Biển
mặn...
Bút
Ký
Về
đâu thương những con đường
Lê
thê phố cũ nghe buồn hè xưa ...
(pct)
PHẠM
BÁ
Tôi
sinh ra từ một vùng biển mặn, bốn mùa đón gió biển Đông hòa nhịp cùng những âm
thanh rì rào của sóng, êm đềm như một điệp khúc tình yêu. Nhưng rồi một ngày, bỗng
cơn gió bụi từ đâu trút xuống quê hương tôi, đã khiến chúng tôi phải xuôi Nam
tìm miền đất hứa - Thành Phố Biển - nơi tôi sau này đã ước mơ chọn làm trạm dừng
chân cuối đời. Nhưng vận nước nổi trôi lại thêm một lần đổi chủ đã đưa đẩy chúng
tôi tới một miền đất lạ: lạ cảnh, lạ người ...mà từ hơn ba mươi năm qua, lòng
những trở trăn về một quê hương vào chiều tắt nắng ...những băn khoăn, khắc khoải
ngày đêm về hình ảnh một quê hương còn mịt mờ tủi phận bên kia bờ đại dương
cùng những đợi chờ một cuộc đời không còn những bóng đen...Hôm nay tôi trở về
trong cái lặng lẽ giữa lòng biển mặn: vẫn sóng biển như ngày nào xô vào bờ đá,
vẫn gió biển Đông nhẹ lướt qua những hàng dừa trên bãi cát mênh mông, nhưng tâm
tư đã đổi thay trước những tuổi đời chắt chiu còn lại chồng chất lên một dĩ
vãng xa xăm của đời mình...
Đời
người đã biết bao lần trôi theo giòng lịch sử ...
Trên Bãi Thùy-Vân |
Tôi đã có nhiều may mắn gắn bó với
Vùng Biển Mặn - Vũng Tầu - trong những năm khói lửa ở Miền Nam, nay xin một lần
được trở về thành phố thân yêu, được tâm sự với bạn về một Vùng Biển Xanh của
quê hương miền Nam đã mang nhiều dấu ấn của một thời kiêu hãnh.
Chuyến bay Eva từ Taipei thêm ba giờ uể
oải đã an toàn đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất nơi mà thành phố có tới gần mười
triệu người. Mặc dầu cư dân Saigon nói rằng thời tiết đã mát mẻ sau mùa mưa,
nhưng đối với tôi, quả thực trời vẫn còn oi bức khủng khiếp. Từ sáng sớm tinh
mơ đến lúc leo lên giường không một lúc nào là mồ hôi không đổ ra nhễ nhại. Người dính nham nháp ...thật khó chịu ...
Theo như chương trình đã định, sau khi
về tới Saigon, chúng tôi sẽ phải tìm phương tiện ra Vũng Tầu để được hít thở một
làn khí biển. Nếu cách đây hơn ba chục năm, phần đông người ta chỉ biết dùng đường
bộ để ra Vũng Tầu thì đây là lần đầu tiên chúng tôi dùng Tầu Cao Tốc (High
Speed Hydrofoil) mà nay người ta gọi là Tầu Cánh Ngầm, khá tiện nghi, phòng
hành khách có máy điều hòa không khí với một trăm hai mươi ghế ngồi có số như
trên máy bay.
Tại bến Bạch Đằng, đã đậu sẵn hai tầu
chở khách. Một cho tuyến SG-Cần Thơ và một cho tuyến SG-Vũng Tầu. Chúng tôi
chưa có dự tính chương trình đi Cần Thơ dịp này, nhưng được biết tuyến Saigon-Cần
Thơ, thời gian mất chừng 4 tiếng, mỗi ngày tầu chạy một chuyến, rời Sàigon lúc
7:30 sáng và trở lại Saigon lúc 4:40 chiều. Riêng tuyến Saigon-Vũng Tầu, do ba
hãng chính Greenlines, VinaExpress và PetroExpress chạy, mỗi ngày có 6 chuyến
khứ hồi, cứ đúng hai giờ lại có một chuyến rời bến bắt đầu từ 6:30 sáng và chuyến
chót lúc 4:30 chiều, giá vé từ đầu năm 2010 một lượt là 200.000$ /người lớn và
100.000$ /trẻ em. Du khách Saigon có thể ăn lót dạ Bánh Cuốn Tây Hồ rồi nhẩn
nha ra Vũng Tầu ăn hải sản nơi Quán Tre, quán Gành-Hào bãi trước, tắm biển và
trở về quán Bà Cả Đọi Saigon ăn cơm chiều mà vẫn còn dư giả thì giờ để tối dẫn
nhau đi nhẩy đầm hay nghe nhạc. Do đó, chúng tôi lựa đi chuyến thứ ba trong
ngày cho thảnh thơi, vả lại chúng tôi cũng tính lưu lại Vũng Tầu ít bữa để có đủ
thi giờ đi vãng cảnh nên chẳng có gì phải hấp tấp. Đúng 10 giờ 30, tầu rời bến
Bạch Đằng trực chỉ một mach dọc theo sông Saigon ra Cấp. Nhưng có một điều làm tôi ngạc nhiên không ít
là vừa khi tầu rời bến được chừng năm phút thì bỗng dừng lại rồi chạy giật lùi;
rồi khoảng năm phút sau, tầu lại cũng chạy thụt lùi và cứ thế cả thảy tới ba lần.
