Thursday, June 6, 2013

Khoảnh khắc bất chợt ...



Câu cá biển ...                                                                                                                                                                         .

       Mới đây một người bạn gửi tôi một chùm ảnh về “Con Người Việt Nam” của National Geographic trong đó có hình của Nhiếp Ảnh Gia Stevens Kovacs (Canada) chụp một người đi câu cá trong cảnh sương mù ban mai trên bãi biển Lăng Cô, Huế. Tấm hình này quả đã tạo nên một khoảnh khắc bất chợt xốc vào ký ức tôi.
H.1    


“Lúc này đang là tháng 1, biển rất vắng, tôi đi bộ dọc bờ biển gần như không có bóng người, bỗng một bóng mờ hiện ra từ đằng xa, tôi nhanh tay lấy máy ảnh ghi lại hình dáng một ông cụ đang câu cá.”

Lời Nhiếp Ảnh Gia Steven Kovacs  - Hồ Bích Ngọc dịch theo National Geographic

                                                                                                                                    
                                                                                     
                                                      H.2
 Số là cách đây vài năm khi chúng tôi về thăm gia đình ở Saigon, nhân một chuyến ra Vũng Tầu thăm lại nơi tôi đã làm việc ngày xưa, vào một buổi chiều, tôi lững thững đi dạo trên bãi biển Thùy Vân, đến gần một người đang đứng câu cá ngay sát bờ nước. Điều làm tôi ngạc nhiên không ít là từ trước đến giờ, tôi chưa thấy ai câu cá biển chỗ nước nông chưa đến đầu gối và lại ngay là nơi đợt sóng cuối cùng dập vào bờ cát. Tò mò tôi tiến lại gần ông, làm quen hỏi chuyện, "Bác câu cá gì đó". Ông ta đủng      đỉnh trả lời, “Câu… cá vàng…”                                                                                       
  Ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp, “Cá gì mà lại cắn câu sát mép bờ nước nơi đợt sóng cuối cùng đánh dồn dập vào bãi ? Ngay cả nơi người ta đứng tắm?”, “Ấy, ấy… giống cá hiếm này, tôi gọi là cá vàng, phải câu vậy, cậu ơi ! Rất khó câu. Phải có kinh nghiệm. Mắt thường chẳng ai trông thấy cá bơi dưới nước bao giờ vì là chỗ nước động do sóng biển cuộn vào.” Bỗng, ông nhẹ nhàng nhấc cần câu lên khỏi mặt nước, một chú cá bằng ngón tay trỏ, dính câu. Tôi vội bấm một pô khi chú cá còn đang giẫy giụa với lưỡi câu nơi tay ông.                   
                              H.3
      Được dịp, tôi tò mò hỏi thêm về cách câu giống cá này, ông nói là câu bằng mồi tép, một chùm 3, 4 lưỡi câu nhỏ. Thẩy dây câu xuống nước, kéo nhè nhẹ cần từ ngoài dần sát vào bãi, cá sẽ đưổi theo mồi. Giống cá này bơi sát đất nên sóng động bên trên ít ảnh hưởng đến nó. Người câu cứ tiếp tục tung cần ra, kéo dây câu vào gần. Khi mất mồi, vì cá ăn hay mồi rớt xuống cát, lại mắc mồi khác. Ông nói một phần là câu để giải trí và cũng là để kiếm đồ nhậu cuối ngày. Chừng chục con là đủ. Giống cá này chiên dòn nhậu rất ngon. Nhìn vào chiếc thùng nylon ông mang theo, thấy đã được ít con đang tung tăng bơi trong nước. Tôi hỏi, khi nào thì ông biết có cá mắc câu, trong khi sóng nước vẫn đợt nọ đợt kia đẩy dây câu vào bờ, ông cho biết là phải có kinh nghiệm vì khó có thể nhận biết chỗ   nào có cá, khi nào cá đớp mồi, vì lúc nào sóng cũng đẩy cần vào bờ và cùng lúc dây cũng được kéo nương theo đợt sóng.
      Tôi thấy phục ông quá !  
Như tấm hình #2 được chụp lúc ông đang đứng câu ngay chỗ nước nông hơn đầu gối người đứng tắm. Nhưng ít ra, lần này tôi cũng tò mò học hỏi được một thú câu cá biển trong chuyến về quê.


Cô gái người H'Mông                                                                            .
      Nhưng chưa hết đâu !                            
  H.4
 “Trong một buổi chiều mờ sương ở trung tâm Sapa, tôi bắt gặp một cô gái trẻ người H’mong với nụ cười hiền hậu đứng nói chuyện với một “chàng Tây”. Họ trò chuyện, cười đùa như rất hiểu nhau. Điều thú vị với tôi là cô gái có thể nói tiếng Anh, dù khá hạn chế nhưng cô rất biết cách thu hút sự chú ý. Những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa không thể giới hạn thiện cảm giữa người với người.”

