Tuesday, April 30, 2013

30-4...Năm ấy...



Chuyện Nghe Kể Lại                                                                                                                                                        

Một Ngày Tháng Tư...
 
                                                                                                         Ỷ Nguyên




       Tôi cùng gia đình đã may mắn thoát ra khỏi Saigòn vào ngày cuối tháng Tư năm 1975 trên chiếc tầu buôn khổng lồ đã từng cứu giúp đoàn người chạy loạn từ miền Trung vào Nam trước ngày mất nước.   Mới đây nhân đọc bài viết của nhà văn Tiểu Tử kể về những giai thoại của ngày di tản 1975, tôi lại liên tưởng tới một câu chuyện thực hi hữu mà tôi đã được nghe Uyên Lê, một người bạn thân quen của tôi đồng thời là nhân vật chính trong truyện, kể lại nên muốn chia sẻ cùng bạn đọc nhân ngày 30 tháng 4 tới đây.  Với ước nguyện của người kể, biết đâu bài viết ngắn ngủi này lại chẳng là nhịp cầu nối kết tình thân giữa người gia ơn và người thọ ơn qua một thời gian quá dài không mẩy may tìm ra dấu vết mà Uyên Lê vẫn còn khép kín tâm tư cho đến tận bây giờ.
       Ngày đó vợ chồng Uyên Lê và 4 người con đang sống hạnh phúc bên nhau trong căn nhà lý tưởng tại trung tâm thành phố Biên Hoà.  Chồng nàng, anh Bùi Chư, đang là Trung Uý Bộ Binh đóng ở căn cứ Biên Hòa. Còn Uyên Lê làm việc cho phái bộ Mỹ ngay tại Long Bình. Mỗi sáng anh Chư đưa vợ đi làm chiều về đón vợ.  Cuộc sống an vui của họ, những tưởng được kéo dài đến bất tận, nào ngờ, như một định mệnh đã an bài khiến Uyên Lê bỗng sớm trở thành goá phụ sau cái chết bất ngờ của anh Bùi Chư vào ngày 16 tháng 1 năm 1972 trên đường anh đi công tác ở Vùng 3 Chiến Thuật. Viên đạn oan nghiệt của đối phương đã vô tình ghim trúng ngực khiến anh gục ngã. Anh đã vĩnh viễn ra đi để lại người vợ trẻ đang tuổi thanh xuân cùng đàn con nhỏ dại. Lúc đó đứa con gái lớn nhất mới hơn 5 tuổi, đứa em kế 4 tuổi, thứ đến là bé trai 2 tuổi và cô út mới bốn tháng còn bú sữa mẹ.  Ba năm thiếu vắng bóng chồng, ba năm đơn độc bươn chải để lo cho cuộc sống. Lê thấy thời gian sao mà dài đằng đẵng!  Nàng cố vượt qua cảnh đời nghiệt ngã, thờ chồng và gắng gượng nuôi nấng các con.     
        Ngày ngày Lê vẫn tiếp tục làm việc cho phái bộ Mỹ tại Long Bình, sáng sáng, sau khi lo điểm tâm cho các con, để chúng ở nhà với bà ngoại, nàng ra bến đón xe lam tới sở làm.  Công việc văn phòng quen thuộc và bận rộn mà nàng đã làm từ năm 1967 tại Phòng Nhân Viên "Civilian Personnel Office (CPO)" thuộc Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự "Defense Attaché Office (DAO)" đến giờ, đã giúp nàng chóng khuây khoa.  Những tất bật với cuộc sống hàng ngày khiến nàng có cảm tưởng không còn chút thời gian riêng tư nào để nghĩ tới người chồng vắn số, cứ tưởng như anh đang đi công tác xa nhà.  Nhưng sau bữa cơm chiều, chăm sóc, dậy bảo các con học hành, và khi chúng đã lên giường ngủ, một mình lủi thủi dọn dẹp bếp nước đâu vào đó xong thì lại là lúc Lê cảm thấy ngậm ngùi...cô đơn trống vắng.