Tôi chợt nhớ đến một người bạn nói với tôi bữa trước là anh ta đã một lần đi tầu
này và bị neo giữa sông Saigon hơn một tiếng đồng hồ để tài công sửa máy. Tôi
nhủ thầm, chắc chuyến đi bị trục trặc rồi. Tôi liền hỏi cô tiếp viên phải chăng
máy tầu bị nóng nên phải chạy giật lùi để làm mát máy?. Cô tủm tỉm cười và vô
tư trả lời là sở dĩ tầu chạy giật lùi là để nhả rác vì cánh quạt quấn phải rác
và lục bình trôi lềnh bềnh trên sông. Hú hồn ! ...Với một tốc độ đều đều lướt
trên mặt nước, tầu nhô ra cửa Biển Đông. Hòn Lớn rồi Hòn Nhỏ hiện ra trước mắt
tôi. Vũng Tầu đây rồi ! Sau đúng một tiếng hai mươi phút, tầu cập vào bến đậu
ngay trước khách sạn Hải Âu - Bến Đá.
Vũng Tầu là một địa danh du lịch khá lớn
với dân số khoảng trên hai trăm ngàn dân. Duới triều các Vua Nhà Nguyễn, Vũng Tầu
có tên là Tam Thắng gồm ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Khi những
người khai phá Bồ Đào Nha đầu tiên tới đây đã gọi Tam Thắng là Cap Saint
Jacques. Sau này người Pháp đặt tên là Au Cap và người Việt chúng ta cũng thường
quen gọi là Ô Cấp.
Vũng Tầu có ba mặt giáp biển. Địa hình
gồm hai núi Tương Kỳ (Núi Lớn) và Tao Phùng (Núi Nhỏ) ghép theo hình vòng cung
tạo thành nơi trú ẩn rất an toàn cho tầu bè khi gặp gió bão nên tên Vũng Tầu được
gọi cho tới ngày nay.
Với một diện tích chừng 170 Km2 thuộc
tỉnh Bà Rịa, Vũng Tầu cũng có nhiều danh lam thắng cảnh cho du khách thưởng ngoạn
sau những giờ phơi mình trên bãi cát.
Trước
tiên phải kể tới Bạch Dinh - nơi mà ngày xưa chưa mấy ai được bước chân vào.
Bạch Dinh nằm
trên triền Núi Lớn dọc theo bãi trước được người Pháp xây dựng từ năm 1898 đến
năm 1910 mới hoàn thành và được làm nơi nghỉ mát của các quan Toàn Quyền. Bạch
Dinh còn mang một dấu ấn lịch sử ít ai biết đến. Đó là nơi thực dân Pháp đã
giam giữ Vua Thành Thái vào những năm 1909-1910. Sau này là nơi nghỉ mát của
Vua Bảo Đại và các Tổng Thống nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Do đó Bạch
Dinh còn có tên là Dinh Ông Thượng. Chúng tôi phải mua vé vào tham quan nơi
đây, nay là Nhà Bảo Tàng trưng bày các cổ vật tìm được ở Hòn Cau - Côn Đảo. Vật
trưng trông rất là sơ sài, không quyến rũ lắm. Ngoài ra cũng có vài phòng còn
bày biện thêm giường ngủ đôi bằng gỗ, tủ để quần áo và bộ salon nói là của gia
đình Vua Bảo Đại ngày xưa (?). Trông thật là hoang phế. Đại để lối trưng bày không
được mát mắt cho lắm như khi vào Dinh Bảo Đại ở Dalat. Có lẽ, hôm đó là ngày
thường nên ngoài chúng tôi ra, chẳng thấy một du khách nào khác ngoại trừ vài
công nhân viên đang sửa soạn ăn trưa ở sau hè. Không người hướng dẫn cho du
khách tham quan. Chúng tôi tự đi một mình, hết lầu dưới rồi lại lên lầu trên
...Phía sau sân cũng có vài quầy bán đồ lưu niệm mà tôi đoán là của nhân viên
bày bán.
