Wednesday, April 10, 2013

Tản mạn về RAU MUỐNG .

.                                                                                                                                                                                               

                                                                                 
   Anh đi anh nhớ quê nhà,
   Nhớ canh Rau Muống, nhớ cà dầm tương
                                                        (CD)

                                                                                                                                                            Phạm Bá



Là dân Mít, gốc "9 Nút", nên người viết thấy mình có đủ tư cách mạn đàm ba cái lăng nhăng về Rau Muống ở nơi đất khách quê người.
Hồi gia đình tôi mới tới định cư ở một tiểu bang mà nếu nói theo tiếng bình dân học vụ là tiểu bang Mọi Da Đỏ, tôi không thể quên được, có đến hai năm sau ngày đặt chân lên miền đất khỉ ho cò gáy này, gia đình tôi mới được một người bạn đi chơi Cali về làm quà cho “Một bó Rau Muống”.
Chính tôi dành làm công việc nhặt rau, chỉ dám vất đi những lá uá, không dám ngắt ngắn dù có cộng già ... Luộc ăn...thôi thì chồng húp, "vợ khen ngon". Vì chỉ có một bó, đâu có đủ cho cả nhà, tôi được bà xã nhường cho ăn. Nước luộc rau sau khi nêm chút muối cho đậm đà, đã được đánh dấm bằng hai cách: một tô vắt chanh, một tô đánh dấm bằng tỏi giã nhừ. Bữa cơm đặc biệt này tôi nhớ có cả tôm rang nhưng hồi đó tuyệt nhiên chưa có cà pháo.
Tô nước rau vắt chanh dành cho bà xã và tụi nhóc. Tô nước đánh dấm tỏi thuộc phần tôi. Tôi húp hết...Thiên đường thực sự là đây !!!
Đó là văn hóa ẩm thực rau muống ở giai đoạn đầu lập nghiệp.
Sau này người Việt ở đâu là trồng rau muống ở đó. Nhất là ở Bolsa Cali, có thể gọi đây là Vựa Rau Muống Toàn Cầu: rau tươi ngon rẻ không đâu bằng và được trồng bán thả giàn. Tôi nói thế là vì bang Mọi tôi ở, lúc đầu cũng được bán tự do, nhưng một vài năm sau, tòa thị chánh cấm bán vì nói rau trồng mất vệ sinh mà tiệm bán cũng chẳng cần thắc mắc mà cũng chẳng ai tìm hiểu đích thục là tại sao. Về vụ cấm bán này, người thì nói tiểu bang này cấm trồng, vì rau muống nổi lan nhanh làm cản trở đường nước chẩỵ khiến gây lụt lội (?). Người khác nói tiểu bang kia cấm vi chính phủ không cho trồng rau hình ống như rau muống… vì sâu, giun, ốc sên… nằm trong đó… Nên khi muốn ăn thì hễ có ai đi Cali hay Louisiana thì nhờ mua dùm cho ít bó. Cách giải quyết đơn giản chỉ có thế.
Do đó hàng năm, tôi thường đi Cali đôi ba lần thăm gia đình nội ngoại và bạn bè thì khi về tôi phải mua chừng hơn chục mớ (bó). Quấn mỗi mớ vào giấy báo ướt xếp gọn gàng trong va li. Thời gian di chuyển bằng máy bay mất khoảng 2 giờ, nên về đến nhà, rau vẫn còn xanh tươi nguyên. Người bán dặn, cứ để nguyên rau gói như thế, cất vào tủ lạnh. Rau không hề bị hư và ăn được đến mươi ngày sau ...Luộc, xào, rau chẻ ăn với bún riêu cua và bún thịt nướng phải có rau kinh giới…mới đúng vị. Nói đến ăn sống rau muống thì phải ăn rau chẻ mới thấy cái “tình tự quê hương”: dòn, đượm hương vị rau. Chắc nhiều người gốc thành phố Cảng còn nhớ, trước ngày theo tầu há mồm di cư vào Nam, ở góc phố đường Ngõ Nghè gần chợ Vườn Hoa Hải Phòng có bà thầy bói mù chuyên chẻ rau muống thuê lúc không có khách coi quẻ. Mặc dù khiếm thị nhưng bà thật khéo tay…Thoăn thoắt …Chẻ cộng nào cũng đều nhau, cuốn tròn như ổ con sâu trong lòng chậu nước …Sau này vào Saigon có rau muống bào, nói vô phép, dai nhách và nhạt, hình như không còn hương vị rau nữa... Có như vậy, chuyến đi Cali mới đầy đủ ý nghĩa của một lần về thăm Thủ Đô: Little Saigon ...Mà này, nếu một bó rau muống nấu canh, có thể đủ cho cả nhà chan húp, nhưng nếu đem xào thì chưa chắc đã đủ cho một người ăn. Lý do là rau muống xào ngót ghê gớm lắm.
Nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây …                                     
Tỉnh tôi ở, có một tiệm tạp hóa nho nhỏ do một ông bà người Phước Tỉnh làm chủ. Qua vài năm sau, bà có hạt giống rau muống do người nhà từ vùng biển Louisiana gửi sang. Bà ta trồng được rau bán, tạm đủ cung ứng cho nhu cầu cộng đồng nếu có ai đặt mua trước.
Rau muống của bà xanh non trông thật quyến rũ. Ngon dòn đáo để… Hầu như mỗi khi muốn ăn, tôi phải phone trước cho bà để dành cho vài bó. Nhưng…có một bữa, sau khi bà đi xem lễ Chủ Nhật về, bà gọi tôi xuống nhà lấy rau mới hái. Bước vào vườn sau, tôi sững sờ đến điếng người …Mùi phân bò, phân heo xông lên nồng nặc (quanh vườn là ba bức tường cao hơn đầu người, nên hàng xóm Mỹ không ai trông thấy và cũng không ngửi được mùi phân), khi bà đang dùng gáo té nước phân cho cả vườn rau vừa được hái xong. Tôi hỏi bà tưới nước gì thế, bà ta giải thích cho tôi cặn kẽ như hãnh diện không thèm che dấu kỹ thuật trồng tỉa của bà, là ông chồng bà phải lái xe xuống tận Belen, khu nông trại bản xứ vùng ngoại ô cách đô thành khoảng 10 dặm để xin phân bò, phân heo. Mang về, cứ nửa thùng phân, được quậy với nửa thùng nước. Bà ta lấy gáo chắt lấy nước bên trên, tưới hắt vào luống rau. Cạn, bà ta lại đổ thêm nước máy vào, quậy lên, rồi lại tiếp tục chắt lấy nước tưới.  Xong đợt tưới nước phân đó, bà ta mới dùng vòi sprinkler tưới nước cho toàn vườn. Bà nói như thế phân mới ngấm đều vào các gốc rau, nên rau của bà cộng nào cũng như cộng nào, xanh tươi ăn dòn hết chỗ chê…Tới đây chợt nhớ lại chuyện gia đình trồng rau ngày trước, chẳng ai qua mặt (?) tôi nổi về vụ trồng rau… Khi còn ở nhà quê Quảng Yên, nhà tôi cũng chuyên nghề trồng rau đưa sang Hải Phòng bán. Thời đó lấy đâu ra phân hóa học. Nhưng mẹ tôi chỉ cho dùng “nước tiểu pha loãng” (…gớm quá đi thôi !!!) tưới vào gốc rau …chứ không dùng phân chuồng hay phân bắc vì quá dơ bẩn. Vườn nhà ông nội tôi trồng cả rau muống trên ruộng khô và rau muống thả dưới ao. Nhưng không có dụ bắc cầu tiêu đi trên ao vì dân đồng áng nhà quê phải giữ phân bắc lại trong hố xí. Đôi khi đến mùa, thiếu phân bắc, phải ra ngoài tỉnh mua thêm và để dành bón cây thuốc lào. Thuốc lào, ưu tiên, được bón phân bắc, khói thuốc sẽ thơm và “say” như thuốc lào 888 Phú Nhuận … Khoai lang, khoai sọ ... lúa được rải phân chuồng. Trở lại chuyện rau muống, cũng kể từ ngày ấy, tôi không đám đặt mua rau muống của bà nữa. Và tôi cũng chẳng dám nói cho ai biết cái “kỹ thuật” trồng rau khiếp đảm của bà phần vì sợ đồng hương tẩy chay rau và tiệm tạp hóa của bà, phần sợ bị ăn chửi… Thôi đành ôm theo mình “trọn kiếp” cho đến ngày hôm nay mới dám thổ lộ.
Thế rồi, thời gian qua mau …Mấy chục năm sống đời lưu vong nơi đất khách, hình ảnh trồng rau muống của bà ở tiểu bang khỉ ho cò gáy ngày xưa cũng nhạt nhoà đi, mà hương vị rau muống như lúc nào cũng quanh quẩn bên mình như hương vị Phở Bò thôi thúc người ta vậy. Nhất là từ khi theo con cháu di chuyển qua Miền Đông, rau muống ở đây vẫn đắt hơn vàng. Nếu ở Cali một bó rau trung bình gía 80 cents (xu)/lbs, có lúc sale giá còn 59 xu, thì ở bên vùng tôi đang ở, gía lúc đầu mùa là $5 us/lbs, giữa mùa và sale còn là $3 us/lbs. So sánh như vậy chắc các bạn cũng phải lè lưỡi lắc đầu ....Nhưng thèm thì phải ăn vậy chứ biết nói gì bây giờ. Riêng tôi, mỗi lần đi chơi Cali cũng phải kéo về một vali rau như cảnh mấy chục năm trước đây. Bạn bè từ Cali qua chơi, làm quà cho nhau là rau muống ...Qúy đến thế đấy , các bạn ạ !!!