        Vào những ngày đầu tháng Tư năm 1975, khi tình hình đất nước như đang đi vào một khúc quanh lịch sử, hàng ngày đến sở, Lê thực hoang mang lo sợ với những lời xì xầm bàn ra tán vào của bạn bè là đi hay ở...  Rồi nhiều câu hỏi được đặt ra mà chẳng có câu trả lời... Nếu đi thì đi đâu, đi bằng cách nào, ai đưa mình đi, ai sẽ cưu mang mình v.v...  Ai nấy đều mịt mờ như cóc ngồi đáy giếng. Quanh nàng các bạn đồng nghiệp vắng mặt dần dần, thưa thớt hẳn đi.  Sáng nay còn gặp người này, người kia, hôm sau đã thấy mất hút.  Chẳng ai dám nói với ai một câu, cũng không một lời từ biệt, cứ lẳng lặng mà ra đi.  Những người còn lại không ai còn tâm trí đâu mà làm việc ngoại trừ lo xé bỏ các giấy tờ và huỷ bỏ các hồ sơ cẩn mật, vì biết chắc rằng sớm muộn gì quân đội và chính phủ Mỹ cũng rút khỏi Việt Nam.  Cho nên việc đến sở chỉ là để nghe ngóng tin tức xem sao. Những lời đồn vô căn cứ từ đâu đưa tới qua những câu vè mà Lê phải nghe mỗi lần có mặt tại sở đã làm nàng lo lắng không ít: "Đi lính cho ngụy thì tha, nhân viên sở Mỹ lột da đóng giầy".  Giả dụ nếu phải ở lại thì những người làm việc cho sở Mỹ như nàng chắc chắn sẽ không được yên thân.  Lê không muốn nghĩ đến những cảnh trả thù tra tấn của Cộng Sản mà họ hàng nhà nàng đã phải gánh chịu năm 1955 khi ở lại miền Bắc. Lý do nữa là gia đình Lê theo đạo Thiên Chúa, rồi thêm vào đó ông thân sinh cũng như cậu em trai đều là sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH tại miền Nam mà nàng lại là nhân viên sở Mỹ từ bao năm nay, tất sẽ bị quy cho tội làm CIA cho Mỹ có "nợ máu" với nhân dân, do đó bằng mọi giá là phải ra đi dù rằng trước mắt chưa biết sẽ đi đâu và đi bằng cách nào.  Ông xếp của Lê khuyên nàng nên sắp đặt để đưa gia đình đi theo phái đoàn cố vấn Mỹ ra khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt.  Lê thực bối rối không biết phải xử trí ra sao vì nàng không được phép đem theo cha mẹ hoặc anh em ngoại trừ 4 đứa con.  Còn phân vân hơn nữa là nàng vừa mới đoạn tang chồng vài tháng trước đó, không lẽ bây giờ bỏ anh ấy nằm một mình giữa đồng hoang hiu quạnh không người thăm viếng?  Rồi còn ông bố, đang bị kẹt ở Kon Tum, Ban Mê Thuột, mẹ và cả nhà trông tin ông từng ngày. Nhất định Lê không thể ra đi một mình được, nên cứ nấn ná không thể trả lời dứt khoát với ông xếp.
       Ở sở làm thì xôn xao như vậy mà về đến nhà thì các em lại bàn là nên đi vượt biên theo đường biển bằng tầu của Hải Quân mà em trai của Lê là Quốc Tuấn, Đại Uý An Ninh Hải Quân chắc chắn sẽ có cách nào đó để đưa cả gia đình đi cùng một lúc.  Lê bàn với cậu em là hãy nói dối với mẹ là gia đình sẽ đi ra Vũng Tầu lánh nạn pháo kích ít bữa để mẹ bớt lo, vì cụ chưa muốn đi lúc này, còn muốn đợi tin tức của cụ ông ở Ban Mê Thuột. Vậy là mọi người bắt đầu chuẩn bị đồ ăn thức uống, quần áo, phòng bị cho những bất trắc có thể xẩy đến cho cuộc hành trình gian nan này.
