cũng chạy thụt lùi và cứ thế cả thảy tới ba lần. Tôi chợt nhớ đến một người bạn nói với tôi bữa trước là anh ta đã một lần đi tầu này và bị neo giữa sông Saigon hơn một tiếng đồng hồ để tài công sửa máy. Tôi nhủ thầm, chắc chuyến đi bị trục trặc rồi. Tôi liền hỏi cô tiếp viên phải chăng máy tầu bị nóng nên phải chạy giật lùi để làm mát máy?. Cô tủm tỉm cười và vô tư trả lời là sở dĩ tầu chạy giật lùi là để nhả rác vì cánh quạt quấn phải rác và lục bình trôi lềnh bềnh trên sông. Hú hồn ! ...Với một tốc độ đều đều lướt trên mặt nước, tầu nhô ra cửa Biển Đông. Hòn Lớn rồi Hòn Nhỏ hiện ra trước mắt tôi. Vũng Tầu đây rồi ! Sau đúng một tiếng hai mươi phút, tầu cập vào bến đậu ngay trước khách sạn Hải Âu - Bến Đá.

          Vũng Tầu là một địa danh du lịch khá lớn với dân số khoảng trên hai trăm ngàn dân. Duới triều các Vua Nhà Nguyễn, Vũng Tầu có tên là Tam Thắng gồm ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Khi những người khai phá Bồ Đào Nha đầu tiên tới đây đã gọi Tam Thắng là Cap Saint Jacques. Sau này người Pháp đặt tên là Au Cap và người Việt chúng ta cũng thường quen gọi là Ô Cấp.
          Vũng Tầu có ba mặt giáp biển. Địa hình gồm hai núi Tương Kỳ (Núi Lớn) và Tao Phùng (Núi Nhỏ) ghép theo hình vòng cung tạo thành nơi trú ẩn rất an toàn cho tầu bè khi gặp gió bão nên tên Vũng Tầu được gọi cho tới ngày nay.
          Với một diện tích chừng 170 Km2 thuộc tỉnh Bà Rịa, Vũng Tầu cũng có nhiều danh lam thắng cảnh cho du khách thưởng ngoạn sau những giờ phơi mình trên bãi cát.
          Trước tiên phải kể tới Bạch Dinh - nơi mà ngày xưa chưa mấy ai được bước chân vào.
Bạch Dinh nằm trên triền Núi Lớn dọc theo bãi trước được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1910 mới hoàn thành và được làm nơi nghỉ mát của các quan Toàn Quyền. Bạch Dinh còn mang một dấu ấn lịch sử ít ai biết đến. Đó là nơi thực dân Pháp đã giam giữ Vua Thành Thái vào những năm 1909-1910. Sau này là nơi nghỉ mát của Vua Bảo Đại và các Tổng Thống nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Do đó Bạch Dinh còn có tên là Dinh Ông Thượng. Chúng tôi phải mua vé vào tham quan nơi đây, nay là Nhà Bảo Tàng trưng bày các cổ vật tìm được ở Hòn Cau - Côn Đảo. Vật trưng trông rất là sơ sài, không quyến rũ lắm. Ngoài ra cũng có vài phòng còn bày biện thêm giường ngủ đôi bằng gỗ, tủ để quần áo và bộ salon nói là của gia đình Vua Bảo Đại ngày xưa (?). Trông thật là hoang phế. Đại để lối trưng bày không được mát mắt cho lắm như khi vào Dinh Bảo Đại ở Dalat. Có lẽ, hôm đó là ngày thường nên ngoài chúng tôi ra, chẳng thấy một du khách nào khác ngoại trừ vài công nhân viên đang sửa soạn ăn trưa ở sau hè. Không người hướng dẫn cho du khách tham quan. Chúng tôi tự đi một mình, hết lầu dưới rồi lại lên lầu trên ...Phía sau sân cũng có vài quầy bán đồ lưu niệm mà tôi đoán là của nhân viên bày bán.
          Bạch Dinh vẫn sừng sững trông ra biển Đông như đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử từ hàng trăm năm nay.
          Kế đến là Thích Ca Phật Đài nằm về phía Đông của núi Tương Kỳ, đối diện với cù lao Bến Đình, cách trung tâm thành phố khoảng hơn hai cây số. Phật Đài được xây cất từ năm 1961 đến năm 1963 mới hoàn thành trong một khuôn viên trên triền núi rộng 6 ha. và là một trong những ngôi Chùa lớn nhất Vũng Tầu. Chánh điện có thờ Ngọc Xá Lợi. Ngoài ra bên cạnh còn có nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo như tượng Phật Nằm, Tòa Bảo Tháp và Bát Chánh Đạo. Người Phật tử khi đến Vũng Tầu chắc không thể không thăm viếng nơi thờ phượng Đức Thế Tôn. Bước qua cổng Tam Quan để vào khu chánh điện, du khách đã được thoảng nghe tiếng mõ tiếng chuông tụng niệm đều đều từ các am thất vọng xuống. Nhưng một phản ảnh rõ rệt được ghi nhận nơi đây là Phật Đài nằm đối diện với Cù Lao Bến Đình nên luôn luôn phảng phất một mùi tanh hôi từ bến cá đưa lên nhất là gặp khi thuận gió trong cái cô tịch của cửa Thiền.
          Trên đường Hoàng Hoa Thám dẫn từ bãi trước tới đường Thùy Vân bãi sau cũng còn có ngôi Linh Sơn Cổ Tự. Đây là ngôi Đạo Tràng cổ nhất Vũng Tầu có tượng Phật bằng đá, cao 1.2m rất tiện đường cho phật tử đến lễ bái. Cũng trên đường này còn có Lăng Cá Ông, Đình Thắng Tam và Miếu Bà Ngũ Hành là những nơi du khách thường tới tham quan và cúng bái.
          Đi xa xa một chút về phía bên phải Bạch Dinh có Chùa Quan Âm Bồ Tát, nơi đây có Tượng Phật Bà cao 16 mét hướng ra biển Đông. Du khách không khỏi thấy lòng lắng dịu, thanh thoát khi chiêm ngưỡng tượng hình từ bi của Ngài để sớm được quên đi những bon chen hối hả của sống cuồng nhiệt nơi thị thành.