Bạch Dinh vẫn sừng sững trông ra biển
Đông như đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử từ hàng trăm năm
nay.
Kế đến là Thích Ca Phật Đài nằm về
phía Đông của núi Tương Kỳ, đối diện với cù lao Bến Đình, cách trung tâm thành
phố khoảng hơn hai cây số. Phật Đài được xây cất từ năm 1961 đến năm 1963 mới
hoàn thành trong một khuôn viên trên triền núi rộng 6 ha. và là một trong những
ngôi Chùa lớn nhất Vũng Tầu. Chánh điện có thờ Ngọc Xá Lợi. Ngoài ra bên cạnh
còn có nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo như tượng Phật Nằm, Tòa
Bảo Tháp và Bát Chánh Đạo. Người Phật tử khi đến Vũng Tầu chắc không thể không
thăm viếng nơi thờ phượng Đức Thế Tôn. Bước qua cổng Tam Quan để vào khu chánh
điện, du khách đã được thoảng nghe tiếng mõ tiếng chuông tụng niệm đều đều từ
các am thất vọng xuống. Nhưng một phản ảnh rõ rệt được ghi nhận nơi đây là Phật
Đài nằm đối diện với Cù Lao Bến Đình nên luôn luôn phảng phất một mùi tanh hôi
từ bến cá đưa lên nhất là gặp khi thuận gió trong cái cô tịch của cửa Thiền.
Trên đường Hoàng Hoa Thám dẫn từ bãi
trước tới đường Thùy Vân bãi sau cũng còn có ngôi Linh Sơn Cổ Tự. Đây là ngôi Đạo
Tràng cổ nhất Vũng Tầu có tượng Phật bằng đá, cao 1.2m rất tiện đường cho phật
tử đến lễ bái. Cũng trên đường này còn có Lăng Cá Ông, Đình Thắng Tam và Miếu
Bà Ngũ Hành là những nơi du khách thường tới tham quan và cúng bái.
Đi xa xa một chút về phía bên phải Bạch
Dinh có Chùa Quan Âm Bồ Tát, nơi đây có Tượng Phật Bà cao 16 mét hướng ra biển
Đông. Du khách không khỏi thấy lòng lắng dịu, thanh thoát khi chiêm ngưỡng tượng
hình từ bi của Ngài để sớm được quên đi những bon chen hối hả của sống cuồng
nhiệt nơi thị thành.
Nếu cứ tiếp tục đi dọc đường Hạ Long,
du khách còn được viếng Niết Bàn Tịnh Xá, ở đây ngoài ngôi bảo tháp cao 21 mét
gồm 42 bậc tượng trưng cho 42 trang Kinh Phật đầu tiên được nhập vào Việt Nam,
còn có tượng Phật nằm chiều dài 12 mét.
Còn một nơi nhang khói nữa là Miếu Hòn
Bà ở bãi sau. Thắng cảnh là một cù lao nhỏ cách chân Núi Nhỏ khoảng vài trăm
mét, trên đỉnh có một ngôi miếu nhỏ xây năm 1881 và được trùng tu lại năm 1971.
Khi nước thủy triều rút xuống, khách thập phương có thể đi bộ ra ngoài thắp
nhang chiêm bái. Nhưng khi nước thủy triều lên, phải đi ra miếu bằng thuyền. Tới
đây người viết xin được mở một dấu ngoặc để kể sơ về một chuyện tình nơi Miếu
Bà. Số là năm ấy, năm 71, 72 gì đó, khi tôi mới đáo nhậm nhiệm sở Vũng Tầu được
ít lâu thì câu chuyện có người tự thiêu tại Miếu Hòn Bà giữa lúc thủy triều lên
cao cũng được phát hiện vào thời điểm này mà anh tùy phái của Ty, một buổi sáng
hớt hải vào gặp tôi, kể lại đầu đuôi sự tình. Ít ngày sau, tôi ra viếng Miếu Bà
một lần. Đó là một phòng thờ rộng chừng 4mx5m được ông chủ nhà hàng Thần Phong
bãi sau hồi đó đứng ra lo việc nhang đèn sớm tối mà huyền thoại nói đó là miếu
thờ con gái Vua Thủy Tề. Trong điện thờ luôn luôn có sẵn một thùng dầu hôi để
châm đèn dầu. Anh chàng thất tình chán đời ra đó lúc chập tối khi nước thủy triều
xuống thấp rồi chờ cho đến khi nước lên thật cao thì lấy dầu hôi sẵn có trong
Miếu thờ tẩm đầy mình rồi châm lửa tự thiêu ngay phiá ngoài cửa Miếu để lại một
lá thư tuyệt mạng trách cứ người yêu phụ tình. Nhưng cũng may, đêm hôm ấy gió
thổi ngang và anh ta tự thiêu ở phía ngoài cửa miếu nên Miếu không bị cháy lây.