       Chiều hôm ấy, 29 tháng 4 năm 1975, một buổi chiều Thứ Ba bất thường, cả Saigon như đang sôi động về chuyện tìm đường thoát ra khỏi Việt Nam trước khi Cộng quân ập vào thành phố.  Theo sự xếp đặt mà Quốc Tuấn đã thông báo thì mọi người, gồm gia đình Lê, 5 người; mẹ nàng, 2 cậu em trai và 2 cô em gái, vợ chồng Tuấn, vợ chồng cô em gái với một đứa con nhỏ, thêm 2 người em trai bên chồng, tổng cộng là 17 người tất cả, phải chia ra từng nhóm nhỏ để tránh sự dòm ngó của lối xóm, và đều phải tập trung tại bến Bạch Đằng lúc 7 giờ chiều ngày hôm đó. Như dự định và sự đồng thuận của đại gia đình, Lê cùng 4 đứa con, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa bé nhất 3 và bà ngoại thuê xe lambretta tới điểm hẹn là bờ sông Saigòn, góc sát Hải Quân Công Xưởng, cuối đại lộ Cường Để và Bến Bạch Đằng.  Lúc đứng đợi ở bến tầu, Lê ngó quanh và kiểm điểm số người trong gia đình hiện diện và yên tâm là mọi người đều có mặt và quanh quẩn bên nhau. 
       Vào giờ đó, ngay nơi bến tầu, người ta ở đâu kéo đến đông thế, tay bồng tay bế, tay xách nách mang, gọi nhau ơi ới, xe hơi, xe Honda, xe đạp vứt bỏ ngổn ngang ở vỉa hè và trên bãi cỏ gần bờ sông. Người người chạy ngược chạy xuôi, đổ xô ra phía bờ sông nơi có chiếc cầu thang dẫn lên boong một chiếc  chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đang đậu sát bờ. 
       Trời về chiều, gíó từ sông Saigon thổi hắt lên khiến ai nấy đều cảm nhận được cái lạnh se se da thịt, nhất là mẹ của Lê, cụ vốn yếu đuối nên suýt xoa run cầm cập. Lúc đó đã hơn 7 giờ tối mà Tuấn không làm sao len được chân vào trong đám người vây kín ở xung quanh cây cầu đưa lên boong của chiếc Soái Hạm Hải Quân HQ #1 Trần Hưng Đạo.  Mấy chị em Lê hoang mang đứng đợi rải rác ở cầu tầu Bến Bạch Đằng, xa hẳn với chiếc chiến hạm.  Người nào người nấy đều không che dấu được nỗi hốt hoảng âu lo không biết Tuấn có lọt được lên tầu hay chưa? Tuy biết em nàng đang cố gắng hòan thành trách nhiệm, nhưng trong thâm tâm nàng vẫn lo sợ làm sao.  Giả thử cho dù Tuấn lên được tầu và gặp được cấp chỉ huy và họ đồng ý cho Tuấn đem gia đình lên, nhưng liệu Tuấn có dám đưa cả gia đình 17 người lên tầu giữa một rừng người đang chợ đợi ở chung quanh không?  Liệu mọi người có để yên cho gia đình nhà nàng lên tầu dễ dàng như thế không?  Nghĩ vậy, Lê thấy ruột gan cồn cào, phập phồng lo lắng. 
       Trời tối dần, màn đêm bắt đầu bao trùm cả khu vực.  Lê vẫn đứng tại chỗ để chứng kiến tận mắt cảnh chen lấn của thiên hạ leo lên boong tầu. Từ xa, trong bóng tối lờ mờ, Lê thấy người ta đang xô đẩy nhau để tràn lên tầu mà cầu thang lúc đó đang được bắt đầu kéo lên. Người ta gọi nhau ơi ới, chen lấn nhau, có người rớt xuống sông.  Cửa cầu thang phía trên tầu đã đóng lại, những người đứng phía dưới nơi bờ sông gọi nhau inh ỏi, la hét, gào thét.  Một cảnh tượng rối ren đến hãi hùng làm Lê không thể định thần nổi, trống ngực đập thình thình, nàng ôm ghì đứa con út vào lòng, một tay nắm lấy bờ vai mẹ, nước mắt giàn giụa và miệng lâm râm cầu nguyện Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.  Mọi người trong gia đình nàng vẫn đứng yên nơi bờ sông để đợi tin tức của Tuấn.  Chừng nửa giờ sau, Tuấn quay lại, mặt mày hớt hơ hớt hải, anh lắc đầu thất vọng và nói với mọi người:  "Nguy to rồi, không tài nào liên lạc được với bất cứ Sĩ Quan Hải Quân nào ở trên Soái Hạm vì không thể nào len chân lên tầu được."  Trong giây phút thập tử nhất sinh này, có thể Lê là người lo lắng nhất.  Nàng thì thầm khấn nguyện một mình: "Chúa ơi! chuyện gì sẽ xẩy ra nếu chúng con không thoát khỏi nơi này đêm nay?" 