Cách đây hai năm, có người cho tôi biết, một bà gốc "Hà Lội mới”, mới đến định cư ở tiểu bang kế cạnh, tậu được một mảnh vuờn khá lớn. Chắc hẳn bà cũng là dân rành nghề vườn tược nên vấn đề trồng tiả đối với bà quá ư là lành nghề vì ở đây, nước và phân bón quá đầy đủ. Bà ta cải biến cả vườn cảnh thành ruộng trồng rau muống. Bà thuê di dân người Nam Mỹ trông coi, bỏ phân hóa học, tưới vườn theo hệ thống landscaping, và cắt rau ...Bà làm ăn rất khấm khá. Nhưng bà ta chảnh hết chỗ nói. Sự việc như thế này, một hôm người bạn tôi đưa tôi đến thăm vườn trồng tỉa của bà và nhân thể mua ít rau muống tươi về ăn. Thấy bà nói giọng "Hà Lội mới", tôi ngạc nhiên tự hỏi, tại sao bà ta có mặt ở đây với cơ ngơi như thế này sớm thế ...Nhưng rồi, tôi đi thẳng vào mấy câu xã giao thông thường: "Bác buôn bán ra sao ? Tôi là "đồng hương" với bác đây, có giá đặc biệt gì không ?". Bà ta lặng lẽ trả lời,"Đặc biệt giữa mùa cao điểm là $5 đồng/lbs. Bây giờ còn $3 đồng…” . Tôi hỏi, "Sao mà mắc vậy bác, ở Eden cũng chỉ bán có $3 đồng..." Bà ta vênh váo nói :"$ 3 đồng…mà kêu mắc à...có rau bán cho mà ăn là tốt rồi ..không thì đi ra tiệm...". Thế đấy, mình là đàn ông, đàn ang, không lẽ lại tranh cãi với bà ấy hay sao ?. Chợt nghĩ, bà ta có lẽ cũng họ hàng gì với chủ quán Bún Chửi hay Cháo Quát ở Hànoi, nên tôi thôi, không dám nối lời với bà ta nữa…Cuối cùng, thèm rau quá khi nghĩ đến bát nước rau đánh dấm tỏi, tôi cũng phải mua giá là $3 đồng/lbs do chính tay bà ta cân.  Và buồn cười hơn nữa là khi mua xong, tôi nói nửa đùa nửa thật là thêm cho một ít đi chứ, tôi từ xa đến mua tận gốc tận ngọn, không lẽ gíá đã chắc nịch lại không có thêm chút xíu lấy hên hay sao ... Bà ta không thèm nhìn lên, tay với thêm cho tôi đúng "một cộng"...
Chà ...hết ý ...

Mùa hè năm ngoái, chúng tôi về thăm mồ mả tổ tiên ở Bắc sau mới vào Nam, được nhìn thấy tận mắt những ao rau muống như mọi người đã thấy trên báo chí hàng ngày. Sự thật là thế …chúng tôi không dám đụng vào một cộng. Ngươì nhà thắc mắc là nghe nói người nước ngoài them ăn rau muống lắm, mà sao cô chú lại không ăn…Câu trả lời đơn giản của chúng tôi là mấy bữa trước ăn nhiều rồi …Đến ngay như khi ở Hanoi, bà nhà tôi mấy buổi sáng khoái ăn điểm tâm bằng Bánh Khúc Cà Cuống (xôi khúc), đến khi cô Manager khách sạn cho biết là lấy đâu ra rau khúc vào lúc này, rau khúc thơm ngon dù chỉ là thứ rau dại mọc ở bờ ruộng bờ đê, phải vào độ tháng 2 tháng 3 ta. Người bán thay mầu xanh của rau khúc bằng rau muống…bẩn, vợ tôi khựng lại liền …Chắc vì hình ảnh bè rau muống trên dòng sông Nhuệ, nước đen ngòm, ô nhiễm ở Kim Bảng, Hà Nam mà chúng tôi mới vừa đi qua tuần trước …Sợ muốn chết …nhưng cũng đã trót ăn rồi ….
Cuối cùng, có lẽ trời thương… mùa hè mấy năm gần đây, có hai bà trồng rau trong vườn nhà  đem đến cổng Chùa GH bán vào sáng Chủ Nhật hàng tuần. Giá cả cũng chẳng mềm hơn ở tiệm: một bó được đúng 10 cộng, gía $1 US, tức là 10 cents một cộng, nhưng được cái là rau xanh, non, sạch sẽ...không thấy một lá nào sâu… Tôi tin thế vì hết gìờ bán, bà ta cũng vào Chùa tụng kinh nghe giảng…Thôi …cứ nghĩ tốt cho người ta đi…