Lời Nhiếp Ảnh Gia Noni Andriani  -  Hồ Bích Ngọc dịch theo National Geographic
   
 Cũng trong chuyến này, sau một tuần ngắn ngủi ở Thành Phố Biển Vũng Tầu, “đoàn chúng tôi ba người” lại rủ nhau đi Sapa, mà ngày xưa có  tên là Chapa - Thành Phố Mù Sương, nơi nghỉ mát miền núi của người Pháp. Lịch trình đưa chúng tôi vào thăm các bản Thượng miền Tây Bắc, dưới sự hướng dẫn của một cô gái người H’Mong (Mèo), mà nay ở VN người ta gọi là dân tộc ít người, tên là Sai. Cô ta người bé nhỏ, tuổi chừng mười tám đôi mươi, nhưng sau này hỏi ra mới biết, cô đã gần 40 với diện mạo khôn lanh, chất phác. Cô ta nói tiếng Việt khá thông thạo có đôi khi không bỏ dấu và đặc biệt là cô có thể nhẩn nha trả lời khách du lịch ngoại quốc bằng Anh Ngữ qua những mẩu đối thoại ngắn ngủi về hành trình ngày đi dã ngoại. Chính vì thế cô được chọn là hướng dần viên cho đoàn chúng tôi, có cả người Việt lẫn người nước ngoài. Thực ra có nhiều nguời hướng dẫn nhưng đặc biệt tấm hình do Nhiếp Ảnh Gia Noni Andriani chụp được (hình # 4 ) lại chính là cô Sai trong đoàn chúng tôi. Hình # 5 do tôi chụp trong chuyến đi với cô. Cũng có vài cô gái người Kinh lên Sapa làm nghề làm hướng dẫn viên nhưng lối trang phục của các cô là quần Jean, Top ngắn, nên ít được người ngoại quốc chiếu cố…
                                                   H.5
        Trong những câu chuyện trao đổi với du khách đang hổn hển leo đồi xuống núi, khi được hỏi về chuyện gia đình, cô Sai nói là đã có chồng và có một con còn bé. Khi cô đi làm như thế này thì chồng ở nhà trông con và lo chuyện cơm nước. Tiền thù lao công ty du lịch trả cho cô một ngày làm hướng dẫn viên là một trăm ngàn (khoảng $5us). Do đó sau mỗi ngày, chúng tôi đều boa riêng cho cô thêm một trăm. Dân bản Thượng quả là thật thà dễ mến !                       
Âu cũng là những hình ảnh bất chợt trùng hợp khó quên.                                                                            
     Tôi ghi được thêm một dấu ấn về chuyến đi !                                                                        

 Phạm Bá           .
 N. Potomac, MD    

1 comment:

  1. "Đọc những "khoảnh khắc bất chợt" của Phạm Bá, lại nhớ đến những khoảnh khắc xa xăm của đời mình. Hồi tường lại nhưng ngày ở nhà quê Miền Bắc, ra đầm làng câu cá rô bằng mồi giun, dùng nhánh tre nhánh trúc làm cần câu, lưỡi câu tự uốn bằng loại dây thép nhỏ, cứng, đập dẹp một đầu rồi vót ngạnh thật nhọn và mài cho sắc. Rồi... đến khi theo gia đình giong ruổi vào Nam,... quên hẳn thú đi câu ngày ấỵ... Nhưng nay tuổi già, mỗi khi nhớ lại, vác cần ra câu tại bờ sông Thanh Đa với cần câu hiện đại hơn.
    Đôi khi nhớ lại những ngày thăm bạn bè ở Mỹ, đi câu tai Khu Nhà Giầu ở Cali, cũng như theo tầu ra bỉển câu vào ban đêm . Nhưng chủ yếu cũng chỉ là xem người ta câu.
    Đáng nhớ nhất là buổi đi câu với người bạn, Anh ta đưa cần câu cho mình câu, nhưng câu hoài mà cá cứ lượn nhởn nhơ...lòng vòng không thèm đớp mồi. Nhưng khi Anh cầm cần câu, thả xuống, thì cá đớp ngay.
    Anh giải thích, nghề câu cũng lắm công phu, và phải biết cách tìm mồi của từng loại cá. Loại cá này phải nhử ở đằng đuôi cá, thì cá mới quay lại đớp mồi...
    Vâng, đọc "Khoảnh khắc ..." quả thực dĩ vãng đã "...bất chợt" hiện về trong tôi...
    Cám ơn tác gỉa"







    ReplyDelete