        Lúc ấy là khoảng 9 giờ tối, mọi người đứng nhìn nhau lo lắng không biết phải xử trí ra sao. Ngó qua Tuấn, Lê thấy xót xa làm sao, mặc dầu không nhìn rõ mặt em nhưng nàng cũng cảm thấy như em nàng đang bối rối và lo lắng trong tuyệt vọng. Mới hôm qua đây, trông Tuấn thật trịnh trọng oai phong trong bộ quân phục sĩ quan Hải Quân mầu trắng lúc ghé nhà Lê để thông tin,  mà lúc này đây trong bộ thường phục, trông cậu ta thất sắc và tiều tuỵ đến thế. Nhìn sang chiếc chiến hạm khổng lồ của Hải Quân VN,  hình như tầu sửa soạn sắp rời bến, Lê lo sợ đến phát run, quay sang mẹ, nàng thấy thương mẹ vô cùng, cụ đang mân mê lần chuỗi tràng và lâm râm cầu nguyện. Trong cảnh tranh tối tranh sáng qua ánh đèn đường, Lê thoáng thấy mẹ nàng đang lập bập nói nhỏ với Tuấn: "Thôi chắc không đi thoát đâu con ơi, hãy nghỉ chân tại bến tầu này đợi cho đến sáng sẽ trở về nhà, chứ gìờ này cũng tối quá rồi".  Mọi người im lặng như đồng tình với cụ.  
       Trong giây phút tưởng như tuyệt vọng này, bỗng dưng xa xa nghe có tiếng tầu máy chạy sình sịch dưới sông và dần dần tiến sát vào bờ nơi gia đình Lê đang đứng chờ.  Tuấn mừng khôn tả vội đưa hai tay lên miệng làm ống loa la lớn: "Tuấn đây, Tuấn đây, có ai đó cho đi với". Thấp thoáng dưới canô, người sĩ quan Hải Quân duy nhất trên đó, có lẽ đã nhận ra dấu hiệu của Tuấn nên đã ép canô sát vào tận bờ.  Sau đó, vị sĩ quan này thả cầu thang cho mọi người bước lên. Tuấn ôm chầm lấy người bạn cùng đơn vị để tỏ lòng biết ơn và rủ anh  cùng đi, nhưng anh ta khước từ, nói là không thể đi được vì vợ con còn kẹt lại.  Thế rồi hai người ngậm ngùi từ biệt nhau. Tuy không điểm danh lúc đó nhưng Tuấn và Lê đinh ninh là mọi người trong gia đình đều có mặt trong Canô trước khi Tuấn lái canô vòng ra phía ngoài để tiến tới chiếc  HQ #1, đang đậu sát bờ.  Đứng trước tay lái, Tuấn vẫn còn run lẩy bẩy vì anh không thể nào ngờ rằng gia đình anh lại may mắn gặp được vị cứu tinh, một phép lạ mà người sĩ quan Hải Quân vừa rồi đã ban cho gia đình nhà anh.  Thực ra anh chưa từng gặp mặt, biết tên và cũng không hề có sự sắp đặt nào trước đó, vậy mà bỗng tự nhiên anh ta lái cano đến đúng chỗ gia đình Tuấn đang đợi ở bờ sông và trao lại chiếc cano này cho Tuấn.  Tuấn hít một hơi thật dài, thở ra thoải mái và thì thầm khấn nguyện ơn trên. Khi canô cập sát vào cửa phía sau của chiến hạm, Tuấn dặn mọi người hãy bình tĩnh ngồi im để anh lên mở cửa. - vì Tuấn là người tiếp nhận chiếc Soái Hạm HQ #1 này khi quân đội Hoa Kỳ trao tặng cho Hải Quân Việt Nam mấy tháng trước đây nên anh hầu như có đủ mọi chìa khóa của tầu và thông thạo các phòng, các ngõ ngách của chiến hạm này - Khi cánh cửa sau của chiến hạm HQ #1 mở ra, một luồng ánh sáng rọi thẳng xuống canô làm mọi người chóa mắt.  