Viết dông dài cũng chỉ diễn tả được một góc cạnh nhỏ bé của văn hóa ẩm thực Miền Sông Hồng, những mong được gióng lên một tiếng chuông nơi đất lạ quê người:                       
                            Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
                             Dầu không thanh lịch cũng người Tràng An.
                                                                                      (CD)
Chao ôi ! …Có lẽ, Phở và Rau Muống-muôn-đời-vẫn-thế… Mà có lẽ như thế thật!…

Phạm Bá

5/2012
(Đã đăng trong KỶ NGUYÊN MỚI # 134 Jun 2012)

1 comment:

  1. LÁ THƯ PENNSYLVANIA - July 11, 2013
    của một độc giả "người gốc Tràng An" Hanoi .-
    Anh Trần Ngọc Trung

    Anh Luân thân,

    Nhớ năm ngoái tôi có được đọc bài "Tản Mạn về Rau Muống" của anh đăng trên Kỷ Nguyên Mới. Tiện có chút quà "nhà quê" cây nhà lá vườn gửi xuống anh chị để làm món "Rau Muống 7 Món" ! Rau
    muống này trồng cạn chứ không phải trồng theo lối "Hydroponics", nhưng theo đúng tiêu chuẩn "Organic" được bà con hải ngoại ưa chuộng hiện nay nên anh chị yên chí hợp vệ sinh (không giống như lời anh tả trong bài viết của anh đâu !). Có điều trong hơn hai tuần lễ qua bị heatwave khiến rau có thể bị ảnh hưởng, không được tươi non. Tuy vậy đây là vụ "thu hoạch" đầu mùa nên tôi vẫn gửi xuống anh chị dùng lấy thảo. Nếu anh chị ưa dùng món Rau Muống Xào Tỏi + nước mắm + chút mắm tôm (ăn kèm với rau kinh giới) thì chỉ dùng ngọn rau đã được luộc sơ cho mễm truớc khi đem xào, chứ không xào rau tươi ngay từ đầu kẻo khi ăn sẽ ...xái quai hàm ! Khi luộc rau, xin cho chút muối vào nồi nước và nhớ không đậy vung. Hồi sinh tiền, tôi thấy mẹ tôi dăn mấy bà chị tôi như thế.
    Sau khi dùng phần ngọn, phần còn lại bình thường là loại bỏ đi, nhưng tôi học được bí quyết của đầu bếp* lão thành Jacque Pépin (Chef Cook Toà Bạch Ốc người Pháp, phục vụ 3 đời Tổng Thống Nước Cờ Hoa) là phần lá già, và cuống rau đem cắt đoạn lối 2 lóng tay (= 2inches) có thể dùng để luộc lấy nước rau - hay luộc chung với cà chua (hoặc quả xấu xanh, ở ngoài Bắc mới có). Nước luộc rau này người miền Nam không dùng, nhưng dân Bắc Kỳ mình thì biến chế thành một loại canh, ăn cơm với rau muống luộc chấm nước mắm ngon dầm cà chua & ớt tươi, kèm với cà pháo cũng trôi cơm ra phết.
    Trong thời gian vận chuyển với thời tiết nóng bức này, rau gửi đi tôi không nhúng nước trước sợ bị nẫu. Khi nhân viên Bưu Điện giao hàng, nếu anh thấy lá hơi héo, xin anh ngâm cuống rau vào trong xô nước lạnh, có thể rau sẽ "hồi" trở lại (?). Việc này, tôi không dám qua mặt Cô Giáo Dạy Cắm Hoa đâu. Anh hỏi ý kiến chị Yến giùm tôi cho chắc ăn.
    Chúc anh chị những ngày cuối tuần vui vẻ.

    Thân mến
    TRUNG

    ________________________________________________
    * Các đầu bếp khi theo học ngành nghề này thường được huấn luyện là phải tận dụng tối đa các thực phẩm dùng để biến chế món ăn và chỉ loại bỏ những phần nào không thể biến chế để dùng lại được. Có như vậy khi ra kinh doanh trong ngành ẩm thực mới tạo được món ăn ngon, giá phải chăng cho khách hàng, mà người chủ vẫn có lợi tức vì có đông khách chiếu cố.

    ________________________________________________
    Tác giả phúc đáp:
    Xin đa tạ tấm chân tình của người bạn - độc giả phương xa, anh chị Trần Ngọc Trung.
    Phạm Bá - MD, July 14, 2013






















    ReplyDelete