          Nếu cứ tiếp tục đi dọc đường Hạ Long, du khách còn được viếng Niết Bàn Tịnh Xá, ở đây ngoài ngôi bảo tháp cao 21 mét gồm 42 bậc tượng trưng cho 42 trang Kinh Phật đầu tiên được nhập vào Việt Nam, còn có tượng Phật nằm chiều dài 12 mét.
          Còn một nơi nhang khói nữa là Miếu Hòn Bà ở bãi sau. Thắng cảnh là một cù lao nhỏ cách chân Núi Nhỏ khoảng vài trăm mét, trên đỉnh có một ngôi miếu nhỏ xây năm 1881 và được trùng tu lại năm 1971. Khi nước thủy triều rút xuống, khách thập phương có thể đi bộ ra ngoài thắp nhang chiêm bái. Nhưng khi nước thủy triều lên, phải đi ra miếu bằng thuyền. Tới đây người viết xin được mở một dấu ngoặc để kể sơ về một chuyện tình nơi Miếu Bà. Số là năm ấy, năm 71, 72 gì đó, khi tôi mới đáo nhậm nhiệm sở Vũng Tầu được ít lâu thì câu chuyện có người tự thiêu tại Miếu Hòn Bà giữa lúc thủy triều lên cao cũng được phát hiện vào thời điểm này mà anh tùy phái của Ty, một buổi sáng hớt hải vào gặp tôi, kể lại đầu đuôi sự tình. Ít ngày sau, tôi ra viếng Miếu Bà một lần. Đó là một phòng thờ rộng chừng 4mx5m được ông chủ nhà hàng Thần Phong bãi sau hồi đó đứng ra lo việc nhang đèn sớm tối mà huyền thoại nói đó là miếu thờ con gái Vua Thủy Tề. Trong điện thờ luôn luôn có sẵn một thùng dầu hôi để châm đèn dầu. Anh chàng thất tình chán đời ra đó lúc chập tối khi nước thủy triều xuống thấp rồi chờ cho đến khi nước lên thật cao thì lấy dầu hôi sẵn có trong Miếu thờ tẩm đầy mình rồi châm lửa tự thiêu ngay phiá ngoài cửa Miếu để lại một lá thư tuyệt mạng trách cứ người yêu phụ tình. Nhưng cũng may, đêm hôm ấy gió thổi ngang và anh ta tự thiêu ở phía ngoài cửa miếu nên Miếu không bị cháy lây. Khi ngọn lửa lên cao thì nước thủy triều cũng lên cao và khu vực ấy hoàn toàn không kiếm đâu ra một thứ phương tiện nào có thể ra Miếu vào ban đêm, mà dù cho ban ngày cũng chẳng kiếm đâu ra thuyền bè nào để chèo ra trừ khi nước cạn. Dân chúng bãi sau đổ ra xem nhưng chỉ đứng nhìn ngọn lửa vùn vụt ngoài xa, tay chắp, miệng lẩm bẩm van vái ...mà không biết là chuyện gì và cũng chẳng ai có thể làm gì được trong lúc đó. Sáng hôm sau, chánh quyền địa phương, vào thời Đại Tá VDT làm Thị Trưởng, ra tận nơi thì anh chàng thất tình chỉ còn là một xác cháy đen.

          Ngoài ra cũng xin được kể đến lịch sử ngọn Hải Đăng trên đỉnh cao nhất của núi Tao Phùng do người Pháp xây từ năm 1911. Tháp có đường kính 3 mét, cao 18 mét. Đèn pha Hải Đăng rọi xa được 35 hải lý để hướng dẫn tầu bè. Ngay dưới chân tháp còn có bốn khẩu đại bác trước kia được dùng để bảo vệ những nơi trọng yếu. Trèo lên Hải Đăng du khách có thể nhìn bao quát hết cả thành phố Vũng Tầu.
          Bây giờ xin mời bạn đọc lần lượt dạo qua các thắng cảnh của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam như nhà thờ Bến Đá, nhà thờ Sao Mai và Tượng Đài Đức Mẹ thuộc khu Núi Lớn. Ngoài ra còn có Nghinh Phong Đài cao 136 mét, nơi có tôn tượng Đức Chúa Kitô cao 31 mét được xây dựng từ năm 1972 nhưng mãi đến năm 1994 tượng mới thực sự hoàn thành với chiều dài cả hai cánh tay sải ngang của Ngài là 18.4 mét. Bên trong thân tượng có 133 bậc thang leo lên tận đỉnh và cũng từ đây du khách có thể quan sát toàn thể thành phố Biển, nhất là đường Hạ Long bãi trước uốn khúc tiếp nối với đường Thùy Vân bãi sau tạo cho bờ biển Vũng Tầu một vẻ đẹp độc đáo, có thể nói, nhất vùng Đông Nam Á.
          Người viết vừa đưa du khách dạo quanh vòng ngoài của thành phố Biển, nay xin mời qúi bạn trở về đường nét chính của một địa danh đã mang nhiều dấu ấn hàng trăm năm lịch sử ...

                                                                   
                                                           ...mời đọc tiếp Phần II ...