Một anh lính Hải Quân, mặc thường phục, đứng ngay nơi bên trong để tiếp giúp từng người leo lên tầu. Tuấn nói với anh lính đứng đó:  "Đây là tất cả mọi người trong gia đình tôi." Qua ánh sáng lờ mờ từ chiếc bóng đèn mầu vàng treo nơi vách tầu tỏa ra, Lê thấy vợ chồng Tuấn đưa mẹ lên trước, rồi lần lượt tới phiên mọi người và Lê lên sau cùng với đứa con gái út.  Khi mọi người đã thực sự vào trong hầm tầu, Tuấn trở ra thả cho chiếc canô tự do trôi bồng bềnh theo dòng nước và quay vào phía trong để lo đưa gia đình leo lên chiếc thang bện bằng giây thừng là phương tiện duy nhất đi lên boong tầu và các phòng phía trên.  Lê là người luôn luôn đi sau cùng để kiểm điểm từng người sợ nhỡ có thiếu ai.  Khi tất cả đã lên hết phía trên boong, nàng mới lần mò bước lên cầu thang, nàng nghĩ mình là người sau cùng lên boong tầu với cô con gái út bế bên nách.  Bỗng dưng nàng nghe anh lính đứng cạnh đầu cầu thang quát to và chỉ tay về phía người đàn ông trên tay ẵm một em bé đang đi sau lưng nàng: "Ông là ai ?",  ông ta bất thần trả lời:  "Tôi là chồng bà này..." trong khi một tay ông ta chỉ thẳng vào Lê.  Ngay lúc đó, tự nhiên Lê cảm thấy như có ai đó đang níu áo nàng lại, rồi bỗng nàng buột miệng nói không đắn đo, không suy nghĩ: "Ông xã tôi...!". Như để trả lời câu hỏi của anh lính. Thực bất ngờ, thực lạ kỳ không sao giải thích nổi là tại sao nàng đã thốt ra câu trả lời như thế. Trong cảnh nhốn nháo và tranh tối tranh sáng đó, Lê chẳng thể nào nhìn rõ mặt người đàn ông này để biết ông ta là ai, hình hài dáng vóc ra sao, nàng hoàn toàn mất chủ động và đầu óc hình như trống rỗng trong lúc hỗn độn đó.  Khi mọi người trong gia đình đã có mặt đầy đủ trên boong tầu, Lê mới hoàn hồn và chợt nhớ lại chuyện vừa xẩy ra và nàng đã kể lại cho mẹ nghe câu chuyện về người đàn ông lạ đó.  Cụ nói: "Tốt thôi con, giúp được người ta trong lúc này là một điều nên làm",  nhưng riêng Lê, đầu óc nàng cứ rối bời với sự kiện lạ lùng vừa xẩy đến cho nàng.  Nàng phân vân tự hỏi tại sao cả gia đinh nàng không ai nhận diện ra người đàn ông ấy trong hai lần di chuyển - lần đầu là khi bước xuống canô, và lần sau là khi lên tầu chiến. Chính Lê và Tuấn đã kiểm điểm kỹ càng số người trong gia đình mà.  Một ý nghĩ thoáng qua..., chắc hẳn người đàn ông đó phải có mặt ở trong canô từ trước, khi cano này còn đậu tại bến trong khu vực quân sự của Hải Quân Công Xưởng và ngồi khuất đâu đó trong canô nên không ai để ý tới.  Câu trả lời này giúp nàng định thần được phần nào mối hoang mang từ lúc trả lời anh lính ở trên tầu.  Nhưng nàng vẫn thắc mắc là tại sao anh lính đó lại hỏi đúng người đàn ông không thuộc vào gia đình nhà nàng, hay anh ta đã đếm đủ số người mà Tuấn đã cho biết lúc đầu, nên thấy dư người mới hỏi. Rồi Lê lại nghĩ tới chuyện người sĩ quan Hải Quân đưa cano cho em nàng.  Chuyện này mới thực là kỳ diệu, một phép lạ mà nàng chỉ biết thầm cám ơn bề trên chứ không tài nào lý giải được. Lê thở dài như cố xua đuổi những thắc mắc mãi ám ảnh tâm trí nàng ngay lúc bấy giờ.  