Khi ngọn lửa lên cao thì nước thủy triều cũng lên cao và khu vực ấy hoàn toàn
không kiếm đâu ra một thứ phương tiện nào có thể ra Miếu vào ban đêm, mà dù cho
ban ngày cũng chẳng kiếm đâu ra thuyền bè nào để chèo ra trừ khi nước cạn. Dân
chúng bãi sau đổ ra xem nhưng chỉ đứng nhìn ngọn lửa vùn vụt ngoài xa, tay chắp,
miệng lẩm bẩm van vái ...mà không biết là chuyện gì và cũng chẳng ai có thể làm
gì được trong lúc đó. Sáng hôm sau, chánh quyền địa phương, vào thời Đại Tá VDT
làm Thị Trưởng, ra tận nơi thì anh chàng thất tình chỉ còn là một xác cháy đen.
Ngoài ra cũng xin được kể đến lịch sử
ngọn Hải Đăng trên đỉnh cao nhất của núi Tao Phùng do người Pháp xây từ năm
1911. Tháp có đường kính 3 mét, cao 18 mét. Đèn pha Hải Đăng rọi xa được 35 hải
lý để hướng dẫn tầu bè. Ngay dưới chân tháp còn có bốn khẩu đại bác trước kia
được dùng để bảo vệ những nơi trọng yếu. Trèo lên Hải Đăng du khách có thể nhìn
bao quát hết cả thành phố Vũng Tầu.
Bây giờ xin mời bạn đọc lần lượt dạo
qua các thắng cảnh của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam như nhà thờ Bến Đá,
nhà thờ Sao Mai và Tượng Đài Đức Mẹ thuộc khu Núi Lớn. Ngoài ra còn có Nghinh
Phong Đài cao 136 mét, nơi có tôn tượng Đức Chúa Kitô cao 31 mét được xây dựng
từ năm 1972 nhưng mãi đến năm 1994 tượng mới thực sự hoàn thành với chiều dài cả
hai cánh tay sải ngang của Ngài là 18.4 mét. Bên trong thân tượng có 133 bậc
thang leo lên tận đỉnh và cũng từ đây du khách có thể quan sát toàn thể thành
phố Biển, nhất là đường Hạ Long bãi trước uốn khúc tiếp nối với đường Thùy Vân
bãi sau tạo cho bờ biển Vũng Tầu một vẻ đẹp độc đáo, có thể nói, nhất vùng Đông
Nam Á.
Người viết vừa đưa du khách dạo quanh
vòng ngoài của thành phố Biển, nay xin mời qúi bạn trở về đường nét chính của một
địa danh đã mang nhiều dấu ấn hàng trăm năm lịch sử ...
...mời đọc tiếp Phần II ...
Hình như tôi đang được nghe một Hướng Dẫn Viên Du Lịch diễn trình trong chuyến tham quan danh lam thắng cảnh Vũng Tầu, phải thế không?
ReplyDelete...Lời văn thật nhẹ nhàng, trong sáng...đầy cảm xúc như muốn dừng lại ở tim người đọc về những hoài niệm ở một góc nhỏ đời tôi. Sáu-mươi-năm-trước đây, một cậu học trò bé nhỏ theo gia đình suôi Nam trong chuyến hải trình từ đất Bắc, 1954, đến Bà Rịa - Vũng Tầu để chờ được đưa vào Saigon. Gần Sáu-mươi-năm sau, 2011, tôi lại được hạnh ngộ với người bạn một thời cùng nhau đạp chiếc xe cọc cạch đến trường mỗi ngày, được cùng nhau trong một buổi chiều, đạp xe vòng quanh trên bờ cát bãi Thùy Vân. Có kỷ niệm nào trong đời còn đẹp hơn thế nữa ! Dù cho nay tóc đã đổi màu, nhưng chúng tôi đã có một thời gian, cho dù ngắn ngủi, được cùng nhau chia sẻ hơi thở một đoạn đường ...
Mong sẽ còn được đọc những dòng tâm tư sâu lắng sau này của tác giả ...dù ở cách xa nhau hơn nửa vòng trái đất."
LyDo
Saigon 201