        Được biết, chiếc Soái Hạm Trần Hưng Đao HQ #1 này có thể chở khoảng 2 ngàn người nhưng tối hôm đó Lê có cảm tưởng như tầu còn chứa nhiều hơn thế nữa. Người ta ngồi chen chúc từ dưới hầm tầu cho đến đầy ắp trên boong, do đó dễ dầu gì mà tìm kiếm ra nhau trong lúc này, huống hồ người đàn ông mà Lê không thể hình dung ra được một mảy may dấu vết lại là một vấn đề quá mù mịt.  Hình như ông ta xuất hiện chớp nhoáng trong đời Lê như để nhận lãnh sự cứu mạng của nàng rồi mất dạng. Và rồi từ giây phút đó trở đi Lê cũng không hề thắc mắc hoặc nghĩ ngợi gì đến người đàn ông ấy nữa.
        Nhưng câu chuyện di tản chưa chấm dứt ở đây ... Khi chiếc Soái Hạm HQ #1 này chạy tới ngã tư sông Lòng Tảo, Xoài Rạp cách Saigon độ 30 hải lý thì bị mắc cạn không chạy thêm được nữa, mũi tầu chúi vào bờ, đèn báo nguy tiếp cứu chớp lia liạ.  Lúc này bà con trên tầu vẫn chưa ổn định được vị trí chỗ ngồi của mình, nên vẫn còn nhốn nháo, chẳng ai để ý những gì đang diễn tiến ở xung quanh, cứ nghĩ là đã lên được trên tầu rồi là yên thân.  Nhưng gia đình nhà Lê thì khác, nỗi lo sợ lại ập đến với mọi người khi Tuấn cho hay là tầu đang bị mắc cạn.  Ai nấy đều bàng hoàng tự hỏi...vìệc gì sẽ xẩy ra đêm nay nữa đây, nếu tầu không ra khỏi vùng nước cạn này và nếu Việt Cộng phát hiện thì tình cảnh của mọi người trên tầu chắc chắn sẽ bi đát không thể lường được.  Lúc bấy giờ đã là 12 giờ khuya, ngồi trên boong tầu, trên sông nước bao la mà sao Lệ cảm thấy như mồ hôi đầm đìa thân thể, nàng rùng mình sợ hãi. Lê chợt nghĩ và tự hỏi cái may mắn có thể đến hai lần một lúc chăng? Rồi nàng vội xua đuổi điều nghi hoặc này ngay và quây quần với mọi người trong gia đình cầu nguyện hầu cho quên đi những nỗi lo lắng trong giây phút kinh hoàng này. Ước chừng một giờ đồng hồ sau đó, từ xa xa một tầu Hải Quân đang ngược chiều tiến về phía tầu HQ #1.  Khi chiếc tầu này đến xát tầu HQ #1 và đậu song song với nhau, mọi người trên tầu la lên mừng rỡ. Máy phóng thanh từ phía tầu bên kia nói vọng sang xin bà con hãy bình tĩnh để họ tìm cách vận chuyển cho chiếc HQ #1 ra khỏi vùng nước cạn.  Một số người trên tầu HQ#1 qúa sợ hãi đã nhẩy sang tầu tiếp cứu là chiến hạm HQ #801 lúc đó do Đại Tá Hải Quân Bùi Cửu Viên trực tiếp lo phần vận chuyển soái hạm HQ #1.  Bất chấp lời kêu gọi và ngăn cản của ĐT Bùi Cửu Viên, bà con vẫn nhẩy qua tầu #801, có đến cả gần 100 người, có thể là do họ lo ngại chiếc HQ #1 sẽ bị mắc cạn ở đó mãi mãi. Sau gần một tiếng đồng hồ xoay sở, Soái Hạm HQ #1 đã được vận chuyển vượt ra khỏi vùng nước cạn và chạy theo sau chiến hạm HQ #801 ròng rã hai ngày hai đêm trên Biển Đông trước khi tới căn cứ Subic, Phi Luật Tân.  Từ đó tất cả đồng bào di tản trên Soái Hạm HQ #1 được chuyển sang hạm đội 7 của Hoa Kỳ (7th Fleet) chạy thẳng tới đảo Guam.
        Thời gian qua mau...thấm thoắt đã gần 40 năm định cư và thành đạt trên đất lạ quê người, Lê đã tìm được hạnh phúc mới và sinh thêm được môt bé gái, cháu đã ra đạì học và hiện đang làm việc tại thành phố New York.  Và bốn đứa con thơ dại ngày nào giờ cũng đã có bằng nọ cấp kia và có công ăn việc làm ổn định ở nhìều tiểu bang trên nước Mỹ.  Bây giờ Lê đã là bà nội bà ngoại trong một đại gia đình.  Quốc Tuấn, cậu Đại Uý Hải Quân của ngày di tản năm xưa giờ cũng đã tốt nghiệp Kỹ Sư ở California và đã có hai con, cũng như mấy người em trai em gái của nàng và cả hai cậu em trai chồng đều đã có chức phận trong xã hội Hoa Kỳ và có con có cháu đầy nhà.
        Giờ đây Lê đã về hưu tại thành phố sa mạc Albuquerque, tiểu bang New Mexico sau nhiều năm làm việc với cộng đồng người Việt tại đây qua các chương trình y tế, giáo dục và cuối cùng là hãng Bảo Hiểm Nhân Thọ (Live Insurance Company). Cuộc sống được đền bù và nhàn nhã bên người chồng hiền lành đạo đức. Nhưng đôi khi dĩ vãng chợt hiện về khiến Lê không thể không nhớ đến câu chuyện Ngày Di Tản năm xưa để rồi lại thấy lòng phân vân và tự hỏi không biết người đàn ông mà nàng nhận làm chồng trong một phút bất thần ấy bây giờ đời sống ra sao, có hạnh phúc và đón được vợ con đến bến bờ tự do hay không?  Duy có một điều làm Lê suy nghĩ mãi và không sao giải nghĩa cho riêng mình là sự gì, điều gì đã thúc đẩy nàng thốt ra lời nhận sằng, "ông xã tôi" với người đàn ông xa lạ kia. Rồi nàng mơ hồ tự hỏi hay là vong linh của anh Bùi Chư, chồng nàng đã hiển linh muốn cứu giúp người đàn ông đó để trả ơn  kiếp trước nên đã khiến nàng thốt ra lời nhận quàng nhận xiên để ông ta được chấp nhận lên tầu?  Cho tới bây giờ, hình ảnh huyễn hoặc của người đàn ông xa lạ trong bóng đêm hôm đó vẫn là một kỳ bí thực khó quên trong đời nàng. 
       Riêng người viết, sau khi được nghe kể lại câu chuyện hi hữu này, cũng rất ngạc nhiên và thắc mắc để đi đến một niềm tin về tiền kiếp của con người, đã khiến cho Lê đột nhiên giúp một người mà nàng không hề quen biết - một người đàn ông xa lạ mà bỗng dưng nàng gọi là chồng, người chồng chưa từng biết mặt!  Có thể cũng là do bản tính nhân hậu của Lê luôn luôn muốn giúp đỡ người khác nên trong tư tưởng của nàng đã có những chủng tử nhân ái mà bất chợt phát hiện ra bằng lời nói...

Ỷ NGUYÊN                      .                     
Md - April 30, 2013
(Báo KỶ NGUYÊN MỚI Tháng 4-2013)
                              


  

2 comments:

  1. Văn hay và rất cảm động. chưa chan tính nhân hậu của Mrs Lê cũng như của tác giả bài viết :
    Câu chuyện như là một phép lạ.
    Chuyển thêm comment của Mr.Trụ:
    Bà Yến đẹp lắm
    30-4-2013
    Đỗ Lý

    ReplyDelete
  2. Câu chuyện kể khá hay và lôi cuốn. Các chi tiết về đêm di tản khá chính xác, duy nhất một điểm sai là đoạn kể về HQ.801 tiếp cứu HQ.1 ra khỏi chỗ mắc cạn. Chỉ huy cuộc tiếp cứu là vị đương kim hạm trưởng HQ.801 Nguyễn Phú Bá hiện đang định cư tại Úc, chứ không phải Hải Quân Đại Tá Bùi Cửu Viên, ông ấy chỉ là người quá giang. Hạm Trưởng Bá đã cặp vào HQ.1, liên lạc cho hơn 500 người di chuyển sang HQ.801 để chiến hạm nhẹ bớt, hai chiến hạm chỉ còn một máy khiển dung cùng lùi ra, cùng với máy kéo neo sau lái. Sau 3 lần cố gắng, HQ.1 mới thoát ra khỏi chỗ mắc cạn. Tôi nghĩ tác giả bài viết nên trả lại công đạo cho vị chỉ huy chiến hạm đã có công cứu thoát 2000 người bị mắc cạn trên soái hạm HQ.1 trong đêm di tản 40 năm về trước.

    ReplyDelete